A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều Trang – Tài năng ca nhạc mang hai dòng máu Việt - Đức

Mới 14 tuổi nhưng cô bé mang hai dòng máu Đức - Việt Phạm Kiều Trang đã sở hữu một chất giọng opera chuyên nghiệp, trở thành một trong mười giọng ca hay nhất "The Voice Kids Germany" 2013, và ngay sau đó là Giải nhì Tài năng trẻ tại cuộc thi "You Berlin 2013”. Bằng chất giọng trời phú cộng với niềm đam mê và sự luyện tập bài bản, công phu, con đường nghệ thuật của Kiều Trang đang mở ra đầy tươi sáng.

  



Kiều Trang tại cuộc thi tài năng trẻ Berlin “You Berlin 2013“


Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình – Giải Sao Mai năm 2013 lần đầu tiên được tổ chức ở châu Âu đã được bà con cộng đồng người Việt, đặc biệt là lớp trẻ yêu âm nhạc ở đây nồng nhiệt hưởng ứng. Tại vòng sơ khảo tổ chức ở Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, Thủ đô Berlin, một nhà bạt có sức chứa cả ngàn người đã được dựng lên trên khoảng sân rộng ngay giữa Trung tâm. Vậy mà khi cuộc thi chính thức bắt đầu, số người đến xem và cổ vũ cho các thí sinh còn đứng tràn cả ra ngoài hai phía cánh gà với những tràng vỗ tay vang lên không dứt.  

Đến giữa cuộc thi vì có cuộc điện thoại quan trọng tôi phải chen ra ngoài. Lúc quay lại, từ trong nhà bạt vang lên giọng Opera nữ. Giọng hát rất trẻ trung nhưng cũng rất chuyên nghiệp, vang và khỏe. Lúc bay vút lên thánh thót, lúc nhẹ nhàng du dương làm tôi phải dừng lại để lắng nghe cho rõ. Khi bài hát kết thúc, cả hội trường bùng lên tiếng vỗ tay như sấm rền. Khó khăn lắm tôi mới vào lại được chỗ ngồi của mình. Và lúc này trên sân khấu là một cô gái lai trông quen quen, chừng 14-15 tuổi, đang cười rất tươi, trên tay ôm cả một vồng hoa lớn nhiều màu sắc. Điểm khác lạ để tôi đoán cô là con lai một phần nhờ cảm giác mang tính mẫn cảm chủng tộc ở trong mỗi người khi nhận dạng đồng hương nơi đất khách, một phần nhờ mái tóc óng ả dài gần chấm gót rất ra dáng thiếu nữ Việt của cô gái. Hỏi người trong Ban tổ chức, tôi mới được biết cháu là Phạm Kiều Trang, thí sinh duy nhất mang trong mình dòng máu Việt tham dự cuộc thi “The Voice Kids Gemany” năm 2013 và trở thành một trong 10 giọng hát hay nhất của cuộc thi. Kiều Trang đến với cuộc thi Tiếng hát truyền hình - Giải Sao Mai với tư cách khách mời và cũng để ủng hộ phong trào ca hát của các bạn Việt Nam.

Cuối buổi biểu diễn đêm đó, khi bố mẹ Kiều Trang đến đón, tôi mới nhận ra người quen cũ. Hóa ra cô bé là con gái út của của cặp vợ Đức, chồng Việt. Người bố - Phạm Mạnh Cường là nhà quay phim, cũng là người Hà Nội, cùng sinh hoạt trong Hội người Hà Nội với tôi. Anh Phạm Mạnh Cường tốt nghiệp trường Điện ảnh Việt Nam, rồi sang Đức tu nghiệp và hiện là kỹ sư điện ảnh của hãng Kinoton, Đức. Mẹ Kiều Trang là Petra Phạm, tốt nghiệp khoa sử Á Đông trường Đại học Humbold, Berlin và hiện là thư ký Viện Hàn lâm Khoa học CHLB Đức, đồng thời cũng là giáo viên tiếng Đức, Anh và tiếng Pháp. Chị Petra nói tiếng Việt khá tốt. Tôi đã vài lần tiếp xúc với chị trong những lần chị đưa con đi tham dự các hoạt động của cộng đồng người Việt ở Berlin. Sở dĩ tôi nhìn cháu thấy quen là vì ba năm trước cháu đã đứng hát trên sân khấu của những người Hà Nội trong dịp Đại hội thành lập Hội người Hà Nội đầu tiên tại CHLB Đức. Hồi đó tuy cháu mới là cô bé 11-12 tuổi nhưng giọng hát của cháu đã lảnh lót và chất chứa nhiều nội lực. Rất nhiều anh em người Hà Nội trước đây đã từng làm ca nhạc chuyên nghiệp, hôm nghe cháu hát đã phải trầm trồ, thán phục và tiên đoán về một tương lai sán lạn trên con đường ca hát của cháu. 

Kiều Trang là cô bé có năng khiếu âm nhạc và say mê ca hát từ khi còn rất nhỏ. Mới 3 tuổi, dù chưa biết đọc, biết viết, thậm chí không nói được tiếng Việt, vậy mà cháu thuộc rất nhiều bài hát tiếng Việt do bố, mẹ dạy và suốt ngày cô bé cứ hát véo von như con chim non. Mơ ước của mẹ Kiều Trang từ hồi còn con gái là trở thành nghệ sỹ dương cầm, nhưng do một tai nạn rủi ro ngón tay chị không thể chơi đàn. Thế là bao mơ ước của bản thân chị dồn hết vào đứa con gái bé bỏng. 5 tuổi chị đã cho Kiều Trang tập ballet để làm quen với tiết tấu nhạc. 9 tuổi chị cho Kiều Trang học piano. Một lần trong khi chờ đến giờ học đàn, Kiều Trang đứng trước cửa lớp dạy thanh nhạc cũng ơ a xướng âm theo các bạn trong lớp. Khi thầy thanh nhạc đứng dậy đi ra phía cửa, cô bé sợ hãi ù té chạy, khiến thầy phải lần tìm mãi mới ra cô bé có thanh âm rất đặc biệt đó là học sinh của lớp học piano. Thầy giáo dạy piano cho Kiều Trang đã trao đổi với đồng nghiệp của mình và gửi Kiều Trang đến một người bạn là nghệ sỹ hát Opera nổi tiếng tại nhà hát “Komiker Oper“ Berlin nhờ ông này thẩm định giọng của cô học trò nhỏ. Kết quả là người nghệ sỹ Opera kia đã không bỏ qua chất giọng sáng, rõ và độ vang tự nhiên của cô bé. Ông đồng ý nhận Kiều Trang là học trò, hơn thế nữa ông còn muốn đào tạo Kiều Trang trở thành ca sỹ hát Opera Solo trong tương lai. Từ đó Kiều Trang miệt mài theo ông tập luyện mỗi tuần một buổi tại nhà hát. 

Khi tôi hỏi bố của Kiều Trang về cuộc thi “The Voice Kids Gemany“ mà cháu vừa tham gia, anh Phạm Mạnh Cường đã vui vẻ cho biết: Đây là một cuộc thi lớn về ca hát dành cho các cháu ở độ tuổi từ 8 đến 14. Cuộc thi này do Đài truyền hình Pro7 và Sat1 tổ chức thường niên. Tham gia cuộc thi năm nay có 14.000 thí sinh đến từ các nước Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Áo và các thành phố của CHLB Đức. Cháu Kiều Trang đã xuất sắc vượt qua các đối thủ ở vòng sơ loại và lọt vào danh sách 200 cháu tham dự vòng đấu loại cuối cùng. Ở vòng này Ban giám khảo đưa ra danh sách gần 400 bài hát để các thí sinh tự chọn cho mình 15 bài yêu thích. 15 bài đó bắt buộc các thí sinh phải thuộc và tập biểu diễn theo phong cách của mình. Đến hôm thi, Ban giám khảo sẽ chỉ định thí sinh hát 5 trong số 15 bài đó. Kiều Trang đã dễ dàng vượt qua vòng đấu loại cuối cùng này để lọt vào top 70 cháu trong vòng thi “Blind Audition”.

Điều đáng nói là Kiều Trang đã vượt qua những vòng thi, vượt qua các đối thủ không chỉ bằng những đánh giá xuất sắc của Ban giám khảo về những ca khúc mà mình thể hiện, mà đặc biệt về chất  giọng và khả năng hát nhạc cổ điển ở thể loại Opera của mình. Theo gợi ý của Ban giám khảo, trong vòng thi “Blind Audition“, Kiều Trang nên thể hiện một tác phẩm cổ điển. Bởi bài hát đó sẽ là “Hight Light“ của cuộc thi, đồng thời qua đó Kiều Trang cũng tự xác lập được kỷ lục là thí sinh nhỏ tuổi đầu tiên hát Opera trong các cuộc thi của “The Voice Kids“ ở Hà Lan cũng như ở Đức. Kiều Trang đã thực hiện thành công gợi ý của Ban giám khảo, cô bé đã vượt qua vòng thi và trở thành một trong mười thí sinh có giọng hát hay nhất của “The Voice Kids Gemany“ 2013. Không dừng lại ở đó, tháng 06/2013, Kiều Trang tiếp tục tham gia cuộc thi tài năng trẻ Berlin “You Berlin 2013”. Tại đây lại một lần nữa Kiều Trang tỏa sáng trên sân khấu và giành về mình hai giải thưởng danh giá: Giải nhì cho Tài năng trẻ Berlin 2013 và giải nhất tài năng trẻ được khán giả yêu thích nhất.


 7 tuổi Kiều Trang đã đoạt giải Goldene Clip cho phim hoạt hình do cháu tự vẽ
và được chiếu dự thi tại Liên hoan phim thanh thiếu nhi năm 2005
tại Berlin và Frankfurt am Main


Nghe kể về thành tích của cháu không phải riêng tôi mà bất cứ người Việt Nam nào cũng thấy tự hào. Tôi hỏi đùa bố cháu: “Vậy là con anh đã là người nổi tiếng. Nếu ở Việt Nam với thành tích và tên tuổi này cháu sẽ ký kết được các hợp đồng biểu diễn và chắc chắn sẽ đem được nhiều tiền về cho bố mẹ”. Anh Phạm Mạnh Cường cười hiền nói: “Ở Đức luật lao động chặt chẽ lắm. Cháu mới 15 tuổi đang là tuổi học. Cháu chỉ có thể tham gia các hoạt động xã hội với thời gian không nhiều để không ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe theo quy định của luật pháp. Tất cả các lịch diễn nếu có cũng phải thông báo trước hàng tháng để cháu có thời gian chuẩn bị. Như hồi tháng 10 vừa rồi cháu được mời làm ca sỹ chính hát trong Liên hoan thể dục thể thao và Lễ trao giải Gala Sport 2013 tại Olympia Stadion. Kế hoạch này được thông báo đến cháu và bố mẹ với tư cách người giám hộ từ hồi tháng 8. Từ tháng 10, chúng tôi đã biết tháng 12 tới cháu được mời hát trong đêm Gala 2013 của Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế UNICEF tại Düsseldorf CHLB Đức. Và năm 2014, cháu có kế hoạch tham gia cùng dàn đồng ca của nhà trường dự thi tranh giải trong các cuộc thi World Choir Game tại Riga, thuộc Nga trước đây và tại New York, Mỹ”. 

Nhìn lịch học, lịch biểu diễn, lịch tập luyện dày đặc của cô bé tôi không khỏi ái ngại. Liệu có quá nặng với một cô bé 15 tuổi hay không? Kiểu học hành này có khác với kiểu học mà đa số các bậc phụ huynh đang nhồi nhét cho con mình ở Việt Nam? Thấy tôi băn khoăn, anh Phạm Mạnh Cường bộc bạch chia sẻ: Tâm lý làm cha làm mẹ của các ông bố bà mẹ người Việt Nam ở đâu cũng giống nhau thôi. Ai cũng muốn con mình hơn người nên ép. Cũng có thể một phần vì thế mà các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở đây tỉ lệ vào các trường chuyên cao hơn hẳn cộng đồng các quốc gia khác, thậm chí có nơi tỉ lệ này cũng cao hơn cả học sinh người bản địa. Nhưng anh phải nhớ rằng đây là nước Đức và mẹ cháu là người Đức. Nên không thể ép con bé học nếu nó không thích. Còn một khi thích, con bé sẽ chủ động lịch học, lịch tập. Bố mẹ chỉ là người hỗ trợ và nhắc nhở. 

Ngoài âm nhạc, Kiều Trang còn đam mê khác nữa đó là Kungfu và kiếm thuật. Cô bé học hai bộ môn này từ hồi còn rất nhỏ. Năm 8 tuổi lần đầu tiên cháu đoạt Cup vô địch bộ môn Kungfu. Cho đến nay Kiều Trang đã ba lần giành chức vô địch Châu Âu ở bộ môn này. 12 tuổi cô bé đã đoạt Nhị đẳng Huyền đai bộ môn kiếm thuật Triều Tiên và hiện giờ là trợ giảng cho bộ môn này tại võ đường Dr. Ly Kungfu Akademie. Ngoài ra trong thiên hướng nhớ về cội nguồn của người bố Việt, cháu cũng tham gia các hoạt động văn nghệ và từ thiện của cộng đồng người Việt ở Berlin. 

Khi viết đến những dòng cuối cho bài viết này tôi bỗng nhớ đến hình ảnh của Kiều Trang trên sân khấu Lễ hội văn hóa Việt Nam được tổ chức ba tháng trước trên một hòn đảo tuyệt đẹp tại Potsdam có tên đảo Hữu Nghị. Đấy là một chiều cuối hè, cây cối trên đảo lá vẫn xanh rờn, các loại hoa thi nhau khoe sắc, xung quanh sân khấu treo rất nhiều đèn lồng đỏ, vàng của Hội An, rồi rồng lượn, lân múa. Bỗng trên sân khấu vút lên thanh âm vời vợi, trong trẻo. Tất cả như ngừng lại và ngước nhìn lên. Một thiếu nữ mặc tà áo dài Việt Nam và mái tóc dài xõa bay thướt tha trong gió. Cô đang hát với tất cả nội lực và trái tim. Hình ảnh ấy, thanh âm ấy là kết quả hai dòng máu Đức – Việt yêu thương hòa trộn tạo thành. Khản giả ở dưới dù người Việt hay người Đức đều lặng đi xúc động. Và ai nấy đều rưng rưng tự hào vì trong dòng máu cô gái đang mang có một phần thuộc về dân tộc mình.

Hùng Lý (Tạp chí Hương Việt)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu