A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày ấy và hôm nay

Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ dần khép lại với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong lòng, nhưng tôi nhận thấy ở bao con người nơi đây không hận thù hay mặc cảm vì quá khứ. Cũng như nhân dân Việt Nam chúng ta, bao hy sinh mất mát của chiến tranh nhưng gác lại nỗi đau đó để vẫn niềm nở chào đón những người Mỹ đến đầu tư, kinh doanh hay du lịch... tất cả đều bao dung và luôn rộng mở tấm lòng vì tương lai phía trước.



Hoa anh đào trên đất Mỹ.

Trong những ngày cuối tháng 4/2015, trên kênh CNN của Mỹ phát sóng bộ phim "Last days in Vietnam". Bộ phim đã phản ánh lại những hình ảnh của quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn những ngày cuối cùng của tháng 4/1975.

Cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhân dân Việt Nam trong nước cũng như kiều bào ngày đêm đang cố gắng vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và thực sự hình ảnh đất nước Việt Nam sau 40 năm đã trở nên gần gũi và đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

Tôi có may mắn được đi nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều kiều bào khi có dịp đến. Ở đâu tôi cũng thấy cộng đồng Việt kiều cần mẫn, say mê kinh doanh, học tập và phấn đấu vươn lên, đã có nhiều người thành đạt trên những nẻo đường xa xứ. Mặc dù xa cách về thời gian, không gian nhưng trong lòng họ luôn hướng về quê hương xứ sở.

Đó là những kiều bào, chủ tiệm ăn ở thành phố Frankfurt (Đức), quán cà phê ở Paris (Pháp), cửa hàng tạp hoá hay tiệm hớt tóc ở Copenhaghen (Đan Mạch)... Từ phòng làm việc đến cửa hàng ăn, họ thường treo vài bức tranh trên tường, khi là hình ảnh tháp Rùa-Hà Nội, lúc là chợ Bến Thành hay Vịnh Hạ Long... Khi tiếp xúc với họ thì biết bao nhiêu kỷ niệm, hình ảnh quê hương Việt Nam, bạn bè cũ chợt hiện về mang theo đầy cảm xúc lưu luyến. Còn nhiều lắm những nẻo đường xa xứ tôi đã qua và những kiều bào ta ở nước ngoài tôi đã gặp.

Hôm nay, trên mảnh đất Washington DC, khi hoa anh đào đang khoác lên tả ngạn dòng sông Potomac, quanh hồ Tidal basin, khu tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln và công viên bên ngoài toà nhà Quốc hội Hoa kỳ một màu sắc rực rỡ, là lúc tôi đang ngồi đây viết và nhớ lại những con người, những ký ức của họ 40 năm trước. Nói đến những con người ấy ngày ấy và hôm nay, tôi muốn nói về những cựu binh Mỹ.

Cuộc chiến lùi xa đã 40 năm, thế nhưng di chứng và vết thương của cuộc chiến tranh chưa lành hẳn trong lòng nước Mỹ. Kể cả một số cựu binh Mỹ hay một số kiều bào ta trước kia ở bên kia chiến tuyến.
Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những người cựu binh Mỹ mang những tấm biển "homeless" (tức là vô gia cư) trên tấm thân gầy yếu, đứng ở các góc đường để xin tiền khách qua lại.

Có một số cựu binh Mỹ tôi gặp và trò chuyện như Philip, vẫn hóm hỉnh chìa vết thương ở chân cho tôi xem. Ông bảo ông bị thương ở Phan Thiết năm 1967. Ông đã ngoài 70 tuổi, mỗi lần gặp nhau ông đều cười đôn hậu và chào tôi là "Hello, VC!" (tức là xin chào Việt Cộng). Ông nói ông rất khâm phục người Việt Nam, những năm ấy ông biết miền Nam Việt Nam rất nghèo nhưng người dân cần cù lao động, rất dũng cảm. Chính ông tham gia vào cuộc chiến nhưng cũng không hiểu tại sao mình lại sang mảnh đất này để cầm súng chống lại những người dân mộc mạc, hiền lành nơi đây. Qua nhiều lần gặp và những câu chuyện, tôi và ông đã trở nên thân tình. Ông giới thiệu một số bạn bè ông trước đây đã từng tham chiến ở Việt Nam đến nói chuyện với tôi về ký ức ngày ấy.

Nhắc đến Việt Nam, ông Christopher từng tham gia trận Phú Bài ở Huế năm 1968 hào hứng kể và theo ông, đó là một kỷ niệm buồn. Ông cũng bị thương và trở về sau trận chiến đó. Khi trở về Mỹ, ông đã nói rằng họ - nước Mỹ - không thể thắng được trong cuộc chiến này. Bởi vì đất nước ấy, con người ấy (Việt Nam), họ quá yêu đất nước và kiên cường để giữ gìn quê hương và người Mỹ không có quyền gì để bắn giết họ.

Sự thực sau vài năm ông trở về quê, thì những người  lính cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ đã phải rời khỏi Việt Nam kéo theo nhiều di chứng. Còn ông Gballouse là kiến trúc sư đã ngoài 50 tuổi, con trai của cựu binh Hải quân Mỹ tên là Ferando đã gần 80 tuổi. Ông Ferando đã từng sống lênh đênh dọc biển Đà Nẵng từ 1966 đến 1968. Ông bảo bờ biển Việt Nam đẹp và tắm biển không lạnh như các bãi biển của Mỹ. Ông rất thích được gặp những ngư dân ở đây, họ chăm chỉ, vui vẻ. Ông đang có ước vọng quay trở lại thăm Việt Nam trong thời gian tới. Ông biết Việt Nam đã đổi thay nhiều qua lời kể của bạn bè và truyền thông. Con trai ông là Gballouse muốn gặp tôi để hỏi xem nếu muốn mở một công ty hay chi nhánh của ông làm về tư vấn kiến trúc tại Việt Nam có được không. Nếu được thì ông muốn sang Việt Nam để tìm hiểu công việc trong những ngày gần nhất.

Chị Darnell hành nghề luật sư, là kết quả của mối tình bố là lính Mỹ, mẹ Việt Nam. Chị đang cầm trong tay tấm bản đồ Việt Nam và bức ảnh Hồ Chí Minh tôi tặng. Chị đang chuẩn bị về Việt Nam thăm quê...

Còn nhiều lắm những câu chuyện về những cựu binh Mỹ sau chiến tranh Việt Nam như vậy. Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ dần khép lại với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong lòng, nhưng tôi nhận thấy ở bao con người nơi đây không hận thù hay mặc cảm vì quá khứ. Cũng như nhân dân Việt Nam chúng ta, bao hy sinh mất mát của chiến tranh nhưng gác lại nỗi đau đó để vẫn niềm nở chào đón những người Mỹ đến đầu tư, kinh doanh hay du lịch... tất cả đều bao dung và luôn rộng mở tấm lòng vì tương lai phía trước./.

Hà An (từ Washington DC, tháng 4/2015)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu