A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tống Phúc Đạm với tình riêng và phép công

Tống Phúc Đạm quê ở huyện Hương Trà (Thừa Thiên), vốn thuộc dòng dõi nhà tướng. Bình sinh, Tống Phúc Đạm là người thẳng thắn, công tư rất rành mạch.

Năm 1774, lợi dụng lúc Tây Sơn khởi nghĩa, chúa Trịnh sai tướng Hoàng Ngũ Phúc đem hơn ba vạn quân vượt sông Gianh đánh thẳng vào Đàng Trong, khiến chúa Nguyễn phải bỏ cả Phú Xuân mà chạy vào Gia Định. Tống Phúc Đạm cũng chạy theo, nhưng mới đến Quảng Nam thì bị bắt.

Sau, Tống Phúc Đạm trốn được, lại tiếp tục đi tìm chúa Nguyễn, nhưng lần này ông đi bằng đường biển, chẳng dè gặp bão, phải phiêu dạt sang tận đất Miến Điện. Tại đây, ông bị bắt giữ, may có một người Trung Quốc còn nhớ được ít nhiều chữ Hán, Tống Phúc Đạm bút đàm với người Trung Quốc này, nhờ ông ta nói giúp, Tống Phúc Đạm mới được tha.

Từ Miến Điện, Tống Phúc Đạm sang Xiêm La và được yết kiến Nguyễn Phúc Ánh. Từ đây, ông một lòng phò tá Nguyễn Phúc Ánh. Ông mất năm Giáp Dần (1794), không rõ bao nhiêu tuổi.

Bình sinh, Tống Phúc Đạm là người thẳng thắn, công tư rất rành mạch. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 8) chép về ông có đoạn như sau:

“Tống Phúc Đạm giữ chính lệnh rất công bằng và nghiêm minh, cho dẫu là người thân cũng chẳng kiêng dè. Bấy giờ, có viên Tham tướng ở Hậu quân, đối với (Tống Phúc) Đạm vốn là chỗ bạn bè thân quen cũ. Y thường ỷ thế, bắt người đầy tớ đến ép Trưởng Công chúa phải chiều mình. (Trưởng Công chúa là chị của vua, xét hành trạng các chị gái của Nguyễn Phúc Ánh, tạm đoán đây là bà Nguyễn Thị Ngọc Du, tức Phúc Lộc Công chúa, vợ của Chưởng Hậu quân là Võ Tánh. Võ Tánh mất tại Quy Nhơn năm Kỉ Mùi, 1799 - NKT). (Tống Phúc) Đạm biết được chuyện này, liền sai quân đi tìm tên đầy tớ để tra. Viên Tham tướng sợ quá vội đem tên đầy tớ giấu vào nhà của Trưởng Công chúa, xong, sai đóng chặt cửa lại. Quân đi bắt không sao mở cửa được, (Tống Phúc) Đạm sai đập cửa ra, người giữ cửa sợ quá, đành phải mở, tên đầy tớ bị bắt, viên Tham tướng đến thú tội với (Tống Phúc) Đạm. (Tống Phúc) Đạm mời ngồi rồi lấy rượu cùng uống. Uống xong, ông thong thả nói:

- Giữ tình bạn cũ nên mời ngồi uống rượu, còn giữ nghiêm phép nước thì phải giết kẻ có tội. Nhà của Trưởng Công chúa không phải là nơi ai muốn vào thì vào, vậy mà ngươi dám cho đầy tớ đến ép buộc, tức là đã phạm vào hình pháp, không thể để sống được.

Nói xong, (Tống Phúc) Đạm sai đem (viên Tham tướng) ra chém. Viên Tham tướng ngoảnh lại nói rằng:

- Tội đáng chết thì phải chết, nhưng xin được chết sao cho còn nguyên xác.

(Tống Phúc) Đạm nghe thế, liền sai lấy cây cột đèn trước cổng công đường, đè chẹn họng viên Tham tướng cho đến chết thì thôi. Mọi người thấy vậy, ai cũng run sợ. Ông giữ phép nước rất nghiêm, đại để là như vậy".

Lời bàn:

Hai điều tối kị của đàn ông là chớ đam mê tửu và sắc. Làm tướng giữa thời loạn, hai điều tối kị trên càng phải nghiêm lo tránh né cẩn thận hơn. Chỉ cần một chút coi thường là đã có thể chuốc lấy đại họa, chết là lẽ đương nhiên, may mắn chăng thì cũng chỉ như viên Tham tướng trong chuyện này, ấy là được chết nguyên xác mà thôi. Có điều, xác khi mất thì nguyên, còn danh trong sử thì nát, nhục thay!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu