A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp ý giải quyết vấn nạn giao thông

Ngày mai (15/9), người ngồi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường cả nước phải đội mũ bảo hiểm. Giao thông là một vấn đề còn nhiều bức xúc và nan giải. Nhiều giải pháp cho những vấn đề giao thông hiện nay đã được bạn đọc nêu ra. Tạp chí Quê Hương xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Á Độc Lập góp ý giải quyết vấn nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay.

Vấn nạn giao thông nhìn từ bên ngoài, vì thế đây chỉ là lạm bàn và góp ý của một số người Việt ở nước ngoài đối với mối ưu tư chung của VN về tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay ở trong nước. Tiện thể Diễn Đàn Báo Tay cũng có vài góp ý như sau:

Trước cố gắng giải quyết nạn kẹt xe tại Việt Nam, đòi hỏi phải có ít nhất các điều kiện tài chính, kỹ thuật, thời gian, và con người.

Đây là vấn đề lớn phải có quốc sách và giải pháp đồng bộ (GPĐB). Cơ quan ban ngành hay chính quyền địa phương không đơn phương giải quyết được. Những thiệt hại từ “vấn nạn giao thông” (VNGT), như chúng ta đều biết, từ thiệt hại kinh tế, sản xuất, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân cả nước, khách nước ngoài du lịch, và cuối cùng là tai nạn chết người.

Và chính phủ cần xét đến điều kiện thực tế của Việt Nam, có biện pháp kịp thời, theo thứ tự ưu tiên giải quyết với khả năng mình có trong tay.

Vì lẽ đó chúng tôi có vài  góp ý như sau

Trước nhất là Bộ Công An (BCA), nên kiện toàn vấn đề nhân sự trong lực lượng giao thông, gồm có đơn vị Cảnh sát Giao thông (CSGT). Đồng thời có kế hoạch đưa lực lượng TNXP và phát động chiến dịch học đường bảo vệ trật tự giao thông.

Đề nghị CSGT phải phạt nghiêm minh, ai cũng biết trong ngành CSGT có “vấn đề tiêu cực”. Yếu tố đó cũng làm giảm nỗ lực của chính phủ giảm thiểu tác hại của nạn kẹt xe.

Gần đây khi về thăm Việt Nam, chúng tôi vẫn thường nghe kể “những câu chuyện công tử, tiểu thư lái xe hơi (auto) ngược chiều, rồi gọi phone nhờ “mấy xếp” đóng phạt lấy xe về với “giá phạt ngoài luồng”.

So với thời giá sinh hoạt hiện nay, đồng lương của CSGT vẫn còn quá khiêm tốn.

Để giảm thiểu bệnh tiêu cực gần như nan y này, chúng tôi có đề nghị như sau: Ngoài việc giáo dục trách nhiệm công dân, Nhà nước cần nâng bậc lương cho CSGT, thực hiện chế độ bảo đảm giáo dục cho con em CSGT đến hết bậc đại học, bán nhà trả góp với lãi suất ưu đãi. Còn nếu CSGT nào vi phạm,  biện pháp Nhà nước giải quyết tùy vào luật định, có thể là một dạng “luật công vụ” (LCV), trong đó có điều khoản quy định, như sa thải khỏi ngành vĩnh viễn. So sánh với nền hành chính của nước Mỹ, một nhân viên làm việc cho chính phủ, ở mọi cấp, khi vi phạm nội quy hay luật, coi như lý lịch xấu (bad record), khó mà thăng tiến lên nổi. Bởi vì khi xin việc làm, ngay cả công ty tư nhân,  ít ai dám nhận một người thiếu trong sáng vào làm việc.

-        Về học đường, Bộ GD& ĐT nên có chương trình đại học mà Việt Nam quen gọi là “chính quy” (từ 7 đến 11 giờ). Thực hiện chương trình đại học online hay TV. Có kế hoạch xây dựng trường đại học ở xa trung tâm thành phố , thị xã. Tiếp theo đó là chương trình học theo chế độ bán nội trú, tuần 4 hoặc 3 ngày tại chỗ, không về nhà. Dĩ nhiên để thu hút sinh viên, Bô GD& ĐT nên có quy định giảm giá học phí cho sinh viên lớp đêm. Ở Mỹ, chương trình “chính quy” cũng học vào ban chiều, sau giờ người dân lao động về.

-        Ở cấp tiểu học, trung học, ngay bây giờ môn giáo dục công dân (GDCD) nên có kèm theo kiến thức về luật giao thông, ý thức trách nhiệm, và hậu quả của sự vi phạm luật lệ giao thông như thế nào.

-        Về phía Bộ Giao thông & Vận tải (BGTVT), mở mục sáng kiến .

-        Tạo ra bảng chỉ dẫn mới như là Điểm Dừng ở giao lộ (giống như Stop Sign ở Mỹ). Ai đến trước dừng trước, và đi trước . Quy định này, chắc chắn, nó đòi hỏi người đi đường ý thức trách nhiệm tôn trọng luật giao thông rất cao.

-        Bảng chỉ chỗ tránh (Turn-out) dành cho xe buýt dừng lại rước khách. Ở Mỹ gọi là Turn-out. Lý do, chúng ta sẽ bồi thường giải tỏa rất ít, khi tạo ra “chỗ tránh cho xe buýt hay taxi dừng lại” (turn-out), để khỏi gây “kẹt xe hay ùn tắc”. Ở Mỹ, ít ai đủ can đảm dừng xe giữa đường, ngoại trừ có CSGT giải quyết tai nạn xe cộ. Ở xứ người ta, đặc biệt là California, trên siêu xa lộ (freeway) còn có cả tuyến dự phòng (lane dự phòng), VN dĩ nhiên không so bì với Mỹ hoặc những xứ tiên tiến được, nhưng kinh nghiệm này cũng nên biết.

-        Bộ Thông tin & Văn hóa (BTTVH) nên có những cuốn phim chiếu sinh hoạt đi đường ở Canada, Mỹ, hay Úc để giới thiệu đến học sinh sinh viên trong nước, trong  giờ học môn GDCD.

-        Đối với Bộ Công vụ - BCV- (nếu có cơ quan này), tái phân chia ca giờ làm việc cho các bộ ban ngành và có chính sách khen thưởng cho CNV cán bộ đi làm chung xe (ở Mỹ gọi là carpool). Thí dụ: Viên chức nhà giáo đi đến trường lúc 8 giờ, Bác sĩ, cán sự, y tá đi làm lúc 6 giờ trước đó 2 tiếng, nhân viên Phòng Công chứng hay Kết hôn của Bộ Tư pháp (BTP) và  Bộ Tài Nguyên & Môi Trường làm việc lúc 10 giờ.

-        Đối với Bô Xây dựng, nên có kế hoạch làm đường vào ban đêm như ở Mỹ, như là 10 giờ đến 6 giờ sáng, trừ trường hợp thi công khẩn cấp.

-        Cũng liên quan đến xây dựng hạ tầng, BXD bắt buộc phải phối hợp với Bộ CN& MT, (tuân thủ nghiêm nhặt theo luật) phải xây dựng hệ thống thoát nước và hệ thống xử lý chất thải trước khi xây đường xá và cao ốc. Không biết đã có luật này chưa, nếu chưa, Quốc hội nên xem xét để nhanh chóng có dự luật về vấn đề này và thông qua để toàn dân thi hành. Hoặc Chính phủ có thể ban hành Pháp lệnh để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của tình hình,  trước khi QH thông qua một đạo luật có giá trị tương tự.

-        Công đoạn cuối của giải pháp đồng bộ (GPĐB) như đã đề cập ở trên, đó là khả năng nghiên cứu kế hoạch xây dựng hệ thống cầu vượt trên cao, đường hầm, mở rộng bề ngang các giao lộ hay đường sá, khu dừng ở xa lộ (ở Mỹ gọi là Rest Area), bãi tránh cho xe buýt, vận tải công cộng, hay taxi (turn-out) bởi vì khả năng này đòi hỏi một ngân sách “khổng lồ”.

-        Quan điểm của người Mỹ, ở nơi nào có thể mở rộng chiều ngang được, là họ làm ngay. Khi làm, Chính phủ Việt Nam chắc chắn phải xét đến ngân sách đền bù cho người dân. Vì thế chúng tôi đề nghị mở chỗ tránh làm trạm dừng cho xe buýt, taxi … (turn-out) cũng là cách tiết kiệm ngân sách cho chính phủ.

Cuối cùng, Bộ Tài chính, Phủ Thủ tướng, và Ủy ban cải tạo Giao thông & Hạ tầng cơ sở (UBCTGT&HTCS) Trung ương,  nếu Nhà nước VN đã có thành lập cơ chế này rồi, đây sẽ là các bộ phận liên kết giám sát tiến trình thực hiện giải pháp đồng bộ. Trong tiến trình đó, Nhà nước có thể áp dụng luật huy động (có thể do Quốc hội soạn thảo và thông qua) vốn từ nhiều nguồn, kể cả bán công trái phiếu cho cộng đồng kiều bào hải ngoại, theo thống kê của Bộ Ngoại giao là 3,2 triệu, để phát triển giao thông và hạ tầng cơ sở hiện đại vì lợi ích của toàn thể xã hội.

Nguyễn Á Độc Lập
(Diễn Đàn Báo Tay)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu