A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về quê ăn Tết

Tôi cũng là người hay đi du lịch trải nghiệm đó đây, đi nhiều nơi, nhiều nước nhưng không có chuyến đi nào lại hồi hộp, mong đợi và xao xuyến như về Việt Nam. Mặc dù về quê hương có đường bay rất dài, khá vất vả ...nhưng về quê hương bao giờ cũng vui nhất, thích nhất, hồi hộp đến nỗi mấy ngày trước khi bay không ngủ trọn đêm, bồn chồn không ngon giấc...

 

Người thân tác giả ở quê nhà 

Tết năm ngoái - Đinh Dậu 2017 là cái Tết mà sau 20 năm ở trên đất Đức tôi lại được về quê hương đón Tết. Quãng thời gian lâu như vậy không phải là do tôi bận công việc, cũng chả phải vì lí do tài chính, mà vì các con của tôi còn nhỏ vẫn đang độ tuổi đi học. Dịp Tết ta, học sinh bên Đức đi học bình thường, không được nghỉ, nên dù có muốn về quê dịp Tết Nguyên đán đến mấy tôi cũng đành chịu!

Tôi cũng là người hay đi du lịch trải nghiệm đó đây, đi nhiều nơi, nhiều nước nhưng không có chuyến đi nào lại hồi hộp, mong đợi và xao xuyến như về Việt Nam. Mặc dù về quê hương có đường bay rất dài, khá vất vả cả trong chuyện quà biếu, kể cả những trách móc do thời gian mà không làm hài lòng ai đó, nhưng về quê hương bao giờ cũng vui nhất, thích nhất, hồi hộp đến nỗi mấy ngày trước khi bay không ngủ trọn đêm, bồn chồn không ngon giấc... Một năm mới lại đến, cảm xúc và kỷ niệm của những ngày về quê ăn Tết lại ùa về trong tâm trí tôi.
***
Sau gần 20 giờ bay kể cả chuyển đổi, máy bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam hạ cánh đúng giờ tại sân bay quốc tế Nội Bài, mấy trăm người đồng loạt vỗ tay khi máy bay tiếp đất an toàn, tôi bỗng ứa nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh thân thuộc hiện lên trước mắt mình. Có thể sân đỗ không nhiều máy bay như các sân bay của những nước phát triển, nhưng tôi thấy tự hào khi chiếc máy bay màu xanh cô ban pha gam màu vàng nhạt với biểu tượng là cánh hoa sen đã có mặt ở nhiều châu lục khác nhau. Tôi vừa bước vào đường dẫn ra sảnh, hai thiếu nữ Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài, xinh đẹp tươi cười: “Chúc chú về đón Xuân, ăn Tết vui vẻ...” Tự nhiên cổ họng tôi nghèn nghẹn, không nói được câu nào, tôi gật đầu cảm ơn, kéo va li xách tay đi tiếp. Đường dẫn băng chuyền đưa khách vào sảnh, nổi bật là bức tranh khổ lớn có hình ảnh biểu tượng 3 miền Bắc – Trung -Nam hiện lên hàng chữ “Chúc mừng Năm mới” với cành đào, cành mai rực rỡ, thế là lòng tôi vui như Tết, những mệt nhọc của chặng đường dài tan biến!

Sân bay của ta có thể chưa lớn như của các nước châu Âu, nhưng rõ ràng sự hiện đại và sạch đẹp thì không thua chút nào, đặc biệt là thủ tục nhập cảnh, hải quan rất nhanh, cởi mở, thông thoáng... Ở sảnh tàu bay đến có hàng trăm người đi đón, hàng trăm bàn tay vẫy vẫy, tôi không bảo người nhà đi đón, chả có bàn tay nào vẫy mình, cũng thấy hơi tủi thân. Tôi chợt nghĩ : Tôi nhìn thấy trăm bàn tay vẫy vẫy/ Bàn tay nào hướng về phía tôi?

Tôi bắt taxi về quê khi trời hửng nắng. Quê tôi bây giờ không còn đói nghèo như xưa, đường quê trải bê tông phẳng lì, nhà nhà đua nhau xây cao, và người ta cho rằng đã mất công xây thì vượt lên 2-3 tầng, nên dù là quê nhưng không quê hẳn, lai lai chút thị thành đâu đây. Giờ đây ở quê, hàng ngày, chợ vẫn có thịt lợn, gà mổ sẵn, cá cắt khúc, bánh chưng, giò chả, thịt nướng... bán như trên tỉnh. Vì vậy có người bảo, Tết bây giờ nhàn nhạt hơn ngày xưa. Dẫu vậy, tôi vẫn thích đón Tết kiểu truyền thống xưa kia. Cái thú nhất của ngày Tết có lẽ là không khí chuẩn bị Tết, dọn lau bàn thờ, gói bánh chưng... Mà vui nhất là đi mua hoa, chọn cây đào, cành quất… Chợ Tết lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt.

Cô em dâu đã tự tay nuôi lợn cả năm nay, con lợn tầm 50 cân móc hàm, gà nhà tự nuôi, rau ở vườn... Nói chung toàn những thứ “nhà trồng được”. Nhiệm vụ của tôi là đi mua cây quýt, cây đào, hoa tươi, mứt kẹo... Tóm lại là tôi chuẩn bị “món ăn tinh thần”!

Tác giả (phải) đi chúc Tết 

Trước Tết mấy ngày, lần đầu tiên tôi được dự bữa cơm chung của xóm Voi nhà tôi. Người đi xa, người ở quê, người có bát ăn bát để hay ai đó còn khó khăn, ông cán bộ, bà dân thường, công an, bộ đội... tất tần tật tụ tập về đây ăn bữa cơm Tất niên. Xúc động nhất là cô Đường, cô bị nặng tai (điếc) từ nhỏ, cô ở vậy không lấy chồng, mấy chục năm xa quê, chả bao giờ gặp cô thế mà cô vẫn nhớ tôi, cô bảo “nhìn thằng Sáng chả già tí nào, vẫn như ngày xưa”. Thỉnh thoảng, tôi liếc nhìn các cô, các bác. Bác Oanh khuôn mặt vẫn thế, bác về già bị còng lưng gập xuống đất, cô Toán vẫn nhỏ bé xinh xinh, cô Đẩu, bác Mão, bác Thìn, cô Tần, bạn Canh... Những con người thân quen của tôi vẫn như xưa, giọng nói nụ cười vẫn thế. Rồi anh Hùng nguyên là Xóm trưởng, em Thắng con trai bác Nhật, ông Xóm trưởng, ông Bí thư Chi bộ cụm... đều có mặt hôm nay. Có thiếu vắng là các cụ ông, các cụ ông hình như hay “đi trước” các cụ bà? Các cụ bà mặc dù cuộc sống hàng ngày lam lũ hơn, làm nhiều hơn, vất vả hơn... mà lại thọ hơn các cụ ông mới lạ chứ! Về quê được ăn bữa cơm với dân làng, được gặp lại người thân quen còn vui hơn cả Tết! Mà Tết là như vậy chứ gì nữa, Tết là đoàn tụ mà...

Đang mải ngắm các cụ, anh Thịnh trong Ban Tổ chức nói thầm vào tai tôi:
- Chú Sáng này! Ngõ nhà mình năm nay chăng gần chục cái đèn lồng cho thêm khí thế Tết, các xóm khác họ làm cả rồi, nói thật bà con mình còn khó khăn lắm, chú ủng hộ khoản này được không?
- Cụ thể bao nhiêu tiền hả anh? (tôi hỏi nhỏ)
- Tầm triệu rưỡi gì đấy!
- Vâng! Em tài trợ khoản này.
Tôi và anh Thịnh bắt tay nhau rất chặt. Ông Bí thư và Cụm trưởng chúc mừng năm mới và mời bà con cùng nâng cốc. Loa đài vang lên hết công suất “Mùa Xuân, mùa Xuân, một mùa Xuân nho nhỏ...”. Mấy nam ca sỹ xóm cầm li rượu lắc lư theo giai điệu bài hát! Vui quá!

Tết đã đến rồi!

Là con trưởng trong nhà, năm nay lại về đón Xuân cùng gia đình, tôi được cô em dâu chỉ định: “Năm nay bác Sáng phải xông nhà”. Dĩ nhiên là tôi chấp hành ngay. Gần giờ Giao Thừa, tôi chỉnh lại áo quần, đi ra ngõ. Đúng Giao Thừa, tiếng pháo đốt trộm của nhà ai đó bên bờ đầm nổ vang trời, pháo hoa nổ tung sáng rực cả xóm nhà, xa xa có tiếng vỗ tay, vì năm mới có tiếng pháo, pháo hoa làm cho khí thế rất Xuân, năm mới tưng bừng hẳn lên, pháo hoa rực trời, rất lâu...

Cả nhà đang chờ đợi tôi xông nhà, vào đến cửa, phu nhân chủ động “thơm” tôi trước và ôm tôi chặt hơn ngày thường. Tôi bắt tay từng người, chúc mừng năm mới, lì xì mừng tuổi cho người đầu tiên là bố vợ (tôi vào tận Thanh Hoá đón cụ ra ăn Tết đón Xuân cùng gia đình tôi). Cả nhà nâng chén rượu xách tay từ Đức về. Bố Vân - bố vợ tôi - rút ngay bài thơ cụ vừa sáng tác ra đọc, nghe xong cả nhà vỗ tay thật dài, thật to... Cô em dâu nghẹn ngào nói: “Em về làm dâu nhà mình gần 30 năm, năm nay em thấy vui và khí thế nhất!”. Em Dung nói mà mắt hơi ướt ướt, khi đó trên truyền hình, Chủ tịch nước đang chúc mừng năm mới tới toàn thể người dân trong và ngoài nước.

Thế là một năm mới đã về, tôi “được về quê ăn Tết” với đầy niềm vui, tràn đầy cảm xúc!

Thế Sáng (CHLB Đức)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu