A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người xây cây cầu nối hương sắc Việt

Phạm Khánh Nam, 27 tuổi, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Hương Việt, kiêm họa sĩ, đạo diễn, biên kịch, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức... Trong những vai trò này, cộng đồng người Việt tại CHLB Đức biết đến Khánh Nam nhiều hơn cả là người kết nối và quảng bá văn hoá Việt ra thế giới sau 5 năm Tạp chí Hương Việt ra đời.

 

 

Phạm Khánh Nam (bìa trái) và tác giả

Thân thiện và khiêm nhường, Phạm Khánh Nam chia sẻ về những năm tháng trải nghiệm, học tập và xây cây cầu nối đôi bờ văn hoá trên đất khách bằng âm giọng miền Trung trầm ấm. Khánh  Nam cho biết 20 năm sống và rèn luyện trong nền giáo dục phát triển của nước Đức với những đặc tính và quy chuẩn nhanh, gọn, chính xác, bài học mà anh đúc rút được đó là phải làm những gì mình thích và mình thực sự đam mê. Xa quê từ nhỏ, nhưng truyền thống và nề nếp gia đình cũng như tình yêu quê hương luôn thôi thúc Khánh Nam phải làm được một điều gì đó cho quê hương. Chính vì lẽ đó, khi mới 21 tuổi, Phạm Khánh Nam đã sáng lập ra Tạp chí Hương Việt với sứ mệnh là cầu nối đôi bờ văn hóa Việt - Đức.

Khi được hỏi về cảm hứng đặt tên cho “cây cầu” của mình, anh chia sẻ: Hương Việt là một cái tên đầy ngẫu hứng, bắt nguồn từ những đau đáu nhớ về quê hương của một người con xa xứ, thôi thúc lớp trẻ mang nét văn hóa, cuộc sống quê hương mình đến gần hơn với cộng đồng người Việt ở Đức, mang hương sắc của Việt Nam ra với thế giới. 

Cộng đồng người Việt ở Đức dù rất đông, nhưng lại phân tán, không tập trung. Vì vậy, Khánh Nam thành lập nên tạp chí này không chỉ mang ý nghĩa là cầu nối văn hoá giữa 2 quốc gia, mà còn để gắn kết cộng đồng người Việt ngay trong lòng nước Đức. Ưu điểm lớn nhất của Hương Việt là luôn cống hiến cho cộng đồng những món ăn tinh thần bổ ích thông qua những tin, bài chia sẻ về muôn mặt đời sống, văn hoá, xã hội… Việt - Đức.



Logo của Tạp chí Hương Việt do Phạm Khánh Nam tự thiết kế
 

Vốn theo học chuyên ngành đồ họa, Phạm Khánh Nam đã tự thiết kế cho “cây cầu” của mình một dấu ấn rất Việt. Biểu tượng của tạp chí là chữ Hương Việt được cách điệu hóa với hình ảnh cây tre bên dòng sông trăng, vẽ nên khung cảnh hữu tình của làng quê Việt Nam. Theo anh, tre không chỉ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sức sống quật cường của dân tộc, mà tre còn là hiện thân mộc mạc, dân dã của đời sống người Việt từ những đôi đũa tre trong mỗi bữa cơm gia đình… tre đi vào trong những câu truyện cổ tích thời thơ bé…

“Tre xanh

xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh

Thân gày guộc, lá mong manh

mà sao nên lũy nên thành tre ơi?

Ở đâu tre cũng xanh tươi

cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?…”

                                “Tre Việt Nam”  của nhà thơ Nguyễn Duy

Hình ảnh của cây tre trong văn hoá dân gian của người Việt còn thể hiện quy luật trường tồn của tạo hoá: "Tre già, măng mọc". Thế hệ người Việt đầu tiên sang sinh sống và làm việc tại Đức đến nay đã có những thế hệ con cháu thứ hai, thứ ba. Tuy nhiên, đối với những bạn nhỏ sinh ra và lớn lên trên đất khách, kỹ năng đọc hiểu báo tiếng Việt và tiếp thu văn hoá Việt là rất khó. Nắm bắt được tâm lý đó, Phạm Khánh Nam đã phát triển kênh Radio Hương Việt Online - một kênh phát thanh, giải trí để các bạn trẻ hiểu hơn về truyền thống, văn hoá của quê cha, đất tổ. Qua các chủ đề về văn hóa và những bài hát tiếng Việt được chọn lọc kỹ lưỡng từng chủ đề với chất nhạc tinh tế và ca từ chọn lọc, thính giả như được hòa mình trong một không gian văn hóa Việt, để say sưa và cảm nhận âm sắc ngôn ngữ Việt…

5 năm nhìn lại một nhịp cầu nối đôi bờ văn hoá - Tạp chí Hương Việt, tuy Khánh Nam không nói nhiều về những khó khăn của việc làm báo trên đất khách, nhưng những cống hiến trong lĩnh vực kết nối và quảng bá văn hoá Việt ra với bạn bè năm châu mà Khánh Nam cùng cộng sự đã và đang nỗ lực, cho chúng ta thêm tự hào về một thế hệ người Việt trẻ thành danh trên đất khách và không ngừng hướng về quê hương. Tin rằng, anh sẽ tiếp tục gặt hái thành công trong sự nghiệp nối những nhịp cầu văn hóa Việt ra thế giới.

Vân Khanh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu