A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Sống hết mình và không ngừng phấn đấu”

LTS: Mang trong mình dòng máu Việt Nam và sức mạnh truyền thống dân tộc, phụ nữ VN ở nước ngoài không chỉ đảm đang thu vén cho gia đình, mà còn không ngừng nỗ lực hội nhập, đóng góp xây dựng cộng đồng và hướng về quê hương. Nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Quê Hương xin giới thiệu một gương mặt phụ nữ như vậy, đó là chị Nguyễn Thị Ngọc – Chủ tịch Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam vùng Kansai.



Chị Ngọc (ngồi giữa) tại Lễ ra mắt Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản 


Nền nã và đằm thắm trong tà áo dài truyền thống, đó là hình ảnh mỗi khi tôi nhớ đến chị - người phụ nữ xa quê đã lâu nhưng vẫn giữ trong mình vẹn nguyên phong cách và giọng nói Nam bộ dịu dàng. Thế nhưng ẩn sâu trong con người ấy là sự mạnh mẽ và quyết tâm phấn đấu, để trở thành “trụ cột” trong các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản.

Năm 1983, rời đất nước khi mới vừa đôi mươi, cô gái Nguyễn Thị Ngọc khi ấy không có mục đích rõ ràng cho chuyến đi của mình, chỉ là ra đi để đến một vùng đất mới. Chuyến đi gian khổ và mạo hiểm đã đưa cô gái trẻ đến với đất nước mặt trời mọc, với hai bàn tay trắng và vốn liếng tiếng Nhật bằng 0. Chị Ngọc chia sẻ, tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam đã giúp chị khẳng định bản thân và đứng vững giữa một đất nước xa lạ.

Được đào tạo về ngành luật, chị từng có thời gian làm việc cho văn phòng luật sư, làm cho Ủy ban hành chính của thành phố rồi đi dạy thêm cho các trường, hỗ trợ các em học sinh Việt Nam không theo kịp các bạn Nhật. Hiện tại chị làm việc trong cơ quan hành chính của Chính quyền địa phương với công việc chính là giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam và người ngoại quốc trong thành phố. Chị Ngọc chia sẻ: “Tôi nghĩ sống ở đâu cũng phải cố gắng sống hết mình và học tập phấn đấu để hòa nhập. Tôi rất may mắn được đi học và đi làm việc để giúp mọi người.”

“Văn hóa hai nước có sự khác nhau, tập quán phong tục cũng khác nhau. Nhưng tôi may mắn gặp được những người tốt nên có cơ hội tiến thân, học hỏi. Người phụ nữ phải đảm đương công việc nhà, vì tôi yêu thương gia đình, con cái nên cũng tự học. Với người ngoại quốc nhiều khi cách sống khác nhau nhưng không phải là vấn đề lớn nếu mình biết cách nói chuyện”, mắt chị ánh lên khi hồi tưởng lại quãng thời gian đã qua.

Vượt qua những khác biệt về văn hóa và rào cản ngôn ngữ, hiện tại chị Ngọc là người phiên dịch và tư vấn tại Phòng Văn hoá Nhân quyền thuộc Toà thị chính Thành phố Ya-ô. Chị bảo, công việc này là điều may mắn cho riêng chị, nhưng cũng là một trong những thuận lợi mà các cộng đồng ngoại quốc nhận được từ chính quyền địa phương.



Chị Ngọc (bìa phải) trong buổi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp thân mật Đoàn đại biểu kiều bào về dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháng 10/2010

Với gần 1000 người định cư, cộng đồng người Việt là một trong 3 sắc dân đông nhất tại Ya-ô. Chính vì thế, Thành phố đã có những chính sách, chế độ đặc biệt dành cho những cư dân này, làm sao để những người ngoại quốc có được cuộc sống thuận lợi, hoà nhập tốt vào cộng đồng sở tại. Làm việc ở toà thị chính của Thành phố, chị Ngọc phụ trách công việc tiếp dân thuộc Ban Nhân quyền, trực tiếp dịch các văn bản liên quan và tư vấn, hướng dẫn cho những người Việt Nam khi cần đến Toà thị chính làm giấy tờ, thủ tục.

Chị Ngọc cho biết: “Nhật Bản rất quan tâm và có nhiều ưu đãi cho người Việt Nam sống tại Nhật. Đó cũng xuất phát từ mối quan hệ giữa hai chính phủ.” Người Việt Nam sống tại Nhật không những có cơ hội mang văn hóa Việt Nam đến với người dân bản xứ, mà trong các trường học hay các sinh hoạt địa phương cũng được giúp đỡ và được chế độ chính sách. Những em nhỏ khi sang Nhật trong độ tuổi đi học đều được bố trí người dạy kèm, ngoài ra các chế độ về phúc lợi hay những chế độ khác giúp người ngoại quốc sống hòa nhập vào nước sở tại.

Công việc và gia đình đã ổn định, chị Ngọc dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động vì cộng đồng. Ngay khi Hội người Việt Nam của Thành phố Ya-ô nơi chị ở được thành lập, chị đã làm thư ký cho tổ chức này, và sau đó khi Hội sáp nhập vào một tổ chức quy mô hơn là Hội người Việt Nam vùng Kansai thì chị giữ chức Phó Chủ tịch Hội. Song song với đó, chị là Ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Nhật. Và mới đây, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, chị Ngọc đã vận động thành lập Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản. Tuy mới ra đời nhưng Hội đã có nhiều hoạt động, đóng góp tích cực trong hoạt động chung của cộng đồng, đồng thời cũng là một kênh giới thiệu văn hóa Việt Nam tới người dân nước sở tại. Chị Ngọc rất vui vì những công việc của chị được nhiều người ủng hộ, đặc biệt là các bạn trẻ.

Chị bảo, với quan điểm tre già măng mọc, nên vài năm nữa chị sẽ rút lui để các em hoạt động vì tuổi trẻ là rường cột của nước nhà. Các em cũng rất ủng hộ chị, nên giờ thay vì phải đứng ra trực tiếp làm thì chị lui lại để các em chủ động, còn mình chỉ tư vấn phía sau.

Bền bỉ với những công việc đoàn thể, chị Ngọc vẫn đều đặn đưa những đoàn hữu nghị của Nhật đến Việt Nam để đóng góp từ thiện cho các vùng sâu vùng xa, thăm trẻ khuyết tật, thăm trẻ em dường phố… Những chuyến đi này giúp chị hiểu thêm về quê hương, để từ đó có thể truyền đạt tình yêu Việt Nam cho bạn bè Nhật và cả những người gốc Việt chưa có điều kiện trở về đất mẹ. Chị cũng đang học thêm cách nói chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể với mong muốn sau này sẽ về Việt Nam dạy ngôn ngữ đó cho các trường trẻ em khuyết tật… Chị chia sẻ, chính những công việc ấy đã giúp chị mỗi ngày gần hơn với quê hương./.

Sơn Anh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu