A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Long trọng lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại CH Séc

Ngày 17/4, tại Trung tâm thương mại Sapa ở thủ đô Praha, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam và Trung ương Hội người Việt Nam tại CH Séc, Hội đồng hương Phú Thọ đã tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương 2016 với sự tham dự của hơn 600 người con đất Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại CH Séc.

Đã thành thông lệ, kể từ năm 2010, cứ vào dịp 10/3 âm lịch, Hội đồng hương Phú Thọ tại CH Séc lại tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương để tưởng nhớ tới các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước cách đây gần 4000 năm. Đây là lần thứ sáu Lễ giỗ Tổ được tổ chức và là lần thứ hai được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam và Trung ương Hội người Việt Nam tại CH Séc.

Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Trương Mạnh Sơn, đọc bài văn tế ca ngợi công lao trời biển của các vua Hùng đã gây dựng nhà nước Văn Lang đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trải qua thăng trầm của lịch sử gần 4.000 năm, nhân dân ta luôn đoàn kết một lòng, đánh thắng thù trong, giặc ngoài, xây dựng nên một nhà nước độc lập, tự chủ và đang trên đường hội nhập sâu rộng với thế giới.

Nhân dịp này, Đại sứ cũng kêu gọi toàn thể những người con đất Việt sinh sống, học tập và làm việc tại CH Séc tiếp nối truyền thống tự cường, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta để cùng nhau xây dựng một cộng đồng người Việt Nam vững mạnh, hội nhập với nước sở tại, đồng thời luôn hướng về quê hương đất nước.

Trong không khí trang nghiêm và với tất cả lòng thành kính, đại diện Sứ quán, Trung ương Hội người Việt Nam các Hội đồng hương các tỉnh và các hội đoàn người Việt Nam tại CH Séc đã dâng hương và các sản vật của quê hương lên bàn thờ tiên tổ Vua Hùng theo nghi lễ truyền thống.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch Hội đồng hương Phú Thọ cho biết, là những người con sinh ra ngay trên mảnh đất rồng tiên, nhưng lớn lên, lao động và học tập tại CH Séc, họ nhận thấy việc tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương là trách nhiệm và nghĩa vụ của những người con sống xa quê để tỏ lòng thành kính với các bậc tiên tổ, đồng thời có thêm động lực yêu quê hương, đất nước.

Ông Hải nói: “Đối với người Phú Thọ tại CH Séc thì ngày giỗ tổ này có một ý nghĩa rất là đặc biệt. Chúng tôi đã có sự thành đạt nhất định thì mong muốn cho mình có một cái gì đấy giống như là nhớ về và biết ơn tổ tiên, cội nguồn của mình. Đây không chỉ là nguyện vọng của riêng bà con đất Tổ, mà cả bà con ở các hội đồng hương khác. Họ rất cần có một cái ngày để bà con đoàn kết lại với nhau, gần gũi nhau hơn. Đồng thời chúng tôi đem ngày giỗ này ra để giáo dục truyền thống cho các thế hệ các cháu lớn lên ở đây”.

Cùng chung ý nghĩ trên, ông Đào Công Hiệp, một người sinh ra tại vùng đất Lâm Thao (Phú Thọ), nói rằng ông rất tự hào là người con của vùng quê cha đất tổ thiêng liêng. Mặc dù sinh sống tại CH Séc được 27 năm, nhưng trái tim ông luôn hướng về cội nguồn, tổ tiên. Kể từ khi Lễ giỗ tổ được tổ chức năm 2010 đến nay, năm nào ông cũng đều đưa gia đình tham dự. Với ông, điều quan trọng hơn cả là việc tổ chức Lễ giỗ tổ sẽ giúp giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam tại CH Séc biết và thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn“ của ông cha ta.

Ông Hiệp chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức để cho con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư mãi sau này nhớ về cội nguồn, để các cháu nắm được, từ đó thì để trau dồi các cháu học thêm Tiếng Việt, để nắm được cội nguồn, lịch sử của dân tộc ta, ông cha ta, bố mẹ ta, và để bản thân các cháu tự vươn lên, tự học hành, và phấn đấu để hướng vê quê hương đất nước”.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương 2016 kéo dài tới khuya với một chương trình ca múa nhạc đặc biệt ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam, cũng như giới thiệu các trò chơi dân gian. Trước đó, Ban tổ chức đã sắp xếp 10 quầy giới thiệu các sản vật đặc trưng của từng vùng miền như bánh chưng, bánh dày, bánh đậu xanh, bánh bột lọc, nhãn lồng, chè Thái Nguyên, mứt hạt sen, dưa hấu.... nhằm quảng bá sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam./.

(Hữu Bình/VOV)

Tin liên quan

Tin tiêu điểm