A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng Chuông và câu chuyện giữ nghề

“Muốn ăn cơm trắng gạo trong /Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Câu ca dao xưa nhắc đến làng Chuông (Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội). Nơi đây đã nổi tiếng khắp cả nước gần 400 năm nay với nghề làm nón trắng. Nhưng giờ đây, đằng sau sự nổi tiếng ấy là những “góc khuất” ít ai biết được về ngôi làng này.

Làng nón hay làng lồng chim

Đến với làng Chuông thời gian này, du khách sẽ được giới thiệu một thứ “đặc sản” mới của làng đó là lồng chim. Người dân nơi đây đã tự hào khoe “lồng chim làng này chẳng thua kém vùng nào hết”. Giật mình tự hỏi: “Phải chăng là bước vào nhầm làng?”.

Càng bước vào sâu trong làng thì mới hiểu được tại sao người dân nơi đây lại có thể tự hào khoe về lồng chim như thế. Tiếng máy cưa, máy tiện đã thay dần tiếng khâu của những chiếc kim hay tiếng nói cười trong lúc đan nón. Sân chùa, bờ đê giờ không chỉ phơi lá mà còn để phơi tre, nứa. Vào làng, chỉ lác đác vài nhà với vài nhân khẩu là còn giữ nghề nón, thậm chí có đội sản xuất đã không còn nhà nào làm nghề cổ truyền ông cha để lại.

So với nghề làm nón, nghề làm lồng chim thu nhập khấm khá hơn nhiều. Trung bình một thợ khâu nón chuyên nghiệp mỗi ngày chỉ kiếm được 30.000 - 50.000 đồng, không thấm vào đâu so với mức 100.000 - 150.000 đồng cho mỗi ngày công làm lồng chim.

Thực tế nghề làm lồng chim cũng chỉ mới xuất hiện tại làng Chuông trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhìn dân làng đổ xô đi làm lồng chim nhiều người già trong làng vẫn không khỏi chạnh lòng, tiếc cho một làng nghề hưng thịnh xưa kia. Gần 70 năm theo nghề đan nón, bà Cát chia sẻ: “Tôi rất lo cho tương lai của nghề làm nón. Kinh tế khó khăn, thu nhập thấp nên cũng chẳng ai còn mặn mà với nghề này”.

Quá khó khăn với nón

Cũng không thể trách người dân làng Chuông được điều gì, bởi trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay bỏ ra 50.000 - 60.000 đồng mua một chiếc nón là điều khó khăn với người dân. Cuộc sống càng hiện đại thì những làng nghề truyền thống lại càng khốn khó. Bây giờ người đội mũ thì nhiều chứ đội nón cũng không còn nhiều nữa. Chính vì thế một chiếc nón vài năm trước bán được 70.000 - 80.000 đồng thì giờ chỉ còn 50.000 đồng, thậm chí là ít hơn.

Để có một chiếc nón hoàn chỉnh cần phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn lá, phơi lá, là lá rồi khâu nón. Tất cả đều cần sự tỉ mỉ của đôi tay người nghệ nhân. Trung bình mỗi ngày một người thợ lành nghề chỉ làm được khoảng từ 1 đến 2 chiếc nón tùy vào chất lượng. Thời gian gần đây những lúc nghề làm nón gặp khó khăn khi mà giá nguyên liệu liên tục tăng trong khi giá nón phải giảm để tiêu thụ được hàng.

Chị Hà (thợ đan nón) cho biết: “Trước đây thì còn đỡ chứ 3 - 4 năm nay công việc đan nón khó khăn quá. Thu nhập không đủ ăn và chi tiêu trong gia đình”.

Thực tế, đến làng Chuông tại thời điểm này khó mà thấy được những hộ gia đình sản xuất lớn. Có chăng là những cụ già và trẻ em ngồi tỷ mẩn khâu từng đường kim. Thanh niên trong làng đã thoát ly gần hết để đi tìm công việc nhẹ nhàng và thu nhập cao hơn.

Quyết tâm không bỏ nghề

Nón làng Chuông từ xưa đến nay dù trải qua bao biến cố vẫn nổi tiếng bởi sự bền đẹp. Thực tế cho thấy, đất canh tác ở làng Chuông rất xấu và cũng không có nhiều. Người dân nơi đây từ bao đời nay đã dựa vào nghề làm nón để sống. Và cũng chỉ có nón mới giúp người dân vượt qua nhiều khó khăn và có thể nói là khấm khá hơn những làng khác.

Lồng chim hay bất kỳ một sản phẩm nào khác xét cho cùng cũng là sản phẩm ngoại lai và không vững bền. Khi mà cung vượt quá cầu thì nó sẽ như bong bóng xà phòng vỡ vụn. Cuối cùng chỉ có nón là ở lại với người dân, giúp người dân duy trì và phát triển cuộc sống. Hơn nữa, làm nón không như những nghề khác, chỉ cần một đôi bàn tay khéo léo và sự cần cù chăm chỉ là đã có thể hành nghề. Về lâu dài làm nón vẫn là hướng đi để phát triển kinh tế của làng.

Chị Doan – người khâu nón cho biết: “Làng này từ xưa đến nay đã nổi tiếng với nghề làm nón. Dù đời sống khó khăn thế nào thì nghề này cũng không bao giờ mất đi, nó đã thành bản sắc của làng”.

Rõ ràng, niềm đam mê với nghề của người dân trong làng là có thừa. Điều quan trọng bây giờ chính là trong lúc khó khăn thế này cần phải có những chính sách phù hợp để duy trì và phát triển nghề làm nón ngày càng thịnh vượng./.

(Theo langvietonline.vn)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu