A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào chung sức phát triển Bắc Trung bộ

Bên lề Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương, sáng nay (29/12), tại thành phố Vinh, Nghệ An, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) tổ chức Hội thảo Kiều bào kết hợp đầu tư phát triển Bắc Trung Bộ với chuyên đề “Chiến lược logistics phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối Lào với khu vực cảng biển Bắc Trung Bộ”. Hội thảo được kết nối online với cộng đồng kiều bào 28 quốc gia trên thế giới.

 Toàn cảnh Hội thảo

Hơn 200 đại biểu đến tham dự Hội thảo, trong đó có đại diện Lãnh đạo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao; đại diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình và các nhà khoa học, trí thức, doanh nhân kiều bào đến từ các quốc gia trên thế giới. 

Hành lang kinh tế Đông - Tây bắt đầu từ Mae Sot (Thái Lan) chạy qua Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan (Thái Lan), Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh (Lào) và Việt Nam. Chiến lược phát triển kinh tế hành lang Đông – Tây liên kết giữa các quốc gia và lãnh thổ trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) theo hành lang giao thông kinh tế Đông - Tây nhằm sử dụng các cảng biển miền Trung Việt Nam làm cửa ngõ "ra - vào" cho hàng xuất và nhập khẩu từ Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Trong các hành lang kinh tế ở miền Trung, hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanma - Thái Lan - Lào - Việt Nam - Biển Đông qua cửa khẩu Cầu Treo và Cha Lo theo đường 8 và đường 12A đến cảng Vũng Áng, Hòn La; qua cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thuỷ theo đường 7, đường 46 đến cảng Cửa Lò có vị trí rất quan trọng. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ.

Lào là một quốc gia giàu khoáng sản nhất khu vực Châu Á, tuy nhiên Lào là một quốc gia không có biển nên việc xuất khẩu chủ yếu qua cảng Băng Cốc (Thái Lan). Việc hình thành hành lang kinh tế Đông –Tây sẽ rút ngắn thời gian, khoảng cách vận chuyển hơn 50% so với lộ trình hành lang vận chuyển hàng hóa hiện tại của Lào đến cảng Băng Cốc.

Theo đó, một hệ sinh thái logistics phục vụ hành lang kinh tế Đông Tây cần bao gồm các thành tố: Phát triển cơ sở hạ tầng vận tải; đồng bộ hóa thể chế xuyên quốc gia; phát triển các dịch vụ logistics hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực.

Nhằm giảm thiểu thời gian cũng như chi phí vận chuyển, việc đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải cần phải đồng bộ tại cảng biển, các cửa khẩu cũng như kết nối miền hậu phương cảng biển. Bên cạnh đó, nhằm tạo sự thông suốt cho hàng hóa xuyên biên giới giữa Việt Nam và Lào, việc đồng bộ hóa các quy định, quy trình và thực hiện các hiệp định liên quan đến hải quan, vận tải hàng xuyên biên giới là rất cần thiết. Ngoài hoạt động vận tải, việc phát triển các dịch vụ logistics hỗ trợ cho các hành lang vận tải là thiết yếu nhằm cung cấp các gói dịch vụ logistics hoàn chỉnh cũng góp phần giúp tiết giảm thời gian và chi phí cho chủ hàng.

Đặc biệt, trong bối cảnh cụ thể của hành lang kinh tế Đông Tây, việc phát triển đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề về quản trị logistics và chuỗi cung ứng để có thể tham gia vận hành và quản lý các thành tổ của hệ thống logistics là rất thiết yếu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng: “Việc phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây tạo nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhưng cơ hội đó thành công hay không phải có doanh nghiệp mới làm được. Để hành lang kinh tế Đông - Tây khu vực Bắc Trung bộ phát triển xứng tầm với khu vực và quốc tế, cần sự kết hợp hai bên: doanh nghiệp trong nước và doanh nhân Việt kiều”.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó Chủ tịch BAOOV phát biểu

“Các công ty Logistics chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng dịch vụ logistics còn hạn chế. Hiện nay tỉnh đang phối hợp với các chủ đầu tư xây dựng các cảng nước sâu. Đặc biệt Nghệ An rất mong muốn đón nhận Việt kiều đầu tư vào tỉnh” - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Ông Ngô Đức Huy, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Kinh tế Hà Tĩnh cũng nêu bật vai trò và tầm quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây đối với sự phát triển kinh tế xã hội và giao lưu văn hóa giữa các nước Lào, Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh Bắc Trung bộ. Ông Huy cũng mong muốn có chính sách đào tạo, ưu đãi vay vốn đối với các doanh nghiệp logistic; hiện đại hóa hệ thống hải quan; đảm bảo tính thống nhất, minh bạch của các quy định pháp luật điều chỉnh về kinh doanh dịch vụ logistics để phục vụ tốt cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại.

Góp ý Chiến lược phát triển logistic cho hành lang kinh tế Đông - Tây giữa Lào và các cảng biển Bắc Trung bộ, theo PGS.TS Thái Văn Vinh, Trường Công nghệ thông tin kinh doanh và Logistic, Viện Đại học công nghệ Hoàng Gia Melbourne (Úc) đề xuất chính sách và kế hoạch hành động như đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện hữu kết nối các cảng biển và cửa khẩu có thể với hình thức công tư hợp doanh; đầu tư nâng cấp phương tiện và thiết bị xếp dỡ hàng hóa chuyên dụng xếp dỡ hàng khô rời (ví dụ như khoáng sản) và container đến Lào tại các cảng biển như Nghi Sơn, Cửa Lò và Vũng Áng; thiết lập ủy ban chung nhằm giám sát và xử lý các vấn đề đồng bộ hóa thể chế xuyên quốc gia ở cấp tỉnh; nghiên cứu phát triển quy hoạch tổng thể về hành lang vận tải, các dịch vụ logistic hỗ trợ và cảng biển; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối cửa khẩu và cảng biển có thể với hình thứ công tư hợp danh; nghiên cứu và phát triển Cổng thông tin logistic trên nền tảng internet vạn vật kết nối tất cả các bên tham gia trong hệ sinh thái logistic.

Tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Công Chính, Chi hội trưởng Bắc Trung bộ, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài ghi nhận những ý kiến đóng góp của các địa phương, các doanh nghiệp địa phương cũng như doanh nhân kiều bào để thời gian tới hoàn thiện hơn về đường lối, cơ chế chính sách cho chiến lược logistic phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây. Ông Chính cũng nhấn mạnh, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong các dự án đầu tư. Đi cùng với đó là xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo về quản trị logistic và chuỗi cung ứng tại 1 trường đại học và 1 trường cao đẳng dạy nghề vùng. Thiết lập các nhóm công tác giữa các tỉnh Bắc Trung bộ của Việt Nam và giữa mỗi tỉnh này và tỉnh đối tác của Lào nhằm có sự đồng thuận về chiến lược phát triển hệ sinh thái logistic phục vụ hành lang kinh tế Đông Tây…

Tại Hội thảo cũng diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Chi hội Bắc Trung bộ - Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với các Hiệp hội Doanh nghiệp của Nghệ An, Hà Tĩnh và Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh; Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư của kiều bào vào Khu công nghiệp Gia Lách, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Ngô Đức Huy, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Kinh tế Hà Tĩnh, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh 

 

PGS.TS Thái Văn Vinh, Trường Công nghệ thông tin kinh doanh và Logistic, Viện Đại học công nghệ Hoàng Gia Melbourne (Úc). 

 

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư của kiều bào vào Khu công nghiệp Gia Lách, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

 

 Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Chi hội Bắc Trung bộ - Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với các Hiệp hội Doanh nghiệp của Nghệ An, Hà Tĩnh và Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh 

Nhật Lệ


Tin liên quan

Tin tiêu điểm