A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nhân Việt ở nước ngoài trở về dựng xây quê hương

Trong thế đi lên chung của đất nước, của dân tộc, có sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng doanh nhân. Nhiều doanh nhân đã thu được những thành công trong kinh doanh và trở thành biểu tượng của sự nỗ lực vươn lên bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Điều rất đáng tự hào là doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài còn đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.
Bên thềm Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ II, nhiều doanh nhân kiều bào đã chia sẻ những dự án thành công trên quê hương và những dự định sắp tới với mong muốn đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước.

Là Chủ tịch Trung tâm Việt Nam – Argentina kiêm Giám đốc quan hệ quốc tế của Liên đoàn Kinh tế Argentina, chị Phạm Kiều Hạnh Liên tâm niệm, mỗi doanh nhân Việt trong một ngày bận rộn chỉ cần giành một phút thôi để nghĩ là mình cần làm gì cho Việt Nam, thì cả triệu doanh nhân Việt sẽ có một triệu phút để nghĩ sẽ làm gì cho Việt Nam. Và câu trả lời sẽ đến từ một triệu phút suy nghĩ đó.



Doanh nhân Phạm Kiều Hạnh Liên 

Chị Liên cho biết, tháng 1/2013 vừa qua, chị đã tham gia Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Argentina, bà Cristina Fernandez, thăm chính thức Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và tìm kiếm đối tác. Chị luôn mong muốn là cây cầu nối trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước Việt NamArgentina, đặc biệt là cầu nối để hàng hóa Việt Nam qua Argentina đến với các nước khác trong khu vực. Chị cũng cho biết, Trung tâm Việt NamArgentina có mục tiêu quảng bá văn hóa Việt Nam tại đất nước Argentina. Trung tâm cũng kết nối với Bộ Kinh tế của Argentina để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của Trung tâm là rút ngắn khoảng cách giữa hai nước thông qua các hoạt động đa dạng như tổ chức nói chuyện về Việt Nam; chiếu phim Việt Nam; hội thảo doanh nghiệp; triển lãm hội họa, trang phục truyền thống; quảng bá du lịch, võ thuật, âm nhạc, nghệ thuật ẩm thực, y học truyền thống của Việt Nam; dạy tiếng Việt... Tham dự Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần này, chị muốn tìm kiếm doanh nghiệp để trao đổi về một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Argentina như đậu nành, da bò, gỗ miếng... Trong buổi giao lưu giữa các doanh nghiệp về lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, chị đã liên hệ được với một công ty trong nước chuyên xuất nhập khẩu hàng hóa.

Anh Michael Bùi, Tổng Biên Tập báo Treonline - Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giải pháp phần mềm Setech Viet cho biết, Setech Viet phát triển dự án với dòng sản phẩm thiết bị an ninh điện tử cảnh báo trộm. Năm 2012, thiết bị cảnh báo trộm và định vị xe gắn máy thông qua điện thoại di động S-Bike của nhóm tác giả Công ty Cổ phần Giải pháp Setech Viet đoạt giải khuyến khích của cuộc thi Nhân tài Đất Việt.



Doanh nhân Michael Bui thăm công ty Tranh Thêu XQ Đà Lạt Sử Quán

Đến với Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần này, anh Michael Bùi mong muốn giới thiệu với các doanh nghiệp dòng sản phẩm thiết bị an ninh điện tử (Smarthome): khóa điện tử, hệ thống an ninh giải pháp, hệ thống y tế cảnh báo, kiểm soát truy cập, hệ thống quản lý, hệ thống báo động, hệ thống Intercom, hệ thống video giám sát, hệ thống quản lý năng lượng, hệ thống an ninh tích hợp và nhà thông minh... Anh chia sẻ, với ước vọng là đào tạo đội ngũ nhân lực tự làm chủ các công nghệ tiên tiến cho Việt Nam, Setech Viet nghiên cứu các dòng sản phẩm ứng dụng dân sự từ hai năm nay và với hy vọng sẽ có các dòng sản phẩm quân sự trong tương lai. Những sản phẩm cùng loại của các công ty chủ chốt liên quan đến việc thiết kế, phát triển và cung cấp các giải pháp an ninh gia đình như Tyco International (Thụy Sĩ), Honeywell International (Mỹ), hệ thống an ninh Bosch (Đức), Alarm.com (Mỹ) có giá thành cao hơn giá thành của Setech Viet gấp 3 lần. Anh kêu gọi sự hợp tác của các nhà đầu tư để Setech Viet có thể sản xuất số lượng lớn các dòng sản phẩm ứng dụng dân sự đã thành công ra thị trường nước ngoài trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Bulgaria, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bulgaria luôn tâm nguyện khi đã kinh doanh thành công ở nước ngoài sẽ trở về đầu tư tại quê hương để cùng đồng bào mình dựng xây đất nước. Ông Hoài là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đầu tư vào hệ thống truyền hình và viễn thông tại Bulgaria với công ty Telecom Group. Thời gian gần đây, ông thường xuyên về Việt Nam để giới thiệu sản phẩm phân bón vi sinh của Bulgaria. Công ty Vimx do ông là Giám đốc điều hành chuyên cung cấp sản phẩm phân bón Lactofol đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Công ty THCOM do ông làm giám đốc đại lý độc quyền phân bón khoáng vi sinh Lactofol tại Việt Nam và các nước ASEAN. Ông cho biết, Lactofol là sản phẩm nghiên cứu khoa học độc đáo của Bulgaria. Đây là thành tựu khoa học của Bulgaria trong thế kỷ XX và đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Trong dịp về thăm quê hương nhân Giỗ Tổ Hùng Vương, ông Hoài đã quyết định tặng phân bón Lactofol cho nông dân tại tỉnh Cao Bằng và quân dân huyện đảo Trường Sa. Sau thời gian thử nghiệm, nếu đạt hiệu quả tốt, công ty của ông sẵn sàng cung cấp với giá ưu đãi để tạo điều kiện cho người nông dân phát triển kinh tế. Đến với Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước, ông Hoài hy vọng tìm được đối tác có tiềm lực và tin cậy tại Việt Nam để hợp tác và cũng mong muốn phát triển thị trường ra toàn khối ASEAN.



 Ông Nguyễn Văn Hoài trao đổi với bà Lê Thị Phương Nhung - Giám đốc Cty Cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt bên quầy trưng bầy sản phẩm
phân bón khoáng vi sinh Lactofol

Trong Chương trình Gặp gỡ lần này, các đại biểu doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước đã đi thăm một số doanh nghiệp ở Đà Lạt, trong đó có Công ty TNHH Sinh học Rừng hoa Đà Lạt. Đây là công ty đã sử dụng phân bón khoáng vi sinh Lactofol. Tại showroom hoa chậu và cây cảnh Rừng hoa Đà Lạt có trưng bầy sản phẩm phân bón khoáng vi sinh Lactofol. Đến đây, anh Hoài đã giới thiệu trực tiếp với các doanh nghiệp về sản phẩm của mình. Tại siêu thị của Công ty Rừng hoa Đà Lạt cũng có bầy bán mỹ phẩm hoa hồng Bulgaria của Công ty TGI - do anh Hoài là giám đốc - đại lý độc quyền.

Đến với Chương trình gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước, ông Lê Thanh Bình - kiều bào tại Ba Lan, Chủ đầu tư Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Sơn Hà - đã giới thiệu với các doanh nhân trong và ngoài nước về dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Thác Bà ở Yên Bái. Ông Bình cũng kêu gọi các doanh nhân trong và ngoài nước cùng hợp tác đầu tư mở rộng Khu du lịch sinh thái này.



Ông Lê Thanh Binh (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm
cùng Phó Thủ tướng Chính phủ  Hoàng Trung Hải tại Hội thảo

Ông Bình cho biết, tại Chương trình gặp gỡ này, Công ty cổ phần Thương mại du lịch Sơn Hà đã có những thỏa thuận, hợp tác lâu dài với ông Nguyễn Văn Hoài về việc Công ty TH COM sẽ cung cấp lâu dài phân bón lá cao cấp Lactofol cho Khu di lịch sinh thái Hồ Thác Bà và cho các địa phương xung quanh có nhu cầu sử dụng. Công ty cũng có những thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ cho bà Kim Anh MC Dermott - doanh nhân về từ Anh, Tổng Giám đốc Công ty KASIANA (chuyên về lĩnh vực trang phục của các dân tộc Việt Nam). Ngoài ra, Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Sơn Hà đã có những hợp tác, thỏa thuận với nhóm doanh nhân kiều bào từ Mông Cổ. Hai bên sử dụng và cùng khai thác một số mẫu nhà trong rừng và lều trại đặc trưng của người Mông Cổ vào Khu Du lịch sinh thái Hồ Thác Bà.

Doanh nhân trẻ Đặng Xuân Lộc đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc của Tập đoàn A.F.C chuyên về các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, tài chính, du lịch và điện tử tại Rumani. Dù xa quê hương nhưng năm nào anh cũng thu xếp để trở về Việt Nam. Với tình cảm gắn bó với quê hương, anh đã có ý tưởng giới thiệu Việt Nam với người dân Rumani và bạn bè quốc tế. Anh Lộc tâm sự, anh muốn hướng đến xây dựng loại hình du lịch business - một loại hình du lịch hai chiều. Du khách vừa đi thăm quan các cảnh đẹp trên đất nước Việt Nam vừa kết hợp với việc xem hàng hóa, thăm các doanh nghiệp có uy tín trong nước. Ngược lại, người Việt Nam, nhất là các doanh nhân có nhu cầu sang Rumani để du lịch cũng có thể kết hợp tìm kiếm đối tác làm ăn. Từ đó tạo mối liên kết, hợp tác trong kinh doanh một cách bền vững dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi.



Doanh nhân Đặng Xuân Lộc 


Hiện nay, anh Lộc đang lên kế hoạch xây dựng một khách sạn tại Hà Nội và sẽ đặt Văn phòng đại diện của A.F.C tại đây. Anh Lộc cho biết, muốn làm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp tránh tình trạng manh mún, chộp giật, không chuyên còn khá phổ biến ở Việt Nam, để mỗi du khách đến với Việt Nam luôn hài lòng với các dịch vụ du lịch và luôn muốn tiếp tục được trở lại đây và họ sẽ góp phần quảng bá sự tuyệt vời của đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè trên khắp thế giới. Anh Lộc còn có dự định nhập khẩu một số mặt hàng truyền thống của Việt Nam như sản phẩm mây tre đan, tranh sơn mài... sang Rumani.

Với tâm huyết và tình yêu quê hương đong đầy, những doanh nhân Việt ở nước ngoài ấy luôn mong muốn cùng nhau liên kết để làm cho doanh nhân thêm giàu, cộng đồng thêm mạnh, đất nước thêm phồn vinh, sánh vai cùng bạn bè năm châu.

Phương Thuận


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu