A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trại hè Việt Nam 2018: Viếng Nghĩa trang Trường Sơn và thăm địa đạo Vịnh Mốc

Ngày 16/7, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2018 đã đến tỉnh Quảng Trị. Các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, tham quan và tìm hiều về địa đạo Vịnh Mốc.

Đến Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, thắp hương mộ liệt sĩ trải dài trên nhiều quả đồi, các bạn trẻ kiều bào thấy được sự hy sinh lớn lao của thế hệ trước cho nền độc lập, hòa bình của quê hương. Trong không gian trầm lắng, tiếng chuông thỉnh của các đoàn đến viếng ngân dài, những ngôi mộ thẳng hàng, nghi ngút khói hương... Nhiều bạn chăm chú đọc những thông tin nghi trên bia mộ tìm những người cùng quê... và xúc động khi biết được các anh ngã xuống ở tuổi đời rất trẻ. Bạn Nguyễn Mai Quỳnh (trở về từ Séc) cho biết: "Ngày hôm qua, chúng em cũng được đến thăm và dâng hương tưởng nhớ liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, hôm nay, chúng em được đến đây. Em thấy có hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ của những người con đã hy sinh cho Tổ quốc. Đây là một nơi tôn nghiêm, giúp em hiểu hơn về lịch sử, về sự hy sinh lớn lao của các Anh hùng Liệt sỹ. Em cảm thấy rất biết ơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước và thầm nhắc mình sẽ cố gắng học tập thật tốt để có thể làm được điều gì đó cho cội nguồn, quê hương".

Rời Nghĩa trang Trường Sơn, các bạn trẻ đến thăm địa đạo Vịnh Mốc. Một địa danh nổi tiếng về tinh thần quả cảm và sáng tạo của những người con Vĩnh Linh trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ.

Ấn tượng mạnh khi đặt chân lên vùng di tích Vịnh Mốc là dòng chữ lớn nằm trang trọng trong phòng trưng bày: "Tồn tại hay không tồn tại", rút ra từ tác phẩm nổi tiếng Hămlét của nhà văn người Anh Xêchxpia. Chính sự tàn khốc của chiến tranh ở nơi đây đã làm cho con người ta muốn tồn tại chỉ có hai cách: hoặc là bỏ nơi đây mà đi, hai là chui xuống đất và người dân Vịnh Mốc đã chọn cách thứ hai. "Tồn tại hay không tồn tại" được người dân Vịnh Mốc trả lời bằng việc 17 công dân được sinh ra ngay dưới lòng địa đạo trong hai năm 1967-1968.

Chăm chú lắng nghe giới thiệu về khu di tích và tham quan tìm hiểu về cuộc sống của người dân Vịnh Mốc trong lòng đất thời kỳ chiến tranh, các bạn trẻ say sưa tìm hiểu về cuộc sống người dân ở đây như việc tiếp tế lương thực thực phẩm, nấu nướng, sinh hoạt... Những thắc mắc của các bạn đều được chị hướng dẫn viên giải thích. Bạn Phạm Gia Long (trở về từ Nga) sau khi trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân trong lòng đất chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em đến đây, lúc mới xuống lòng đất em thấy lối đi nhỏ, càng đi em càng thấy dài. Đây là một công trình sáng tạo và thể hiện ý chí chí kiên cường của người Việt mình. Chúng em xuống tham quan thôi mà nhiều người cũng cảm thấy ngột ngạt. Trong khi đó cách đây hơn 50 năm, người dân cả một làng đã sinh sống ở đây. Sau chuyến đi này, em sẽ chia sẻ với bạn bè chưa được đến đây, nếu có cơ hội hãy ghé thăm nơi đây để hiểu hơn về con người, đất nước Việt Nam. Em hiểu rằng dù em ở đâu em vẫn mang trong mình dòng máu Việt, nên mong muốn của em là sau này sẽ trở về quê hương làm việc". Bạn Ngô Tiến Minh (trở về từ Tây Ban Nha) bày tỏ: "Em là người rất thích học lịch sử nên trước khi đến đây em cũng đã tìm hiểu thông tin về nơi này. Khi được tham quan thực tế, em thấy cảm phục sự sáng tạo của những con người nơi đây. Chỉ với dụng cụ thô sơ là cuốc xẻng, họ đã tạo ra một công trình đặc biệt trong lòng đất. Em thật sự không thể hình dung nổi những con người ở đây sống như thế nào khi những trận bom liên tiếp dồn dập dội xuống nếu như ở họ không có một ý chí và tình yêu nước nồng nàn. Thế hệ cha ông đã hy sinh để có một nước Việt Nam như ngày hôm nay, em nghĩ rằng, thế hệ trẻ chúng em phải học tập thật tốt để có thể đóng góp bằng nhiều hình thức để Việt Nam tiếp tục rạng danh trên thế giới".

Về với nghĩa trang Trường Sơn, địa đạo Vịnh Mốc đã giúp các bạn trẻ có thêm hiểu biết về lịch sử, sự hy sinh chiến đấu vì độc lập, tự do và hòa bình dân tộc của thế hệ cha anh đi trước.

Hạo Nhiên


Các tin khác

Tin tiêu điểm