A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng sáo diều trên quê hương Bảo Lộc

Diều sáo một thú chơi đã có từ rất lâu, nhưng trong khoảng hai năm trở lại đây thì ở làng quê Bảo Lộc - Võng Xuyên - Phúc Thọ - Hà Nội, nó bắt đầu được khôi phục lại.­­­

Tiếng sáo quê hương

Diều sáo là một thú chơi tao nhã mà từ trẻ em đến người già trong làng đều thích. Vào những buổi chiều khi nắng hạ tắt dần, gió nam bắt đầu lên, các cụ già trong làng cùng con cháu mình mang diều ra ngoài cánh đồng thả. Để có thể nối dài thú chơi, diều sáo đã được các nghệ nhân trong làng chế tạo thêm đèn lắp vào.



Diều xếp thứ tự làm lễ tế thần

Ông Nguyễn Công Vĩnh chủ hội diều sáo làng Bảo Lộc, một trong những nghệ nhân đam mê và biết làm diều sáo chia sẻ: “Mấy năm nay tôi cùng một số người trong làng có đam mê chơi diều sáo đã khôi phục lại thú chơi tao nhã này. Cứ có cuộc thi nào về diều, chúng tôi cũng tham dự để học hỏi thêm cách làm diều của các nơi khác và cũng đoạt được một số giải. Gần đây nhất vào ngày 15/3/2014, chúng tôi có dự thi hội thả diều lớn nhất miền Bắc ở Đan Phượng và đoạt giải Nhất. Tuy có gặp khó khăn về kinh tế nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì vì đó là một thú chơi lành mạnh cho mọi người trong làng”.

Diều sáo có rất nhiều loại như: Diều cánh phản, diều cánh cắt, diều cánh cốc, diều bầu, rồi diều đeo mòng của các em nhỏ có kêu ve ve...Vừa nhìn những cánh diều lớn nhỏ bay đi bay lại trên trời cao với đủ loại ánh sáng xanh, đỏ, vàng do đèn diều sáo phát ra giống như những chú đom đóm vừa kết hợp với nghe tiếng sáo diều vi vu, êm dịu, như gợi ra một không gian đất trời rộng lớn, bát ngát làm cho người thả diều cứ mải mê chạy theo tiếng sáo diều. Cái tên gọi “diều sáo” cũng có từ đó. Tiếng sáo diều phát ra âm thanh lúc thì trong trẻo, lúc thì êm đềm, lúc thì lại réo rắt như tiếng suối chảy, làm cho tâm hồn mỗi con người thanh thản, yêu đời hơn. Lên càng cao, vừa gió, diều đứng im phăng phắc, tiếng sáo réo rắt càng hay.

Anh Đoàn Văn Thành một thanh niên trong làng cho biết: “Mình thấy chơi diều sáo rất thú vị, làm cho mình thấy thoải mái hơn khi tâm trạng không vui. Vậy nên mình nghĩ rằng cần có nhiều người tham gia hơn để diều sáo thực sự trở thành một sân chơi lành mạnh”.

Để làm diều sáo?

Cuộn dây làm bằng mõ tre, dùng hai mảnh tre tròn uốn như cạp rổ, rồi cắt nhiều đốt tre dài bảy phân chẻ đôi, dùi lỗ buộc xung quanh hai cạp, thành mô dùng để cuộn dây. Làm khung diều cũng phải chọn cây tre hơi già nhưng có độ dẻo, đốt hơi dài, tre nạc, lông mặt nhỏ. Khi làm đo cánh phải cân, dùng dây gai nhỏ đan mắt lưới trong thân diều rồi dán nhiều lớp giấy ta.



Vẻ đẹp của chiếc diều 7 sáo trên bầu trời

Thường các dân chơi diều sáo trong làng dùng hai loại sáo, một loại cả bộ chỉ có hai chiếc, một to phát tiếng trầm, một nhỏ hơn mỏng hơn phát tiếng thanh như tiếng tâm sự của đôi trai gái. Một loại cả bộ có năm chiếc nhưng nhỏ, xếp theo thứ tự từ dưới lên từ to đến nhỏ, tiếng phát ra ngắn và năm thanh hợp âm như reo vui không khí rộn ràng. Nếu làm đúng kích thước, gọt khéo, “lẫy” đặt trong khít tiếng sáo càng hay. Chỉ nghe tiếng sáo là biết họ dùng bộ nào và ta có thể hiểu được tâm tư của người chơi diều. Cho nên khi diều mà bay lên cao, có âm thanh sáo phát ra thì ta cũng có thể biết được diều sáo đó là của ai.

Âm thanh lôi cuốn đến diệu kỳ

Tiếng sáo diều - một thứ âm thanh thân thuộc, gần gũi, đã ngấm vào máu thịt của mỗi người dân Bảo Lộc. Cũng có người tuy đi vào Tây Nguyên lập nghiệp nhưng vẫn vượt hàng ngàn cây số về quê hương để tìm được bộ diều sáo hay mang vào đó thả. Người làng dù có đi xa nhưng vẫn không bỏ được tiếng sáo diều quê hương. Bạn Đoàn Thị Linh sinh viên năm thứ 2 Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1 học ở Hà Nam cho biết: “Tôi đi học xa nhà nhưng mỗi khi có dịp về nhà, tôi lại đi xem thả diều sáo cùng với mấy anh trong xóm. Tôi thấy thả diều sáo rất vui, nó giúp tôi xua tan bao mệt nhọc sau những giờ học căng thẳng trên lớp. Tôi cũng hi vọng rằng diều sáo sẽ trở thành thú chơi phổ biến cho mọi người dân trong làng”.

Hằng năm làng Bảo Lộc cũng tổ chức những cuộc thi thả diều sáo thu hút nhiều người tham dự, với những chiếc sáo độc đáo và hết sức ấn tượng nhằm tìm ra những tài năng trẻ cho hội, đồng thời tạo ra một sân chơi lành mạnh cho mọi người trong làng.

Tiếng sáo diều đã ăn sâu vào cuộc sống người dân lao động, xua tan bao khó nhọc của cuộc sống sau một ngày làm việc vất vả. Sáo diều trở thành một thú chơi tao nhã và món ăn tinh thần cho người dân nơi đây./.

(Theo langvietonline.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu