A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mừng mẹ nước, chết cha dân

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là nhà thơ nổi tiếng vào thời kỳ chữ Hán đã mạt và chữ Tây đang thịnh. Thi sĩ giỏi Hán học, nhưng cũng giỏi quốc ngữ và tây học. Có lẽ ông là lớp người gần cuối cùng còn làm thơ, đối và vịnh bằng chữ Hán rất tài tình.

Vào những năm 20 của thế kỷ hai mươi, vua Khải Định nhà Nguyễn tổ chức lễ mừng thọ năm mươi năm tuổi mẹ đẻ của nhà vua, rất to. Một số quan lớn trong triều được dịp xun xoe, bày tỏ nghĩa vua tôi một cách bợ đỡ, đê tiện ra mặt. Trong số này nổi bật là Từ Đạm, Tổng đốc Hải Dương. Từ Đạm xướng lên cuộc thi đối mừng thọ mẹ vua Khải Định. Nội dung cuộc thi đối tập trung trong ý của vế đối do Từ Đạm đề ra:

“Lễ thọ năm mươi mừng mẹ nước”

Ý muốn lộ cả ra rằng, mẹ của Khải Định - ông vua thân Pháp, chống lại nhân dân Việt Nam giành độc lập - là người mẹ của đất nước. Ngay hôm sau, có một vế đối đáp lại, mà theo truyền tụng có thể là của Tản Đà:

“Bạc tuồn chục một chết cha dân”

***

Khi làm Án sát tỉnh Ninh Bình, Từ Đạm (vốn đỗ tiến sĩ năm 1893) lên chơi chùa Non Nước và trèo lên núi Dục Thúy. Vãn cảnh xong, Từ Đạm sai người đục núi thành một bia và khắc vào đá bài thơ của Đạm:

Giăng gió vui buồn cùng
Lầm than bận kệ ai
Ham chơi non với nước
Có phúc được ngồi dài

Lần khác, khi trở lại làm tuần phủ Ninh Bình, Đạm lại tới chơi Non Nước, lại sai đục trên đá núi Dục Thúy một bàn cờ tiên và hai lốt bàn chân của Đạm in trên đá. Tản Đà tới chơi chùa Non Nước, thấy quá nghịch cảnh, cũng đục vào đá một bài thơ đối lại ngay bên cạnh bài thơ của Từ Đạm:

Quan lớn năm xưa đục mấy vần
Ngày nay quan lớn đục hai chân
Khen cho đá cũng già gan nhỉ?
Đứng mãi cho quan đục mấy lần.

Bên dưới có khắc rõ “Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu – 1926”.

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu