Độc đáo kiến trúc nghệ thuật của Tháp cổ Pô Sah Inư ở Bình Thuận
Là một trong những cụm tháp Chăm còn tương đối nguyên vẹn, Tháp Pô Sah Inư chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí.
Là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chămpa xưa, Tháp Pô Sah Inư cách trung tâm thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) 7km về phía Đông Bắc.
Tọa lạc trên ngọn đồi khi xưa có tên là đồi Bà Nài thuộc địa phận thôn Ngọc Lâm phường Phú Hài (xưa là Phố Hài), Po Sah Inư là một trong ba nhóm đền tháp Chăm thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai, cùng với tháp Podam (Pô Tằm) ở huyện Tuy Phong và nhóm tháp Làng Gọ ở xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc.
Đây là những nhóm đền tháp cổ của vương quốc Chămpa còn lại cho đến ngày nay ở miền Trung Việt Nam.
Khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9, người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích thờ vị thần Shiva - là một trong những vị thần Ấn Độ được sùng bái và tôn kính.
Thế kỷ 15, người Chăm xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Po Sha Inư, là con của vua Para Chanh. Công chúa có tài đức và phép ứng xử nên được người Chăm đương thời yêu quý.
Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng Tháp Pô Sah Inư chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Nhóm đền tháp Po Sah Inư là một trong những cụm tháp Chăm còn tương đối nguyên vẹn.
Nhóm đền tháp Po Sah Inư có 3 tháp gồm Tháp Chính (tháp A), tháp thờ thần Lửa (tháp C) và tháp B thờ bò thần Nandin (cuối thế kỷ 19 vẫn còn, sau đó đã mất).
Đây là nhóm đền tháp duy nhất được xây dựng trên đồi cao gần biển trong phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai của nền văn hóa Chămpa, trong khi tất cả các tháp khác đều tọa lạc trên đồi cao hoặc khu vực đồng bằng xa biển. Vì sao chỉ có nhóm tháp này được xây dựng gần biển, cho đến nay vấn đề này đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp từ phía các nhà khoa học.
Các giá trị hiếm có của di tích về lịch sử, niên đại, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc và những nội dung khác liên quan như sự gắn kết giữa văn hóa vật thể với văn hóa phi vật thể, giữa lễ nghi lễ hội của cộng đồng người Chăm với tháp Po Sah Inư từ xưa đến nay chứng minh là nhóm đền tháp có vai trò quan trọng đặc biệt trong số các di tích kiến trúc ở địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng và của cả di sản văn hóa Chămpa nói chung.
Tháp Chính thờ thần chủ Siva, trong lòng tháp vẫn còn bệ thờ Linga-Yoni là biểu tượng của thần, có niên đại cùng thời với tháp cho đến nay. Từ thế kỷ 19-20, nhiều người thường gọi là tháp Phố Hài trùng với địa danh ở đây, trong sách “Inventaire descriptif des nonumorits Chăm do L’annap” của nhà khảo cổ học, sử học người Pháp H.Parmentier cũng gọi là tháp Phố Hài.
Khoảng từ thế kỷ 20 về sau người Chăm gọi là tháp Po Sah Inư là tên của công chúa, chị ruột của vua Podam và đều là con của vua Chăm ParaChanh mà sử Việt gọi là La Khải. Sau khi Po Sah Inư mất, Hoàng tộc Chăm đã xây đền thờ để thờ Bà trong khuôn viên tháp Phố Hài. Như vậy có thời kỳ nhóm đền tháp này tồn tại 2 tên là Phố Hài và Po Sah Inư.
Từ khoảng thế kỷ 16 trở về sau, đền thờ Bà bị sụp đổ, cùng thời gian này cả 3 tháp trong nhóm cũng sụp đổ dần, tạo nên một lớp đất, gạch, đá dày gần 2m bao phủ toàn bộ khuôn viên tháp. Lúc này người Chăm sử dụng luôn tháp Chính vốn thờ thần Siva từ hơn 800 năm trước để thờ công chúa Po Sah Inư.
Dấu tích của đền thờ được phát hiện qua đợt khai quật khảo cổ từ năm 1991-1995 cùng với nền móng các đền thờ và rất nhiều các loại ngói lợp, ngói trang trí và vật thờ. Đợt khai quật lần này cũng đã phát hiện nhiều hiện vật quý gắn liền với các lễ nghi, lễ hội thời kỳ này như: tượng thần, tù và bằng gốm, bộ Rasun batau (Pesani), bình gốm, mảnh tai và một bàn chân bò thần Nandin bằng đá granit, ống điếu và vòi ấm bằng đất nung, chén, dĩa, nồi gốm…
Có thể khái quát lại một số nét chính về kiến trúc là toàn bộ các thể khối xây và điêu khắc của cả nhóm tháp hoàn toàn làm bằng gạch nung trước khi xây dựng. Chất kết dính là nhựa thực vật mà chủ yếu là dầu rái.
Các trụ áp tường hình trụ, nổi bật là 2 trụ phía ngoài cửa của tháp Chính. Các mảng tường ít trang trí hoa văn mà thường để trơn hoặc chạm sâu vào gạch các ô hình chữ nhật.
Người xưa hoàn toàn không dùng chất liệu đá trong kiến trúc và trang trí nghệ thuật hoặc làm đà tạo lực trên thân và đỉnh tháp, ngoại trừ bệ thờ Linga- Yoni và một số tượng thần, tượng bò thần Nandin.
Tháp Chính là tháp lớn và cao nhất trong nhóm. Tháp cao 16m; có tất cả 3 tầng, hai tầng trên có kiến trúc gần giống tầng dưới nhưng giảm dần kích thước cũng như các chi tiết kiến trúc và nghệ thuật. Cứ như vậy, nhỏ dần và cao vút lên trên cùng với phần mái tháp.
Ở lưng chừng mái tháp có 4 lỗ thông hơi về 4 hướng, nhằm thông hơi và hút khí nóng trong lòng tháp ra ngoài, phần nào tạo sự cân bằng giữa bên trong và bên ngoài, sự hòa hợp giữa thần linh và trời đất. Đây chính là điểm nhấn về tâm linh khi các chức sắc thực hiện lễ nghi và họ tin rằng, các vị thần từ cõi trên đi về bằng con đường này.
Tháp Chính cũng là nơi được tập trung những giá trị về kiến trúc vật chất và tinh thần cũng như về tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo.
Ngày nay ngoài các vị chức sắc đại diện cho tầng lớp tu sĩ người Chăm ở địa phương chủ trì hành lễ ở trong tháp, những người dân thường và du khách cũng có thể vào cầu khẩn thần linh ở bệ thờ Linga-Yoni, kể cả ngày lễ và ngày thường.
Tháp B cao 12m, có 3 tầng như tháp A nhưng nhỏ hơn. Trong lòng tháp thờ bò thần Nandin mà từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 người dân địa phương vẫn thấy, sau đó không thấy nữa.
Trong đợt khai quật khảo cổ những năm 1991-1995, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số mảnh và bàn chân của bò thần Nandin. Trước tháp có một sân lễ lớn, hiện nay dùng dựng rạp trong lễ Katê.
Tháp C do chức năng nguyên thủy ban đầu là thờ thần Lửa nên kiến trúc chỉ có 1 tầng bao gồm cả chân đế, thân và đỉnh tháp, tháp có chiều cao 5m; chiều rộng mỗi cạnh gần 4m. Dấu vết sụp đổ cho biết hàng trăm năm trước cho đến những năm 80 của thế kỷ 20, phần đỉnh và mái tháp bị sạt đổ cùng với đế tháp bị mủn mục sâu vào bên trong thân tháp.
Sau khi tu bổ tôn tạo xong, chức năng của tháp được sử dụng lại, nhưng chủ yếu là nơi người ta để lễ vật trước khi vào hành lễ ở tháp Chính. Cả 3 ngôi tháp trong nhóm Po Sah Inư đã được tu bổ, tôn tạo lại nhiều lần để có được hình dáng kiến trúc và không gian văn hóa như hiện tại.
Từ trước cho đến nửa đầu thế kỷ 20 người Chăm thường thực hiện nhiều lễ nghi ở Tháp cổ Pô Sah Inư.
Năm 2005, lễ hội Katê được phục dựng với đầy đủ các quy trình về không gian, thời gian, hình thức, nội dung và giá trị nguyên gốc như xưa. Từ lúc được phục dựng cho đến nay, hàng năm lễ hội Katê được tổ chức đều đặn tại tháp Po Sah Inư cổ kính, trở thành điểm đến thu hút du khách tạo đà cho phát triển du lịch.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Tháp cổ Pô Sah Inư, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức chương trình tham quan “Một ngày trải nghiệm văn hóa Chăm” giúp người dân và du khách sẽ có cái nhìn toàn diện và tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa Chăm Bình Thuận.
Chương trình trải nghiệm bắt đầu từ điểm Di tích Tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết đến Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình.
Du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc đền tháp, văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm, thưởng thức ẩm thực đặc trưng, hóa thân thành những chàng trai, cô gái Chăm trong bộ trang phục truyền thống và thực hành các điệu múa dân gian, nhạc cụ truyền thống dân tộc./.
Theo Vietnam+