Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: 55 năm- trên đà phát triển và hướng tới tương lai

Trong suốt chặng đường 55 năm qua, Ban Việt kiều Trung ương trước đây, nay là Uỷ ban Nhà nước về NVNONN, đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, bám sát và triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị được giao, vừa phát huy vai trò là cơ quan tham mưu cho Nhà nước về công tác đối với NVNONN, vừa thực hiện tốt chức năng là chỗ dựa trực tiếp cho NVNONN đồng thời là trung tâm tập hợp và động viên kiều bào hướng về đất nước, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.




 Bà con kiều bào và các cháu thiếu nhi Việt Nam ở Thái Lan về nước
chuyến đầu tiên đến thăm và chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ngày 29/1/1960


Thực tiễn lịch sử cho thấy công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) luôn là một bộ phận thiết yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng và giữ vị trí xứng đáng trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước năm 1945, cộng đồng NVNONN luôn được các bậc tiền bối cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và quan tâm sâu sắc, coi là mảnh đất tốt để truyền bá các tư tưởng yêu nước và gây dựng cơ sở cách mạng nhằm phục vụ cho các mục tiêu trước mắt và lâu dài của cách mạng Việt Nam. Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Pháp - những nơi có đông người Việt sinh sống - trở thành các địa bàn hoạt động và cơ sở cách mạng quan trọng ở ngoài nước. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, kiều bào ta ở nước ngoài còn góp phần to lớn cho công cuộc vận động quốc tế ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.
  

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, để đáp ứng nguyện vọng của kiều bào được trở về quê hương, tham gia xây dựng đất nước, ngày 23/10/1959, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết về việc đón tiếp Việt kiều ở Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế giới về nước, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc chào đón kiều bào hồi hương một cách chu đáo ổn định đời sống của bà con. Ngày 23/11/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 416/TTg thành lập Ban Việt kiều Trung ương, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác đối với kiều bào. Đây là lần đầu tiên một cơ quan chuyên trách của Chính phủ được thành lập để vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của bà con ta sinh sống ở nước ngoài, đồng thời giúp Chính phủ đón tiếp và chỉ đạo công tác hồi hương của kiều bào.


 Đoàn kiều bào tiêu biểu đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2008


Trong suốt chặng đường 55 năm qua, Ban Việt kiều Trung ương trước đây, nay là Uỷ ban Nhà nước về NVNONN, đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, bám sát và triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị được giao, vừa phát huy vai trò là cơ quan tham mưu cho Nhà nước về công tác đối với NVNONN, vừa thực hiện tốt chức năng là chỗ dựa trực tiếp cho NVNONN đồng thời là trung tâm tập hợp và động viên kiều bào hướng về đất nước, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những thành tích đạt được của Ủy ban trong hơn nửa thế kỷ qua là rất đáng tự hào, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau.

NHỮNG DẤU SON TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1959-1974), ngay sau khi được thành lập, Ban Việt kiều Trung ương đã khẩn trương xây dựng bộ máy để đón tiếp hơn 4 vạn kiều bào ta ở Thái Lan và Tân Đảo hồi hương và thu xếp cho kiều bào ổn định cuộc sống mới, thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước ta đối với một cộng đồng có nhiều đóng góp cho cách mạng. Ngày 10/1/1960, khi chuyến tàu đầu tiên đưa những người con xa xứ trở về với đất mẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tận cảng Hải Phòng để được trực tiếp đón kiều bào, thể hiện tình cảm và sự trân trọng của Người cũng như của Đảng và Chính phủ đối với đồng bào xa quê hương bao năm qua. Những lời dặn dò ân cần, chu đáo của Người tại buổi gặp đầy cảm động này làm cho kiều bào ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm đối với quê hương và cùng với đồng bào cả nước phấn đấu vượt mọi khó khăn, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Ban tập trung xây dựng cốt cán và phong trào Việt kiều yêu nước làm cơ sở hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thành tích nổi bật của công tác đối với NVNONN nói chung và của Ban Việt kiều Trung ương nói riêng thời kỳ này là định hướng kiều bào đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân, tích cực giúp đỡ và phối hợp với các Cơ quan đại diện ta vận động nhân dân và chính giới các nước, kể cả nhân dân Mỹ, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam.

Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị Paris (05/1968 – 01/1973), kiều bào ta ở Pháp đã tận tụy phục vụ, giúp đỡ hai đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Không chỉ hỗ trợ đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, k
iều bào còn thực sự kề vai sát cánh với trong nước bằng cách quyên góp gửi về trong nước gạo, tiền vàng, đưa con em về nước tham gia trực tiếp chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.



 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị
tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác
đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tháng 5/2014


Trong giai đoạn sau đại thắng mùa xuân năm 1975 đến năm

1995,
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trải qua nhiều xáo trộn và biến động, tăng nhanh về số lượng và đa dạng về thành phần. Trước chính sách thù địch với Việt Nam của một số nước, sự chống phá của các thế lực phản động người Việt ở bên ngoài cũng như những khó khăn về kinh tế-xã hội của đất nước, Ban đã đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để hạn chế những nhận thức lệch lạc, tập trung mở rộng, củng cố các tổ chức Hội đoàn, hỗ trợ tích cực để các phong trào Việt kiều yêu nước tiếp tục trụ vững, phát huy vai trò của mình trong cộng đồng, góp sức cùng trong nước làm thất bại các âm mưu chống phá, các kế hoạch “chuyển lửa về quê hương” của các thế lực phản động. Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 09/CT-TW ngày 4/10/1982 với những định hướng mới về công tác đối với NVNONN, Ủy ban chuyển biến mạnh công tác của mình tập trung vào xây dựng nòng cốt, hỗ trợ phong trào. Hằng năm, Ban đều gặp gỡ, trao đổi và hướng dẫn lãnh đạo các hội và những cán bộ phong trào cốt cán; tổ chức cho nhiều cán bộ cốt cán và kiều bào về nước tham dự các đợt sinh hoạt chính trị lớn và gặp gỡ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Trước ảnh hưởng của những thay đổi thể chế chính trị tại các nước ở Đông Âu và Liên Xô, vào cuối những năm 1980 và đầu 1990 trong nội bộ một số phong trào Việt kiều đã xuất hiện những quan điểm không thống nhất với đường lối xã hội chủ nghĩa ở trong nước. Ban đã theo sát tình hình, kiên trì vận động cán bộ cốt cán giữ vững phong trào. Vì vậy, trên một số tờ báo của nhiều Hội Việt kiều đã xuất hiện ngày càng nhiều các bài phân tích đường lối đổi mới đúng đắn trong nước. Trong các Hội và cộng đồng, ngày càng có nhiều tiếng nói phản đối quan điểm của Nhóm “Tâm thư”. Một số nhân sỹ có tên tuổi đã từ chối ký tên vào “Tâm thư” dù nhóm này đã gặp vận động. Nhờ vậy, tuy ở một số địa bàn có tình trạng hội người Việt Nam tự giải tán, nhưng phong trào yêu nước, hướng về Tổ quốc của kiều bào không bị giảm sút, nhiều hình thức mới tập hợp kiều bào ra đời.

Trước nhu cầu gửi tiền, hàng của kiều bào giúp thân nhân trong nước, Ban đã kiến nghị bãi bỏ hạn chế số lần và trị giá tiền gửi, bỏ sổ nhận tiền, khiến cho lượng kiều hối tăng mạnh qua mỗi năm; khuyến khích gửi tư liệu sản xuất và hàng hoá tiêu dùng thiết yếu. Ban cũng tích cực vận động nhiều trí thức kiều bào về nước hợp tác, trao đổi, giảng dạy, đóng góp kiến thức và công nghệ tiên tiến, mang lại những hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mở hướng đi cho việc kết nối các hoạt động kinh doanh của doanh nhân kiều bào với trong nước...

Năm 1993 là năm đánh dấu nhiều bước chuyển trong công tác đối với NVNONN, nhất là việc thực hiện chính sách hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc mở đầu bằng việc Ban tổ chức thành công Hội nghị Xuân Quý Dậu (tháng 2/1993) được nhiều người đánh giá như “Hội nghị Diên Hồng của kiều bào” với sự tham dự của 103 đại biểu kiều bào từ 29 nước. Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện của hầu hết các bộ, ngành liên quan trực tiếp lắng nghe ý kiến của kiều bào. Sau Hội nghị, nhiều chính sách mới dành cho kiều bào đã được ban hành theo hướng tạo thông thoáng và thuận lợi hơn trong thăm thân, du lịch, đầu tư, kinh doanh, sử dụng chuyên gia, trí thức kiều bào.

Nhằm tạo bước chuyển trong nhận thức chung của toàn Đảng, các bộ, ban, ngành và địa phương, với sự tham mưu, đề xuất của Ban, ngày 29/11/1993, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 08-NQ/TW về chính sách và công tác đối với NVNONN và Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 55-CT/TW (tháng 05/1994) chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, các cấp, các ngành và địa phương đối với công tác này. Bên cạnh đó, Ban đã chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 567/TTg ngày 18/11/1993 về cơ chế sử dụng chuyên gia, trí thức là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia tư vấn cho Chính phủ trong một số lĩnh vực; kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận thông qua những ưu đãi cho Việt kiều đầu tư về nước trong Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.


 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh
cho Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập


Trước những đổi thay nhanh chóng của đất nước do công cuộc đổi mới đem lại, ngày 30/7/1994 Chính phủ ban hành Nghị định số 74-CP đổi tên Ban Việt kiều Trung ương thành Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, củng cố chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của cơ quan làm công tác về NVNONN, trong đó quy định Uỷ ban là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong công tác về NVNONN. Để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính và để công tác về NVNONN gắn chặt hơn với tổ chức và hoạt động đối ngoại, ngày 06/11/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 77/CP đặt Uỷ ban về NVNONN trực thuộc Bộ Ngoại giao.  

Sau khi được đặt dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao từ năm 1996 đến nay, Uỷ ban ngày càng gắn kết chặt chẽ công tác vận động NVNONN với công tác đối ngoại, vận dụng các thành tựu đối ngoại hỗ trợ cộng đồng, nhờ vậy công tác này đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Từ năm 1996-2003, Ủy ban đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng chủ trương, chính sách trực tiếp góp phần hình thành 08 văn bản pháp lý tạo thuận lợi cho kiều bào trên hàng loạt vấn đề về hồi hương, xuất, nhập cảnh, lưu trú, áp dụng chế độ một mức giá, chuyển tiền về nước, mua nhà, khen thưởng… Bên cạnh đó, Ủy ban cũng triển khai nhiều biện pháp mới tác động mạnh mẽ tới cộng đồng: thành lập Quỹ Hỗ trợ và vận động cộng đồng NVNONN (tháng 5/2003) với số ngân sách ban đầu 7 tỷ đồng nhằm hỗ trợ kiều bào, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động hướng về cội nguồn. Nhằm tạo thêm một cầu nối với kiều bào, Ủy ban đã trực tiếp chuẩn bị các mặt để thành lập các hội liên lạc hoặc hội thân nhân kiều bào. Ngày 04/02/2002, Hội Liên lạc với NVNONN đã chính thức được thành lập và đến nay đã triển khai nhiều hoạt động tích cực trong công tác vận động NVNONN. Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin để cộng đồng hiểu rõ tình hình đất nước, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, từ ngày 06/02/1997, trước khi nước ta chính thức hoà mạng internet (19/11/1997), Tạp chí Quê hương của Uỷ ban đã phát hành trên mạng internet và trở thành tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam phục vụ nhu cầu thông tin và đời sống tinh thần của đồng bào sống xa Tổ quốc.

Năm 2004 là năm ghi đậm những chuyển biến cơ bản cả về tư duy và hành động, tạo động lực mới trong công tác đối với NVNONN. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị cũng như Chỉ thị 55-CT/TW của Ban Bí thư, Ủy ban đã chủ động đề xuất, tham mưu và xây dựng Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN. Nghị quyết 36 một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài thể hiện sâu sắc tư duy đổi mới của Đảng ta về công tác này. Thực tiễn sinh động “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” được phản ánh rõ nét trong Nghị quyết, trở thành nhận thức chung của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và của toàn dân. Các Chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ Ngoại giao và Ủy ban đã khẩn trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống và tạo nên bước chuyển quan trọng trong công tác vận động kiều bào.


 Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, tháng 11/2009


Năm 2008
là năm chứng kiến nhiều sự kiện đánh dấu bước trưởng thành mới của Ủy ban sau gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Ngày 18/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 102/2008/QĐ-TTg nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Ủy ban lên thành Uỷ ban Nhà nước trực thuộc Bộ Ngoại giao nhằm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với công tác về NVNONN, mở rộng nhiệm vụ và quyền hạn cho Ủy ban trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công tác này, đồng thời kiện toàn bộ máy tổ chức của Ủy ban. Ngoài ra, Ủy ban đã tham mưu và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với NVNONN. Chỉ thị của Thủ tướng đã phân công trách nhiệm cụ thể đến từng bộ, ngành và địa phương nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác này và đẩy mạnh hơn nữa vai trò tích cực của cộng đồng NVNONN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Ủy ban đã không ngừng phát huy tinh thần chủ động và sáng tạo, triển khai mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các mặt trong công tác đối với NVNONN, trong đó có không ít các biện pháp mang tính đột phá tác động mạnh mẽ tới cộng đồng NVNONN. Nổi bật là Ủy ban đã tham mưu, đề xuất các chính sách thông thoáng và nhiều sửa đổi có tính đột phá trong quy định về các vấn đề quốc tịch, miễn thị thực, cư trú, mua và sở hữu nhà ở trong nước… Cho đến nay về cơ bản đã hình thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh các quy định và chính sách đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của kiều bào, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với quê hương, thể hiện tốt hơn tinh thần “NVNONN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.


 Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu kiều bào nhân dịp Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII


Trong công tác vận động cộng đồng, Ủy ban có nhiều đổi mới về nội dung và phong phú, đa dạng về hình thức; triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ xây dựng cộng đồng NVNONN đoàn kết vững mạnh, tương trợ lẫn nhau, thành đạt và hướng về đất nước. Hàng loạt các hoạt động lớn được Ủy ban tổ chức thường xuyên và liên tục nhằm tạo điều kiện để kiều bào tham gia các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ngày càng gắn bó với quê hương: từ các chương trình vốn đã thành “thương hiệu” của Ủy ban từ lâu như “Xuân Quê hương”, dự “Quốc giỗ Vua Hùng”, “Trại hè Việt Nam” hay gần nhất là Chương trình kiều bào thăm quân dân huyện đảo Trường Sa cho đến việc tổ chức lấy ý kiến kiều bào đóng góp cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… và khá nhiều Hội nghị, Hội thảo chuyên đề dành cho kiều bào như Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (năm 2009) và lần thứ hai (năm 2012) quy tụ người Việt khắp nơi trên thế giới,... Thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, Ủy ban đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cả với những người còn định kiến, mặc cảm; tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương. Ủy ban cũng chủ động tham mưu, thúc đẩy giải quyết một số vấn đề do lịch sử để lại như dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương); giúp tìm kiếm, cải táng hài cốt những người chết trong thời gian cải tạo… Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định chính sách khoan hồng, tinh thần hòa hợp hòa giải từ đó cô lập các phần tử cực đoan có âm mưu chia rẽ cộng đồng và chống phá đất nước.

Bên cạnh đó, các công tác vận động kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh, thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN, khuyến khích thế hệ trẻ kiều bào tìm hiểu, gắn bó với cội nguồn dân tộc ngày càng được Ủy ban coi trọng và dành ưu tiên cao với nhiều hoạt động nổi bật như: tăng cường liên kết doanh nhân người Việt Nam trong và ngoài nước để mở rộng thị trường và xuất khẩu hàng Việt Nam; giúp đỡ thành lập Hiệp hội Doanh nhân VNONN (tháng 8/2009) để tập hợp, liên kết sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới giúp nhau cùng phát triển và đóng góp thiết thực cho đất nước; gấp rút hoàn thiện Đề án “chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước” nhằm tạo bước đột phá trong phát huy tiềm năng chuyên gia, trí thức kiều bào trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; dành sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ kiều bào, coi đây là một chiến lược “trồng người” có tầm quan trọng và ý nghĩa lâu dài và chú trọng công tác dạy và học tiếng Việt  thông qua việc triển khai thí điểm Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với NVNONN đến năm 2020”.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng được tổ chức thường xuyên hơn và có nhiều biện pháp thiết thực hỗ trợ các trung tâm văn hóa của cộng đồng nhằm bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng cũng được quan tâm thích đáng. Trong công tác truyền thông, thông tin, Ủy ban cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông khác nhau như VTV4, VTC10, Truyền hình Thông tấn xã,… xây dựng các chương trình, chuyên mục dành riêng cho kiều bào, qua đó giúp kiều bào hiểu và nhìn nhận sát thực, khách quan về tình hình mọi mặt của đất nước, giải tỏa được nhiều hoài nghi, băn khoăn thắc mắc của cộng đồng, tạo sự an tâm, phấn khởi và tin tưởng vào sự phát triển của đất nước và ngày càng hướng về quê hương.


 Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên,
tháng 11/2011


Ở ngoài nước, hỗ trợ và bảo hộ NVNONN đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động của ngành Ngoại giao, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo thuận lợi hơn cho bà con về địa vị pháp lý trong sinh sống và hội nhập vào xã hội sở tại. Ủy ban chủ động đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan đại diện ta trong hướng dẫn, hỗ trợ hội đoàn hoạt động, nâng cao uy tín và vị thế. Nhiều tổ chức, hội đoàn mới được thành lập, nội dung sinh hoạt phong phú, trở thành nòng cốt đáp ứng nhu cầu tập hợp cộng đồng. Một số địa bàn (Thái Lan, Lào, Campuchia, Séc...) đã thành lập được Tổng hội với các chi hội ở nhiều địa phương. Cộng đồng ngày càng đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn với tinh thần “lá lành đùm lá rách” và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Hoạt động tích cực, chủ động của Uỷ ban trong những năm qua đã mang lại kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đối với NVNONN. Cộng đồng NVNONN tăng nhanh về số lượng, đến nay có khoảng 4,5 triệu người sinh sống, lao động, học tập tại 109 nước và vùng lãnh thổ, ngày càng ổn định cuộc sống và hoà nhập vào xã hội sở tại, có tiềm lực đáng kể về tri thức và kinh tế. Ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, thành đạt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế, văn hóa – xã hội; một số bước đầu tham gia chính trường (Mỹ, Canada, Úc, Đức...). Số lượng NVNONN về nước thăm thân, du lịch, làm ăn, đầu tư, kinh doanh, hoạt động nhân đạo, từ thiện… ngày càng tăng,  năm 1987 có 8.000 lượt người về nước, đến năm 2003 có 300.000 lượt người, và những năm tiếp theo luôn duy trì ở mức 400.000-500.000 lượt người. Hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức về nước hợp tác, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và nhiều người đã có những công trình nghiên cứu thành công, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nướcHiện có trên 3.600 doanh nghiệp có số vốn đăng ký kinh doanh và vốn đóng góp của kiều bào khoảng 8,6 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về nước tăng dần qua các năm: năm 1991 mới chỉ là 35 triệu USD, đến năm 2003 đã đạt 2,7 tỷ USD, năm 2007 đạt 6,7 tỷ USD, và những năm gần đây tăng trung bình 10-15%/năm, năm 2013 đạt khoảng 11 tỷ USDchiếm gần 1/10 GDP, đưa Việt Nam trở thành một trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán của đất nước.

Với những thành tích lớn đạt được trong công tác, Ủy ban nhiều lần vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ Thi đua của Chính phủ...


 
Đoàn kiều bào tham dự lễ diễu binh, diễu hành mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội trên Quảng trường Ba Đình ngày 10/10/2010


HƯỚNG TỚI THÀNH CÔNG MỚI TRONG TƯƠNG LAI

55 năm là chặng đường dài từ Ban Việt Kiều Trung ương đến Ủy ban về NVNONN và sau này là Uỷ ban Nhà nước về NVNONN. Khởi đầu là một cơ quan mang tính liên ngành, với biên chế chính thức hạn chế như một tổ chuyên viên trong Văn phòng Chính phủ (năm 1983, Ban Việt kiều Trung ương chỉ có 24 người), đến nay, Uỷ ban đã có 8 đơn vị chức năng, trong đó có 05 đơn vị hành chính và 03 đơn vị sự nghiệp với tổng số cán bộ, nhân viên 120 người. Đánh dấu chặng đường 55 năm của Ủy ban (23/11/1959-23/11/2014) là hoạt động đầy ý nghĩa: tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36, đánh giá một cách toàn diện những thành công đạt được và cả những hạn chế còn tồn tại, đề xuất phương hướng, biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ công tác đối với NVNONN trong tình hình mới. Vì vậy, việc kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ cho các cán bộ, nhân viên Ủy ban nhìn lại truyền thống vinh quang đáng tự hào từ đó mở ra một giai đoạn mới trong công tác đối với NVNONN.

Thấm nhuần tư tưởng NVNONN là một bộ phận máu thịt của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mọi hoạt động của Ủy ban luôn hướng tới mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng cộng đồng NVNONN phát triển ổn định, đoàn kết, hội nhập thành công vào xã hội sở tại, có địa vị pháp lý, chính trị và kinh tế vững chắc, giàu về tri thức, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn bó với quê hương đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, để phát huy những thành quả đã đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua cũng như đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Ủy ban sẽ tiếp tục nắm chắc tinh thần và tư duy đổi mới của Nghị quyết 36, nhất là hai tư tưởng lớn về đại đoàn kết dân tộc và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác này. Trong chặng đường kế tiếp, Ủy ban sẽnhững bước đi đột phá mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo chuyển biến thực chất hơn trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, phát huy mọi tiềm năng và huy động hiệu quả mọi nguồn lực quý báu của cộng đồng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh vai trò cầu nối của kiều bào nhằm thúc đẩy quan hệ đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong triển khai công tác, Ủy ban cần phát huy tốt vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể và địa phương để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đề xuất, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng vừa đáp ứng các quyền lợi thiết thân của kiều bào vừa thu hút ngày càng rộng rãi sự tham gia của kiều bào cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tự hào về truyền thống 55 năm vẻ vang của các thế hệ đi trước, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban thấm nhuần và nhận thức rõ công tác đối với NVNONN là một trong các trọng tâm chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời thấy rõ được mối quan hệ tương tác, gắn bó không thể tách rời của công tác này trong các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa để phấn đấu tiếp tục đưa công tác về NVNONN tiến lên một giai đoạn mới, với những nhiệm vụ mới, trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhưng đầy vinh quang vì một cộng đồng NVNONN phồn thịnh và vững mạnh.

Vũ Hồng Nam
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN

 

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm