A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên thệ - Một giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày 25/11/2015, trên các phương tiện thông tin đại chúng ghi nhận: “Với 433/448 đại biểu có mặt bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Trong đó, Điều 29 của Nghị quyết quy định sau khi được bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ khi nhậm chức; phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp…; người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ...”. (Báo Thanh niên)

Quyết định của Quốc hội hoàn toàn phù hợp với văn hóa truyền thống, những giá trị thiêng liêng trường tồn hàng nghìn năm nay của nhân dân Việt Nam và đặc biệt thấm nhuần tư tưởng của Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh.

 Ngày 17/8/1945, tại Đình Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ
nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc.
Ảnh: Di tích lịch sử cây đa Tân Trào trước sân đình Tân Trào

Những năm đầu thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu khảo cổ, dân tộc, văn hóa... người Việt và người Pháp đã công bố tìm thấy hàng loạt các hiện vật bằng chất liệu đồng quý giá, thẩm định thời gian và định hình nền văn hóa Đông Sơn, có giá trị đóng góp làm phong phú, đa dạng bản đồ văn hóa, văn minh của xã hội loài người.

Năm 1954, hòa bình lập lại, công tác khảo cổ được tiến hành nghiêm túc trên cơ sở khoa học, khảo sát nghiên cứu gần một ngàn hố thám sát, trải dài khắp cả nước. Điều bất ngờ đã đến, hàng triệu hiện vật đồ đá, đất nung, đồ gốm, đồ đồng, đá quý, vàng bạc... chìm sâu trong các tầng văn hóa hàng chục vạn năm được phát lộ. Học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước định hình các nền văn hóa nối tiếp nhau theo trường kỳ lịch sử, răng vượn người tìm thấy ở hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) cách ngày nay khoảng 30 vạn năm, nối dài sức sống liên tục cho đến các nền văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Hạ Long... làm nên chiều dày lịch sử, Việt Nam là một trong những nôi dinh dưỡng và tiến hóa của xã hội loài người.

Điều đặc biệt, tại các hang động thám sát, nghiên cứu, các nhà khảo cổ tìm thấy những bộ xương người chôn cất trong khu vực nhất định. Người chết chôn theo tư thế, xếp đá to, bôi lớp đất màu vàng, cạnh đó là rìu đá, mảnh tước, công cụ lao động của người thân được trả lại, mang theo về cõi thiêng của người nguyên thủy, cách chúng ta ngót hai vạn năm – những thức cảm tinh tế sớm mang bản tính người tinh khôn cũng có ở một vài nơi trên thế giới.

Ở nền văn hóa Hòa Bình sớm tìm thấy nhiều hiện vật có hình vẽ lá cây, vạch khắc, mặt người trên các hòn đá. Tại hang Đồng Nội (tỉnh Hòa Bình) hiển hiện bức khắc họa ba mặt người, một gia đình, nét tinh giản hồn nhiên, đầu đội sừng. Cạnh đó hình mặt con thú dáng vẻ khác thường thể hiện tâm ý, rộng mở nhận thức, sự khởi đầu và bước chuyển từ con người động vật sang con người tinh khôn có tình thương gia đình bước đầu thức cảm về người thân, đồng loại, tiến tới nhận biết cỏ cây, sông núi, mặt trời, mặt trăng...  muôn vật có thần khí trong vạn thể thiên nhiên, vũ trụ.

Viết về Vua Hùng, người đứng đầu các bộ lạc, cuốn Đại Việt sử lược ghi:”...Có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác...”, vị thủ lĩnh không chỉ có sức khỏe, mà còn mưu trí hơn người, lãnh đạo các bộ lạc ổn định đời sống. Hơn nữa có khả năng khác thường dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, làm cho người người nể phục, tuân theo. Tư duy người Việt sớm được chuẩn hóa, suy tôn Vua Hùng có vị thế cao cả, thiêng liêng.

Hàng nghìn năm lịch sử, từ các đời vua Kinh Dương Vương, Vua Hùng, trải dài đến các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn... đều chọn ngày đẹp, nhà vua cùng triều đình văn võ bá quan tổ chức trang trọng, uy linh lễ tế trời, đất tại đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao, lễ Minh Thệ... Tại buổi lễ, muôn người đồng tâm nhất trí thề trung thành tuyệt đối trước hùng khí non sông, anh linh tiên tổ, hương hồn các bậc tiền bối, thần minh, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa...

Các làng xã, thôn bản duy trì tập tục bầu người có tâm, đức, tài làm lễ tuyên thệ và chủ trì các lễ nghi đa thần giáo linh thiêng trong cộng đồng là nét đẹp, nhu cầu thực tại hiển hiện trong nền văn hóa Việt.

Trọn đời dấn thân hoạt động cách mạng, học hỏi và trải nghiệm trường đời, Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh thấu tỏ triết học đông, tây, kim, cổ, Người ứng xử văn hóa, coi trọng giá trị thiêng liêng trong nền văn hóa Việt. Thời gian này, một số nước thực hiện chủ nghĩa vô thần, xóa bỏ hàng loạt các ngôi chùa, miếu, đền, nhà thờ...  các vị sư, người tu hành, thầy tu, cha cố buộc phải chuyển công việc. Với quan điểm nhận thức khác, Hồ Chí Minh phản đối chính quyền thực dân Pháp thực hiện chính sách xóa bỏ đời sống tinh hoa văn hóa của người Việt: “Chính phủ thuộc địa trấn áp những người mong muốn tự do, độc lập mà còn xúc phạm đến cả phong tục tập quán của dân bản xứ nữa. Thờ phụng những người đã quá cố, một việc rất thiêng liêng và thiết tha của người An Nam, cũng bị cấm đoán...” (Sđd, tập 2, tr. 365). Và, Người đòi hỏi: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Những giá trị thiêng liêng trở thành phẩm chất đặc biệt, thiết tha trong nỗi lòng của người Việt, họ linh cảm, đâu đó ảnh hiện và nguyện cầu cho người thân về cõi cao cả, thế giới riêng của người đã khuất, thành tâm dâng lễ và cầu người thân đã khuất phù hộ cho người sống là mối quan hệ cộng đồng qua lại âm phù dương trợ.

Ngày 16-17/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Đình Tân Trào đã bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, trước bàn thờ Tổ quốc và hòn đá thề cửa đình Tân Trào, thắp nén hương thay mặt Ủy ban, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước... Xin thề!”. (Hồ Chí Minh biên niên..., tập 2, tr. 263). Lời thề nhiệt huyết, tâm trí vang vọng, khích lệ các thành viên tham dự Đại hội nhanh chóng tỏa đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhanh chóng lãnh đạo muôn dân vùng lên hoàn thành trọng trách lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng tháng 8/1945 đã thành công kỳ diệu, trở thành sự kiện được các nhà nghiên cứu, học giả đánh giá cao.


 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945

Ngày 31/5/1946, trước khi lên máy bay sang họp bàn với Chính phủ Pháp tìm con đường hòa bình giải quyết chiến tranh, trước toàn thể các thành viên trong đoàn cùng những người đưa tiễn, Hồ Chí Minh yêu cầu toàn đoàn phải giữ lời thề: “Anh em chúng ta mang trọng trách quốc gia, trước mặt quốc dân đồng bào, chúng ta phải thề dù gặp gian lao thế nào, chúng ta cũng phải nhất tâm đoàn kết để làm trọn nhiệm vụ đối với Tổ quốc”, tất cả đồng thanh hô “Xin thề”. (Biên niên tiểu sử, tập 3, tr. 216)Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, xóa bỏ hàng nghìn năm chế độ quân chủ chuyên chế, dựng nền dân chủ cộng hòa và trở thành ngày trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp tự hào: “Buổi lễ kết thúc bằng những lời thề độc lập: Chúng tôi toàn thể dân tộc Việt Nam xin thề: ...Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng... Chúng tôi xin thề!”. Một triệu con người, một triệu tiếng hô cùng hòa làm một” (Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, tr. 245)

Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh không có cử chỉ, lời nói xúc phạm, bài trừ bất cứ tôn giáo, tín ngưỡng hoặc niềm tin thiêng liêng nào của các dân tộc. Người nhiều lần đến với các di tích, danh lam thắng cảnh, trân trọng thắp hương thành kính,  tôn trọng những giá trị thiêng liêng theo tục lệ truyền thống, bản sắc văn hóa đa thần của người Việt. Ngày 05/01/1946, tại chùa Bà Đá – Hà Nội, các Phật tử, tín đồ trong Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức tuần mừng Liên hiệp Quốc gia, kêu gọi đoàn kết các tổ chức, đoàn thể, đảng phái với Mặt trận Việt Minh và cầu nguyện cho nền hòa bình, độc lập của nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và đọc lời thề: “...Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh, đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ.” (sđd, tập 4, tr. 148)

Lời thề, lời tuyên thệ được thực hiện trong những ngày đại lễ quan trọng là hiển nhiên. Với Hồ Chí Minh, một con người khi vào Đảng cần phải có lời tuyên thệ, Người vạch ra 14 điều nhất thiết cần phải có trong bản “Dự thảo điều lệ Đảng: Điều thứ 14 – tuyên thệ: Chỉ sau khi tuyên thệ Đảng viên mới sẽ được coi như thành viên của một chi bộ. Lễ tuyên thệ sẽ được tiến hành như sau... Tôi xin thề gia nhập chi bộ này... Tôi xin thề không màng phú quý... Xin thề tuyệt đối tuân theo... Tôi xin thề hy sinh tính mạng cho Đảng...”. (sđd, tập 2, tr. 435). Hồ Chí Minh yêu cầu buổi lễ kết nạp đảng viên mới cần trang trọng, nghiêm túc vốn có trong tâm thức truyền thống văn hóa Việt.

Nhân dân các dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa thờ cúng tổ tiên và đa thần giáo từ lâu đời, sớm phát triển nền văn minh nông nghiệp lúa nước, con người sống trong môi trường khắc nghiệt, nhiều hiểm họa, đòi hỏi phải có tri thức sống hòa hợp, đôi khi thụ động trước thiên nhiên vũ trụ “Trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm...”. Từ đó, mối quan hệ giữa con người với con người ứng xử phải trọn nghĩa vẹn tình “Lời nói đọi máu”, coi trọng lời thề, lời tuyên thệ có giá trị thiêng liêng cao cả, trong cộng đồng bắt đầu từ gia đình, dòng họ, làng xã, đến Tổ quốc. Đó cũng là một giá trị trong tâm tưởng của Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh.

Lê Cường
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam


Tin liên quan

Tin tiêu điểm