A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng nghề chằm nón lá Long Hồ - giữ hồn văn hóa làng quê

Làng nghề chằm nón lá Long Hồ thuộc Thị trấn.Long Hồ, huyện.Long Hồ,  tỉnh Vĩnh Long. Trải qua bao thăng trầm, nhưng những người dân nơi đây vẫn giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống, giữ hồn văn hóa làng quê.

Theo tương truyền thì nghề này bắt nguồn từ một người đàn ông di cư từ Huế vào Nam, người dân thường gọi là ông Dố. Ông làm nghề này để trang trải cuộc sống. Sau đó chỉ dạy lại cho người dân nơi đây sản xuất, theo thời gian người dân xem đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Nghề chằm nón lá thịnh vượng nhất vào những năm 70 của thế kỷ XX, mang lại thu nhập ổn định cho hơn 300 hộ gia đình. Sau đó có nhiều người đến đây học nghề và đem về địa phương sản xuất. Nhưng hiện nay chỉ còn những người cao tuổi giữ nghề.

Nghề làm nón lá gắn bó với những người phụ nữ thị trấn Long Hồ qua những tháng năm đời người. Bên cạnh mang lại nguồn thu nhập, những người phụ nữ gắn bó với nghề còn vì “tình yêu dành cho chiếc nón”.

Để làm ra một chiếc nón lá đẹp người thợ phải trải qua quá trình lao động bền bỉ và cũng công phu với nhiều công đoạn, từ làm mô (hay làm khung), vô vành, xây lá, rồi đến chằm nón…khâu nào cũng đòi hỏi sự khéo tay và nhẫn nại.

Nguyên liệu chính để chằm nón là lá mật cật. Lá mật cật già đem luộc chín, vuốt thẳng, phơi ráo. Lá phải được cán hay vuốt thẳng, sao cho sau khi chằm thì không bị co, dúm lại. Sau đó, lá mật cật được kết dính một cách khéo léo với vòng nan tre bằng chỉ trong suốt; xếp từng lá chồng dọc theo khuôn để chằm.

Thông thường, những người đàn ông sẽ phụ trách vót nan trúc hay tre để lên khuôn làm sườn nón. Các nan tre hay trúc phải được chuốt nhỏ và kích thước tương ứng cho 16 vành nón. Hiện nay, trên thị trường giá bán một chiếc chằm nón đẹp thì sẽ dao động 50-60 ngàn đồng/chiếc.

Cuộc sống hiện đại, nhu cầu sử dụng nón lá không nhiều, sảm phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp… nên người trẻ không còn tha thiết với nghề, hiện làng nghề chỉ còn những người cao tuổi vẫn âm thầm giữ nghề.

Trải qua bao thăng trầm và sự thay đổi của cuộc sống, dù không còn hưng thịnh như thời hoàng kim. Chính lòng yêu nghề và sự quyết tâm của những người thợ đã âm thầm níu giữ cái nghề ông cha.

Chiếc nón lá gần gũi, thân thương với người Việt đến thế. Tuy chỉ là vật dụng đơn sơ nhưng nó lại ẩn chứa hồn quê mộc mạc, dung dị và cũng rất đỗi Việt Nam. Hiện nay, dù có nhiều loại nón đẹp mang phong cách hiện đại thế nhưng chiếc nón lá vẫn giữ cho riêng mình một chỗ đứng trong tâm thức người Việt, dù ở nông thôn hay thành thị.

Bảo Ngọc/ langngheviet.com.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu