Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình về với xứ Thanh

Tiếp tục hành trình về với nguồn cội, sáng nay (18/7), Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam đã rời Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh đến với mảnh đất xứ Thanh - quê hương của người anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi.
 



Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích Thành nhà Hồ 

Đoàn đã đến dâng hương, tham quan Khu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi yên nghỉ ngàn thu của người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vị Hoàng đế, Hoàng Thái hậu vương triều Lê Sơ, là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt.

Các đại biểu đã đến dâng hương tại Thái miếu- nơi thờ Vua Lê Lợi và thân phụ thân mẫu, Lăng Vua Lê Lợi và tìm hiểu về một số cảnh quan trong khu di tích. Trong không gian trầm tĩnh, cổ kính của khuôn viên khu di tích, những lời thuyết minh của các hướng dẫn viên đã giúp các bạn trẻ được trở về với thời kỳ lịch sử hào hùng của cha ông, hiểu thêm về quần thể Khu di tích và một giai đoạn lịch sử của dân tộc gắn với tên tuổi của người anh hùng Lê Lợi.

Bạn Lê Thị Trang, về từ Campuchia, chia sẻ về cảm xúc của mình: Được tham quan, tìm hiểu về Khu di tích, về một giai đoạn lịch sử của dân tộc- nơi nguồn cội của mình, em cảm thấy rất sung sướng, hạnh phúc. Em cũng rất tự hào khi hôm nay đến đây được dâng hương tại Lăng vua Lê vì em là người họ Lê. Nếu có thời gian được thăm quan tìm hiểu nhiều hơn, em nghĩ rằng, em sẽ thu lượm được nhiều kiến thức hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc để phổ biến tới người thân, bạn bè nhiều và sâu hơn.

Cùng ngày, các đại biểu đã được đến thăm quan tìm hiểu về quần thể Khu di tích thành nhà Hồ, thuộc huyện Vĩnh Lộc. Thành Nhà Hồ là chứng tích duy nhất còn lại của nền văn minh Đại Việt cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, kết tinh hội tụ các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam, giao lưu và tiếp biến mạnh mẽ với tinh hoa văn hóa phương Đông để tạo ra các giá trị văn hóa riêng của một vương triều đang đẩy mạnh cách tân xây dựng đất nước. Thành nhà Hồ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 27/6/2011.

Bạn Huỳnh Việt Hưng, trở về từ Liên bang Nga, cho biết: Em sinh ra và lớn lên tại Nga nên những hiểu biết về lịch sử đất nước mình còn hạn chế. Hôm nay được đến thăm hai di tích này, em cảm thấy rất vui vì em có thêm những hiểu biết về nguồn cội. Được tận mắt thấy kiến trúc bằng đá của thành Nhà Hồ, một công trình độc đáo đã được thế giới vinh danh, em cảm thấy rất tự hào.

Một ngày về với với mảnh đất xứ Thanh, được tham quan, tìm hiểu về các thắng cảnh ở nơi đây trong hành trình về với cội nguồn đã bổ sung thêm những hiểu biết về văn hóa và lịch sử đất nước Việt Nam thân yêu tới các thanh niên, sinh viên kiều bào.

Theo chương trình, tối nay, các đại biểu sẽ có buổi giao lưu với thanh niên Thanh Hóa tại thị xã Sầm Sơn.

Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 150 km về phía Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh 1.560 km về hướng Bắc. Phía Bắc giáp với ba tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Ninh Bình, phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), phía Đông là Vịnh Bắc Bộ.

Cách đây khoảng 6000 năm đã có người sinh sống tại Thanh Hóa. Các di chỉ khảo cổ cho thấy nền văn hóa xuất hiện đầu tiên tại đây là văn hóa Đa Bút. Sang đầu thời đại kim khí, thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hóa Đông Sơn, Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hoá: Cồn Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ tương đương với các văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun ở lưu vực sông Hồng. Và sau đó là nền văn minh Văn Lang cách đây hơn 2000 năm, văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hóa đã toả sáng rực rỡ trên đất nước của các Vua Hùng

Đến với Thanh Hóa, bạn có thể đến thăm Cụm di tích thành nhà Hồ, gồm thành Tây Đô (thuộc địa phận 2 xã: Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 50 km) và các di tích kề cận như đàn Nam Giao, động Tiên Sơn (thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc)... ;thăm quan Khu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây. Hiện nơi đây còn lưu giữ các điêu khắc đá như bia Vĩnh Lăng (Lê Lợi), bia hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao, các di tích cung điện thành nội, thành ngoại, sân Rồng... và có thể tắm biển  tại bãi biển Sầm Sơn.

* Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn:



Đoàn thăm quan Khu di tích Lam Sơn 




Đoàn dâng hương tại Thái miếu - nơi thờ Vua Lê Lợi
và thân phụ, thân mẫu của ngài




Dâng hương tại Lăng Lê Lợi 




Các bạn trẻ kiều bào lý thú tìm hiểu về cây ổi cười tại Lăng vua Lê Lợi 



Tìm hiểu về Thành nhà Hồ trên sa bàn tại phòng trưng bày hiện vật 
Khu di tích Thành nhà Hồ 


Cảnh Tiêu


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Các tin khác

Tin tiêu điểm