Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Diễn đàn kết nối Startup Việt trong và ngoài nước

Sáng nay 26/6, “Diễn đàn kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” đã khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh. Bộ Ngoại giao và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì tổ chức sự kiện nhằm phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chào mừng Diễn đàn

Diễn đàn hôm nay là sự tiếp nối thành công của “Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” được tổ chức tại Hoa Kỳ tháng 12/2017.

Diễn đàn cũng là dịp để các Startup Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; kết nối các Startup của người Việt ở trong và ngoài nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư; tạo cơ hội để các Startup của người Việt ở trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu hỗ trợ để phát triển.

Tham dự Diễn đàn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương và khoảng 400 đại biểu doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, có sự tham dự của các chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp kiều bào khởi nghiệp thành công và các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam... Trong đó có 08 diễn giả là các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp, đến từ Mỹ, Canada, Israel, Việt Nam trình bày các vấn đề liên quan đến Startup.

Cần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo, góp phần vào sự phát triển của đất nước

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam phát biểu Khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam bày tỏ sự phấn khởi được tham dự Diễn đàn- một sự kiện vô cùng quan trọng. “Sự kiện lớn chưa từng có ở Việt Nam trong một trào lưu mạnh mẽ trên thế giới – trào lưu khởi nghiệp”, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nói.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết: “Đối với các vị có mặt tại Hội trường hôm nay, đây đúng là cơ hội vô cùng to lớn để được nghe về các điều kỳ diệu đang diễn ra xung quanh chúng ta, đó là một khoảng trời mới, là cơ hội để chúng ta nắm bắt xu thế startup đi về đâu, chúng ta sẽ bắt đầu từ cái gì và ở đâu”.

Chào mừng diễn đàn, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, trong khi đề cao sự phát triển của khoa học công nghệ, thì sự kết nối giữa khoa học và doanh nghiệp ở Việt Nam còn yếu, và Diễn đàn lần này sẽ góp phần tìm hướng đi khắc phục điểm yếu đó.Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, người thu nhập thấp vẫn có thể khởi nghiệp sáng tạo và phải có phương thức hỗ trợ đặc biệt, là hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. “Chúng ta đã có chương trình của Chính phủ, của thành phố. Nhưng chỉ khi nào các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp coi đó là chương trình của mình, làm quyết liệt thì mới thành công”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, khởi nghiệp bình thường có 4 mức khác nhau: Khởi nghiệp với những sản phẩm công nghệ truyền thống (như làm bún, nước mắm...), nhưng những sản phẩm này khó đưa ra thị trường thế giới do chỉ thích hợp với thị trường truyền thống. Khả năng thứ hai là sản phẩm vẫn truyền thống nhưng công nghệ có đổi mới. Loại thứ ba, sản phẩm thì mới, công nghệ không mới, vẫn máy móc cơ khí đó nhưng người ta có thể có thiết kế mới, chi phí thấp nhưng chất lượng cao. Loại thứ tư, sản xuất, cung cấp dịch vụ mới mà buộc theo công nghệ mới, mới có thể tạo ra được sản phẩm; trường hợp này sẽ cho ra sản phẩm chất lượng cao, năng suất cao, đầu tư lớn. Thành phố quan tâm đến loại thứ tư này, trên cơ sở chọn sản phẩm mới đặc biệt hướng ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh - cho biết: Để phấn đấu xây dựng TP Hồ Chí Minh sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực, chính quyền Thành phố tập trung hoàn thiện thể chế, kiến tạo môi trường thuận lợi nhất để phát triển hạ tầng cơ sở, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư – kinh doanh, xây dựng thành phố thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thành phố cũng thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các nước phát triển.

Thành phố đã hỗ trợ trên 1.240 dự án khởi nghiệp có tiềm năng được tư vấn, cố vấn, kết nối trực tiếp và gián tiếp bởi các thành phần của hệ sinh thái theo 4 lĩnh vực trọng điểm của thành phố, hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Từ đó góp phần hình thành 100 startup (đạt khoảng 10%) được hỗ trợ ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp có sử dụng ngân sách Thành phố. Điều này thể hiện sự quan tâm cam kết hỗ trợ của Thành phố đối với hoạt động khởi nghiệp, đồng thời cho thấy sự cần thiết có sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân.

Ông Phùng nhấn mạnh, một trong những yếu tố cốt lõi để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công là sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới và phát triển. Vì vậy, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối hợp tác quốc tế, tăng cường sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; giúp cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển.

Cùng chia sẻ những kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam

Trong chương trình làm việc buổi sáng với phiên toàn thể “Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, 08 diễn giả là các chuyên gia khởi nghiệp, nhà đầu tư và startup người Việt thành công đến từ Israel, Hoa Kỳ và Việt Nam đã trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp; đưa ra định hướng chính về xu hướng công nghệ chủ đạo hiện tại và tương lai, những mô hình khởi nghiệp phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Nói về Hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel và vai trò của các cơ sở học thuật, diễn giả Shlomo Nimrodi - Giám đốc điều hành Công ty Ramot thuộc Đại học Tel Aviv, Israel - cho biết, ở Israel, cứ 1.400 người thì có 1 starup. Hàng năm, Israel chi khoảng 216 triệu USD cho việc nghiên cứu hợp tác, trong đó có hợp tác liên minh với Hội đồng nghiên cứu Châu Âu và nhận được khoản tài trợ không hoàn lại. Israel có khoảng 125 phòng lab thí nghiệm nghiên cứu về thuốc, hệ thần kinh trung ương và có sự hợp tác đa ngành để giải quyết vấn đề về bệnh não, thần kinh ngày càng gia tăng trong xã hội hiện nay. Israel cũng có các chương trình giúp sinh viên khởi nghiệp ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, đó là Quỹ tạo đà Momentum, sẽ cấp từ 400.000 – 1.000.000 USD cho mỗi dự án khả thi…

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, startup Việt Nam có cơ hội lớn trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Diễn giả Thạch Lê Anh - đồng sáng lập Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam và Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSV) - đã nêu những yếu tố để startup Việt có thể trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Là một nhà đầu tư thiên thần và chuyên gia cao cấp về lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bà Thạch Lê Anh cho biết, ở Việt Nam, các nhân tố tạo nên hệ sinh thái đều đã có đầy đủ, nhưng họ chưa biết mình sẽ tham gia vào hệ sinh thái với vai trò gì, liên kết với các yếu tố khác ra sao, tương tác với startup như thế nào để hiệu quả. Chính vì lẽ đó, VSV ra đời để tập hợp các nhân tố đó lại, đánh thức vai trò của họ trong hệ sinh thái, từ đó sẽ chủ động tìm đến các nhân tố khác để liên kết, xây dựng nên một hệ sinh thái mới.

Cũng với chủ đề đầu tư cho startup, nhưng đặt trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, diễn giả Nguyễn Thanh Mỹ - kiều bào ở Canada, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Rynan Holdings JSC, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - đã trình bày tham luận về chủ đề “Đầu tư cho startup tại Việt Nam”. Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, ông đã sáng lập và đồng sáng lập 8 doanh nghiệp công nghệ cao. Ở tuổi ngoài 60, ông Nguyễn Thanh Mỹ lại bắt đầu khởi nghiệp lần nữa với Tập đoàn Rynan, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, chế biến thực phẩm và một số lĩnh vực khác.

Ông Mỹ cho biết, trong thế giới công nghệ 4.0 thì doanh nghiệp sản xuất lúa gạo có thể không sở hữu một thửa ruộng nào. Theo ông, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bắt buộc Việt Nam phải thay đổi nhanh chóng và có sự đột phá trong lĩnh vực hoạt động nông nghiệp nếu muốn phát triển, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.

Theo ông Mỹ, không thể thay đổi một chuỗi giá trị lúa gạo mà chỉ dựa vào người nông dân, mà phải thay đổi dựa vào những tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, biết cách ứng dụng giải pháp công nghệ cao, biết cách liên kết những điểm mạnh của các bên trong chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.

Buổi chiều, các đại biểu tập trung thảo luận 03 chủ đề: “Giai đoạn đầu của khởi nghiệp”, “Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp” và “Đưa Startup Việt ra với thế giới”. Đây cũng là cơ hội để các Startup trình bày ý tưởng và các chuyên gia sẽ góp ý kiến tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm và phát triển doanh nghiệp, gọi vốn đầu tư...

Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” sẽ bế mạc vào ngày mai 27/6.

* Một số hình ảnh tại Diễn đàn:

 

 

 Diễn giả Shlomo Nimrodi trình bày tham luận

 

 Diễn giả Thạch Lê Anh

Diễn giả Nguyễn Thanh Mỹ


 Ông Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tặng quà cho các Diễn giả

Thuận Phương


Các tin khác

Tin tiêu điểm