A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Al Hoàng muốn làm “cầu nối” cho những khác biệt

Bố mẹ người gốc Nghệ An, sau đó di cư vào nam và sinh Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng) ở Phan Rang. Rời khỏi đất nước qua Mỹ khi mới 13 tuổi vào năm 1975, lớn lên Al Hoàng trở thành một luật sư.



Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (phải) tặng ông Al Hoàng bức tượng Vua Hùng tại tư gia

Nếu như cứ yên phận với công việc của “thầy cãi” ở một đất nước tự do thì có lẽ Al Hoàng đã chẳng có cơ hội làm dày bảng “thành tích” chống Đảng cộng sản Việt Nam mạnh mẽ, cực đoan một thời. Nên nỗi ông từng có thời gian bị chính quyền Nhà nước Việt Nam bắt giam 15 tháng vì “tội âm mưu lật đổ chính quyền.”

Thế nhưng, “cơn bĩ cực” đã qua, từ nay quá khứ xin khép lại! Một trang sử mới đã mở ra với người con xa quê từng mang nặng tư tưởng “chống phá.” Giờ đây Al Hoàng đã “ngộ” ra và tự khoác lên mình trách nhiệm phải làm “cây cầu nối” cho những người đang còn khác biệt chính kiến với chính quyền Nhà nước để đôi bên có cơ hội “đối thoại” ôn hòa và cở mở.

Người con từng “chống đối”...

Theo lời mời của tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, với tư cách dân cử (ông đắc cử nghị viên Hội đồng thành phố Houston trong cuộc bầu cử cuối năm 2009), đoàn của Nghị viên Hoàng Duy Hùng đã đến Việt Nam.

Đây là chuyến đi tiền trạm cho cuộc thăm chính thức của Thị trưởng thành phố Houston, Tiểu bang Texas, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là bà Annise D.Parker trong thời gian tới, với ý nghĩa tăng cường hơn nữa quan hệ giữa thành phố Houston với Việt Nam và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa giữa thành phố Houston với thành phố Đà Nẵng.

Lần trở về này, việc đầu tiên ông Al Hoàng làm là đi thăm đền Hùng và vào viếng các vua Hùng với ý nghĩa về nhà chào tổ tiên. Vì với ông, đó là nơi sinh sôi ra nước Việt Nam, cái nôi của dòng giống bách Việt.

Gặp mặt, tôi không nghĩ người đàn ông đạo mạo đang ngồi đó lại từng là nhân vật cực đoan, phản động bị Bộ Công an theo dõi sát sao, từng vượt biên trái phép cùng vũ khí vào Việt Nam năm 2001 với ý định đánh sập hai tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bến cảng Nhà Rồng và Cần Thơ hơn chục năm trước. Cũng may thời điểm ấy ông Al Hoàng nghĩ tới hậu quả có thể gây thương vong cho chính đồng bào mình mà kịp dừng tay...

Theo ông Al Hoàng, dân chủ không có nghĩa là đa đảng, đa đảng chưa chắc đã dân chủ. Ở nhiều nước trên thế giới dù rất dân chủ nhưng không cần đa đảng.

“Tôi muốn dùng từ hợp nguyên cho bối cảnh Việt Nam hiện nay. Đó chính là tôn trọng sự khác biệt để có thể cùng tồn tại và phát triển. Nhìn bản đồ Việt Nam hình chữ S bạn có thể thấy đường bờ biển của chúng ta giống như trục Lưỡng nghi trong Kinh Dịch-Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái. Theo đó, những người Việt ở trong nước và ở nước ngoài như hai thái cực Âm-Dương, nếu hợp nguyên đúng thì có một thái cực đúng và dân tộc chúng ta mạnh, đủ sức chống lại mọi mưu đồ xâm lăng,” ông Al Hoàng nói.

Ông nghị viên người Mỹ gốc Việt nhìn nhận, chuyến trở về này “chứng tỏ Nhà nước chấp nhận sự khác biệt của tôi cũng như chấp nhận luôn cả sự tương đồng.”

Vậy vấn đề hòa hợp dân tộc và đại đoàn kết trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong bối cảnh hiện nay nên giải quyết thế nào?

Ông Al Hoàng chia sẻ, khi ông chủ xướng từ con đường bạo động, rồi giờ quyết tâm đi con đường ôn hòa thì đa số người Việt bên Hải ngoại đều ủng hộ. Chỉ có một số người quá khích chụp mũ nói ông là Việt gian, theo Cộng sản, thậm chí đặt bom trước cửa đe đọa “giết cả nhà” ông...

“Đây là một vấn đề tồn đọng lịch sử, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nó đòi hỏi sự kiên trì đồng lòng của nhiều người ở cả hai phía. Như tôi bây giờ nhận ra con đường đối thoại với nhau một cách ôn hòa là cách giải quyết hay nhất cho đất nước. Cũng may có những người như ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhìn ra con đường đó, bởi vậy tôi mới có chuyến trở về hôm nay. Tôi hy vọng các cụ bên tôi cũng sẽ có thay đổi như vậy và mong Nhà nước Việt Nam cũng sẽ có nhiều người có tư tưởng cởi mở hơn nữa,” ông Al Hoàng bày tỏ.

...Mang “nghiệp” yêu nước

Vị tiến sỹ, luật sư gốc Việt nói rằng ông có một cái tật mà như bạn bè nói là một ngày không nghĩ đến Việt Nam là ăn không ngon ngủ không yên.

“Tôi ở với bà xã thì bà xã cũng có một nỗi ghen. Cô ấy bảo là chắc anh yêu nước Việt Nam hơn là anh yêu em. Không hiểu tại sao nhưng cứ nghĩ đến Việt Nam là tôi lại thấy xúc động. Đó cũng là cái nghiệp của tôi,” ông Al Hoàng thừa nhận.

Hỏi Al Hoàng nghĩ gì về câu “lá rụng về cội” tại thời điểm này, ông cho biết: “Với tôi lá rụng không chỉ để về cội, mà phải nhìn thấy được rằng mình về cội để làm cho cội nguồn của mình được thêm huy hoàng hơn, phát triển hơn, không phải cho mình mà cho thế hệ con em của mình. Tôi muốn con tôi sau này về Việt Nam và nói ‘ô ba, con rất hãnh diện về ba.’”

Ông Al Hoàng có hai cô con gái và một cậu con trai. Ông kể, ngày trước có nhiều thời gian vẫn thường hay kể chuyện về Việt Nam cho các con nghe và chúng cũng hỏi ông đủ thứ chuyện về quê hương. “Và tôi nghĩ các con tôi sẽ thừa hưởng được ‘cái nghiệp’ của tôi,” người đàn ông sinh năm 1962 ấy nói.

Bảo như thế là ông sẽ gieo nghiệp đấy, ông Al Hoàng cười nói: “Cha ông mình xưa có nói ‘quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.’ Hồi xưa một người dân bình thường cũng phải có trách nhiệm với đất nước huống chi nay mình là người có ăn học mà không suy tư về trách nhiệm với đất nước thì thật là tồi. Và ‘cái nghiệp’ của tôi nằm ở chỗ đó.”

Hỏi ông nghĩ gì nếu làm “đại sứ hòa giải” thì ông bảo, trách nhiệm đó lớn lắm nên tôi không biết có làm nổi được không. Nhưng trước hết tôi nghĩ mỗi một người hãy tự làm đại sứ trong bối cảnh của mình.

“Hơn nữa, ‘đại sứ hòa giải’ cũng còn phải do ông trời định nữa kìa, chứ có phải muốn là được đâu. Tôi rất mong muốn nếu trời thương thì cho tôi trở thành một gạch nối cho hai thế hệ, hai quan điểm để kết nối những người Việt ở nước ngoài với trong nước. Giờ đây tâm nguyện duy nhất của tôi là giúp được đất nước Việt Nam phát triển. Tôi chỉ có một tội duy nhà là tội yêu nước! Tôi không sợ người đời chửi mình, vợ con chửi mình mà sợ nhất là không có lương tâm. Vì nó là thứ có thể giết chết bạn cả phần hồn và phần xác,” ông Al Hoàng bày tỏ.

Hội ngộ “viên ngọc quý”

Đã có nhiều lần gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn bên Mỹ, lần này về Việt Nam theo lời mời của Thứ trưởng và được Thứ trưởng đích thân mời về tư gia dùng cơm thân mật, ông Al Hoàng đánh giá, Thứ trưởng cho ông cảm giác đây là người cởi mở, chân thật và rất đặc biệt.

“Tôi cho rằng Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn là một viên ngọc quý của đất nước Việt Nam. Vì ông ấy dám nói dám làm và đặc biệt dám suy nghĩ những việc rất táo bạo. Trước đây chưa thấy ai dám mời Hoàng Duy Hùng về, vì Hoàng Duy Hùng từng nổi tiếng là người chống Nhà nước Việt Nam một cách rất cực đoan,” ông nghị viên dân cử người Mỹ gốc Việt nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đánh giá: “Ông Al Hoàng đã từng có thời kỳ có những hoạt động chống phá lại Nhà nước Việt Nam, tham gia tích cực một số cộng đồng nhỏ người Mỹ gốc Việt ở Hải ngoại đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Nhưng có lẽ giờ đây, khi thấy quan hệ Việt-Mỹ phát triển thì ông Al Hoàng phải thấy có trách nhiệm gắn kết, làm cầu nối giữa nhân dân Mỹ nói chung, giữa Houston nói riêng với Việt Nam và đoàn kết cộng đồng là trách nhiệm tất yếu. Bởi ông ấy có trách nhiệm của người ở một vị trí do dân địa phương bầu cử mà trong đó có lá phiếu của những người dân gốc Việt đã bầu cho ông vào Hội đồng thành phố.”

Hơn nữa, theo Thứ trưởng, tuy rằng là người Mỹ gốc Việt nhưng ông Al Hoàng vẫn có những suy nghĩ, vẫn có những mong muốn đấu tranh cho tư tưởng, cho suy nghĩ của một bộ phận nhỏ những người còn chưa hiểu hết đất nước Việt Nam.

Chính vì vậy lần trở về Việt Nam này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tin tưởng ông Al Hoàng sẽ tự cảm nhận được sự thay đổi của đất nước, tự cảm nhận vị thế của đất nước, của dân tộc chúng ta trong công cuộc hội nhập sâu rộng với thế giới hiện nay.

“Ông Al Hoàng sẽ tự thấy rằng chân lý không thể đảo ngược được, đó là đất nước Việt Nam giàu mạnh đang ngày càng đi lên, đang ngày càng phát triển. Tôi cho rằng, ông Al Hoàng sẽ xác định được vị trí của mình trong bối cảnh hiện nay mà ông Al Hoàng đang làm việc. Với vị thế của đất nước chúng ta, với vị trí đang làm việc của ông Al Hoàng, tôi nghĩ rằng ông Al Hoàng chắc chắn sẽ bị thuyết phục bởi tình cảm nhân dân trong nước dành cho ông ấy. Và sự đi lên, sự đổi mới với những thành quả rõ nét mà chúng ta đang ngày càng chứng minh được một cách hùng hồn cho bạn bè thế giới thấy được đất nước Việt Nam đang vươn lên và đang trỗi dậy thành một quốc gia có uy tín trong ASEAN và trên trường quốc tế,” Thứ trưởng khẳng định.

Vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao “rất đặc biệt” đối với nghị viên Al Hoàng nhấn mạnh: “Ông Al Hoàng, con đường duy nhất chắc chắn là sẽ cùng với bà con cô bác chúng ta bên ngoài đoàn kết, hướng về quê hương để xây dựng đất nước giàu mạnh”./.

 (Theo TTXVN)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu