Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc

Để làm tốt hơn nữa công tác đối với NVNONN, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài để bảo vệ và chấn hưng đất nước, cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị, thực sự đưa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 19 của Chính phủ đi vào cuộc sống tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ở nước ngoài yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam và đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.


Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chụp ảnh lưu niệm
với Đoàn kiều bào tiêu biểu năm 2008

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) hiện có khoảng 4 triệu người, sinh sống tại hơn 100 nước và vùng lãnh thổ. Đây là một cộng đồng có tiềm lực với hơn 300.000 trí thức có trình độ đại học, trên đại học, chuyên gia kỹ thuật, hàng chục vạn doanh nghiệp.

Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 26/3/2004 về công tác đối với NVNONN tiếp tục khẳng định “NVNONN là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Muốn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cần phải làm tốt công tác đối với NVNONN. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, công tác đối với NVNONN luôn gắn liền với lịch sử cách mạng, luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào ta ở nước ngoài, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, khi bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó còn là một chàng trai trẻ đã sớm nhận thấy vai trò của cộng đồng NVNONN và đã tích cực tạo lập cơ sở, xây dựng tổ chức ở nước ngoài để phục vụ cho cách mạng trong nước. Năm 1919, Người đã lập ra “Nhóm người An Nam yêu nước”- tiền thân của phong trào Việt kiều yêu nước rộng khắp tại Pháp và Hội người Việt Nam tại Pháp sau này. Năm 1925, cùng một số đồng chí khác, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc, rồi tiếp đó là thành lập các chi hội ở Thái Lan. Năm 1928, Người đã trực tiếp đến Thái Lan để vận động bà con kiều bào, trực tiếp lãnh đạo và tổ chức phong trào Việt kiều yêu nước tại đây.

Năm 1945, đất nước độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều dịp kêu gọi, động viên đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần yêu nước, tranh thủ nhân dân sở tại, ủng hộ đất nước. Trong thời gian Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang đàm phán tại Pháp, nhiều bà con kiều bào đã bỏ cả công ăn việc làm tham gia phục vụ, bảo vệ Phái đoàn, vận động dư luận và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Một số trí thức kiều bào theo lời kêu gọi của Bác Hồ đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống sung túc ở Pháp về nước tham gia kháng chiến như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… Có thể nói sau hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài, hơn ai hết, Bác Hồ đã thấu hiểu sâu sắc cuộc sống, tâm tư tình cảm của những người Việt xa xứ và chính Người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo, xây dựng và phát triển các phong trào Việt kiều yêu nước, đã để lại cho thế hệ đi sau những di sản quý báu về công tác vận động phong trào quần chúng yêu nước ở nước ngoài.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng
Đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Quốc giỗ 2009 
 

 

Sau năm 1954, nhiệm vụ của công tác đối với NVNONN là vận động kiều bào tham gia xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Kiều bào đã tích cực đóng góp sức người, sức của và cả xương máu cho cuộc kháng chiến. Các thanh niên Việt kiều ở Thái Lan, Lào, Campuchia đã hăng hái nhập ngũ, tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường Đông Dương. Kiều bào đã tổ chức nhiều đợt vận động và đóng góp không ít tiền bạc, vũ khí, thuốc men cho bộ đội, đặc biệt là phong trào “nở hoa diệt Mỹ”, “hũ gạo nuôi quân” ở Thái Lan. Ở Pháp, nhiều bà con đã bỏ cả công ăn việc làm, tham gia phục vụ, bảo vệ các Phái đoàn Việt Nam từ Hội nghị Fontainebleau năm 1946 đến Hội nghị Paris năm 1968-1973. Ở Mỹ, Pháp và nhiều nước tư bản khác đã dấy lên phong trào thanh niên, sinh viên Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hoà bình ở các nước sở tại xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc kháng chiến trong nước, đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình.

Có thể nói, thắng lợi của cách mạng Việt Nam có phần đóng góp to lớn về vật chất, tinh thần, kể cả xương máu của kiều bào ở nước ngoài.

Từ sau năm 1975 trở lại đây, công tác đối với NVNONN tiếp tục được thúc đẩy trong bối cảnh và tình hình mới, với nhiệm vụ đoàn kết NVNONN vì mục tiêu xây dựng cộng đồng và phát triển đất nước và đã có những bước chuyển quan trọng theo hướng tích cực.


Bà con kiều bào tại Mỹ đón chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 

 

Về công tác thông tin và truyền thông, thông qua hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng, mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và thông qua các hoạt động do Uỷ ban Nhà nước về NVNONN chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan tổ chức ở trong và ngoài nước, chúng ta đã thúc đẩy khá mạnh mẽ. Nội dung truyền thông tập trung vào tình hình đất nước và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cộng đồng để bà con hiểu rõ thực tế tình hình đất nước, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, đồng thời góp phần để các cơ quan chức năng trong nước thấm nhuần tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác NVNONN.

Đến nay về cơ bản đã tạo được nhận thức chung của các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân theo tinh thần “NVNONN là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước”, đồng thời xác định “công tác đối với NVNONN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị” như Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã nêu rõ. Đối với cộng đồng NVNONN, đã cập nhật được cho bà con về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, qua đó tạo lòng tin và hướng kiều bào về đất nước, hạn chế và đẩy lùi sự lôi kéo của các phần tử phản động.

Về công tác tham mưu xây dựng chính sách, quán triệt tinh thần đại đoàn kết dân tộc, Ban Việt kiều Trung ương trước đây và nay là Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đã kiến nghị Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết riêng về công tác đối với NVNONN là Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 29/11/1993, tiếp đó ngày 26/3/2004 là Nghị quyết 36-NQ/TW - Nghị quyết công khai đầu tiên về công tác đối với NVNONN và ngày 6/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/2008/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về công tác với NVNONN.

Triển khai thực hiện các văn bản nêu trên cũng như Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Bộ Chính trị về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp quy theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN trên các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch; về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam… Có thể kể đến những chính sách gần đây như: Quy chế miễn thị thực cho NVNONN (tháng 9/2007), Luật Quốc tịch sửa đổi tạo điều kiện cho NVNONN có thể giữ quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác (tháng 11/2008), Luật sửa đổi điều 121 Luật Đất đai và điều 126 Luật Nhà ở mở rộng thêm đối tượng và quyền cho kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước (tháng 6/2009)…


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm
cùng bà con Việt kiều mừng Xuân Kỷ Sửu 2009

 

Về công tác vận động cộng đồng, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN cùng các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động ở cả trong và ngoài nước nhằm tập hợp, vận động NVNONN. Hoạt động có ý nghĩa và tác dụng lớn lao, lâu dài là vận động thành lập các hội đoàn người Việt, xây dựng hội đoàn kết, vững mạnh, phát triển thành đạt, hướng về đất nước. Những năm gần đây, thực hiện tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan đại diện và kiều bào ở nhiều nước đã rất tích cực thành lập các hội đoàn mới, tiêu biểu như Thái Lan, Lào, Campuchia, Séc, Pháp, Đức…

Công tác vận động kiều bào về nước thăm thân, làm ăn kinh doanh, tham gia giảng dạy, hợp tác khoa học kỹ thuật… đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Con số người về nước năm sau tăng hơn năm trước, trung bình hằng năm là khoảng 500-600 nghìn lượt người, trong đó có hàng nghìn lượt trí thức và doanh nhân về nước làm việc. Hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp đang đầu tư về Việt Nam với khoảng 3.000 dự án có tổng số vốn khoảng 2 tỷ USD. Lượng kiều hối chính thức gửi về nước ngày càng tăng, năm 2008 đạt 7,4 tỷ USD.


Đoàn kiều bào tiêu biểu cùng Chủ nhiệm UBNVNONN Nguyễn Thanh Sơn
trồng cây lưu niệm đầu tiên của kiều bào tại núi thiêng Nghĩa Lĩnh, Đền Hùng

 

Để hỗ trợ cho kiều bào, chúng ta đã thông qua kênh ngoại giao nhà nước làm việc với một số nước, ký các hiệp định, thoả thuận, tạo thuận lợi cho bà con cư trú hợp pháp, lần đầu tiên Nhà nước đã cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ cộng đồng và Quỹ Bảo hộ công dân để hỗ trợ cho cộng đồng NVNONN. Việc giúp bà con giữ gìn tiếng Việt, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cũng được quan tâm đúng mức.

Hằng năm, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đều chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước tổ chức nhiều hoạt động hướng về đất nước cho kiều bào như: tổ chức Trại hè Việt Nam cho thế hệ trẻ, tổ chức các đoàn kiều bào có công, kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước, tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sĩ… Tháng 8/2009, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức Hội nghị thành lập Hiệp hội doanh nhân NVNONN, liên kết các doanh nhân người Việt trên thế giới và tháng 11 này là Hội nghị NVNONN lần thứ nhất với sự tham gia của khoảng 1000 kiều bào về từ gần 100 quốc gia.

Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã tạo điều kiện cho một số nhân vật của chế độ Sài Gòn trước đây như các ông Đỗ Mậu, Nguyễn Cao Kỳ hoặc thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc sĩ Phạm Duy được về thăm và có các hoạt động trong nước, giải quyết một số vấn đề nhân đạo do quá khứ để lại như việc việc cho phép chuyển nghĩa trang Bình An thành nghĩa trang dân sự do UBND tỉnh Bình Dương quản lý, tạo điều kiện cho NVNONN về thăm viếng, tu sửa mộ chí của thân nhân đã từng tham gia phục vụ chế độ cũ ở miền Nam…


Phó Chủ nhiệm UBNVNONN Trần Trọng Toàn (thứ 2 từ bên phải)
cùng Đoàn con cháu chi họ Lý Tinh Thiên, thuộc dòng họ Lý tại Hàn Quốc


Phó Chủ nhiệm UBNVNONN Trần Đức Mậu với các đại biểu Trại hè Việt Nam 2009 

 

Tuy đạt được những thành quả như vậy nhưng công tác đối với NVNONN vẫn còn một số hạn chế như: chưa triển khai được rộng khắp việc đưa các phương tiện thông tin, truyền thông vào các kênh thông tin ở các nước phương Tây có đông kiều bào và nhiều phần tử thù địch hoạt động; việc quảng bá hình ảnh đất nước và hỗ trợ kiều bào trong hoạt động văn hoá, tâm linh, giữ gìn bản sắc dân tộc, học tiếng Việt cũng còn nhiều hạn chế; việc phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch chưa thực sự nhanh nhạy và còn bị động; việc thực hiện một số chủ trương, chính sách đối với NVNONN nhiều khi còn chậm…

Để làm tốt hơn nữa công tác đối với NVNONN, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài để bảo vệ và chấn hưng đất nước, cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị, thực sự đưa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 19 của Chính phủ đi vào cuộc sống; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ở nước ngoài yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam và đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.

Đặng Hồ Phát
Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài


Các tin khác

Tin tiêu điểm