Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thu hút và phát huy nguồn lực NVNONN đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước

Trong những năm gần đây, sau nhiều năm ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, cộng đồng NVNONN có tiềm lực kinh tế ngày càng lớn: ước tính tổng thu nhập hàng năm của NVNONN đạt từ 50 – 60 tỷ USD



 Hội thảo chuyên đề “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp cộng nghiệp hoá, hiện đại hoá - Từ tiềm năng đến hiện thực” tại Hội nghị NVNONN lần thứ hai,
tháng 9/2012

Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng với những cơ hội và thách thức mới, nhằm đạt mục tiêu đưa nước ta “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Việc tranh thủ các nguồn lực để đưa đất nước lên trình độ phát triển mới bền vững trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt trong môi trường hội nhập cạnh tranh, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự phát triển các nền kinh tế tri thức trên thế giới. Để đạt mục tiêu nói trên, Đảng, Nhà nước ta chủ trương phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), cũng như tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nghị quyết số 36 ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

Nhìn nhận cộng đồng dưới góc độ nguồn lực và để có thể  huy động  nguồn lực của cộng đồng NVNONN bổ sung vào nguồn lực chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, trước hết cần xác định đội ngũ trí thức, doanh nhân là bộ phận quan trọng trong cộng đồng NVNONN, có ảnh hưởng to lớn, nhiều mặt tới sự phát triển của cộng đồng NVNONN cũng như thái độ và quan hệ với trong nước. Vì vậy, cần xác định làm tốt công tác vận động trí thức, doanh nhân là thúc đẩy công tác vận động NVNONN hướng về đất nước, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước. Thứ hai, cần có thái độ và cách nhìn nhận mới tôn vinh giá trị công sức học tập, thành tích khoa học kinh doanh, kinh nghiệm quản lý của họ. Đồng thời, kết hợp huy động tiềm lực tài chính cần thiết cho sự phát triển với sự đóng góp kỹ năng, chất xám, công nghệ, quản lý của trí thức người Việt ở nước ngoài nhằm tạo động lực nâng cao chất lượng phát triển, theo hướng phát triển nhanh, bền vững, coi đó là sự lựa chọn bổ sung cho nhiệm vụ đào tạo nhân lực, có hiệu quả nhanh hơn, tiết kiệm hơn so với biện pháp đào tạo mới. Thứ ba, huy động nguồn lực phải đi đôi với bồi dưỡng nguồn lực, do đó việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút nguồn lực trí thức luôn phải gắn liền với việc thực hiện tốt chính sách chung đối với cộng đồng NVNONN, hỗ trợ cộng đồng phát triển ổn định, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, duy trì việc dạy và học tiếng Việt, đáp ứng các nhu cầu văn hóa, tâm linh; thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao...



 Hội thảo chuyên đề " Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Từ tiềm năng đến hiện thực" tại Hội nghị NVNONN lần thứ hai, tháng 9/2012

Cộng đồng NVNONN là nguồn lực, di sản quí giá do lịch sử để lại và ngày nay chúng ta đang tiếp tục kế thừa và phát huy. Có ý kiến cho rằng ít có một dân tộc nào trong lịch sử hiện đại được thừa hưởng một đội ngũ chuyên gia đông đảo, đủ ngành, đủ nghề, giỏi mọi thứ tiếng, thông thạo các nền văn hoá, cách sinh sống, buôn bán của hơn 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như dân tộc Việt Nam ngày nay.   

Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài có thế mạnh về nguồn  lực chất xám, tri thức: ước tính hiện nay có gần 400.000 chuyên gia, trí thức NVNONN ( chiếm khoảng 10 -15% cộng đồng), bao gồm người có trình độ từ đại học trở lên và các chuyên gia có kỹ thuật, tay nghề cao, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây. Hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, dự án công nghệ cao, từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, tin học, hàng không, vũ trụ đến  các lĩnh vực quản lí kinh tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán… đều có chuyên gia người Việt làm việc. Ước tính ở Mỹ có hơn 190.000 trí thức  có trình độ đại học hoặc trên đại học, ở Pháp khoảng 40.000, Canada 30.000, tại các nước Đông Âu khoảng 10.000. Xuất hiện ngày càng nhiều nhà khoa học NVNONN đồng thời là doanh nhân, có công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, nắm vững và thiết lập quan hệ với thị trường quốc tế.
Trong những năm gần đây, sau nhiều năm ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, cộng đồng NVNONN có tiềm lực kinh tế ngày càng lớn: ước tính tổng thu nhập hàng năm của NVNONN đạt từ 50 – 60 tỷ USD; trong đó, cộng đồng người Việt Nam tại Hoa kỳ chiếm khoảng 25 – 30 tỷ USD chiếm ½ tổng số. Cộng đồng ngày càng đóng góp vào phát triển kinh tế sở tại được chính quyền sở tại coi trọng; đồng thời, có nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư với trong nước, làm cầu nối giao lưu kinh tế, văn hoá, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các nước.
Với lực lượng và tiềm năng ngày càng lớn mạnh, cộng đồng người Việt Nam, trước hết là lực lượng trí thức và doanh nhân kiều bào có thể  tham gia đóng góp với đất nước trên nhiều lĩnh vực chính trị đối ngoại, kinh tế, văn hoá, khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo…



 Các doanh nhân kiều bào được vinh danh tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2, tháng 9/2012

Hàng năm có khoảng hơn 300 lượt chuyên gia trí thức NVNONN chủ yếu từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật... về nước giảng dạy, hợp tác nghiên cứu, hội thảo, trong các dự án hợp tác quốc tế với các cơ quan chuyên ngành, trường đại học, các viện nghiên cứu, bệnh viện. Trong nhiều lĩnh vực kinh tế, công nghệ hạt nhân, toán học, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, quy hoạch kiến trúc, nông nghiệp, sinh học, vật liệu mới… đều có sự hiện diện của các chuyên gia trí thức kiều bào. Lượng kiều hối, nhìn chung năm sau cao hơn năm trước, trong những năm gần đây tăng khoảng 10% năm, đạt mức cao,  năm 2010 là 8.6 tỷ USD, năm 2011 là khoảng 9 tỷ USD Năm 2012 và 2013 đạt 11 tỷ USD. Đến nay, đầu tư kiều bào đạt khoảng 8,4 tỷ USD, chủ yếu là từ Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Hà Lan, CH Séc, Nhật Bản... tập trung  vào lĩnh vực dịch vụ ( khách sạn, nhà hàng, du lịch), bất động sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản, dịch vụ dầu khí, sản xuất điện, công nghệ phần mềm…

Những tên tuổi các nhà đầu tư với các dự án được biết đến như VinGroup, Melinh Plaza, Furama, Eurowindow, Công ty thực phẩm Masan, Du lịch SunGroup, Dalat Edensee Lake Resort & Spa, Công ty xử lí rác thải Đa Phước...; Các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo như Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty hóa phẩm Mỹ Lan với các sản phẩm công nghệ Nano; Trung tâm Hội nghị Quốc tế Quy Nhơn, Công ty Glass Egg Digital Media về lĩnh vực phần mềm và trò chơi.

Ngoài ra, nhiều trí thức, nhà quản lý kiều bào đang đại diện quản lí đầu tư tại các quĩ VinaCapital Group, Mekong Capital, Vietnam Capital Partners, LLC, IDG Ventures Vietnam hay nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Intel Vietnam…

Về tư vấn chính sách, kiều bào đóng góp nhiều ý kiến quý báu về các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước như cải cách giáo dục, tái cơ cấu kinh tế, xử lí vấn đề nợ xấu, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, sử dụng năng lượng sạch, về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho bất động sản…

Từ những luận điểm trên và thực tiễn công tác vận động nguồn lực kinh tế và nguồn lực chất xám của cộng đồng, nổi lên các điểm đáng chú ý:

Về mặt tình cảm, kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh không chỉ vì lợi ích, lợi nhuận mà còn xuất phát từ tấm lòng đối với quê hương đất nước, mong muốn được cống hiến, vì vậy họ cần sự hỗ trợ thích hợp, sự khuyến khích, động viên kịp thời của các cấp chính quyền và sự chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng trong nước. Có một thực tế, kiều bào không cần ưu đãi về tài chính mà chỉ cần được coi trọng, được đối xử bình đẳng và được chứng tỏ đâu là cơ hội ở Việt Nam để các trí thức hay doanh nghiệp trở về tham gia đầu tư, nghiên cứu.

Về mặt pháp lý, đối với việc thu hút đầu tư của kiều bào, môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro, vướng mắc do hệ thống hành chính, thủ tục rườm rà, điều kiện về cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn và quan trọng hơn nữa là quyền lợi và nghĩa vụ đối với bà con chưa được xác định rõ ràng, trong đó có những đảm bảo về danh dự, tài sản, vốn liếng của họ đã mang về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đối với trí thức kiều bào, còn thiếu một môi trường làm việc thích hợp, một khung chế độ đãi ngộ cụ thể, điều kiện sống, làm việc và học tập cho chuyên gia, trí thức NVNONN và gia đình, con em họ khi về nước làm việc. Việc bổ nhiệm, sử dụng chuyên gia, trí thức NVNONN vào  bộ máy  hành chính nhà nước còn nhiều vướng mắc. Vẫn còn tồn tại sự so bì, đố kỵ về chuyên môn, đãi ngộ giữa các trí thức trong và ngoài nước. Các bộ, ngành, địa phương thiếu thông tin về chuyên gia trí thức NVNONN nên gặp nhiều khó khăn trong việc mời gọi và sử dụng.

Về thông tin, doanh nhân, chuyên gia trí thức kiều bào còn thiếu thông tin về Việt Nam và nhu cầu hợp tác trong nước; một bộ phận còn có nhiều định kiến, e ngại khi về nước làm việc hoặc giữ thái độ thăm dò, cầm chừng đối với trong nước.



 Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Vũ Hồng Nam tiếp vợ chồng GS. Trần Thanh Vân (kiều bào tại Pháp), tháng 9/2014

Ngoài các điểm nêu trên, các doanh nhân, chuyên gia, trí thức kiều bào sống xa đất nước đã nhiều năm, điều kiện sống sinh hoạt và làm việc có những khác biệt, phải mất nhiều thời gian để hội nhập với cuộc sống và môi trường trong nước. Hơn nữa, họ còn  bị ràng buộc bởi những điều kiện của nước sở tại như những quy chế, quy định nghiêm ngặt về việc đi lại, giao tiếp, cung cấp thông tin (đặc biệt thông tin về các ngành khoa học – công nghệ mũi nhọn và chiến lược), chuyển giao tri thức khoa học và công nghệ... của các cơ sở mà họ đang làm việc.
 
Để huy động hơn nữa tiềm lực kinh tế và trí  tuệ của cộng đồng NVNONN, trong những năm tiếp theo, chúng ta cần tích cực triển khai các nhóm chính sách sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, trước hết là luật hoá Nghị Quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN nhằm tạo sự đồng bộ, nhất quán trong toàn hệ thống chính trị đối với công tác này. Luật Đất đai, Luật Nhà ở,  Luật Đầu tư sửa đổi và các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô cùng như quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ... sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nói chung và kiều bào nói riêng. Đặc biệt, các nhà đầu tư kiều bào sẽ có thể tự lựa chọn là nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước, được đơn giản hoá các thủ tục đầu tư, không bị hạn chế trong một số lĩnh vực, phạm vi đầu tư...

Thứ hai, cần sớm ban hành các chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia xây dựng đất nước với trọng tâm là  thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, trí thức có trình độ cao tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước... Phát triển, nhân rộng các mô hình đầu tư - nghiên cứu - ứng dụng – đào tạo chuyển giao công nghệ của kiều bào.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách và cơ chế đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nhân kiều bào, tạo mọi điều kiện để bà con tham gia xây dựng đất nước. Tăng cường  tiếp xúc với cộng đồng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lí, thống kê, cập nhật thông tin, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho bà con về nước làm việc, đầu tư kinh doanh. 

Thứ tư, kịp thời động viên, khen thưởng, vinh danh những trí thức, doanh nghiệp và doanh nhân kiều bào tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho đất nước



 Doanh nhân kiều bào thăm quan gian hàng của Công ty TNHH Sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Lâm Đồng, tháng 8/2013

Điểm cuối cùng không kém phần quan trọng là cùng với nỗ lực của các cấp, từ trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước, cần phát huy các mối quan hệ thân nhân, các hội đồng hương, hội liên lạc, các giới khoa học, kinh doanh, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức quần chúng,  nhằm tạo thuận lợi để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước và tranh thủ được tình cảm, nguồn lực chất xám, nguồn lực kinh tế, vị trí ảnh hưởng của cộng đồng đóng góp cho sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Đặng Trần Phong
Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế,
Khoa học, Công nghệ

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm