A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người gieo chữ và mầm văn hóa Việt ở nước ngoài

Không lương, không chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm và không giáo trình – đó là xuất phát điểm của nhiều giáo viên dạy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN hiện nay. Nhưng ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc dạy ngôn ngữ và giữ gìn bản sắc văn hóa cho con em, nhiều người vẫn tình nguyện đứng ra đảm trách công việc này.

Các thầy cô giáo kiều bào (tham dự Khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt
cho giáo viên NVNONN) đi thăm Sapa

Đa số những giáo viên mà tôi tiếp xúc trong dịp các thầy cô về tham dự Khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN (do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức từ 24/9-24/10/2013) là giáo viên tình nguyện. Lớp học của họ có thể còn nhỏ, thành quả của họ có thể chưa nhiều, nhưng với tâm huyết và tấm lòng của mình, họ đang ngày đêm âm thầm làm công việc gieo chữ và mầm văn hóa Việt ở nước ngoài.

Tâm huyết với việc truyền bá ngôn ngữ và giá trị văn hóa Việt

Xuất phát từ mong muốn giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Việt cho con của mình, sau đó khi đi sinh hoạt cộng đồng, nhận thấy mối quan tâm và lo lắng của các bậc phụ huynh trước việc con cái ngày một xa lánh cha mẹ, xa lạ với văn hóa gốc gác tổ tiên… do không nói được tiếng Việt, cô Nguyễn Thị Hường (CH Séc) đã tình nguyện đến với việc giảng dạy tiếng Việt ở Trung tâm Giáo dục Thanh Thủy, tỉnh Ostrava, CH Séc từ 3 năm nay. Trung tâm này hiện có trên 30 học sinh chia làm 3 lớp do 3 giáo viên đảm trách.

Công việc giảng dạy cho các em nhỏ không đơn giản, vì cô xuất thân là công nhân, giáo trình không có, học trò thì quen sống trong môi trường tự do, chưa nhận thức được vấn đề mà bị cha mẹ ép đi học, nhưng với quyết tâm của mình, cô liên hệ xin giáo trình từ trong nước và dựa vào đó để soạn bài giảng cho các em. Cô chia sẻ chân thành, “Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm hay nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải đầu tư thời gian cho việc dạy, phải có tâm huyết. Tôi luôn lồng việc giảng về văn hóa VN qua dạy tiếng Việt. Văn hóa phải được đưa vào ngay từ đầu, nó nằm trong từng chủ đề của bài giảng, nhưng đưa vào như thế nào để các em tiếp thu được hiệu quả là vai trò của người dạy”. Học mà chơi - chơi mà học, cô dạy các em học tiếng Việt qua các trò chơi và cùng học với các em như một người bạn, có lúc còn động viên các em “dạy lại” cho mình. Nhờ đó, có em từ chỗ sợ hãi học đã dần dần hòa đồng với các bạn và vui vẻ hơn khi được đến lớp. Những thành quả nho nhỏ đó như nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô gắn bó với công việc này.

Thầy Trần Duy Mão (Thái Lan) đến với việc giảng dạy tiếng Việt từ năm mới 18 tuổi. Được vài năm, do những phức tạp về mặt chính trị, đến năm 1976, thầy thôi không dạy nữa. 2 năm trở lại đây, trước nhu cầu của cộng đồng, thầy quay lại dạy tình nguyện. Lớp học của thầy là lớp miễn phí với trên 30 học viên thuộc mọi đối tượng, một tuần chỉ học 1 buổi 180 phút vào ngày Chủ nhật. Không có giáo trình, thầy Mão phải xin sách giáo khoa dạy cho trẻ em trong nước từ Đại sứ quán và biên tập rút gọn lại cho phù hợp. Thầy kể: “Rút cả quyển lại chỉ còn 4-5 tờ, sau đó đưa những chủ đề thiết thực vào trong từng bài giảng. Học gọn gàng, không dạy liên miên như dạy cho trẻ em vỡ lòng trong nước nếu không họ sẽ chán và bỏ”. Với cách dạy riêng, ở lớp của thầy, chỉ sau 3 tháng đã xong tiếng Việt cơ sở, học viên có thể nói, đọc được tiếng Việt cơ bản. Cứ thế, lớp học của thầy được duy trì và thu hút ngày càng đông người đến học.

Giáo viên kiều bào đi thăm bản Dao Đỏ (Sapa). Những chuyến thăm thực tế như thế này
là dịp để các thầy cô thu thập tư liệu, hình ảnh để đưa vào bài giảng cho học viên 

Không chỉ bó hẹp trong cộng đồng NVNONN, kiều bào còn truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế, để họ hiểu và không bỡ ngỡ khi đến làm việc tại Việt Nam.

Sang Đức từ năm 1989 để học tiến sĩ kinh tế, năm 1994, một dịp tình cờ đã đưa cô Phạm Thị Bích Hạnh đến với công việc giảng dạy tiếng Việt. Bắt đầu bằng việc trợ giảng cho một giáo viên dạy tiếng Việt, cô Hạnh dần học hỏi và tự hoàn thiện kiến thức và phương pháp giảng dạy. Từ đó đến nay, năm nào cô cũng tham gia dạy những khóa tiếng Việt kéo dài liên tục 3 tháng. Học viên của cô ban đầu là những người Đức đã tốt nghiệp đại học trở lên và dự định sang VN làm việc tại các công ty hoặc ngân hàng của Đức ở VN, sau đó mở rộng ra người Việt (người gốc Việt, con lai, con em ta sinh ra và lớn lên ở Đức).

Cô Hạnh chia sẻ, “Dạy Tiếng Việt tuy là nghề tay trái, không mang lại nhiều thu nhập, nhưng mang lại cho tôi nhiều niềm vui hơn nghề chính là nghề phiên dịch. Đi dạy mình tự hào là cô giáo, được học trò yêu quý. Quan trọng hơn, tôi nhận thấy ý nghĩa công việc của mình khi có thêm một người biết tiếng Việt, từ đó hiểu, yêu mến và đến với văn hóa VN”.

Hiện tại, cô Hạnh còn tham gia nhóm hỗ trợ tiến sĩ Nguyễn Phú Hiền – ĐSQ VN ở Đức – khởi động lại phong trào học tiếng Việt. Công việc chính của nhóm là tuyên truyền với các hội đoàn, các trường phổ thông của Đức có đông học sinh VN, làm thế nào để tạo ra phong trào học tiếng Việt rộng rãi, tiến tới đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo bang Berlin công nhận tiếng Việt như một ngoại ngữ để giảng dạy chính thức trong nhà trường.

Có “thâm niên” hơn cô Hạnh, cô Ngô Đình Uy (Đài Loan) đã làm công việc này được trên 20 năm. Cô Uy bắt đầu dạy tiếng Việt từ năm 1990 tại nhà cho các nhà đầu tư Đài Loan muốn sang VN làm ăn. Sau đó cô dạy tiếng Việt tại Trung tâm giáo dục ngôn ngữ của Đoàn phục vụ thanh niên toàn quốc, rồi Bộ Ngoại giao và Học viện giáo dục thường xuyên của ĐH Sư phạm Đài Loan. Nhờ công việc của mình, cô Uy đã nhiều lần “gỡ rối” cho các nhà đầu tư Đài Loan khi xảy ra hiểu lầm do xung đột về văn hóa khi sang làm ăn ở VN. Cô Uy kể, “Có lần, trên lớp học viên nói với tôi: “Trước tôi không biết VN, học cô rồi bây giờ tôi thấy thích VN lắm!” Họ đi làm ăn, rồi đi du lịch VN, chụp rất nhiều ảnh về đất nước-con người VN và khoe với cả lớp… Những thành quả đạt được khiến tôi rất vui và càng thêm gắn bó với việc giảng dạy tiếng Việt”. Hiện tại, bên cạnh việc dạy tiếng Việt, cô tham gia một Hội từ thiện giúp tháo gỡ những vướng mắc và giúp các cô dâu VN hòa nhập cuộc sống ở Đài Loan.

Cần nhiều hơn nữa sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước cho việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài

Ngôn ngữ là chìa khóa, là phương tiện giúp người ta đến với một nền văn hóa. Còn đối với NVNONN, học tiếng Việt là để giữ nền văn hóa, giữ bản sắc và cái riêng của mình, mạch nguồn đó giúp người ta nuôi dưỡng bản lĩnh và sự tự tin để hội nhập và phát triển ở nước sở tại. Dạy và học tiếng Việt, do đó, từ lâu đã là nhu cầu của các cộng đồng NVNONN. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau, việc dạy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN còn tự phát, manh mún, hầu hết phải tự mày mò, gom góp mở trường, lớp, tìm người dạy, việc tổ chức các lớp học tiếng Việt chưa tương xứng với nhu cầu và số lượng kiều bào, là thách thức lớn đối với tương lai của cộng đồng. Để việc dạy và học tiếng Việt của kiều bào thực sự có hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất vẫn thuộc về gia đình và bản thân người học, nhưng về lâu dài Nhà nước ta cần phải có một chiến lược tổng thể, toàn diện, trong đó sự chung tay góp sức của cả cộng đồng NVNONN là vô cùng quan trọng.

Về tham dự Khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt lần này, các giáo viên đều mang theo tâm nguyện và những kiến nghị của cộng đồng người Việt ở nơi sinh sống tới Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cô Hạnh (Đức) tha thiết: Chúng tôi rất cần sự trợ giúp của Nhà nước về cả cơ sở vật chất, giáo viên và giáo trình. Cơ sở giảng dạy tiếng Việt bên đó nhiều nơi hiện rất tồi tàn, thiếu thốn, mất vệ sinh… không đạt tiêu chuẩn. Giáo viên tiếng Việt ở Đức hiện còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chủ yếu là tay ngang, dạy tình nguyện là chính, thù lao – nếu có – cũng chỉ đủ cho cô copy màu, rồi mua bánh trái hoa quả dỗ các cháu. Về giáo trình, giáo viên phải tự soạn lấy, không có tiêu chuẩn nào cả, ai thích dạy thế nào thì dạy. Nhiều nơi, giáo viên dạy 3 năm (tuần 1 buổi) mà không hết abc, các cháu không đọc viết được. Mong rằng Nhà nước mình quan tâm hơn, có kinh phí cấp cho các cơ sở này để vực lại phong trào, rồi giúp về giáo trình và đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Nguyện vọng của cộng đồng người Việt ở Đức gửi gắm qua cô Hạnh, cũng là nguyện vọng của kiều bào ở nhiều nước trên thế giới.

 TS Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN - thăm trường
Nguyễn Du. Đây là trường rất có uy tín ở Vientiane,
trường hiện có 1800 học sinh từ mẫu giáo đến hết cấp 3

Cô Đinh Thị Phương Loan - Hiệu phó trường Nguyễn Du, Vientiane - cho biết ở Nguyễn Du, tiếng Việt được giảng dạy như 1 ngoại ngữ. Ban đầu Nhà trường sử dụng nguyên bộ sách giáo khoa dành cho trẻ em trong nước để dạy, học vài năm mà học sinh chỉ biết đọc và biết viết, nghe nói không hiểu, vì giáo trình này là để dạy tiếng Việt với tư cách là tiếng mẹ đẻ. Nhưng từ năm 2009, việc đưa giáo trình Tiếng Việt vui vào giảng dạy cho thấy rất phù hợp và mang lại hiệu quả tốt. Cô Loan kiến nghị Nhà nước làm sao để đưa giáo trình này vào giảng dạy chính thức, thống nhất, hệ thống trên toàn Lào. (Lào có 11 tỉnh/thành hội người Việt thì nơi nào cũng có trường dạy tiếng Việt, nhưng mỗi nơi dạy một kiểu, thường các trường vẫn sử dụng sách dạy tiếng Việt cho học sinh trong nước là giáo trình dạy tiếng mẹ đẻ nên hiệu quả rất thấp). Theo cô Loan, học sinh tốt nghiệp trường Nguyễn Du hiện tại có thể về VN học đại học ngay mà không cần mất thời gian học tiếng Việt. “Các em học hết cấp 3 là đã học hết quyển 6 Tiếng Việt vui, tức trình độ cao cấp tiếng Việt, nhưng học xong không được công nhận trình độ thì rất tiếc. Nếu như Nhà nước ta có biện pháp hỗ trợ như có trung tâm tiếng Việt ở các trường, để sau khi các em học xong lớp 12, đạt được trình độ thì sẽ được cấp chứng chỉ, thì rất tốt. Việc đó không chỉ giúp các em thuận lợi trong quá trình đi học, đi làm sau này, mà đó còn là động lực thúc đẩy các em khi học tiếng Việt”, cô Loan đề xuất.

Kiên nhẫn và bằng cả tấm lòng, các giáo viên kiều bào đang ngày đêm âm thầm làm công việc truyền bá ngôn ngữ và bản sắc văn hóa Việt ở nước ngoài. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng và cấp thiết này của bà con kiều bào. Mong rằng tới đây Đảng và Nhà nước ta sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này, để thế hệ trẻ kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương tổ tông, tự hào và tự tin vào giá trị văn hóa dân tộc và chính bản thân mình.

Mai Chi


Các tin khác

Tin tiêu điểm