A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ghẹo một trả lời hai

Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, sinh năm 1862 mất năm 1922, con gái thứ tư của Nguyễn Đình Chiểu. Bà là người có tài có sắc, nhưng cuộc đời riêng khá long đong. Đầu tiên bà lấy con trai một ông huyện là phó tổng Nguyễn Công Tính. Sau, ông này mất, bà lại làm bạn với ông Mai Lương Ngọc. Mấy năm sau ông Ngọc cũng mất nốt, từ đó bà không lấy ai nữa. Và trên cái tên hiệu cũ là Nguyệt Anh, bà bắt đầu thêm chữ Sương (người ở goá).

Tương truyền, trong thời kỳ bà ở goá, nhà bà hầu như lúc nào cũng có các tao nhân, mặc khách tới thăm viếng, ngâm vịnh để buông lời cợt ghẹo. Có những kẻ ở xa mà cũng cố tìm cách gửi thơ văn đến để nói chuyện nguyệt hoa.

Một lần, phủ Học có gửi cho Sương Nguyệt Anh bài thơ như sau:

Phải gần với Nguyệt lúc lưng vơi,
Đặng hỏi Hằng Nga nỗi sự đời.
Ở hạ mây mưa còn kém sắc,
Về thu non nước tỏ cùng nơi.
Hãy trông Du Lương xây lầu rước,
Hoặc đợi Thanh Liên cất chén vời.
Vóc ngọc há sờn cơn gíó bụi,
Tài tình rõ mặt khá đua bơi.

Bà Sương Nguyệt Anh thấy lời thơ có vẻ thô bạo, thiếu đứng đắn, tức mình bà liền hoạ luôn một lúc hai bài gửi lại cho phủ Học:

Đường xa vời vợi, dặm vơi vơi,
Nghĩ nỗi mây xanh ngán sự đời.
Biển ái sông ân còn lắm lúc,
Mây ngàn hạc nội biết là nơi.
Một dây oan trái rồi vay trả,
Mấy cuộc tang thương há đổi đời
Chước quỷ mưu thần âu những kẻ,
Gặp cơn nguy biến khó đua bơi.

                             ***

Hết lúc trăng đầy đến lúc vơi,
Dinh cư trong cuộc phải coi đời,
Vén mây bắn thỏ xa ngàn dặm.
Đáy nước, cung thiềm tỏ khắp nơi.
Nội trí đứa gian hiềm vẻ rạng.
Vui lòng người triết thú đua bơi,
Khơi dòng bối thực ưng ra mắt,
Đứng giữa trời xanh tiết chẳng dời.

Phủ Học khi nhận được một lúc hai bài thơ liền, thì đã biết ngay là gặp tay chẳng vừa, đến lúc đọc thấy giọng thơ cứng cỏi thì càng hoảng lắm, từ đấy tắc họng không còn dám buông lời cợt nhả gì đối với Sương Nguyệt Anh nữa.

Theo Kho tàng giai thoại VN


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu