Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chuyến tác nghiệp báo chí từ hải ngoại về Việt Nam thông qua nghị quyết 36 của Bộ Chính trị

Là một nhà báo từ hải ngoại về Việt Nam sống và tác nghiệp, tôi hoàn toàn tin tưởng vào chính sách cởi mở về tự do báo chí của Nhà nước Việt Nam. Tôi rất ủng hộ và an tâm đồng hành với các hoạt động của UBNNVNVNONN, với mục tiêu chung là đưa đầy đủ thông tin, hình ảnh một nước Việt Nam đang phát triển toàn diện, có vị thế ngày càng tốt hơn trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Tác giả Nguyễn Quang Trường thăm đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa 

60 năm hoạt động không ngơi nghỉ trong lĩnh vực công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là một thời gian dài, khó có thể kể hết được những thành quả to lớn mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) đã làm được, đã đóng góp cho lĩnh vực công tác này.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin lược lại một số hoạt động báo chí mà tôi đã có vinh dự cùng đồng hành với Ủy ban kể từ năm 2011.

BƯỚC NGOẶT TỪ CUỘC TIẾP XÚC VỚI UBNNVNVNONN

Từ hội thảo văn hóa tháng 9/2011

Rời Việt Nam tháng 10/1988, lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam là năm 2006, tham dự Hội nghị APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) tổ chức tại Hà Nội. Khi đó, Việt Weekly là cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất của NVNONN đăng ký tham gia đưa tin chính thức. Có mặt trong đoàn Việt Weekly lần đầu về Việt Nam đó, chúng tôi đã có dịp ghi nhận khách quan sự kiện, phỏng vấn nhiều quan chức, và đặc biệt là cuộc trò chuyện với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt,… Những bài báo đăng tải gây một hiệu ứng tốt trong cộng đồng người Việt ở California.

Tuy nhiên, Việt Weekly đã bị các nhóm chống cộng cực đoan (CCCĐ) áp lực, biểu tình suốt 1 năm sau đó. Tuy bị nhóm CCCĐ phá hoại, chặn con đường đưa tin bằng hình thức biểu tình, đe dọa thân chủ quảng cáo, nhưng Việt Weekly vẫn giương cao ngọn cờ báo chí khách quan, tiếp tục những chuyến đi Việt Nam đưa tin, phỏng vấn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi ông sang thăm Mỹ (2008), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Mỹ (2009).

 Lãnh đạo báo Sài Gòn Giải phóng trao đổi với Đoàn báo chí kiều bào, tháng 9/2011

Trong thời gian này, những nhà báo hoạt động tự do, khách quan của Việt Weekly bị chụp mũ là “thân Cộng”! Giới báo chí Việt ngữ trong cộng đồng ở California lúc đó đều nhìn tấm gương bị phá hoại của Việt Weekly mà e dè, sợ hãi. Hầu hết báo chí Việt ngữ trong cộng đồng chỉ dám lấy tin, nhận tin, đưa tin Việt Nam từ xa, rồi xào nấu lại, điểm thêm những ghi nhận tiêu cực rồi mới rón rén đăng tải. Những bản tin ngắn, gọi chung là “Tin Việt Nam”, chiếm một tỉ lệ ít ỏi trên những trang báo địa phương.

Cho đến tháng 9/2011, nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng tôi gồm 3 cơ quan truyền thông là Phố Bolsa TV, KBCHN và Việt Weekly gồm 4 nhà báo Nguyễn Phương Hùng (KBCHN,) Vũ Hoàng Lân (Phố Bolsa TV), Hứa Trung Quân và Etcetera (Việt Weekly) đã có mặt ở Hà Nội để tham dự những buổi hội thảo về văn hóa Việt Nam, thăm và làm việc với nhiều tòa soạn báo lớn từ Bắc tới Nam.

Đặc biệt trong dịp này, anh em nhà báo chúng tôi đã có cơ hội phỏng vấn trực tiếp ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNNVNVNONN và cũng là Trưởng Ban tổ chức - ngay trong buổi hội thảo đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên những nhà báo từ hải ngoại về được trực tiếp trò chuyện với một nhà ngoại giao Việt Nam cấp Thứ trưởng. Bên cạnh vẻ lịch lãm, chuyên nghiệp của người làm ngoại giao, ông đã hoàn toàn thuyết phục chúng tôi bằng cách trò chuyện cởi mở, chân tình và gần gũi, ấm áp tình đồng hương. Mọi câu hỏi từ phía các nhà báo về chính sách của nhà nước đối với kiều bào, đều được ông trả lời thẳng thắn và rõ ràng, đầy thông tin cập nhật và thực tế.

Sau cuộc phỏng vấn, về lại Hoa Kỳ, trong buổi tọa đàm ở tòa soạn Việt Weekly (tại thành phố Garden Grove, California) với các nhà báo, nhân sĩ thân hữu, chúng tôi đã kể cho nhau nghe về cuộc tiếp xúc thú vị và thông báo cho mọi người biết trên báo Việt Weekly, chúng tôi sẽ có những chuyến đi Việt Nam tiếp sau đó, để kết nối dòng thông tin vừa được khai mở. 

Đến những chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa

Có thể nói, một bước ngoặt ngoạn mục khác, cũng được bắt nguồn từ UBNNVNVNONN. Trong lần trở lại Hà Nội lần thứ hai, tháng 2/2012, nhân dịp lễ hội tết Nhâm Thìn, một lần nữa 3 cơ quan truyền thông chúng tôi là Phố Bolsa TV, KBCHN và Việt Weekly lại có mặt. Mặc dù trước đó, một vài cơ quan truyền thông bạn có được mời, nhưng phút cuối không ai dám đi. Chúng tôi lại được tiếp kiến, nói chuyện với ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Ông có vẻ tâm đắc với ý tưởng “Việt Nam bây giờ tự tin trong vấn đề đối thoại với cộng đồng người Việt ở ngoài nước” mà chúng tôi đã đánh giá sau chuyến đi lần trước. Trong cuộc trò chuyện đầu năm, ông đã giới thiệu một loạt dự án mà UBNNVNVNONN dự tính sẽ thực hiện, như chuyện thăm vùng biên giới phía Bắc, thăm cửa khẩu và đường biên giới Hà Giang và đặc biệt, dự án đưa kiều bào, nhà báo hải ngoại ra thăm quần đảo Trường Sa khi có điều kiện – trong đó có khá nhiều chi tiết về chuyến đi với các hoạt động tưởng niệm, cầu siêu, thăm hỏi các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo, làm việc với nhà báo v.v.

Trở về Mỹ sau chuyến đi này, các buổi mạn đàm, đưa tin về kết quả chuyến đi được nói ra trên Việt Weekly, KBCHN, Phố Bolsa TV, đã làm chấn động cả cộng đồng, nhất là tin về chuyến đi thực địa Trường Sa đang được UBNNVNVNONN chuẩn bị tổ chức, dành riêng cho các kiều bào từ nước ngoài về tham dự, ra thăm tận nơi các đảo trong quần đảo Trường Sa!

Có thể nói, đây là những bước đi đầy thuyết phục của ngành ngoại giao Việt Nam nói chung, và của UBNNVNVNONN nói riêng, để đánh tan những luận điệu xuyên tạc của những người CCCĐ, luôn tuyên truyền rêu rao là chính quyền Cộng sản Việt Nam đã “dâng hết đất, bán biển cho Trung Quốc”!

Ngày 18/4/2012, khi con tàu HQ 571 rời cảng Cát Lái, chuyến đi Trường Sa 9 ngày liên tiếp, qua nhiều biển đảo, từ Song Tử Tây, Nam Yết, Đá Tây, Đá Lát, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn, Nhà giàn DK1 (nằm trên thềm lục địa phía Nam)… đưa gần 100 kiều bào từ nhiều quốc gia về tham dự, đã đánh dấu một bước tiến đầy tính đoàn kết của phía chính phủ Việt Nam dành cho kiều bào xa tổ quốc. Chúng tôi được biết, việc đưa các đoàn dân, quân, ban ngành từ đất liền ra thăm các chiến sĩ ngoài hải đảo vẫn được thực hiện đều đặn hàng năm với nhiều chuyến đi, tuy nhiên, chính chuyến đi có những cơ quan báo chí hải ngoại năm 2012 đã mang lại một hiệu ứng thông tin khách quan, trung thực tuyệt đối. Chúng tôi được tạo điều kiện tốt nhất, thoải mái nhất trong việc ghi hình, phỏng vấn, viết tin trong hoạt động chuyến đi. Việt Weekly, KBCHN, Phố Bolsa TV đã mang về hàng trăm bài viết, phỏng vấn, video clips qua 4 số báo chuyên đề về chuyến đi, cộng thêm 1 cuộc triển lãm mini tại tòa soạn Việt Weekly với trên 500 bức ảnh chụp mọi góc cạnh từ các đảo để người dân trong vùng Little Saigon (California) có thể đến xem tự do. Các cuộc hội luận, thảo luận về biển đảo liên tiếp được Việt Weekly tổ chức và điều hợp để lắng nghe nhận định của người dân.

 Tác giả tại Triển lãm ảnh “Trường Sa trong mắt chúng tôi” ở Mỹ (2012)

Có thể nói, chuyến đi thăm các đảo Trường Sa lần đầu tiên dành cho kiều bào năm 2012 ấy, đã trở thành một dấu ấn lịch sử trong công tác thông tin đầy tính khách quan và trung thực, đã bẻ gãy hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc, nói xấu Nhà nước Việt Nam về vấn đề biển đảo.

Từ năm đó trở đi, hàng năm, cứ đến tháng 4 khi mùa biển êm, những chuyến tàu ra thăm các chiến sĩ ngoài biển đảo, nhất là các chuyến đi có đoàn kiều bào tham gia, đều là những chuyến đi mang dấu ấn vô cùng đặc biệt.

Bản thân tôi cũng đã được tham gia 4 lần ra đảo: 2012, 2014, 2015 và 2019. Mỗi chuyến đi là mỗi trải nghiệm sâu sắc. Mỗi chuyến đi, là một lần tôi chứng kiến tình cảm sâu đậm của đoàn kiều bào xa tổ quốc với các dân quân biển đảo; nhìn tận mắt, bắt tận tay những người con anh hùng ôm súng, bám trụ giữ gìn biên cương biển đảo tổ quốc, hỏi ai mà không yêu, không ủng hộ.

Và các Trại hè dành cho thanh thiếu niên kiều bào

Từ tháng 6/2013 đến nay - 2019, tôi đã trở về Việt Nam sống dài hạn và tác nghiệp báo chí trên kênh youtube Văn hóa Việt Nam TV (VHVNTV), tiếp tục tham gia các hoạt động báo chí cùng với UBNNVNVNONN qua các hoạt động Trại hè dành cho thanh thiếu niên kiều bào hàng năm. Tôi đã tham gia đi suốt hành trình các năm 2014, 2015.

Đây là các hình thức sinh hoạt ngoại khóa thú vị dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên kiều bào từ các quốc gia trở về thăm Việt Nam mỗi khi hè về. Mỗi năm mỗi khác, với những chủ đề mang tính giáo dục, tính dân tộc, Ủy ban đã xây dựng những trại hè bổ ích, thoải mái giúp cho các em có cơ hội đi khắp các vùng miền, từ Bắc tới Nam, để học hỏi, tìm hiểu lịch sử, giao lưu giải trí v.v. qua các hoạt động vô cùng sáng tạo. Bản thân tôi, cũng như các em thanh thiếu niên, đã có những trải nghiệm vô cùng quý báu qua những chuyến đi như thế.

NQ36 LÀ KIM CHỈ NAM, UBNNVNVNONN LÀ CON ĐƯỜNG ĐƯA KIỀU BÀO VỀ VỚI ĐẤT NƯỚC

Đất nước Việt Nam của chúng ta trải qua nhiều thăng trầm chiến tranh, hoàn cảnh lịch sử vô tình đã làm nên những hố sâu ngăn cách về mặt địa lý, chính kiến, quan điểm chính trị. Chúng tôi là những người con xa quê, sống ở cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở California, nơi còn một số người CCCĐ vẫn còn mang trong lòng họ sự ngăn cách, định kiến với chính quyền Việt Nam.

Qua 60 năm kể từ khi thành lập (1959), UBNNVNVNONN (tiền thân là Ban Việt kiều Trung ương) trong công tác với khối kiều bào xa tổ quốc, đã thực hiện vô số những hoạt động ngoại giao tích cực, giúp cho kiều bào xa quê như được tiếp sức, gắn kết lại, điều này không thể kể hết được.

Đặc biệt năm 2004, khi Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN được ban hành, khẳng định kiều bào xa quê hương là một bộ phận không tách rời; vai trò của NQ36 như chính sách kim chỉ nam, càng làm rõ hơn tính cấp thiết của Đảng và Nhà nước dành cho kiều bào bằng tình cảm chân thành. Để triển khai và thực hiện tốt NQ36, chính UBNNVNVNONN đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng và tích cực. Các lớp lãnh đạo Ủy ban đã không chỉ là những nhà ngoại giao chuẩn mực, chuyên nghiệp, mà họ còn là những cán bộ đầy tâm huyết với mục tiêu kéo gần những khoảng cách định kiến chính trị từ những cộng đồng NVNONN còn nhiều khác biệt, chính kiến.

Cứ lấy bản thân tôi làm một ví dụ điển hình. Từ một người trẻ có những ngộ nhận về tình hình chính trị trong nước vào những năm 90, khi thông tin về Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhiều định kiến, nhưng rồi sau những chuyến đi thực tế về Việt Nam, cho đến hôm nay, tôi có thể tin rằng, mình đã “lột xác” để tìm về quê hương, đất nước, để hòa nhập với đời sống người dân khắp các vùng miền qua các hoạt động báo chí về mảng văn hóa, xã hội qua kênh VHVNTV.

Bất cứ khi nào tôi cần sự hỗ trợ về mặt thủ tục để tham gia hoạt động báo chí, UBNNVNVNONN đều tận tình giải thích, hỗ trợ và hướng dẫn cho tôi, giúp tôi dễ dàng hoạt động tự do, không bao giờ can thiệp, định hướng, miễn là những hoạt động báo chí của tôi tuân thủ luật pháp của Nhà nước và phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Tính từ tháng 6/2013 tới nay, kênh VHVNTV đã thực hiện trên 4000 bài báo và video clips nói về đời sống Việt Nam trên khắp các vùng miền tổ quốc.

Là một nhà báo từ hải ngoại về Việt Nam sống và tác nghiệp, tôi hoàn toàn tin tưởng vào chính sách cởi mở về tự do báo chí của Nhà nước Việt Nam. Tôi rất ủng hộ và an tâm đồng hành với các hoạt động của UBNNVNVNONN, với mục tiêu chung là đưa đầy đủ thông tin, hình ảnh một nước Việt Nam đang phát triển toàn diện, có vị thế ngày càng tốt hơn trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế./.

Nguyễn Quang Trường (Hoa Kỳ)


Các tin khác

Tin tiêu điểm