A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiev những ngày cuối năm – Khi Tết đang tới gần

Những năm về trước hai tháng cuối năm luôn là mong đợi của những người đi chợ bán hàng. Người ta mong đợi cũng phải thôi, vì dịp này người dân mua sắm không đơn thuần là để trang bị những đồ dùng thiết yếu cho mùa Đông, mà những món quà dành tặng cho gia đình, người thân, bạn bè vào dịp lễ tết cũng đã được lên kế hoạch và mua sắm dần.



 Phố xá vắng vẻ


Đó là dịp để những người đi chợ cố bán cho róc hàng, thu hồi vốn, tính toán lời lãi để lên kế hoạch cho năm tiếp theo. Nếu nhà nào làm ăn may mắn có chút “ của ăn, của để” thì có thể thu xếp về Việt Nam ăn Tết, xum họp cùng gia đình (đó cũng là mục tiêu để nhiều người phấn đấu), hoặc dành dụm một chút gửi về biếu cha mẹ, giúp đỡ anh em, mừng tuổi cho các cháu.

Khó khăn thật sự đổ ập xuống từ hơn một năm trở lại đây. Nói vậy không phải là trước đó không có khó khăn, nhưng dù sao vẫn có thể từ từ khắc phục nhờ sự giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, của người thân, bạn bè, còn bây giờ thì đành chịu. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai bán hàng trên khu vực chợ Conteiner - một người rất xông xáo, nhanh nhẹn - cùng anh Dũng - chồng chị, vượt qua bao gian khổ mới xây dựng được cuộc sống ổn định với một ngôi nhà ấm cúng, hai cậu con trai được ăn học đầy đủ và một khoản tiền vốn cũng tương đối “ xông xênh” để quay vòng buôn bán. Nhưng trước tình hình này, chị không thể tránh khỏi lo lắng, vẻ buồn rầu chị tâm sự: “ Tình hình cứ kéo dài thế này thì chẳng biết sẽ đi về đâu, mọi thứ đều bị trượt giá theo đồng ngoại tệ nên dân người ta cũng phải tằn tiện trong chi tiêu. Có những người mua hàng khó khăn mình cũng giảm bớt cho họ, hàng thì đầy ra vì có ba điểm bán hàng đã phải bỏ bớt một điểm, thế mà vẫn có đầy ngày không có mở hàng”. Mặc dù nổi tiếng là người làm ăn chắc chắn và rất giữ giá bán vì nhà chị bán hàng theo modern và chất lượng tốt, không thua kém trong các shop mà giá cả lại hợp lý, nhưng cũng không bán được, nên bây giờ phải hạ giá bán lấy tiền trang trải, chi tiêu hàng ngày. Chị nói: “Chợ này thì chẳng ai tính được, giỏi lắm thì còn một vài nhà dám nói cứng vì cái đám hàng tồn của nhà họ vẫn còn nhiều và vẫn có thể bán được, chứ kể cả khu chợ bán buôn cứ nói là nhúc nhắc. Cháu họ mình làm ở đấy trước vẫn tốt, giờ cũng phải thật thà thừa nhận là chả riêng nhà nó mà nhiều người khác giờ kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày cũng còn khó khăn”.


 Chợ cũng vắng khách


Cứ nghĩ chỉ có khu chợ bán lẻ khi sức mua của người dân bị giảm sút thì mới có khó khăn chứ khu chợ bán buôn vẫn “sống khỏe”, vì từ vài năm nay khi làm ăn khó khăn thì những nhà bán lẻ ít tự đi lấy hàng một tuần hai chuyến như trước, mà phụ thuộc vào những người bán buôn. Tiện ở chỗ không phải rong ruổi đường dài, vốn cũng không phải dồn dịch, vay mượn nhau lúc bị nhỡ hay hàng không đúng chủng loại, mẫu mã, không bán được. Lại nữa là những người ít vốn có thể lấy đầu chợ, bán cuối chợ vẫn có thể sống được, những nhà làm hàng bán buôn thì cũng nhờ vậy mà ngày càng phát triển. Khi lượng khách hàng của họ được bổ sung là những người bán lẻ ở các khu chợ khác hoặc trong một số cửa hàng thì lượng hàng tiêu thụ được cũng là đáng kể; bên cạnh đó, họ lại mở bán lẻ với giá chênh lệch không nhiều so với giá bán buôn, nên hút hết lượng khách của các khu chợ khác. Có những nhà chăm chỉ, khéo lo, khéo tính, lại gặp may mắn thì cũng có cuộc sống tương đối đủ đầy, lo cho cha mẹ, gia đình và dòng họ.


 Quầy hàng nhà chị Tuyết Mai, phong phú và nhiều mà cũng vắng khách


Khu chợ trước đây sầm uất là vậy, thế mà bây giờ cũng có cảnh ngồi chơi, tán gẫu hay đọc tin tức bằng những chiếc điện thoại cầm tay. Anh Thái – Hương, quê Thái Bình, thật thà cho biết: Năm nay những người làm hàng bán buôn không khéo tính thì lỗ nặng! Hàng tồn bán giải phóng thu hồi vốn thì không kể, chứ những hàng mới năm nay chỉ dám lấy từng ít để bán cho mọi người bổ sung thêm vào quầy hàng cho phong phú, thế mà lấy đâu “chết” đấy. Hàng thì tính theo giá ngoại tệ, thế nhưng đồng tiền nội địa lại mất giá hàng ngày, nên có nhà sáng tính cho khách một giá, trưa, chiều lại bị lỗ. Có những nhà bán được lượng hàng tương đối, chưa kịp mừng thì chiều đã lại buồn quá bỏ cả cơm, vì tính theo tỉ giá phải thanh toán với chủ hàng ngày hôm đó do trượt giá đồng tiền mà mất một khoản mà có lẽ trong thời buổi khó khăn này thì nửa năm, hay thậm chí cả năm chắc gì dành dụm được, nhất là những mặt hàng ăn lãi mỏng. Bản thân gia đình anh Thái năm nay cũng chủ yếu là bán hàng tồn thu hồi vốn, nhưng vào vụ nên vẫn phải lấy hàng mới về. Tính toán là bán mười thì phải lấy mười lăm nhưng không ngờ năm nay quá kém, lượng tiêu thụ chỉ được đến hai, ba phần. Cố gắng thu hồi vốn bằng cách không tăng giá hàng theo tỉ giá và còn lỗ nhiều hơn khi giao hàng trả chậm cho những bạn hàng người Ucraina đã gắn bó với mình nhiều năm. Với họ, một ngày hay một năm sau thì mười đồng vẫn chỉ là mười đồng mà thôi.

“Khó khăn thì là khó khăn chung rồi. Cả người Ucraina cũng thế và nơi nào cũng thế” - có lẽ là câu nói thường nghe thấy nhất bây giờ khi người ta hỏi thăm nhau hay như một lời trấn an, động viên tuỳ vào hoàn cảnh.


 Những người bán cành thông


Để biết thêm một chút về những khó khăn mà người Ucraina đang phải gánh chịu, hãy nghe những người nhân viên bán hàng, hay những bà bảo mẫu của con mình trong câu chuyện thường ngày ta cũng sẽ biết. Đó là chuyện cô nhân viên bán hàng cạnh nhà tôi loay hoay tính toán làm sao mua được món quà - dù không bằng mọi năm - để tặng cho con cháu khi những ngày năm mới cận kề. Bất lực cô đã khóc vì không dành được đủ tiền, bởi lẽ một tuần có khi đến vài ngày cô không bán được món đồ nào để được hưởng thêm tiền phần trăm ngoài số tiền cơ bản hàng ngày giờ chưa chắc đủ để chi phí. Hay như chuyện hôm nay khi chỉ còn một - hai ngày nữa đã là năm mới, ở ngay cạnh chợ nằm trong khu vực trước giờ vẫn được tính là khu vực có nhiều người khá giả sinh sống. Tôi ghé qua “chợ” bán cây thông trang trí ngày tết. Gọi là chợ chứ thực ra nó chỉ là khoảng đất trống giữa hai làn đường ngược chiều nhau, người ta chở thông đến và chỉ bỏ dần xuống để bán. Xe để đấy như một cái kho bảo quản những cành thông.
“Cũng có người xem và mua nhưng ít lắm” - anh Yakunkin Yurij mang thông từ Zakarpatie tới bán, cho biết khi tôi hỏi thăm. Mặc dù giá bán rất rẻ và chỉ còn hai ngày nữa là năm mới, nhưng tôi thấy những cành thông còn khá nhiều, dù họ bảo năm nay đưa về rất ít. Xót xa, tôi nhớ lại chiều 30 Tết năm trước tôi cũng thấy rất nhiều cành thông đẹp mà mời chào thế nào cũng chẳng có người mua, dù lúc đó giá bán chỉ là 20 - 50 đồng (tiền Ucraina) cho một cành thông giá trị ít nhất là 300 – 400 đồng. Anh bán thông nói, “Hãy mua đi! Chúng tôi bán rẻ và nếu nhà gần thì chúng tôi vác tới tận nơi. Miễn sao tới 8 giờ tối nay chúng tôi không phải chất chúng lên xe để chở ngược về rừng là được. Vì như vậy chúng tôi còn lỗ cả tiền xăng!”. Tôi đã nghĩ anh ấy nói đùa và không biết được số cành thông ấy sẽ ra sao, nhưng năm đó nhiều người đều bảo thông ế nhiều. Có điểm bán người ta còn vứt luôn ở đấy không dọn.

Bước chân vào chợ, vắng hơn cả ngày thường dù là ngày chủ nhật và sắp tết, các quầy thịt, hoa quả, rau củ... đều vắng khách, thưa thớt người qua lại. Khó khăn thực sự ở mọi nơi.

Năm mới đã đến thật gần và tôi lại ước như ngày nào còn nhỏ, mẹ bảo tôi hãy ước điều gì cho năm mới. Tôi chỉ ước sao cho cuộc sống ở Ucraina này được bình yên trở lại, tôi không phải thấy những giọt nước mắt vì đau khổ hay bất lực trước những khó khăn của những người Ucraina đã trở thành thân thiết của tôi. Và tôi ước những cành thông kia sẽ được theo về cùng các gia đình, được những bàn tay nâng niu trang trí để rồi lung linh những sắc mầu vui tươi trong những ngôi nhà ấm áp và ngập tràn hạnh phúc.


Kiev, 28/12/2014
Mai Anh (từ Ucraina)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu