Giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời ở Mỹ vì bạo bệnh
Giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời để lại niềm thương tiếc khôn nguôi với thân hữu và học trò của ông. Giáo sư Ngô Vĩnh Long không chỉ là một tấm gương tận tụy cống hiến của một nhà giáo, một sử gia, ông còn là một trí thức dấn thân cho quê hương từ thuở sinh viên cho đến lúc thành đạt.
Theo thông tin từ bà Ngô Thị Tường Vân - em gái của giáo sư, ông qua đời sáng ngày 12/10 (giờ New York) tại Bangor, Maine, Mỹ.
Người bạn thân thiết của ông - tiến sĩ Vũ Quang Việt (New York) - đau xót nói với thân hữu: Xin báo anh Long vừa mới mất đêm qua. Như vậy, tôi đoán là anh đi rất nhẹ nhàng, vì sáng tôi còn nói chuyện với anh và thấy giọng còn mạnh mẽ.
Giáo sư Trần Văn Thọ (Tokyo) chia sẻ qua email: Sáng nay nghe anh nói bệnh tình đã trầm trọng, không cứu được nữa, ai cũng mong bác sĩ chẩn đoán sai. Nhưng cuối cùng chúng ta đã mất anh. Thương tiếc vô cùng!
Bà Phạm Chi Lan (Hà Nội) nhận xét: Vậy là anh ấy đã làm việc đến những ngày cuối cùng, dù đang rất mệt, và đã ra đi rất nhanh, quá nhanh, quá đột ngột! Anh Long ơi, cầu mong anh yên nghỉ nơi Vĩnh hằng. Thương tiếc anh lắm lắm.
Giáo sư Cao Huy Thuần (Paris) hồi tưởng: Ai đã một lần gặp anh Ngô Vĩnh Long không quên được phong thái hòa nhã, hiền hậu và những câu nói cùng nụ cười hóm hỉnh, ý nhị của anh.
Được tin giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời, Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã gửi thư chia buồn tới gia đình Giáo sư và cho rằng sự ra đi của Giáo sư Ngô Vĩnh Long là mất mát to lớn không chỉ với gia đình mà còn với cả những người yêu mến giáo sư ở trong và ngoài nước./.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long sinh ngày 10/04/1944 tại tỉnh Vĩnh Long. Mẹ ông là người Huế, cha quê Từ Sơn, Bắc Ninh, di cư vào Nam sinh sống, từng hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp trong mặt trận Việt Minh. Giáo sư Ngô Vĩnh Long đỗ tú tài xuất sắc và là người Việt đầu tiên nhận học bổng đại học Harvard (năm 1964) và lấy bằng tiến sĩ về lịch sử Đông Á và các ngôn ngữ Viễn Đông tại Đại học Harvard (năm 1978), sau đó ông làm Tổng Giám đốc Trung tâm tài liệu Việt Nam ở Cambridge và là Giáo sư tại khoa Lịch sử Đại học Maine, bang Maine – Hoa Kỳ. Ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước biểu tình chống chế độ Nguyễn Khánh ở Sài Gòn. Trong thời gian du học tại Mỹ, ông tham gia phong trào sinh viên đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và cùng với một nhóm các sinh viên Việt Nam đã chiếm giữ toà lãnh sự của chính quyền Sài Gòn ở San Fransisco, bang California, nhằm đưa ra các tuyên bố với thế giới những đòi hỏi của nhân dân Việt Nam (ngày 10/02/1972). Từ năm 1968 – 1975, ông đã viết trên 300 công trình lớn nhỏ, trong đó có ba cuốn sách, đáng chú ý có cuốn ‘The Vietnamese Peasants under the French" (Người nông dân Việt Nam dưới chế độ Pháp thuộc) được Viện MIT danh tiếng xuất bản năm 1968, sách có giá trị trong việc nghiên cứu nông thôn Việt Nam. Năm 2000-2001, ông về dạy tại Việt Nam theo chương trình Fulbright, dạy về lịch sử phát triển kinh tế ở Đông và Đông Nam Á khi thế chiến thứ hai chấm dứt và lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông và Đông Nam Á sau chiến tranh lạnh. Ông cũng nhiều lần về nước tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Những năm gần đây, cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông có nhiều bài viết về những vấn đề phát triển của Việt Nam với khu vực, nhất là với những sự kiện ngoại giao đa phương, tham gia tìm kiếm nhiều tư liệu lịch sử quý và tích cực lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Ngoài các bài viết trên báo chí Việt Nam, ông thường xuyên về nước tham gia các cuộc tọa đàm, hội thảo với các học giả và các trường đại học trong nước về những vấn đề xã hội, thời sự nóng tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay ảnh hưởng đến kinh tế của một số quốc gia cũng như Việt Nam. Ông cùng các thân hữu là trí thức ở nhiều nước tham gia sáng lập các “Hội thảo hè” tổ chức tại Việt Nam và các nước để tạo thêm cơ hội cho trí thức trong và ngoài nước trao đổi cởi mở về các vấn đề kiến thiết đất nước. |
Q.H (tổng hợp)