A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những kiều bào thành đạt về công nghệ cao ở quê hương

Về nước từ những năm đầu sau công cuộc Đổi mới, nhiều kiều bào yêu nước đã bắt đầu từ hai bàn tay trắng, trải qua nhiều thăng trầm để gây dựng nên nền móng cho sự phát triển công nghệ cao ở Việt Nam.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ cao 


Đưa công nghệ cao về nước

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Quốc Bình, kiều bào Canada quyết định về nước từ những năm 2003 - 2004, là giai đoạn mà công nghệ sinh học (CNSH) vẫn là một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam. TS. Bình có vinh dự được gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, thời Chủ tịch còn giữ vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM. TS. Bình chia sẻ, được Chủ tịch động viên, với kỳ vọng cùng với các trí thức trẻ kiều bào khi đó về nước góp sức xây dựng một Trung tâm công nghệ sinh học cho thành phố, xứng tầm với một trung tâm về kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam. "Nhiệm vụ là hết sức nặng nề, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói với tôi về nhu cầu của Việt Nam trong lĩnh vực CNSH là rất lớn, do đó phải xây dựng được một trung tâm ngang tầm với các Trung tâm nghiên cứu về CNSH của các nước trong khu vực. Một yêu cầu quan trọng nữa là 30 năm sau trung tâm CNSH thành phố vẫn chưa lạc hậu và nó phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhân lực hiện tại của Việt Nam”, TS. Bình chia sẻ.

Nói là làm, ông trở về Canada bán hết nhà cửa, xe cộ,…và trở lại Việt Nam để gây dựng Trung tâm CNSH TP.HCM. "Tôi dự kiến công việc này phải mất 5 – 10 năm mới hoàn thành. Một công việc có thể phải đánh đổi hết sự nghiệp của mình, trong lúc đó tôi đang làm việc tại Trường ĐH Laval, Quebec, Canada)”, TS. Bình nói.

Theo TS Bình, thời gian đầu ông gặp rất nhiều khó khăn khi tất cả bắt đầu từ con số 0: chưa xác định quy mô, chương trình, thời gian cũng như lộ trình. Ông bắt tay vào công việc ban đầu chỉ có một người cộng sự là anh Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm, rất may mắn đứng phía sau luôn có sự hỗ trợ của UBND, Thành ủy và các Sở, ban ngành của thành phố, nhất là Sở NN&PTNT TP.

Đến nay, Trung tâm đã dần hình thành và trở thành một Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực CNSH: nông nghiệp, thủy sản, môi trường, y khoa, dược phẩm, với công nghệ tiên tiến về gen, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vaccine, công nghệ tế bào,…TS. Bình cho biết, hiện Trung tâm đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ khoa học, trong đó đã và đang đào tạo ở các nước tiên tiến, với gần 50 thạc sĩ, tiến sĩ. Thậm chí, con số này sẽ tăng lên 100 nhà nghiên cứu trong vòng 2-3 năm tiếp theo.

 Trở về phục vụ đất nước là một lựa chọn đúng

Cùng với TS. Nguyễn Quốc Bình, GS.TS Võ Văn Tới, hiện là Trưởng Bộ môn kỹ thuật y sinh (ĐHQG TP.HCM) là một trong những nhóm nhà khoa học kiều bào đầu tiên về nước đầu tư vào chương trình liên kết khoa học và công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật y sinh. Đáng chú ý, GS. Tới cùng với các trí thức kiều bào tâm huyết đã vinh dự được MTTQ tặng giải thưởng Vinh danh nước Việt vào năm 2004.

Từ năm 1984, GS. Tới làm giáo sư tại trường Bách khoa của Đại học Tufts (Hoa Kỳ), đã tham gia kết nối các nhà khoa học gốc Việt vùng Bắc Mỹ lại với nhau. Năm 2003, ông và các cộng sự thành lập Bộ môn Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Tufts, sau đó được đích thân Tổng thống Hoa Kỳ G.Bush bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Đây là cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ được Quốc hội thành lập nhằm mục đích tạo cơ hội hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, kỹ thuật, toán học, y học và công nghệ.

"Từ khi trở về nước đến nay, mỗi ngày đối với tôi là một ngày hạnh phúc vì tôi làm được những gì mình mong ước với một niềm tin rằng, trở về phục vụ đất nước là một lựa chọn đúng”. GS. Tới cảm động nói.

 Ông Hà Ngọc Minh Phong (trí thức trẻ, kiều bào Pháp) chia sẻ, dù sinh ra và lớn lên tại Pháp nhưng ông luôn có nguyện vọng về Việt Nam lập nghiệp, phát triển sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người Việt.

Theo ông Phong, trong lĩnh vực y tế hiện nay nhu cầu vật tư tiêu hao rất lớn và nhà nước phải nhập hàng năm hơn 90%, trong khi đầu tư sản xuất vật tư y tế không cần vốn lớn, mà chỉ cần chất xám và chuyên môn. "Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ khuyến khích trí thức trẻ kiều bào về nước đầu tư vào công nghệ kỹ thuật, tôi biết đây là một cơ hội rất lớn cho mình và quyết định trở về nước đầu tư. Tôi cũng có động lực từ gia đình, khi mẹ tôi là bà Hà Ngọc Hoa đã sáng lập công ty Vipharco từ năm 1982 và tôi muốn kế nghiệp gia đình ở Việt Nam”, ông Phong chia sẻ.

Một điểm chung mà nhiều nhà khoa học kiều bào kỳ vọng, đó là hai yếu tố cơ bản để Việt Nam trở thành môi trường tốt để thu hút đội ngũ trí thức trẻ kiều bào trở về quê hương cống hiến, đó là yếu tố tự do và trách nhiệm. Trong đó, một môi trường tốt là ở đó người thủ trưởng biết trao tự do cho cấp dưới bằng cách dám tháo gỡ mọi cơ chế và dám nhận trách nhiệm trước mọi kết cục.

(daidoanket.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu