Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Trại hè Việt Nam 2013: Tuổi trẻ kiều bào với hành trình “10 năm tiếng gọi cội nguồn”

Sáng nay 14/7, Lễ Khai mạc Trại hè Việt Nam 2013 với chủ đề “10 năm tiếng gọi cội nguồn” do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban), Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra tại Hà Giang - tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc.

Dự Lễ khai mạc có Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban; ông Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, đại diện các ban ngành, đại biểu thanh niên, sinh viên trong nước, và đặc biệt là sự có mặt của khoảng 200 đại biểu thanh thiếu niên Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở khoảng 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới về dự Trại hè Việt Nam năm nay.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn chụp ảnh cùng đại biểu Trại hè 2013

Phát biểu Khai mạc Trại hè Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nhiệt liệt chào mừng các đại biểu của Trại hè Việt Nam 2013. Thứ trưởng cho biết: “Đã thành thông lệ, hàng năm vào tháng 7, các thanh thiếu niên kiều bào lại háo hức trở về quê hương, tham gia hành trình Trại hè Việt Nam, trong tình cảm thân thương, đùm bọc của đồng bào, nhân dân cả nước. Đặc biệt năm nay, Trại hè Việt Nam kỷ niệm 10 năm hoạt động, trong khoảng thời gian đó, đã đón hàng nghìn thanh thiếu niên kiều bào về thăm đất nước, giao lưu, học hỏi, tìm hiểu văn hoá, lịch sử, cội nguồn dân tộc… qua đó, hun đúc thêm tình cảm, sự gắn bó, trách nhiệm đối với Tổ quốc của thế hệ trẻ thanh niên kiều bào”.

Thứ trưởng nhấn mạnh Trại hè năm nay được long trọng khai mạc tại Hà Giang, mảnh đất anh hùng, địa đầu của Tổ quốc, từ đây các em sẽ bắt đầu hành trình tìm hiểu đất nước hình chữ S thân yêu, qua hơn 20 tỉnh, thành phố từ cực Bắc đến cực Nam. Thứ trưởng hy vọng từ những hiểu biết có được sau khi tham gia vào các hoạt động Trại hè, các em sẽ hướng về cội nguồn bằng những tình cảm sâu sắc với những việc làm thiết thực.

Ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, đã giới thiệu với các bạn thanh thiếu niên kiều bào về tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Ông mong muốn trong những ngày ở đây, các đại biểu Trại hè sẽ được đi thực tế, để có thêm trải nghiệm về tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, là cầu nối để giới thiệu vể tỉnh Hà Giang với bạn bè quốc tế, giúp cho tỉnh có thêm cơ hội hội nhập với các nước trên thế giới.

Trại hè Việt Nam 2013 với chủ đề “Tiếng gọi cội nguồn” diễn ra từ ngày 11-30/7 trên cả ba miền đất nước. Sau Lễ khai mạc diễn ra tại Hà Giang, các đại biểu sẽ tham gia nhiều hoạt động lớn và ý nghĩa như dự lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sĩ tại Hà Giang, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự lễ tưởng niệm anh linh các liệt sỹ và đồng bào tử nạn tại Tp. Hồ Chí Minh; giao lưu với đoàn thanh niên tại Hà Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng…; tham quan các danh lam thắng cảnh ở Hà Giang, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cà Mau… 

Trại hè Việt Nam là một hoạt động được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức hàng năm nhằm tạo điều kiện để thanh niên, sinh viên người Việt Nam ở nước ngoài về nước gặp gỡ nhau và giao lưu với thanh niên trong nước; tìm hiểu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Đây cũng là dịp để các em thanh thiếu niên kiều bào tận mắt chứng kiến sự phát triển của đất nước, học hỏi về lịch sử, truyền thống văn hoá dân tộc, hiểu biết thêm những danh lam thắng cảnh, những di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam cũng như trau dồi nâng cao vốn tiếng Việt. Với tiêu chí trên, những năm qua, Trại hè Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trong nước và kiều bào khắp nơi trên thế giới.

Bên lề Lễ khai mạc Trại hè Việt Nam 2013, các bạn trẻ kiều bào đã chia sẻ những cảm nghĩ trong ngày đầu tiên tham dự hoạt động ý nghĩa này: 
Nguyễn Triệu My (18 tuổi), từ NaUy: Chỉ mới trong những ngày đầu tiên, nhưng chúng em đã nhanh chóng làm quen và kết bạn. Buổi lễ Khai mạc diễn ra thật sôi động, chúng em đã trò chuyện, tập luyện và giao lưu văn nghệ cùng nhau. Tuy đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng dường như khi đến với Trại hè Việt Nam, khoảng cách giữa chúng em được rút ngắn lại, chúng em không phân biệt quốc tịch mà đều cảm nhận chung rằng mình là người Việt Nam. 
Nguyễn Ngọc Linh (19 tuổi), từ Áo:
Từ nhỏ, tuy không có điều kiện được về thăm quê hương thường xuyên, những hình dung của em về quê hương chỉ là qua những câu chuyện của bố mẹ kể lại, qua tài liệu, phim ảnh mà em đã xem qua, nhưng bố mẹ luôn dạy cho em phải nhớ về cội nguồn và khuyến khích em phải học tiếng Việt thật tốt. Tham gia Trại hè 2013 này, em thấy rất ấn tượng vì phần lớn các bạn đều nói tiếng Việt rất tốt, dù là những bạn không được sinh ra ở Việt Nam. Bởi vậy, em tin Trại hè này là cơ hội tốt để em được học tập và trau dồi tiếng Việt - “tiếng mẹ” đẻ của mình.
Vũ Huyền Trang (24 tuổi), từ Bulgary: Thật vui khi được biết Trại hè Việt Nam được tổ chức liên tục từ 10 năm nay, ngày càng tạo được sức hút và đã trở thành điểm hẹn của thế hệ trẻ kiều bào. Trại hè là hoạt động rất ý nghĩa, nó là sợi dây liên kết để các bạn trẻ kiều bào có thể hiểu thêm về quê hương đất nước. Em cảm thấy rất phấn khởi và tự hào khi thấy đất nước Việt Nam mình vô cùng tươi đẹp và ngày càng phát triển. Và đặc biệt ngày hôm nay chúng em vô cùng xúc động được đặt chân đến Hà Giang, mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc, hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh hào hùng của ông cha ta để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia. Em hy vọng sẽ còn nhiều điều thú vị chờ đón em ở những hoạt động của Trại hè sắp tới.
Huỳnh Việt Hưng (18 tuổi), từ LB Nga: Năm vừa rồi, khi tham gia sinh hoạt tại tổ chức cộng đồng, được biết một số anh chị đã tham gia Trại hè Việt Nam những năm trước và đều cho rằng đây là một hành trình vô cùng ý nghĩa, sẽ mang lại những trải nghiệm khó quên, em đã đăng ký tham dự. Em đã tìm hiểu qua về lịch trình sắp tới của Trại hè. Đó là một hành trình dài, qua cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, với rất nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa. Hiện giờ, em rất háo hức được nhập cuộc với chuyến đi này và tin chắc rằng chúng em sẽ có cơ hội khám phá những vùng đất khác nhau của đất nước, sẽ hiểu thêm nhiều về lịch sử, văn hóa Việt Nam… Đó là những điều rất cần thiết cho chúng em để khẳng định mình ở nước ngoài.

Hà Giang là một tỉnh nằm ở cực Bắc của Việt Nam, thuộc vùng đông bắc Việt Nam, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang và phía Bắc giáp Trung Quốc.

Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Bên cạnh đó, Hà Giang có cảnh quan môi trường độc đáo của một tỉnh miền núi với những dãy núi cao đá tai mèo ở phía bắc và những cánh rừng bạt ngàn ở phía nam. Năm 2010, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Tháng 9/2012, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Dưới đây là hình ảnh hoạt động của các đại biểu trong ngày khai mạc:

Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm