Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới: Vì một Việt Nam giàu mạnh

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài quy mô toàn thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội đã khai mạc sáng nay. Đến dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng hơn 500 lãnh đạo, đại biểu đại diện các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và địa phương, các học giả, nhà khoa học, nhà văn hoá trong nước. Và đặc biệt là sự tham dự của gần 900 đại biểu kiều bào về từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là những trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội, thanh niên sinh viên tiêu biểu.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (Hội nghị) do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ Khoa học -Công nghệ, Giáo dục & Đào tạo, Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin - Truyền thông và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Với chủ đề “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”, Hội nghị là diễn đàn tập trung trí tuệ và sáng kiến, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng NVNONN đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của kiều bào

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm bày tỏ: Đại đa số kiều bào ta ở nước ngoài dù ra đi trong hoàn cảnh nào và đang phải đối mặt với biết bao thách thức trong cuộc sống hiện tại nhưng vẫn luôn nêu cao ý thức dân tộc, lòng yêu quê hương tha thiết và mong muốn được góp sức xây dựng đất nước.


Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phát biểu Khai mạc Hội nghị 

Để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và nguyện vọng đóng góp của cộng đồng, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị mang chủ đề “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước”, với hy vọng sẽ tạo ra một diễn đàn rộng rãi để các đại biểu ngoài nước và trong nước cùng nhau trao đổi những vấn đề thiết thân của cộng đồng và đất nước. Trong đó, trước hết là chăm lo xây dựng cộng đồng có cuộc sống ổn định, có vị trí pháp lý vững vàng và thành đạt trong xã hội sở tại, đoàn kết cùng nhau hướng về quê hương và tuỳ theo khả năng góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà.

Ban Tổ chức cũng hy vọng rằng, trong dịp về dự Hội nghị lần này, đồng bào ta ở nước ngoài sẽ cảm nhận được sự nồng ấm và hạnh phúc như trở về chính ngôi nhà thân yêu của mình sau mỗi lần đi xa, sẽ tận mắt chứng kiến những đổi thay lớn lao của quê hương, hiểu biết sâu sắc hơn về những thuận lợi và khó khăn của đất nước, để củng cố niềm tin vào sự nghiệp xây dựng đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội  công bằng, dân chủ, văn minh”; và khi trở về nơi cư trú, sẽ đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, phát huy vai trò làm cầu nối tăng cường hiểu biết và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với đất nước mà bà con sinh sống, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thông báo đến các đại biểu tình hình kinh tế xã hội của đất nước, tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đồng bào trong nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tình cảm, trách nhiệm và những đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với quê hương, đất nước trong những năm qua và trong thời gian tới.

Chủ tịch nước bày tỏ: “Mặc dù sống xa quê hương song đại đa số bà con kiều bào vẫn luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hoá Việt Nam, không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc nơi xứ người, đồng thời vẫn luôn hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương và suy nghĩ, trăn trở để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước của kiều bào ngày càng được củng cố bởi những thành quả đạt được của công cuộc Đổi mới và sự lớn mạnh không ngừng của đất nước. Bà con hoan nghênh chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, ủng hộ sự nghiệp phát triển đất nước vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Điều này đã trở thành xu thế chung trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua, ngày càng nhiều người về nước hợp tác, đóng góp công sức, trí tuệ trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn hoá - xã hội và tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong nước mỗi khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

 

 


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đại biểu kiều bào tham dự Hội nghị

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một nhiệm vụ có tính chất đặc thù trong công tác dân vận của Đảng và Nhà nước, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của toàn thể đồng bào trong nước đối với gần 4 triệu bà con ta ở nước ngoài nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp vì sự nghiệp chung của dân tộc. Trong những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (ngày 26/3/2004) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với quan điểm "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước", công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được tập trung triển khai trên cả ba lĩnh vực: thông tin tuyên truyền, hoạch định chính sách cũng như vận động cộng đồng và đã thu được nhiều kết quả tích cực, được dư luận cộng đồng đánh giá cao và nhiệt thành hưởng ứng. Tuy nhiên, so với nhu cầu, mong mỏi của bà con kiều bào cũng như yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước trong tình hình mới, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Để động viên và phát huy hơn nữa các nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp cho sự phát tiển đất nước trong giai đoạn mới, Hội nghị lần này cần tập trung bàn sâu về hai nội dung chính là: xây dựng cộng đồng và góp phần phát triển đất nước. Hội nghị tạo một diễn đàn rộng rãi để mọi người trao đổi ý kiến, là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan trong nước trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của kiều bào. Qua đó, chúng ta sẽ có cách nhìn nhận khách quan, toàn diện hơn về cộng đồng, đánh giá chính xác hơn về các chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ cho việc hoạch định những chính sách trước mắt và lâu dài nhằm xây dựng cộng đồng ngày càng đoàn kết vững mạnh, có vị trí trong xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam và phát huy cao nhất mọi nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đọc báo cáo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã báo cáo trước Hội nghị về tình hình và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã nêu 4 vấn đề lớn, đó là: 1. Một số nhân tố chủ yếu tác động đến cộng đồng và việc triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; 2. Tình hình cộng đồng hiện nay và những vấn đề đặt ra; 3. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; 4. Phương hướng công tác trong thời gian tới.

Về kết quả đạt được trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Từ khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác đối với NVNONN đã bước vào giai đoạn mới, toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã được huy động nhằm thựuc hiện công tác này trên 3 lĩnh vực: Thông tin tuyên truyền, hoạch định chính sách và vận động cộng đồng. Nhiều chính sách, biện pháp có tính đột phá đã được tiến hành, tác động mạnh và tích cực đến cộng đồng NVNONN.

Báo cáo cũng nêu ra 5 hướng để tiếp tục triển khai toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với NVNONN.

Một là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp và cơ chế bảo đãm những quyền lợi chính đáng của kiều bào nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách và biện pháp bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Hai là, đổi mới công tác phát triển hội đoàn với phương châm nơi nào có kiều bào, nơi đó có tổ chức; hỗ trợ để xây dựng cộng đồng đoàn kết vững mạnh, thành đạt, hội nhập, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, đồng thời hướng về quê hương đất nước.

Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc .

Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi và tranh thủ cao nhất nguồn lực của NVNONN về kinh tế, tri thức, công nghệ… đóng góp cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Năm là, củn cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự làm công tác về NVNONN.

Tâm tư, nguyện vọng chân thành của kiều bào

Các đại biểu kiều bào về tham dự Hội nghị có vinh dự được tiếp xúc, bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, nguyện vọng của mình với Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trong nhiều lĩnh vực.


Ông Cao Văn San phát biểu tại Hội nghị 

Thay mặt cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, ông Cao Văn San phát biểu trong niềm xúc động: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, kiều bào Thái Lan nói riêng đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ, của Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã thông qua nhiều biện pháp, lộ trình thích hợp. Vì thế, tại Thái Lan, trong 2 năm qua, Hội người Việt Nam đã được thành lập công khai, hợp pháp ở hầu hết các tỉnh có đông Việt kiều theo luật pháp sở tại. Hội đã thu hút, đoàn kết rộng rãi kiều bào, không phân biệt già trẻ, trai gái, tín ngưỡng, vùng miền, thành phần xuất thân, thời gian, lý do ra nước ngoài làm ăn sinh sống… từng bước xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan ngày càng vững mạnh, tôn trọng luật pháp sở tại, làm tốt vai trò cầu nối, tăng cường, củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Thái Lan.

Kiều bào Thái Lan tuy sống xa Tổ quốc nhưng trái tim luôn cùng nhịp đập với quê hương. Vừa qua, trước những đau thương, mất mát của đồng bào các tỉnh miền Trung do cơn bão số 9 và 11 gây ra, kiều bào Thái Lan tuy còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng hưởng ứng cuộc vận động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã vận động được 80.000 USD ủng hộ các tỉnh miền Trung và khoảng 40.000 Bạt cho nạn nhân chất độc da cam.”

Là một hoạ sĩ, nhạc sĩ về dự Hội nghị lần này, anh Đỗ Trọng Ngọc (Việt kiều Canada) bày tỏ rất vui mừng và phấn khởi được mời về tham dự Hội nghị và được cùng các đại biểu đóng góp những sáng kiến, những suy nghĩ của mình gửi tới Nhà nước. Anh Ngọc cho biết: Hội nghị đã tập trung kiều bào trên thế giới về quê hương để giao lưu, trao đổi, tháo mở những điều mà bà con kiều bào biết và muốn đóng góp cho quê hương. Qua Hội nghị , kiều bào cũng có cơ hội để hiểu biết nhiều hơn về đất nươc. Anh luôn mong muốn được làm cầu nối đưa các đoàn văn công, hoạ sĩ, nghệ sĩ sang Canada biểu diễn phục vụ cộng đồng và cũng là để bà con kiều bào hiểu biết hơn về văn hoá Việt Nam. Anh Ngọc cũng cho biết, Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới nên tổ chức định kỳ 2-3 năm tổ chức một lần.

Việc bảo tồn văn hoá dân tộc theo anh Ngọc là rất cần thiết, để những thế hệ sau hiểu biết hơn về văn hoá dân tộc, anh Ngọc cho biết cần có sự giao lưu giữa kiều bào trong và ngoài nước để bà con được tiếp cận và hiểu thấu đáo hơn về những nét văn hoá đặc sắc của Việt Nam. 

Về vai trò của tri thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, anh Ngọc bày tỏ: tri thức kiều bào được học hỏi, làm quen và tiếp xúc với những tiềm năng công nghệ tiên tiến ở nước ngoài. Trong tiến trình phát triển kinh tế nước nhà, nhất là trong môi trường công nghệ cao, công nghệ sinh học, vai trò của các tri thức kiều bào là rất quan trọng. Anh mong muốn qua Hội nghị này các tri thức kiều bào cùng đất nước tìm ra những giải pháp thích hợp để cùng dựng xây đất nước.

Bà Trần Khánh Tuyết (Việt kiều Mỹ) có ý kiến với Hội nghị  là Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cần có thêm nhân sự làm việc tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phụ trách cộng đồng để gần gũi và hiểu biết được với mọi thành phần của cộng đồng người Việt trên thế giới. Có như vậy thì công tác dân vận mới có hiệu quả cao. Bà cũng cho biết đa số bà con kiều bào mong muốn hiểu biết về văn hoá dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hoá cho con em, đặc biệt là việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. Tuy nhiên, ở Mỹ chưa có nhiều người có nhiều giáo viên có chuyên môn và đặc biệt là thiếu tài liệu để học và dạy tiếng Việt. Bà con ở Mỹ rất mong muốn đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.

Bà Phùng Tuệ Châu, Giám đốc Đài phát thanh tiếng quê hương tại Mỹ bày tỏ: Mục đích của Đài phát thanh tiếng quê hương là mở rộng thân tình mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ; giới thiệu sự tiến bộ và sự phát triển của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đài tiếng nói ra đời để đối đầu với tiếng nói không trung thực của các đài đang chống đối Nhà nước Việt Nam. Mọi người làm việc trong Đài hoàn toàn tự nguyện và tự đóng góp. Thông tin được đưa trên Đài chủ yếu viết về những chính sách đổi mới của Việt Nam và được lấy trên các báo, đài chính thống của Việt Nam và các báo khác của nước ngoài như BBC, VOA.

Sau Lễ khai mạc, các đại biểu kiều bào có cơ hội bày tỏ suy nghĩ và đóng góp ý kiến với lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các bộ ngành chủ chốt qua 4 hội nghị chuyên đề: (1) Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về đất nước; (2) Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc trong cộng đồng NVNONN; (3) Chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước và (4) Doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước. 

Tham gia 4 hội nghị chuyên đề trên, đã có rất nhiều bài tham luận của các đại biểu kiều bào gửi về ban tổ chức nêu lên tâm tư, nguyện vọng cũng như những đóng góp ý kiến cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan tới lợi ích chính đáng của NVNONN.

Bên lề hội nghị, chiều 22/11, các đại biểu kiều bào tham gia vào các hoạt động tham quan giao lưu như: Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Văn miếu Quốc tử giám; Triển lãm xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Nam tại Vân Hồ; Bắc Ninh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.

Số đại biểu về dự Hội nghị khoảng 1500 đại biểu. Trong đó kiều bào về tham dự Hội nghị trên 900 đại biểu. Đại biểu cao tuổi nhất sinh năm 1919 từ Pháp, đại biểu trẻ nhất sinh năm 1985 từ Đức; Số đại biểu nữ: 231 người, chiếm khoảng 26%; đại biểu nam là 669 người, chiếm 74%; Số đại biểu trí thức: 188 người, chiếm 20%; đại biểu doanh nhân 428 người, chiếm 49%; tổng số hội đoàn về dự: 68.

Các nước có đông đại biểu: Mỹ 100 người, Thái Lan: 90 người, Pháp: 85 người, Đức: 70 người.

Phương Thuận


Các tin khác

Tin tiêu điểm