A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình của Sứ giả tiếng Việt tại Australia

Quan niệm tiếng Việt chính là tiếng quê hương và câu hỏi thường trực “làm thế nào để giữ và phát triển được tiếng Việt khi sinh sống ở nước ngoài?” đã thôi thúc TS. Trần Hồng Vân tại Đại học Charles Sturt (Australia) đi tìm câu trả lời.

TS. Trần Hồng Vân hiện là Chủ tịch Tổ chức thúc đẩy duy trì ngôn ngữ-văn hóa Việt tại Australia VietSchool Inc, biên tập chương trình Cùng giữ tiếng Việt – SBS Việt ngữ. Ảnh: NVCC

Với trẻ em sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nói tiếng Việt có thể dễ như ăn kẹo, nhưng chị Vân cho rằng: “Với trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nói tiếng Việt là việc rất khó, mà chỉ những ai sinh sống ở nước ngoài mới hiểu được”...

Tiếng mẹ đẻ là cội nguồn, gốc rễ

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh về ngôn ngữ ở trường Đại học Wollongong, Australia (2007-2011), chị Vân thường xuyên nghe hai con nhỏ của mình nói chuyện với nhau kiểu “ba rọi”, như “Em cứ cầm cái pencil knock vào head con”, hay “Mẹ don’t listen to anh Tôm, anh’s nói dối ing”. Dần dần, chị cảm nhận được tính nghiêm trọng của vấn đề.

Chị chia sẻ: “Bạn có thể để mặc con muốn “ba rọi” hay muốn dùng hoàn toàn tiếng Anh trong gia đình cũng được, miễn là đến trường con nói được tiếng Anh, để không thua kém bạn bè. Song, thực chất là bạn đang vô tình làm mất đi năng lực song ngữ của con, bỏ rơi nhiều lợi ích của việc giữ tiếng mẹ đẻ khi sinh sống ở nước ngoài”.

Bởi vậy, theo chị Vân, giữ được tiếng mẹ đẻ với những ai sinh sống ở nước ngoài còn có nghĩa là giữ được bản dạng của mình. Những đứa trẻ gốc Việt lớn lên ở nước ngoài sẽ có lúc tự hỏi mình là ai, mình thuộc về đâu. Giữ tiếng Việt không đơn thuần là nói thêm một ngôn ngữ mà còn giúp mỗi đứa trẻ hiểu được cội nguồn, gốc rễ của mình và không bị chông chênh khi lớn lên.

Ngoài ra, giữ tiếng Việt cũng giúp gắn kết bố mẹ với con cái, con cháu với ông bà, người thân ở Việt Nam.

Chị cho biết thêm: “Rất nhiều phụ huynh mong muốn giữ tiếng Việt cho con nhưng không phải ai cũng biết cách. Thực ra, bố mẹ chính là thầy cô của con ở nhà, chỉ cần họ thường xuyên nói tiếng Việt hay nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt cho con từ bé qua việc đọc sách, sinh hoạt hàng ngày...”.

Bắt tay thực hiện những dự án

Xuất phát từ những trăn trở trên, chị Vân đã nộp đơn tham gia VietSpeech - dự án do Hội đồng nghiên cứu Australia tài trợ (2018-2022), có quy mô lớn đầu tiên trên thế giới nghiên cứu về năng lực ngôn ngữ của trẻ em gốc Việt ở nước ngoài (cụ thể là Australia) và việc duy trì tiếng mẹ đẻ trong các gia đình người Việt ở nước ngoài nói chung và Australia nói riêng. Từ đây, Luận án tiến sĩ thứ hai của chị được hình thành từ chủ đề này và đã được trao giải Luận án xuất sắc nhất Đại học Charles Sturt.

Công trình nghiên cứu bốn năm của chị và đội ngũ giáo sư, tiến sĩ chủ trì dự án VietSpeech đã chứng minh việc giữ tiếng Việt không có ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực tiếng Anh của trẻ và tìm ra những yếu tố quan trọng trong việc giữ tiếng Việt khi sinh sống ở nước ngoài. Hai trong những yếu tố đó là bố mẹ phải nói tiếng Việt với con ở nhà và thái độ tích cực của bố mẹ đối với việc giữ tiếng Việt và văn hóa Việt.

Với những kết quả này, cùng với Team VietSpeech, chị đã thử nghiệm chương trình hỗ trợ các gia đình trong việc giúp con nói và học tiếng Việt có tên là SuperSpeech. Chương trình được thực hiện trực tuyến (do Covid-19) vào năm 2019 và kéo dài 10 tuần với sự tham gia của 15 gia đình trên khắp Australia. Chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực nhiều gia đình muốn chương trình được thực hiện lại.

Team VietSpeech cho ra đời cuốn cẩm nang Multilingual Children (Trẻ đa ngữ) - tài liệu cung cấp miễn phí kiến thức cho các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài về các chủ đề như: Lợi ích của việc duy trì tiếng mẹ đẻ; các chiến lược, cách thức để giúp con duy trì tiếng mẹ đẻ, cách dạy con học tiếng Việt vui từ tài liệu sẵn có và từ sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày; kiến thức về hệ thống ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt để trẻ có thể so sánh.

Tháng 10/2021, chị Vân đã tiếp cận Đài SBS Việt ngữ và đề nghị sản xuất chương trình Cùng giữ tiếng Việt, phát sóng hàng tuần trên sóng SBS Việt ngữ. Chương trình là những cuộc phỏng vấn các gia đình, các bạn trẻ thế hệ thứ 2-3 ở Australia và các nước trên thế giới để lan tỏa những gương sáng trong việc giữ tiếng Việt, các chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển ngôn ngữ của trẻ đa ngữ, giáo dục song ngữ, âm ngữ trị liệu và tôn vinh những nét đẹp và độc đáo của tiếng Việt.

Từ tháng 3/2023, với sự khích lệ và trợ giúp của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, chị Vân thành lập tổ chức thúc đẩy duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt có tên là VietSchool, với ba sứ mệnh chính: các lớp tiếng Việt sau giờ học cho học sinh các trường tiểu học tại khu vực Inner West, Sydney và các lớp tiếng Việt trực tuyến; chương trình Đọc sách cùng con, cung cấp một bộ truyện sách tiếng Việt và song ngữ cho 100 gia đình người Việt ở Australia cùng video, tài liệu và seminar hướng dẫn cách đọc truyện với con để phát triển tư duy ngôn ngữ và kết nối với tiếng Việt; chương trình SuperSpeech - khóa huấn luyện các gia đình biết cách giúp con giữ tiếng Việt và phát triển song ngữ.

Ngoài công việc nghiên cứu và truyền thông về đề tài Duy trì tiếng mẹ đẻ cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài, chị còn tham gia dạy tiếng Việt tình nguyện ở trường Việt ngữ Inner West (2018-2019), trường Mẫu giáo Montessori (2018-2020) và mở lớp tiếng Việt miễn phí tại nhà cho các cháu nhỏ trong cộng đồng người Việt ở Croydon, Sydney từ năm 2021 đến nay.

 Chị Trần Hồng Vân tại lớp tiếng Việt. Ảnh: NVCC

Tiếp tục sứ mệnh và trọng trách mới

TS. Trần Hồng Vân khẳng định, những công việc chị đã, đang và sẽ làm đều nhằm mục đích lan tỏa tinh thần duy trì tiếng Việt khi ở nước ngoài, mong muốn cho thế hệ thứ 2-3 người Việt vẫn tiếp tục nói được tiếng mẹ đẻ cũng như duy trì văn hóa Việt ở nước ngoài.

Với chị, nói được tiếng Việt khi sinh sống ở nước ngoài không chỉ đem lại những lợi ích về mặt trí tuệ, kinh tế, văn hóa, tình cảm cho mỗi cá nhân hay gia đình người Việt mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ cho các nước sở tại, điều mà các chính phủ đều mong muốn duy trì. Hơn nữa, nói được tiếng Việt, giữ được bản sắc Việt là mỗi cá nhân người Việt đang làm cho tiếng nói cộng đồng được rõ nét hơn, cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn mạnh hơn.

Nhân Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023, chị Vân là một trong năm cá nhân xuất sắc được vinh danh tại cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.

Bày tỏ niềm xúc động với danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, chị Vân cho biết: “Danh hiệu vừa là niềm vinh dự nhưng cũng mang đến cho tôi một trọng trách lớn để thực hiện được sứ mệnh giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt. Điều này có nghĩa, những công việc mà tôi đã và đang làm cần phải lan toả nhiều hơn, những gì mà tôi đã đang làm tốt thì cần mở rộng và nâng cấp hơn nữa”.

Chị Vân mong các dự án và mô hình hoạt động thành công của mình sẽ được nhân rộng ở các nước khác, không chỉ giúp nâng cao vị thế của tiếng Việt mà việc học tập và giảng dạy còn được thực hiện hiệu quả hơn nữa. Về lâu dài, bên cạnh sự nỗ lực, những việc làm này đòi hỏi nguồn đầu tư cả tài chính lẫn nguồn nhân lực nên rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành trong nước.

TS. Trần Hồng Vân đang ấp ủ với việc thiết kế những bài giảng tiếng Việt được lồng ghép yếu tố văn hóa Việt Nam dành cho các em nhỏ và được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước.

Đặc biệt, Sứ giả tiếng Việt tại Australia biết mình không đơn độc trên hành trình này vì luôn có những người ủng hộ, những đồng nghiệp sát cánh cùng tinh thần chia sẻ, kết nối của cả mạng lưới giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Trọng Vũbaoquocte.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu