A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Một)

LTS: Ngày 13/11/2008, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Quốc tịch số 24/2008/QH12, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Quốc tịch là vấn đề được rất nhiều người, đặc biệt là những người đang sống ở nước ngoài, quan tâm và bàn luận. Để giúp Bạn đọc có thêm thông tin về quá trình hình thành và diễn biến của vấn đề này, Quê Hương xin đăng bài của Tiến sỹ Luật học Hoàng Hữu Đức - một chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu vấn đề quốc tịch của nhiều nước, tham gia xây dựng các văn bản pháp quy về quốc tịch, xử lý trên thực tế những vấn đề liên quan đến quốc tịch... Tiến sỹ Hoàng Hữu Đức hiện đang làm việc ở Frankfurt am Main, CHLB Đức.

Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 01/7/2009, bà con NVNONN muốn giữ quốc tịch VN phải đến đăng ký công dân tại các cơ quan đại diện ngoại giao VNONN

Hai quốc tịch – vấn đề được nhiều người Việt ở nước ngoài quan tâm

Do không có điều kiện nghiên cứu các báo in hay tham gia các cuộc hội thảo về vấn đề này tổ chức ở trong nước nhân dịp Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Quốc tịch mới, nên tôi chỉ có thể tạo dựng cho mình một bức tranh thông qua các thông tin trên mạng. Nhưng trong thời đại tin học như hiện nay, điều đó cũng đủ để có được một bức tranh về vấn đề mà mình quan tâm.

Điều mà đa số người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài mong muốn là dù ra đi trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào và vì bất cứ lý do nào thì họ vẫn là người Việt Nam và muốn được Nhà nước thừa nhận họ vẫn có quốc tịch Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người đã nhập quốc tịch nước ngoài. Đây là thế hệ những người ra đi trong những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, đã hòa nhập vào xã hội sở tại, nhưng vẫn gắn bó với cội nguồn, với nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài không phải do nhập tịch, mà có từ bố mẹ họ (đã có quốc tịch nước ngoài do nhập tịch trước đó) thì vấn đề quốc tịch Việt Nam lại không “nặng lòng” đến thế. Dễ hiểu thôi, vì đối với thế hệ này, Tổ quốc Việt Nam và quốc tịch Việt Nam là những khái niệm trừu tượng, trong khi họ gắn bó thực tế hơn với đất nước nơi họ sinh ra và lớn lên và, cũng vì vậy, với quốc tịch của nước đó.

Điều cũng dễ nhận thấy là ngay cả đối với thế hệ Việt kiều (tạm gọi là thứ nhất) thì vấn đề giữ hay mất quốc tịch Việt Nam cũng không phải là vấn đề mà họ đau đáu ngay từ khi rời khỏi Tổ quốc Việt Nam ra nước ngoài sinh sống. Lúc đó vì hoàn cảnh, vì cuộc sống, nhiều người muốn nhanh chóng có được quốc tịch nước ngoài và nếu phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam đối với họ cũng hoàn toàn thanh thản; cá biệt có những nhóm người còn chối bỏ cội nguồn Việt Nam của mình bằng việc không thừa nhận mình có quốc tịch Việt Nam và không có quan hệ gì với chính quyền trong nước. Không phải lúc nào dư luận trong nước và dư luận bà con ở hải ngoại cũng gặp nhau, cũng thông cảm với nhau trong vấn đề nhạy cảm này. Người ở trong nước thì cho người ở hải ngoại là muốn từ bỏ quá khứ, muốn quên đi những gì liên quan đến một đất nước Việt Nam chiến tranh, nghèo đói, lạc hậu. Từ đó hình thành tâm lý dị ứng với những gì liên quan đến Việt kiều.

Thời gian qua, có những thay đổi cực kỳ quan trọng trong đời sống dân tộc cũng như đời sống cộng đồng, tác động to lớn đến vấn đề quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài:

Thứ nhất: Đất nước đã ra khỏi chiến tranh và bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển. Đường lối Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ cuối thập niên 80 đã dần đưa nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng từ cuối thập niên 70, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng cao; dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng. Trên phương diện quốc tế, Việt Nam không còn chỉ được biết đến với chiến tranh, nghèo khó và cô lập, mà đã trở thành điểm đến hấp dẫn của đầu tư, kinh doanh, du lịch. Nhiều người nói đến Việt Nam như là “con rồng châu Á” đang trỗi dậy v.v... Tất cả những điều này không thể không tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, tình cảm của cộng đồng 3,5 triệu người Việt đang sinh sống ở gần 100 nước và vùng lãnh thổ khác nhau.

Thứ hai: Trong nửa thế kỷ qua chúng ta cũng chứng kiến sự thay đổi trong cơ cấu nhân học của người Việt ở nước ngoài. Những lớp người trẻ trung của thập niên 60, 70 thế kỷ XX nay đã bước vào ngưỡng cửa hưu trí, nhường chỗ cho thế hệ mới sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Thế hệ thứ hai, thứ ba này nhìn cuộc sống cởi mở hơn thế hệ trước; nhiều người trong số đó đã trở thành “công dân toàn cầu”. Nhưng cũng chính vì thế nên cái nhìn của họ về cội nguồn, về vấn đề quốc tịch cũng “nhạt” hơn các thế hệ cha anh họ. Không phủ nhận thực tế là trong số những người ra đi từ miền Nam trước đây, nhiều người còn chưa thoát khỏi quá khứ của mình (“chưa nhẩy qua được cái bóng của chính mình” – như một câu ngạn ngữ Đức) nên không nhìn thấy những thay đổi to lớn trên Quê hương thời gian qua. Trong họ vẫn mang những suy nghĩ, hận thù của những năm đất nước còn phân chia. Điều đáng mừng là tuyệt đại số bà con đều có cái nhìn thực tế và nhân hậu hơn đối với những gì đang diễn ra ở trong nước và vì vậy nuôi dưỡng tình cảm đối với Quê hương không chỉ trong bản thân họ mà lan tỏa đến cả những thế hệ con cháu họ. Người Á châu nói chung và người Việt nói riêng sống nặng tình, có thể về pháp lý họ đang là “người Đức”, “người Pháp” hay “người Mỹ” và cầm hộ chiếu những nước này, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, họ vẫn coi họ là người Việt Nam, Việt Nam mới chính là Tổ quốc của họ. Đây cũng là thời điểm mà thế hệ này nghĩ nhiều đến việc hồi hương, đến việc có hay không có quốc tịch Việt Nam, đến vấn đề hai quốc tịch. Hai mươi năm trước, khi Quốc hội thông qua Luật Quốc tịch Việt Nam (1988), tuy có bàn về vấn đề hai quốc tịch, nhưng dư luận bà con ở bên ngoài không thật sự quan tâm lắm.

Vậy vấn đề mà bà con chúng ta ở bên ngoài quan tâm nhiều nhất là gì? Lắng nghe ý kiến trao đổi trên mạng chúng ta thấy mọi người đều có chung nguyện vọng là Nhà nước Việt Nam cần có chính sách công nhận hai quốc tịch, cho những người có hai quốc tịch được hưởng những quyền lợi ở Việt Nam (về đầu tư, làm ăn, mua và sở hữu nhà cũng như những chế độ ưu đãi khác). Thư của Giáo sư Phạm Thanh Lương đăng trong mục “Kiến nghị của kiều bào ở nước ngoài” của trang tin “Người viễn xứ” (16/9/2008) đưa ra lời khẳng định ngược với xu hướng tôi vừa nêu ở trên, khi cho rằng “Việt kiều nay đang dần không còn ham muốn trở về sống ở Việt Nam như trước đây”, do nhiều chính sách kiều bào của Nhà nước Việt Nam chưa rõ ràng, trong đó đáng nêu nhất là chính sách đối với vấn đề quốc tịch. Ông Lương cho biết khi Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ thăm Mỹ, kiều bào đã kiến nghị là “nhà nước Việt Nam cần phải thay đổi nhanh chính sách để công nhận Việt kiều mang hai quốc tịch, vừa giữ quốc tịch Việt Nam, vừa vẫn duy trì quốc tịch sở tại họ đang sống”. Trên thực tế, đây đúng là yêu cầu tha thiết của bà con ta ở nước ngoài vì nó đáp ứng cả nguyện vọng tình cảm gắn bó với Tổ quốc Việt Nam, vừa tạo cơ sở cho việc hưởng các quyền và lợi ích từ quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhấn mạnh quá mức vào khía cạnh này hay khía cạnh kia của vấn đề hai quốc tịch (lý và tình) sẽ gây phản cảm ở những nhóm đối tượng khác. Có phải ai cũng nghĩ như giáo sư Phạm Thanh Lương khi ông cho rằng việc được công nhận quốc tịch nước ngoài và quyền mang hộ chiếu nước ngoài (khi đã về Việt Nam) mới tạo cho họ “sự vững tin khi về và nếu cần có thể ra đi không bị phụ thuộc vào các thủ tục hành chính rắc rối cồng kềnh và quan liêu hiện đang diễn ra ở Việt Nam”. Cũng là người đã từng sang Cộng hòa Liên bang Đức học tập và sinh sống từ hơn 30 năm nay, tôi không thể chia sẻ suy nghĩ này của ông, vì những lý do sau: i) nói đến quốc tịch không chỉ nói đến vấn đề pháp lý, vì nếu nói pháp lý thì mỗi nước đều có thẩm quyền riêng biệt quy định về quốc tịch nước mình, phù hợp với thực tiễn và hoàn cảnh cụ thể của nước đó và không nước nào được áp đặt quy định của mình cho nước khác. Tuy nhiên trong khái niệm “quốc tịch” còn chứa đựng khía cạnh “tình” - hay như một từ Việt Nam rất hay và bao trùm là “quốc hồn”; ii) việc giữ quốc tịch và hộ chiếu nước ngoài khi về Việt Nam (nhưng đồng thời cũng mong muốn được hưởng các quyền lợi ở Việt Nam như người trong nước) như là một phương tiện hay công cụ để có thể thuận lợi rời bỏ đất nước bất kỳ lúc nào khi quyền lợi của mình không được bảo đảm hay không được như mong muốn, phải chăng mang nặng yếu tố cá nhân và cơ hội? Người trong nước sẽ nghĩ gì về chúng ta khi chưa về chúng ta đã nghĩ sẽ rời bỏ và tấm hộ chiếu nước ngoài được coi như là một cái “bùa hộ mệnh”? Tôi cho rằng nếu chúng ta còn suy nghĩ như vậy thì không thể trách người trong nước thiếu tin tưởng người ở ngoài nước và các cơ quan chức năng lại càng phải thận trọng hơn khi đưa ra những quyết định về vấn đề này.

Trước những ý kiến, nguyện vọng tha thiết của bà con ở bên ngoài (mà mỗi dịp lãnh đạo cấp cao đi thăm nước ngoài thường bao giờ cũng có những cuộc tiếp xúc với bà con hay những dịp bà con về nước nhân Tết Nguyên đán cũng thường hay được gặp lãnh đạo các cấp), đương nhiên các nhà lãnh đạo, các cơ quan chức năng phải suy nghĩ để có hướng xử lý thích hợp. Các vị lãnh đạo hứa với bà con là sẽ xem xét để bà con có thể được mang hai quốc tịch. Đó là lời hứa chính trị nhưng ít ràng buộc về pháp lý, vì vấn đề quốc tịch phải được điều chỉnh trong các đạo luật về quốc tịch do Quốc hội thông qua. Mà mỗi đạo luật của Nhà nước phải được xây dựng cẩn trọng trên cơ sở xem xét tổng thể các lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng chứ không thể chỉ căn cứ vào những ý kiến của một nhóm người. Tuy nhiên nhiều bà con ta ở nước ngoài lại ngộ nhận rằng lãnh đạo đã hứa, nhưng không hoặc chậm triển khai thực hiện, có nghĩa là không tôn trọng lời hứa với bà con. Từ đó dẫn đến tâm trạng như giáo sư Phạm Thanh Lương nêu trong lá thư trích dẫn ở trên.

Điều mà tôi quan tâm nhất chính là những ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà quản lý, những người chịu trách nhiệm kiến nghị sửa đổi những điều khoản bất cập hay chưa hoàn thiện của Luật Quốc tịch hiện hành. Đọc ý kiến phát biểu của các vị này được trích đăng trên báo chí tôi có cảm tưởng là bản thân các vị này cũng không hiểu bản chất những kiến nghị của kiều bào là gì hay ẩn sau những kiến nghị đó là suy nghĩ gì. Tôi đôi khi có suy nghĩ, các vị không giải thích pháp luật theo đúng tinh thần và lời văn của luật, mà lại chạy theo “minh họa” thêm cho những ý kiến của kiều bào. Không hiểu việc này có góp phần tháo gỡ những thắc mắc của kiều bào hay chỉ làm vấn đề rắc rối thêm.

“Hai quốc tịch hay một quốc tịch mềm dẻo” là câu được trích dẫn nhiều nhất sau Hội thảo tổng kết 9 năm thực hiện Luật quốc tịch ngày 15/2/2008 do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên nếu nói về pháp lý thì hai quốc tịch là hai quốc tịch, còn một quốc tịch là một quốc tịch, không thể có một cứng và một mềm được. Cách nói như vậy sẽ gây cách hiểu nước đôi. Có nhà quản lý còn cho rằng điều 3 Luật Quốc tịch 1998 là “Việt Nam tự khóa mình” và tất cả những điều Việt Nam tiến hành từ 1998 đến nay hầu hết đều vi phạm điều 3 Luật Quốc tịch (Vietnamnet, 16/2/2008). Tất cả những điều trên có thể tạo cho bà con ở bên ngoài cảm giác trong nước đang lắng nghe những ý kiến của mình, nhưng mặt khác cũng tạo cho họ thêm niềm tin chắc chắn là từ trước đến nay, pháp luật về quốc tịch của Nhà nước Việt Nam không phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế, nay đã lỗi thời, lạc hậu, cần được sớm thay đổi một cách căn bản.

Điều 3 Luật quốc tịch năm 1988 và năm 1998 - Mấu chốt của sự tranh luận?

Tôi có cảm tưởng các ý kiến của bà con kiều bào ở nước ngoài cũng như của các chuyên gia trong nước tựu trung lại chỉ xoay quanh quy định của điều 3 Luật Quốc tịch năm 1988 và điều 3 Luật Quốc tịch năm 1998. Tại sao như thế? Cả hai Luật đều quy định nguyên tắc “Công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch Việt Nam” (Luật năm 1988) với nội dung như nhau là “Nhà nước CHXHCN Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” “Nguyên tắc một quốc tịch” (Luật năm 1998) theo đó “Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” (lưu ý là không có chữ “chỉ”). Cá nhân tôi cho rằng riêng việc bỏ chữ “chỉ” tại điều luật này đã thể hiện sự “chuyển biến” của nhà làm luật trong nhận thức vấn đề và quy định hướng xử lý cho các cơ quan nhà nước. Nhưng chính điều này lại ít được chú ý cả ở trong và ngoài nước. Mọi người chỉ đọc quy định của điều này và cho rằng nguyên tắc một quốc tịch của Luật năm 1988 và 1998 là quá cứng nhắc, không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Có thể tóm tắt suy nghĩ của bà con về điều này như sau: Bà con ta ở nước ngoài ra đi vì hoàn cảnh bắt buộc, tuy có thể không muốn nhưng vì cơm áo gạo tiền, vì công ăn việc làm nên phải nhập quốc tịch nước ngoài. Có nước bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam mới cho nhập tịch nước họ, nhưng cũng có nhiều nước không bắt như vậy. Chính vì thế nhiều người có hai quốc tịch, quốc tịch Việt Nam và quốc tịch do nhập tịch mà có. Nhưng bằng điều 3 nói trên, Nhà nước Việt Nam không thừa nhận quốc tịch nước ngoài của họ, mà chỉ coi họ có quốc tịch Việt Nam. Đây là một thiệt thòi lớn đối với bà con, vì đương nhiên hai hay nhiều quốc tịch mang lại nhiều quyền lợi cho người hai quốc tịch. Điểm mà tôi có thể đồng ý với ý kiến này là tình trạng hai quốc tịch mang lại cho người hai quốc tịch nhiều quyền lợi (họ được hưởng quyền công dân ở hai nước khác nhau). Nhưng bản thân tình trạng hai quốc tịch lại cũng mang đến cho họ nhiều rắc rối về pháp lý và đặc biệt quan trọng là đối với các nhà nước liên quan, tình trạng này không hề “dễ chịu” chút nào khi phải xử lý xung đột pháp luật.

Tôi hiểu tinh thần và lời văn của điều 3 này như sau:

- Thứ nhất: Nội dung quy định tại điều này hoàn toàn chỉ có tính chất “tuyên ngôn” và không hề tạo ra hệ quả pháp lý trực tiếp nào cho cá nhân những người liên quan. Các trường hợp cụ thể làm phát sinh hay xử lý tình trạng hai quốc tịch phải căn cứ vào những điều khoản khác của Luật hay những quy định hướng dẫn của Chính phủ. Nếu nghiên cứu luật quốc tịch các nước, ta có thể thấy họ không có một điều có tính chất tuyên ngôn như vậy. Nhưng đối với Việt Nam, điều này có thể cần thiết vì nhận thức của người dân và các cơ quan có trách nhiệm về vấn đề quốc tịch cần có sự định hướng thống nhất.

- Thứ hai: Quốc tịch nước ngoài mà bà con ta do nhập tịch mà có và cả quốc tịch nước ngoài của con em chúng ta (có do bản thân bố mẹ đã nhập tịch nước ngoài) hoàn toàn không cần sự công nhận của Nhà nước Việt Nam mà vẫn có giá trị. Việc chúng ta có hay không có quốc tịch của một nước nào đó là căn cứ vào quy định của chính nước đó, không liên quan gì đến việc thừa nhận hay công nhận của Nhà nước Việt Nam. Các nhà làm luật của Việt Nam chắc cũng không “ấu trĩ” đến mức quy định là quốc tịch nước ngoài của bà con Việt kiều cần phải được Nhà nước thừa nhận mới có giá trị pháp lý. Nếu đọc kỹ câu chữ và cách hành văn của các điều 3 nói trên chúng ta cũng có thể thấy rõ là hoàn toàn không đề cập gì đến quốc tịch nước ngoài. Cũng chính vì cách diễn đạt như điều 3 Luật Quốc tịch 1988 dẫn đến sự hiểu lầm của bà con như nêu ở trên, nên Luật năm 1998 đã bỏ chữ “chỉ” trong câu “Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

- Thứ ba: Nên hiểu quy định này nhằm định hướng cho các cơ quan và cá nhân công dân Việt Nam (đồng thời mang quốc tịch khác) trong cuộc sống hàng ngày mỗi khi có vấn đề phải xử lý liên quan đến quốc tịch. Vấn đề đó là gì? Đó có thể là những vấn đề pháp luật dân sự bình thường (kết hôn, khai sinh...), mua bán và sở hữu bất động sản ở Việt Nam, nhập xuất cảnh và cư trú ở Việt Nam, cho đến những vấn đề liên quan đến hình sự và cả trong quan hệ ngoại giao, lãnh sự giữa Việt Nam và nước mà bà con cũng có quốc tịch v.v… Những vấn đề này có khi rất đơn giản nhưng nhiều khi cũng phức tạp và nếu xử lý không khéo dễ gây căng thẳng quan hệ đối ngoại. Đương nhiên, trong xử lý tất cả những vấn đề nêu trên, pháp luật và thực tiễn quốc tế đều có hướng xử lý, như các quy định về xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế, vấn đề bảo hộ ngoại giao, bảo hộ lãnh sự đối với trường hợp hai quốc tịch hay có những thỏa thuận song phương giữa các nước liên quan.

Chính vì vậy tôi cho rằng, muốn xem Luật Quốc tịch Việt Nam (các luật 1988, 1998 và 2008) theo nguyên tắc một hay hai quốc tịch, cần nghiên cứu tinh thần chung của Luật cũng như các điều khoản cụ thể, chứ không chỉ căn cứ vào điều 3 (Luật 1988 và 1998) và điều 4 (Luật 2008) để đưa ra những đánh giá và nhận xét không xác thực.

Pháp luật về quốc tịch của Việt Nam theo hướng một hay hai quốc tịch?

Trước hết phải khẳng định ngay là không thể có luật quốc tịch của nước nào có thể quy định một hay hai quốc tịch một cách triệt để. Tình trạng một hay hai quốc tịch chỉ có thể là tương đối, vì ngay những nước theo nguyên tắc một quốc tịch cũng có rất nhiều trường hợp ngoại lệ phát sinh hai quốc tịch và ngược lại những nước theo nguyên tắc hai quốc tịch cũng có những trường hợp một quốc tịch. Do vậy, những phân tích dưới đây liên quan đến pháp luật quốc tịch của Việt Nam cũng chỉ có tính chất tương đối.

Tinh thần chung của pháp luật Việt Nam về quốc tịch là không mong muốn có tình trạng hai quốc tịch, nhưng không triệt để xử lý tình trạng đó;  ngược lại có nhiều quy định hầu như “tạo thuận lợi” cho sự phát sinh hai quốc tịch hay mặc nhiên thừa nhận tình trạng đó. Tình trạng này cũng có thể cho là “nước đôi” trong chính sách quốc tịch.

Ngay sau khi giành độc lập năm 1945, Sắc lệnh số 53/SL của Chính phủ Hồ Chí Minh quy định “kể từ ngày ban hành Sắc lệnh này, những người Việt Nam đã vào dân Pháp sẽ coi là công dân Việt Nam. Những người ấy phải đến khai bỏ quốc tịch Pháp...” (điều 4, Sắc lệnh 53/SL ngày 20/10/1945) và những công dân Việt Nam đã nhập quốc tịch ngoại quốc thì sẽ mất quốc tịch Việt Nam (điều 7). Như vậy có thể nói ngay từ ngày đầu trứng nước của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta đã hướng theo nguyên tắc một quốc tịch. Tuy nhiên, Sắc lệnh số 73/SL ngày 07/12/1945 (tức là chỉ sau Sắc lệnh 53 chưa đến 2 tháng), khi quy định việc nhập quốc tịch Việt Nam thì trong các điều kiện nhập quốc tịch nêu ngay tại điều 1 lại không có quy định bắt buộc người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải mất quốc tịch gốc. Như vậy thì rõ ràng chúng ta chưa triệt để áp dụng nguyên tắc một quốc tịch, vì về lý thuyết sẽ nẩy sinh các trường hợp hai quốc tịch do người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam trong khi vẫn giữ quốc tịch nước ngoài.

Luật Quốc tịch hoàn chỉnh đầu tiên năm 1988 tuy có điều 3 gây tranh luận và cả hiểu lầm như trên nhưng bản thân Luật cũng quy định rất “linh hoạt” trong vấn đề hai quốc tịch. Theo đó, người nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam không cần phải thôi quốc tịch gốc của mình (điều 7) và công dân Việt Nam nhập quốc tịch nước ngoài cũng không đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam (các điều 8 và 9). Trường hợp công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có nguyện vọng nhập quốc tịch nước ngoài và do pháp luật nước đó quy định phải thôi quốc tịch Việt Nam thì có thể làm đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam (điều 5 Nghị định số 37/HĐBT ngày 5/2/1990 của Hội đồng Bộ trưởng). Như vậy nếu pháp luật nước ngoài không bắt buộc và công dân không làm đơn xin thôi quốc tịch thì họ vẫn giữ quốc tịch Việt Nam ngay cả sau khi đã được nhập quốc tịch nước ngoài. Những người đã thôi quốc tịch Việt Nam muốn trở lại quốc tịch (hồi tịch) cũng không bắt buộc phải xin thôi quốc tịch nước ngoài của họ (điều 11 Luật quốc tịch 1988 và điều 6 Nghị định 37 nói trên).

Luật 1998 có một số điều chỉnh so với Luật 1988 khi quy định tại điều 20 (Nhập quốc tịch) là người nước ngoài “được nhập quốc tịch Việt Nam thì không còn giữ quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định” (khoản 4). Cách diễn đạt điều này (không còn giữ quốc tịch nước ngoài) tuy không thật sự “pháp lý” lắm nhưng cần hiểu là một trong những điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam là phải không còn quốc tịch nước ngoài. Đây cũng là cố gắng của phía Việt Nam làm giảm các trường hợp hai quốc tịch. Tuy nhiên đối với công dân Việt Nam nhập quốc tịch nước ngoài, thì cũng như Luật 1988, Luật này không quy định việc đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam; những người này chỉ mất quốc tịch nếu được thôi quốc tịch Việt Nam theo đơn của họ (điều 23 và 24). Tương tự như vậy thì những người đã mất quốc tịch Việt Nam khi trở lại quốc tịch Việt Nam cũng không bắt buộc phải thôi quốc tịch nước ngoài mà họ đã có do nhập tịch.

Qua phân tích những quy định cơ bản của hai đạo luật về quốc tịch nói trên chúng ta có thể thấy mặc dù mong muốn góp phần giảm bớt đi tới xóa bỏ tình trạng hai quốc tịch (như xu hướng chung lúc bấy giờ), nhưng Nhà nước Việt Nam lại khá “linh hoạt” trong các quy định cụ thể, góp phần tạo điều kiện cho bà con người Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài được duy trì trên thực tế (de-factor) tình trạng hai quốc tịch. Điều này thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của Chính phủ Việt Nam đối với hoàn cảnh mà bà con ta gặp phải ở nước ngoài, cũng như tâm tư nguyện vọng của họ. Đối với đa số bà con, quốc tịch nước ngoài mà họ có là do cuộc sống, do hoàn cảnh, còn trong thâm tâm họ chưa bao giờ thôi là người Việt Nam, và quốc tịch Việt Nam chính là sợi dây vô hình gắn bó họ với tổ tông, cội nguồn.

Luật Quốc tịch mới mang số 24/2008/QH12 do Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 cởi mở hơn hay chặt chẽ hơn trong vấn đề hai quốc tịch?

Điều thứ nhất dễ nhận thấy là điều 4 quy định về “Nguyên tắc quốc tịch” (điều 3 Luật 1998 quy định “Nguyên tắc một quốc tịch”, mặc dù nội dung cơ bản giống nhau (“Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”). Điều bổ sung duy nhất là câu cuối “trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Điều này thực ra không có gì mới cả vì các Luật năm 1988 và 1998 cũng có rất nhiều những trường hợp ngoại lệ làm phát sinh hay duy trì tình trạng hai quốc tịch, chỉ có điều khác là không nêu ở điều 3 mà thôi. Phát biểu trong buổi công bố Luật này ngày 4/12/2008, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết “Việc khẳng định một số ngoại lệ có thể có hai quốc tịch không có nghĩa là từ bỏ nguyên tắc một quốc tịch, mà chỉ là sửa đổi nguyên tắc này cho mềm dẻo hơn” (giadinh.net.vn ngày 5/12/2008). Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng ở một điểm (không từ bỏ nguyên tắc một quốc tịch), nhưng chưa hẳn đã đồng ý với vế sau là những sửa đổi của Luật 2008 theo hướng mềm dẻo hơn (sẽ phân tích sâu hơn ở phần dưới đây).

Thứ hai trong những đạo luật trước đây và cả trong những văn bản của Chính phủ, hầu như không nhắc đến khái niệm “công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài” vì sợ “phạm húy”, tức là vi phạm nguyên tắc một quốc tịch quy định tại điều 3 Luật Quốc tịch 1988 và 1998. Luật 2008 hơn một lần nhắc đến tình trạng này (điều 5, khoản 4, điều 12 ngay tại tiêu đề và tại khoản 1 và 2). Điều này cho thấy, trong nhận thức, hai quốc tịch không còn là vấn đề phải e dè hay né tránh nữa, mà Nhà nước Việt Nam xác định phải đối diện với nó và tìm hướng giải quyết thích hợp.

Thứ ba là Luật này vẫn có những quy định theo hướng tiếp tục duy trì hay làm phát sinh các trường hợp hai quốc tịch: do huyết thống “jus sanguinis” (đương nhiên đây là nguyên nhân chính phát sinh hai quốc tịch de-jure mà hầu như không nước nào có quy định giải quyết triệt để); trẻ em nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam (điều 37) và đương nhiên trẻ em đó vẫn giữ quốc tịch nước ngoài (ngược lại Luật cũng quy định trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, điều 37, khoản 1).

Điều thứ tư đáng nói hơn cả là Luật mới này quy định khá chặt chẽ theo hướng hạn chế đi đến loại bỏ tình trạng hai quốc tịch. Tôi cho đây là điều khác cơ bản so với hai đạo luật trước. Cụ thể:

Đại đa số bà con ta ở nước ngoài hiện vẫn mang quốc tịch Việt Nam (nhất là bà con ở những nước như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Pháp, Anh v.v… là những nơi tập trung đông người Việt) sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam, nếu sau 5 năm kể từ ngày 01/7/2009 (năm nay) họ không đến cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Điều này không chỉ áp dụng đối với thế hệ tạm gọi là thứ nhất, mà cả những thế hệ thứ hai, thứ ba, những người sinh ra ở nước ngoài nhưng có quốc tịch Việt Nam do huyết thống. Nếu như theo hai Luật Quốc tịch trước đây thì những người này vẫn sẽ là công dân Việt Nam, mặc dù ai cũng biết rằng có thể quốc tịch Việt Nam chỉ tồn tại trên danh nghĩa và ít gắn bó thực tế với đất nước mà những người này mang quốc tịch. Điều này tác động đến hàng triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Không ai có thể khẳng định trước được là bao nhiêu phần trăm trong số hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài sẽ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Tương tự điều 20 Luật 1998, Luật 2008 quy định người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam “thì phải thôi quốc tịch nước ngoài”, trừ một số trường hợp như vợ (chồng), cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam và những trường hợp đặc biệt khác nếu được Chủ tịch Nước cho phép (điều 19, khoản 3). Nếu so sánh với luật quốc tịch của một số nước, như Đức chẳng hạn, thì các trường hợp ngoại lệ để người nước ngoài nhập quốc tịch nước mình không phải mất quốc tịch gốc ít hơn rất nhiều.

Nếu theo Luật 1998 (điều 21), người đã mất quốc tịch Việt Nam muốn trở lại quốc tịch Việt Nam (hồi tịch) không buộc phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài, thì Luật 2008 quy định họ phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp là vợ (chồng), cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; có công lao đóng góp đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc nếu việc trở lại quốc tịch Việt Nam có lợi cho Nhà nước Việt Nam và những trường hợp đặc biệt khác được Chủ tịch Nước cho phép (điều 23).

Tóm lại cá nhân tôi cho rằng trái với những phát biểu của các nhà chuyên môn, chuyên gia của các cơ quan chức năng Việt Nam, Luật Quốc tịch mới này hoàn toàn không “cởi mở” hơn, mà trong nhiều quy định còn chặt chẽ hơn trong vấn đề một hay hai quốc tịch, với tinh thần chủ đạo là dần dần sẽ giải quyết triệt để tình trạng lưỡng tịch như hiện nay (áp đặt thời hạn 5 năm) và chỉ cho phép một số ngoại lệ được giữ hai hay nhiều quốc tịch./.

Hoàng Hữu Đức (Frankfurt/M, CHLB Đức)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu