A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quần thể di tích Cố đô Huế

Quần thể di tích Cố đô Huế là những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa. Tháng 12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

 Hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn 

Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là kinh đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1945.

Công trình kiến trúc đặc sắc của triều đại nhà Nguyễn

Nằm giữa lòng Huế, bên bờ bắc của con sông Hương chảy từ tây sang đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn vẫn đang sừng sững trước bao biến động của thời gian. Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt nam ra mặt bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh...

Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với mỗi chiều xấp xỉ 600m. Hoàng thành có 4 cổng ra vào, độc đáo nhất trong số đó là Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn, thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô.

Xuyên suốt cả ba tòa thành, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế như: Nghinh Lương Ðình, Phu Văn Lâu, Kỳ Ðài, Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành... Hai bên đường Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên.

Xa xa về phía tây của Kinh thành nhưng cũng nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hóa. Kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam.

Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ: Lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp; Lăng Minh Mạng uy nghi, bình chỉnh đăng đối giữa rừng núi hồ ao được tôn tạo khéo léo, có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ; Lăng Thiệu Trị thâm nghiêm, vừa thâm trầm, vừa u uẩn giữa chốn đồng không quạnh quẽ; Lăng Tự Ðức thơ mộng trữ tình...

Các vị vua triều Nguyễn phần lớn đều giỏi thi ca, nhạc họa nên rất yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Chính vì vậy mà khi xây dựng Kinh đô ở Huế, các vua Nguyễn đã cố gắng tận dụng địa hình, địa thế, phong cảnh lý tưởng của vùng đất Cố đô để biến Kinh đô Huế thành “mô hình phong thuỷ lý tưởng” - một kiểu “kiến trúc cảnh quan”, cùng với đó là hàng loạt khu vườn Thượng uyển với quy mô lớn, tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao được lập nên và các loài hoa thơm, cỏ lạ, cây cảnh đẹp, độc đáo từ khắp nơi trong cả nước được huy động về để phục vụ cho nhu cầu trang trí cảnh quan chốn Cung đình…

Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền mà cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục. Song song với Kinh thành vững chãi bảo vệ bốn mặt, Trấn Bình Thành án ngữ đường sông, Trấn Hải Thành trấn giữ mặt biển, Hải Vân Quan phòng ngự đường bộ phía Nam. Đan xen giữa các khu vực kiến trúc cảnh vật hóa độc đáo ấy, là Đàn Nam Giao - nơi vua tế trời; Đàn Xã Tắc - nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền - đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu - nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên Tiến sĩ võ; Điện Hòn Chén - nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na...Huế từng hiện hữu những khu vườn ngự danh tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Thường Mậu, Trường Ninh, Thiệu Phương... Chính phong cách kiến trúc vườn ở đây cũng lan tỏa khắp nơi trong dân gian, phối hợp với những nhân tố sẵn có, dần dần định hình một kiểu thức nhà vườn đặc thù của xứ Huế.


 Ngọ Môn - cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Quần thể Di tích Cố đô Huế có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, với hơn 1.400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích, nằm trải rộng trên một diện tích hàng chục triệu m2, bao trùm lên toàn bộ diện tích của thành phố Huế cùng với bốn huyện và thị xã lân cận. Sau chiến tranh, rất nhiều công trình đã bị hư hại, xuống cấp, trong đó, khu vực Tử Cẩm Thành gần như bị xóa sổ, Hoàng thành Huế chỉ còn 62/136 công trình kiến trúc… Toàn bộ quần thể di tích Cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ, và hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau. Năm 1993, sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, công cuộc phục hưng di sản Huế thực sự được chú trọng.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đến nay đã có khoảng 170 công trình di tích lớn nhỏ ở khu vực Hoàng Cung và các lăng vua đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn. Bên cạnh đó, loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc Nhã nhạc Cung đình Huế, hay những lễ hội truyền thống và cung đình từ chỗ bị lãng quên mai một, cũng đã được quan tâm nghiên cứu phục hồi.

Trong nhiều năm qua, với những nỗ lực không ngừng của địa phương, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân trong cả nước, với sự chia sẻ kịp thời của cộng đồng quốc tế, di sản Huế từ “tình trạng cứu nguy khẩn cấp” đã chuyển sang giai đoạn “phát triển bền vững”. UNESCO vẫn thường có thông điệp ca ngợi những thành tựu xuất sắc trên phương diện trùng tu di tích, bảo tồn di sản của Huế và nhấn mạnh: Huế là một trong số ít địa danh trên thế giới có cả di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận giá trị toàn cầu. UNESCO đã xem Huế là một ví dụ điển hình trong việc bảo tồn phát huy giá trị cả di sản vật thể và phi vật thể.

 Ngọ Môn - cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng chú ý đến công tác giao lưu và hợp tác quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm và tài trợ của cộng đồng quốc tế đối với di sản này. Trung tâm đã chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác - đối ngoại với trên 20 tổ chức quốc tế và phi chính phủ; thông qua đó tiếp nhận được sự ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt về tài chính, phương tiện kỹ thuật, tri thức khoa học.
Các thành tựu trên đã góp phần nâng cao mức sống của người dân ở Cố đô Huế, kích thích các hoạt động du lịch phát triển làm cho du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguồn thu từ phát huy giá trị di tích hàng năm ngày càng tăng (lượng khách và nguồn thu từ vé tham quan và dịch vụ tăng bình quân từ 10-15%), chứng tỏ sức hút của di sản Huế đối với cộng đồng trong và ngoài nước. Chính nguồn thu ổn định này đã góp phần thiết thực cho công tác quản lý và bảo tồn, trùng tu, tôn tạo khu di sản Huế trong giai đoạn vừa qua.

Với việc quan tâm đúng đắn đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị và nhận thức được mối quan hệ tổng hòa giữa di sản vật chất và di sản tinh thần cùng với cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái như hiện nay trong sự phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là nâng cao giá trị du lịch văn hóa lên một tầm cao mới, Di sản Cố đô Huế đã, đang và sẽ tiếp tục có sức sống mới, sự phát triển bền vững, sự cuốn hút và quan tâm đặc biệt của cộng đồng trong nước và quốc tế.

Hương Giang (tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu