A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo “Tầm quan trọng của việc dạy Tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam tại Kyushu, Nhật Bản”

Sáng ngày 03/6/2023, tại Trụ sở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) đã phối hợp Hội người Việt Nam tại Fukuoka tổ chức thành công Hội thảo “Tầm quan trọng của việc dạy Tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam tại Kyushu, Nhật Bản”, thu hút hơn 120 đại biểu tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Việt Nam có ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao; ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hoá, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao; PGS.TS. Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; bà Lê Hoài Thu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ giáo dục - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Chủ trì hội thảo tại trụ sở TLSQ Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản có bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka; ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, ngoài ra còn có sự tham dự của các Phó Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt người Việt Nam và Nhật Bản cùng đại diện các hội, đoàn người Việt tại Nhật Bản, đại diện kiều bào tham gia đào tạo giảng viên tiếng Việt, đại diện kiều bào có con em tham gia các lớp tiếng Việt.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Tầm quan trọng của việc dạy Tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam tại Kyushu, Nhật Bản”, Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai khẳng định đây là hoạt động quan trọng mở đầu cho chuỗi các sự kiện của TLSQ triển khai thực hiện Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các hoạt động thiết thực như tham gia Cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài”; hoạt động tri ân các cá nhân, tổ chức hội đoàn có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt; xây dựng tủ sách tiếng Việt…; đây cũng là một trong những công tác trọng tâm của TLSQ xây dựng hình ảnh cộng đồng NVNONN và gìn giữ, quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam. Việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam thế hệ thứ 2, thứ 3 mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, giúp nâng cao tính tự hào dân tộc, bản sắc văn hóa, truyền thống Việt Nam và tăng cường nhận thức cũng như hiểu biết xã hội, xây dựng các mối quan hệ gia đình gắn kết. Việc khuyến khích sử dụng tiếng Việt trong các gia đình thế hệ thứ hai và thứ ba giúp xây dựng cộng đồng phát triển vững mạnh và tạo nguồn nhân lực quan trọng đóng góp vào quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã khẳng định: Cộng đồng NVONN tại Nhật Bản cũng như cộng đồng NVNONN trên khắp thế giới luôn thể hiện trách nhiệm của mình với thế hệ trẻ, có nhiều sáng kiến tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm củng cố và phát triển các phong trào truyền bá, duy trì tiếng Việt; xây dựng, phát triển các trường, lớp, trung tâm... tiếng Việt như: Trường tiếng Việt tại Tokyo, Líu lo tiếng Việt tại Osaka, Tiếng Việt Saitama, Lớp học Hoa Mai tại Kobe... đã đẩy mạnh nhiều loại hình dạy và học tiếng Việt, tạo môi trường thuận lợi cho việc gìn giữ và tạo không gian văn hoá - tiếng Việt. Cùng với những hoạt động sôi nổi, sinh động trong công tác tiếng Việt nói trên, Hội thảo “Tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em tại Kyushu, Nhật Bản” đã tạo ra một điểm nhấn quan trọng trong các hoạt động hưởng ứng ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN nhằm khẳng định vai trò của tiếng Việt trong đời sống cộng đồng. Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã đặc biệt biểu dương sáng kiến tổ chức khóa học phương pháp giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam tại Kyushu, Nhật Bản; khẳng định đây là món quà vô giá dành cho các cháu thiếu nhi Việt Nam ở xa Tổ quốc vẫn được nuôi dưỡng trong sự đùm bọc của nền văn hóa – ngôn ngữ truyền thống Việt Nam và mong muốn những sáng kiến mang ý nghĩa sâu sắc như vậy tiếp tục được nhân rộng không chỉ tại địa bàn Đông Bắc Á, mà còn trên khắp thế giới.

Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hoá Đinh Hoàng Linh cho biết, Hội thảo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện tình cảm và trách nhiệm đối với trẻ em Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc chăm lo cho các em được học tập ngôn ngữ và văn hoá dân tộc Việt Nam.

Trong thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN luôn ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động tích cực thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, đặc biệt hướng tới thế hệ trẻ. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tăng cường đồng hành, kết nối các hoạt động này, tạo thành một mạng lưới có quy mô rộng khắp trên thế giới, nhằm hội tụ và lan toả những giá trị tốt đẹp của ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Bước đầu, việc triển khai thực hiện Kế hoạch ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN hằng năm sẽ là những hoạt động thiết thực bước đầu nhằm cụ thể hoá mục tiêu cao đẹp này.

Hội thảo đã nghe các chuyên gia, diễn giả trình bày nhiều vấn đề như: TS. Kondo Mika, chuyên ngành tiếng Việt - Khoa Ngoại ngữ - Đại học Osaka, tham luận về việc “Gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa cho những trẻ em có nguồn gốc Việt Nam, đặc biệt là cách đảm bảo cơ hội học tiếng Việt, văn hóa Việt trong giáo dục nhà trường tại Nhật Bản”; PGS.TS Hoàng Anh Thi, Đại học Osaka “Chia sẻ về mô hình lớp học cho 2 đối tượng không thạo tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ và thông thạo tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ”; ThS. Hứa Ngọc Tân, Đại học Đại Nam chia xẻ kinh nghiệm từ Đài Loan (Trung Quốc) về việc “Xây dựng và tổ chức chương trình giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho hai đối tượng trên”; bà Lê Hoài Thu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ giáo dục - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chia sẻ về “Một số điểm mới trong cách tiếp cận dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài trong bộ sách Chào tiếng Việt và giới thiệu chương trình Chào tiếng Việt trên VTV4”; PGS, TS Nguyễn Lân Trung “Hướng dẫn giáo trình dạy Tiếng Việt và phương pháp giảng dạy Tiếng Việt”. Hội thảo đã diễn ra trong không khí sôi nổi, có rất nhiều câu hỏi của kiều bào xoay quanh vấn đề phương pháp dạy và học tiếng Việt, đã được Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, PGS.TS. Nguyễn Lân Trung và các chuyên gia, diễn giả giải đáp. 

Trong khuôn khổ Hội thảo, Hội người Việt Nam tại Fukuoka đã chính thức ra mắt “Ban Tiếng Việt” nhằm tôn vinh, gìn giữ Tiếng Việt và văn hóa Việt xây dựng, triển khai phương pháp dạy tiếng Việt cho các phụ huynh song song với chương trình dạy - học tiếng Việt cho trẻ em và thế hệ thứ hai thứ 3. Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai thay mặt Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao trao tặng 120 cuốn sách và tài liệu giảng dạy tiếng Việt cho Ban Tiếng Việt./.

Q.H


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm