Độc đáo phong tục tập quán của dân tộc Raglai (Ninh Thuận)
Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung Bộ và cư trú tại một thung lũng sâu có núi cao bao bọc xung quanh. Công cụ lao động chủ yếu là: rìu, rựa, chà gạc, gậy chọc lỗ, nạo cỏ, khi thu hoạch lúa thì tuốt bằng tay.
Người Raglai chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt. Trước đây chủ yếu sử dụng vào việc cúng lễ. Hiện nay trâu, bò dùng làm sức kéo. Lợn, gà, vịt trở thành hàng hóa để trao đổi hoặc cải thiện bữa ăn. Người Raglai có nghề đan lát mây tre làm những đồ đựng, đồ sàng gạo, gùi. Nghề thủ công chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm.
|
Nhà ở của người Raglai thường xây dựng trên sườn đồi về một bên của dòng suối và có tập quán xây dựng cách xa nhau. Người Raglai ở nhà sàn (còn gọi là nhà dài), là nơi sinh sống quây quần của ít nhất ba, bốn thế hệ dưới sự cai quản của chủ nhà, thường là người già, cao tuổi nhất trong gia đình, trong dòng họ.
Ngôi nhà dài truyền thống Raglai kết cấu vững chắc, quanh khu nhà ở có hàng rào chắc chắn, có một hoặc hai cửa ra vào và luôn có máng nước bằng tre nứa dẫn từ suối về bảo đảm sinh hoạt hàng ngày và có chỗ tắm giặt cho đàn bà, con gái, trẻ em. Ngoài ra, trên đám rẫy đang canh tác, người Raglai còn có nhà rẫy để ăn uống nghỉ ngơi trong những ngày lao động mùa vụ, có kho tạm chứa hoa lợi trước khi mang về nhà.
Về trang phục truyền thống, đàn ông Raglai mặc áo bà ba hoặc quần âu áo sơ mi. Phụ nữ thì mặc váy hoặc quần áo sơ mi, áo bà ba, trong các dịp lễ hội, cúng tế cũng như ngày thường. Tương truyền ngày xưa đàn ông Raglai cởi trần đóng khố; đàn bà quấn váy tấm, mặc áo cộc luồn đầu. Đồ trang sức của nữ có vòng đeo cổ tay, vòng đeo cổ, các loại vòng cườm, bông tai bằng đồng thau hay bằng bạc.
Về quan hệ gia đình, người Raglai theo chế độ mẫu hệ, cho đến nay họ vẫn duy trì tuy đã có sự thay đổi theo môi trường xã hội mới. Con gái cưới chồng về nhà mình với quan niệm “Chặt cây rừng về làm nhà, bắt người ta về làm người nhà mình”. Chàng rể, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình nhà vợ nhưng quyền quyết định những công việc lớn lao vẫn thuộc về người vợ và ông cậu bên vợ. Con gái sinh ra mang họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ suốt 7 đời. Quyền thừa kế tài sản chỉ thuộc về con gái, đặc biệt là người con gái út.
Người Raglai theo tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh”. Họ lấy tên đá, núi, cây rừng, con vật làm họ cho mình và xem như là một vị thần hộ mệnh. “Giàng” là vị thần linh vô hình tối cao nhất. “Giàng” có thể trợ giúp cho con người may mắn hoặc có thể mang tai họa đến cho con người vì vậy người Raglai thường thờ cúng “Giàng” để không bị trừng phạt chết và cầu cho mùa màng bội thu. Ngoài ra, họ còn thờ cúng các thần như: thần núi (Yang chớ), thần rừng (Yang gla glai), thần lúa (Yang Paday) v.v...
Người Raglai cũng quan niệm người chết linh hồn tiếp tục “sống” ở thế giới bên kia, nên quanh mộ được trồng các cây chuối, mía, dứa, khoai môn và chia của cho người chết bằng những ché, chiêng, vỏ quả bầu khô, gùi đã đập vỡ hoặc làm rách, vì cho đó là đồ dùng của ma. Trên mộ dựng nhà mồ nhô lên những cột, trên các cột ấy khắc hình chiếc thuyền, chim dang cánh, bông lan… Khi đã có đủ điều kiện người ta tổ chức lễ nhang vàng tức là lễ cúng người chết lần cuối cùng sau đó bỏ mả hẳn.
Đồng bào Raglai có đời sống văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, có những truyện thần thoại kể về các vị thần sáng tạo trời đất, muôn loài. Những truyện cổ tích, những câu tục ngữ, ca dao phản ánh đời sống lao động nương rẫy, phong tục tập quán, đấu tranh chống thiên tai thú dữ, về tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu lứa đôi. Về dân ca có những làn điệu như alâu (nói lì, hát đối đáp), điệu xúri (hát than thân), điệu se ngai ( hát tỏ tình ).
Về nhạc cụ người Raglai có bộ chiêng đầy đủ 12 chiếc được sử dụng theo từng nhóm 4, 6, 7 hay 9 cùng với chiếc trống da nai điểm nhịp. Đặc biệt, trong đám tang có tiết mục múa tiễn đưa người quá cố với bộ chiêng 7 chiếc. Nhạc cụ còn có khèn bầu (sara ken), khèn môi có 2 loại radih a hoát và đàn ống tre (chapi). Người Raglai cũng biết ghép những thanh đá thành bộ đàn đá khá độc đáo và lí thú, được đánh giá là “đàn đá tiền sử”, là “nhạc cụ cổ xưa nhất” của loài người.
Việc tìm kiếm chế tác những viên đá khi gõ vào phát ra âm thanh một thời gian dài đã được đồng bào Raglai vùng Trường Sơn - Tây Nguyên sử dụng. Từ công cụ sản xuất đã trở thành nhạc cụ. Đàn đá trở thành di sản văn hóa độc đáo mang tính bản địa của vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, dần dần đàn đá trở thành nhạc cụ linh thiêng trong đời sống của cộng đồng khi nó tham gia vào các nghi thức của lễ hội, tín ngưỡng./.
( Theo vanhoaviet.net)