A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia kiều bào chung tay vượt qua đại dịch – Vaccine made in Vietnam

Tiếp nối thành công của Tọa đàm trực tuyến lần 1 với chủ đề “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch”, chiều 20/8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tiếp tục tổ chức Tọa đàm trực tuyến lần 2 với chủ đề “Chuyên gia kiều bào chung tay vượt qua đại dịch - Vaccine made in Vietnam”.

Tham dự buổi Tọa đàm trực tuyến có ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM; ông Phùng Công Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM.

Cùng các khách mời là Tiến sĩ Đỗ Minh Sĩ - Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Giám đốc Khoa học Công ty IGY Life Sciences, Giáo sư kiêm nhiệm Đại học Arizona (Hoa Kỳ); Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn - Bệnh viện Trung ương Cochin, Đại học Y Nha dược Paris (Pháp); Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái- Đồng sáng lập TransMed-VN (Hoa Kỳ); ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào tại Singapore) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - đại diện Intercharm Training Hub, điều phối chương trình.

MONG MUỐN CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC CÙNG CHUNG TAY CHIA SẺ VỀ VACCINE KHỐNG CHẾ DỊCH BỆNH

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày càng phức tạp, đặc biệt là tại TPHCM và các địa phương phía Nam. Do đó, bên cạnh các phương pháp chống địch đang được triển khai thì nhu cầu sản xuất vaccine trong nước cũng rất cấp bách. Ông mong muốn thông qua buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học bằng chuyên môn và kinh nghiệm của mình có thể đưa ra các ý kiến góp ý, đề xuất đối với vấn đề này để Việt Nam sớm có được nguồn lực vaccine, góp phần khống chế dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.

Ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM cho biết việc bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng vaccine có ý nghĩa quyết định chiến lược phòng chống dịch. TPHCM tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine để sớm đạt mục tiêu bao phủ 70% vaccine cho người từ 18 tuổi. Vì vậy, Thành phố cần huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn vaccine hiện có, tiêm chủng kịp thời các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt và Bộ Y tế cấp phép để mở rộng diện bao phủ vaccine. Những đóng góp, hiến kế của các nhà khoa học, chuyên gia trí thức kiều bào qua hai buổi Tọa đàm trong phòng chống dịch COVID-19 là hết sức cần thiết và có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với Thành phố. Trong giai đoạn khó khăn, mọi sự chia sẻ, đồng hành là rất quan trọng để TPHCM cùng cả nước sớm khống chế dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới. Thay mặt Lãnh đạo TPHCM, ông cũng gửi lời cảm ơn Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã liên tục tổ chức các hoạt động, sự kiện kịp thời kêu gọi, kết nối các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp ý, hiến kế chung sức cùng Thành phố chống dịch COVID-19.

 Các diễn giả tham dự buổi Tọa đàm

NHỮNG THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU VỀ VACCINE “MADE IN VIỆT NAM”

Tại buổi Tọa đàm, mọi người được nghe bà Lê Bích Loan - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM chia sẻ về một số thành tựu nghiên cứu, sản phẩm của chuyên gia, nhà khoa học kiều bào tại Khu Công nghệ cao trong việc phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine. Bà cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát, hệ sinh thái công nghệ cao Khu Công nghệ cao TPHCM đã góp phần vào công tác phòng chống đại dịch, có thể kể tên một số sản phẩm, công nghệ như: công nghệ xét nghiệm nhanh COVID-19 và trang thiết bị y tế chẩn đoán của Công ty Biomed, Công ty Nam Khoa, công nghệ khử khuẩn trong khẩu trang diệt khuẩn của Công ty Wakamono, nguồn Oxy sạch cung cấp cho các bệnh viện của Công ty Air Liquide, PVGas, nước sát khuẩn ứng dụng công nghệ nano của Trung tâm R&D… Đặc biệt, phải kể đến dự án đầu tư của Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen, đã ứng dụng công nghệ Protein tái tổ hợp để sản xuất sản phẩm vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam với tên gọi là Nanocovax.

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Đỗ Minh Sĩ – Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Công ty Cổ phần CNSH Dược Nanogen, đã giới thiệu và chia sẻ tổng quan về vaccine Nanocovax. Ông cho biết, hiện nay có 3 loại vaccine COVID-19 chính đang được nghiên cứu và phát triển: vaccine mRNA, vaccine tiểu đơn vị protein và vaccine véc-tơ. Nanogen đã nghiên cứu và sản xuất vaccine tái tổ hợp phòng bệnh do SARS-CoV-2 theo hướng vaccine tiểu đơn vị protein, trong đó subunit protein S tái tổ hợp gắn trên giá thể là các hạt nano silica. Thay vì sử dụng toàn bộ mầm bệnh, vaccine tiểu đơn vị là loại vaccine chỉ sử dụng những mảnh kháng nguyên vô hại (protein) của vi sinh vật thích hợp nhất để kích thích tạo đáp ứng miễn dịch phù hợp. 

Theo TS Đỗ Minh Sĩ, tính đến thời điểm hiện tại, dựa trên kết quả thử nghiệm có thể đánh giá về mức độ an toàn thì vaccine Nanocovax tương đối an toàn, các tình nguyện viên khi tiêm đa số có phản ứng nhẹ hoặc không phản ứng phụ. Hiệu quả của vaccine chưa tính được, tuy nhiên chỉ số đáp ứng miễn dịch ở huyết thanh của người tiêm vaccine Nanocovax cao hơn so với huyết thanh của người nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh.

 Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tham dự buổi Tọa đàm

Chuyên gia kiều bào chia sẻ về vaccine Nanocovac - vaccine “made in Việt Nam”

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Giám đốc Khoa học Công ty IGY Life Sciences, Giáo sư kiêm nhiệm Đại học Arizona (Hoa Kỳ) nêu ý kiến nên đề xuất cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Nanocovax căn cứ trên các cơ sở an toàn, hiệu quả, khả năng sản xuất và lợi ích vaccine mang lại.

Giáo sư Huân đã có những lý giải cụ thể về các yếu tố này: An toàn (dựa trên cơ sở khoa học); về Hiệu quả (dựa trên kết quả thử nghiệm); về Khả năng sản xuất và về Lợi ích (Cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Nanocovax là cơ hội thành công cho Việt Nam trên lĩnh vực tự sản xuất được vaccine và tự khống chế được đại dịch). Ông cho rằng sử dụng đại trà vaccine Nanocovax tại thời điểm hiện nay rủi ro rất nhỏ (nếu có thì theo lý thuyết thấp hơn các vaccine hiện đang được lưu hành), nhưng lợi ích thì lớn.

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn - Bệnh viện Trung ương Cochin, Đại học Y Nha dược Paris (Pháp) chia sẻ nội dung “Chỉ định lâm sàng và hiệu quả tiêm vaccine cho những nhóm có nguy cơ tử vong cao”.

Ông cho biết, có 3 tiêu chuẩn phân chia độ lây lan, mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân COVID-19. Trong đó hai tiêu chuẩn thụ thể ACE2 và tải lượng virus sẽ quyết định nguy cơ lây lan hay bị nhiễm virus. Tiêu chuẩn thứ 3 là phản ứng viêm hệ thống sẽ tiên đoán được người có nguy cơ phát bệnh nặng và tử vong hay không. Các đối tượng không kiểm soát được phản ứng viêm hệ thống và dẫn đến cơn bão Cytokines đó là người cao tuổi, người có bệnh nền suy tim, suy hô hấp, suy thận và nhóm người trẻ tuổi có bệnh nền đái tháo đường hoặc béo phì. Nên tiêm ngừa COVID-19 cho các đối tượng có nhiều cơn nguy đến mức độ phải đưa vào hồi sức tích cực để tránh nguy cơ tử vong, ưu tiên cho những người có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng. Theo ông, tiêm vaccine là cách nhanh và an toàn nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng giúp chúng ta quay lại với cuộc sống bình thường và tránh sự xuất hiện của những biến chủng mới.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái  - Đồng sáng lập TransMed-VN (Hoa Kỳ) tham luận chia sẻ khả năng tiêm chủng Nanocovax cho cộng đồng qua so sánh với Novavax và các vaccine hiện hành. Ông cho rằng ngoài mức độ an toàn cao, Nanocovax cần đạt tiêu chuẩn các vaccine COVID-19 hiện nay, dựa trên 4 kết quả lâm sàng: hiệu quả tránh F0 không có triệu chứng, giảm nhập viện, giảm trở bệnh nặng và không tử vong. Nanocovax sẽ cần đáp ứng tốt đặc biệt cho chủng Delta. Trong điều kiện hiện tại, vì đánh giá khoa học có giới hạn, Nanocovax cần tập trung vào thử nghiệm và đánh giá các chỉ tiêu lâm sàng. 

Tại buổi Tọa đàm, một số vấn đề liên quan đến vaccine Việt Nam cũng được đưa ra trao đổi thảo luận như: cơ chế hoạt động của virus SARS-CoV-2 cũng như vai trò quan trọng của vaccine trong việc đẩy lùi dịch bệnh, đánh giá hiệu quả của việc tiêm trộn 2 loại vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đánh giá việc tiêm vaccine bổ sung của một số quốc gia trên thế giới trước biến chủng Delta; tiến trình tiêm thử nghiệm vaccine Việt Nam; định hướng việc mở rộng khi vaccine Việt Nam được sử dụng rộng rãi; quy trình cấp phép vaccine tại Hoa Kỳ và trường hợp được cấp phép khẩn cấp; vaccine Nanocovax có hiệu quả như thế nào trước chủng Delta; khả năng rủi ro khi tiêm vaccine ở những người lớn tuổi và có bệnh nền...

GHI NHẬN NHỮNG Ý KIẾN ĐÓNG GÓP, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VÀ KHUYẾN NGHỊ QUAN TRỌNG CỦA CHUYÊN GIA KIỀU BÀO

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - đánh giá các ý kiến và tham luận của các diễn giả chuyên gia kiều bào tại Tọa đàm đã đem đến cách nhìn toàn diện, khoa học về các loại vaccine cũng như vấn đề thử nghiệm lâm sàng, cấp phép sử dụng vaccine. 

Ngày 13/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác cùng đại diện các bộ, ngành: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ. Tổ công tác có nhiệm vụ tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và đôn đốc việc đàm phán, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine; tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo nhằm tiếp nhận vaccine nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể. Việc thành lập Tổ công tác cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ đặt trọng tâm vào chiến lược vaccine.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu bế mạc Tọa đàm 

Hiện nay, chiến lược vaccine của Việt Nam tập trung vào ba nội dung chính, bao gồm: (i) tiếp cận, mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; (ii) đẩy nhanh tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine tại Việt Nam; (iii) thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. 

Ngoài việc tiếp cận, mua vaccine và thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả thì Bộ Y tế cũng cho biết vấn đề đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine tại Việt Nam cần đặt trong bối cảnh khẩn cấp hiện nay và phấn đấu sớm nhất trong năm 2021 có một nhà sản xuất vaccine trong nước sản xuất thành công vaccine COVID-19. Đối mặt với thực trạng khan hiếm của nguồn cung vaccine trên thế giới, tự lực, tự cường về vaccine được coi là giải pháp căn cơ, lâu dài và do vậy việc nghiên cứu và phát triển vaccine "made in Vietnam” cần được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ với đầy đủ các số liệu tin cậy, an toàn và hiệu quả.

Thứ trưởng ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, những chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị quan trọng đó và sẽ tổng hợp báo cáo Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, để chuyển tới các cơ quan chuyên môn tham khảo trong quá trình sản xuất, cấp phép sử dụng vaccine. Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, sự chung tay góp sức của các chuyên gia trong nước và kiều bào, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng Việt Nam sẽ thành công trong việc sản xuất vaccine made in Vietnam, triển khai chiến lược vaccine hiệu quả, sớm kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Hương Nhiên


Tin liên quan

Tin tiêu điểm