A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ cúng bến nước của người M’Nông

Là một trong những phong tục lâu đời và đặc sắc của người M’Nông ở Tây Nguyên, lễ cúng bến nước không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn giáo dục cho con cháu người M’Nông ý thức bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.

Ảnh: Thanh niên dân tộc M'Nông mang lễ vật ra đầu nguồn nước để chuẩn bị làm lễ. Ảnh: Ninh Tôn

Do tập tục du canh, du cư nên người M’Nông xưa kia thường xuyên phải tìm các miền đất mới để sinh sống. Một trong những yêu cầu tiên quyết để có thể định cư là miền đất mới phải có nguồn nước và khi tìm được nguồn nước trong lành, người M’Nông sẽ lập bến nước và tổ chức cúng. Thường thì hằng năm cứ sau vụ thu hoạch, già làng, chủ bến nước và dân làng mời thầy cúng đến cúng bến nước với mục đích tạ ơn thần linh (Yang) ban cho người dân có được nguồn nước sạch phục vụ đời sống, mang mưa thuận gió hòa, phù hộ cho các gia đình, cộng đồng buôn làng được khỏe mạnh.

Theo truyền thống, vào ngày làm lễ cúng bến nước, người M’Nông sống bên hồ Lắk (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) sẽ dậy từ tờ mờ sáng, tập trung tại nhà thầy mối (Drah) để chuẩn bị lễ vật. Thầy mối cùng dân làng mang lễ vật đến rước thầy cúng tới bến nước Đắk Hoa, buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi của huyện Lắk để tiến hành nghi lễ. Tại đây người ta bày lễ vật gồm đầu lợn, một chén lớn đựng tiết lợn trộn rượu, một chén đựng thịt và gan lợn, một cái tô, ba ché rượu cần, hoa quả… đặt trang trọng đối diện với nguồn nước chảy ra từ khe núi. Là người có uy tín lớn với dân làng, thầy cúng Y Bal Ông sẽ đọc lời cúng, bên cạnh sẽ là người phụ cúng và già làng. Sau khi dứt lời khấn, đội chiêng tấu lên bài chiêng Ngăn mời gọi thần linh về.

Sau bài cúng và bài chiêng, thầy cúng vừa lấy chén huyết lợn pha rượu đổ một phần vào nguồn nước chảy ra từ khe núi vừa khấn thần linh phù hộ cho dân làng được bình an và có đủ nguồn nước sạch phục vụ cho đời sống và sản xuất. Tiếp theo, thầy cúng cùng người phụ cúng và già làng mang chén tiết lợn pha rượu còn lại đi về hướng buôn làng, tiếp tục đổ một phần chén rượu khi đến ngã tư đầu tiên và đọc hết gia phả các dòng họ sinh sống trong buôn với mục đích báo cáo thần linh các dòng họ có lễ vật dâng lên thần linh, cảm tạ thần linh đã phù hộ cho họ sức khỏe, cuộc sống ấm no hạnh phúc đồng thời để thần linh nắm được các dòng họ đang sinh sống trong làng để tiếp tục che chở. Cuối cùng đoàn của thầy cúng sẽ tiến tới cổng chào của buôn làng đổ hết phần tiết lợn pha rượu còn lại và đọc lời khấn xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo không may mắn ra khỏi buôn làng.

Kết thúc nghi lễ thầy cúng không được phép quay lại bến nước mà di chuyển về buôn làng. Lúc này, đội chiêng sẽ diễn tấu các bài chiêng, thanh niên nam nữ nhún nhảy theo nhịp chiêng, điệu múa xoang mừng hội. Những chiếc chiếu sẽ được trải ra, các món ăn được chế biến làm lễ vật được dọn ra mời dân làng và những người có mặt thưởng thức trong bầu không khí lễ hội vui vẻ. Đây là dịp để cộng đồng trong buôn tụ họp, đưa mọi người xích gần nhau hơn, chia sẻ về đời sống, công việc sản xuất nông nghiệp trong một năm đi qua.

THANH HẢI-THÙY DƯƠNGnhandan.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu