A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong cách Bùi Ngọc Tư

Họa sĩ Bùi Ngọc Tư ra đời từ một làng quê ở Vụ Bản, Nam Định - nơi xuất thân của nhiều bậc tài danh trong nền văn hóa Việt Nam cận đại đủ cả thơ, văn, nhạc, họa. Đó là những con người kỳ tài mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử như một dấu ấn khó phai trong ký ức.

Chúng ta đã ngưỡng mộ một Nguyễn Bính với hồn quê chất phác quê mùa, thấm đẫm tình làng nghĩa xóm; một giọng thơ say nghiêng ngả ánh nến lung linh Vũ Hoàng Chương; một nhạc sĩ mệnh yểu Đặng Thế Phong nức nở Giọt mưa thu; một họa sĩ lãng du Hoàng Lập Ngôn với Nhà lăn Mê ly mải mê những nỗi dọc đường, tuôn trào câu chuyện lý thú trong đám bạn bè; một Tú Xương đồ Nho bất đắc chí trong xã hội giao thời cũ – mới đầu thế kỷ XX.

Và Bùi Ngọc Tư không thể thoát khỏi từ trường mạnh mẽ lộng lẫy lan tỏa từ những đại thụ đó của quê hương mình để làm nên một tên tuổi lớn ở tuổi xế chiều mà vẫn đam mê, hi vọng.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội niên khóa 1969 – 1973 - một niên khóa vàng của chương trình giảng dạy của nhà trường, được thụ giáo của các giáo sư bậc thầy Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn về chất liệu sơn mài - một chất liệu mà danh họa Nguyễn Gia Trí đã dành cuộc đời tìm kiếm để lại một gia tài đồ sộ cho các thế hệ học trò tiếp thu và sáng tạo trên con đường học tập của mình, Bùi Ngọc Tư là một trong những người học trò chăm chỉ cần mẫn để đạt đến cái đích thực của một chất liệu đỏng đảnh, quý phái riêng một góc trời hội họa Á Châu huyền diệu. Và như một ngẫu nhiên duyên nợ, giống như Nguyễn Gia Trí đã từ bỏ làng quê Chương Mỹ, Sơn Tây sống cuộc đời lặng lẽ giữa Sài Gòn hoa lệ, đất phương Nam đầy nắng gió nhưng vẫn vẽ về một Hoài niệm xứ Bắc trên tấm sơn quen thuộc, Bùi Ngọc Tư cũng giã từ Hà Nội lập xưởng họa phương Nam bốn mùa lộng gió mà vẫn nhớ về một Hội làng bịn rịn áo khăn của Đêm Quan họ, một hình ảnh quen thuộc Vinh quy bái tổ đất thành Nam xưa ở thời điểm khoa thi Nho học cuối cùng. Cả hai đều muốn làm sống lại trên tấm sơn một ký ức – ký ức của một nền văn hóa Việt trường tồn, bền vững.

Điểm lại tác phẩm trong sưu tập Bùi Ngọc Tư, chúng ta tìm xem âm thanh dòng chảy sắc màu hội họa nào tạo thành cung bậc phong cách Bùi Ngọc Tư để cho sơn mài một ngôn ngữ khoáng đạt thiết tha, chất liệu này trở thành mảnh đất màu mỡ cho cảm xúc nghệ sĩ thỏa sức tung hoành vô tận.

Với sắc vàng lộng lẫy tôn giáo, vỏ trứng nhễ nhại sơn then thăm thẳm hòa hợp tương tác, ứng biến qua nhiều cấp độ: đập vụn, tung vãi, dồn nén, quy tụ… rồi lại nhảy nhót tưng bừng trên vai trần thiếu nữ mùa hạ trong các tranh Khúc đồng dao, Hoàng hôn, Ám ảnh. Trong lãng đãng giấc mơ nàng Kiều, tự lự ru tình phảng phất Khúc tỳ bà định mệnh.

Bùi Ngọc Tư đã đọc lên cái khác thường của nghệ thuật sơn mài, cái bản năng cổ truyền đã không nhìn nhận sự vật bằng con mắt viễn cận duy lý Châu Âu nhưng vẫn chuyên chở được chiều sâu thăm thẳm không gian miền ký ức. Ông đã đặt vào tác phẩm của mình những tương giao tâm tư chứ không hề là sự phô diễn của ý chí. Bởi vậy, những Hà Nội hương xưa, Khúc hát cửa đình, Phục trang kinh kỳ, Hương sen, Hội làng thể hiện trên những tấm sơn mài cỡ lớn đến những tác phẩm xinh xắn gói trọn Nỗi buồn, Một mình, Ám ảnh, Khúc đồng dao, Dạo khúc tình quê nặng trĩu kỷ niệm, những hình đàn ông, đàn bà ma mỵ liêu trai, Người đàn bà với con ngựa tò mò, khêu gợi, hoang dại trong không gian trừu tượng cũng được dát chỉ bằng vỏ trứng hay vàng kim quen thuộc.

Chúng ta tạm cất đi những tấm sơn mài quy mô lộng lẫy vàng son, sơn then thăm thẳm để lần giở từng tấm tranh màu nước giấy dó mà Bùi Ngọc Tư đã từ những bức tranh này dựng sơn mài bền vững. Có cảm giác Bùi Ngọc Tư vẽ giấy dó linh hoạt hơn, mạnh bạo hơn ở những đề tài trai gái hớ hênh, phồn thực, để người xem đi vào thế giới hỗn mang nhân loại, phải ngắm nhìn dù có thoáng qua nhưng lại sâu đậm ngữ nghĩa dân gian quen thuộc.

Trên những hình hài tình tự, vú vê xiêm áo, đàn ông đàn bà, mò cua bắt ốc, trẻ em chăn trâu, thả diều… những vệt bút Nho loãng mực lan tỏa trên những tấm giấy bản với một ý đời thao thức… Bùi Ngọc Tư dẫn dắt người xem đến một thế giới hoang sơ mà ở đấy là một miền viên miễn.

Và tôi thích, trân trọng tác phẩm của ông. Xin cảm ơn họa sĩ Bùi Ngọc Tư.

Nguyễn Hải Yến

Nhà nghiên cứu Phê bình mỹ thuật


Tin liên quan

Tin tiêu điểm