Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trại hè Việt Nam 2012: Đến với Cố đô Huế

Tạm biệt Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, sáng ngày 18/7, thanh thiếu niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2012 đã đến Cố đô Huế - Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Vẻ đẹp quyến rũ của mảnh đất cố đô xưa đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng những người Việt trẻ sống xa quê hương.

Tại đây, Đoàn đại biểu kiều bào đã tham quan Chùa Thiên Mụ - ngôi chùa cổ nhất ở Huế và khám phá Đại Nội - Hoàng cung của 13 triều vua Nguyễn - triều đại phong kiến Việt Nam cuối cùng. Đại Nội là tên gọi chung cho Hoàng Thành và Tử Cấm Thành của Kinh Thành Huế trước kia. Đây là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993. Trong Ðại Nội có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau với các chức năng khác nhau như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Tử Cấm Thành, Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh.

Thắp hương tại Chùa Thiên Mụ 

Được nghe hướng dẫn viên du lịch giới thiệu và trực tiếp ngắm nhìn những công trình kiến trúc độc đáo này đã mang đến cho các bạn sự tò mò và thích thú, mong muốn được tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử Việt Nam. Nhiều bạn trẻ say sưa ghi chép và chụp ảnh để lưu lại những hình ảnh đẹp về mảnh đất cố đô xưa.

Đôi bạn thân Phạm Thị Mai Khanh và Lê Thị Hường đến từ Italia luôn đi cùng nhau trong suốt những ngày qua. Do em Hường có khả năng nói và hiểu tiếng Việt tốt hơn, nên em đã trở thành “phiên dịch viên” giúp bạn mình. Cứ đi tham quan nơi nào, Hường cũng đều tỉ mỉ giới thiệu cho Mai Khanh về những công trình và ý nghĩa của nó. Em Hường cho biết: “Mai Khanh tuy không hiểu nhiều về tiếng Việt nhưng bạn rất quan tâm và mong muốn được khám phá nét văn hóa của Việt Nam. Và hôm nay, được đến thăm những di tích tại Cố đô Huế, hai chúng em đều rất thích thú với những công trình kiến trúc lâu đời tại đây, nó giúp chúng em hình dung được phần nào về giai đoạn lịch sử của triều Nguyễn”.

Cùng chụp ảnh lưu niệm tại Đại Nội 

Trên tay cầm cuốn sổ tay Trại hè đã được Ban tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát khi các em bắt đầu tham gia hành trình, em Nguyễn Văn Nam, từ Đức về, không ngừng ghi chép lại những gì mà em được thấy khi đến thăm các công trình kiến trúc độc đáo ở Đại Nội. Em chia sẻ: “Những ngày qua, em và các bạn thấy thật may mắn vì được tham gia vào chuyến hành trình thú vị này, được khám phá rất nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử mà chưa từng đặt chân tới. Đến và khám phá những nét kiến trúc độc đáo của Huế, em càng tự hào về quê hương đất nước mình hơn”.

Tối cùng ngày, Đoàn sẽ có buổi giao lưu với tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thành phố Huế là tỉnh lị của tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều Nguyễn, thành phố Huế có nhiều đền chùa, thành quách, lăng tẩm, kiến trúc gắn liền với cảnh quan thiên nhiên.

Đến nay, không còn một vùng nào có một số lượng lớn các di tích mà những di tích này vẫn giữ được hình dạng vốn có của nó như ở cố đô này. Ở bờ phía Bắc của sông Hương là một di tích gồm những lâu đài được xây dựng theo kiểu phòng thủ tạo thành một đường vòng cung dài 11km. Công trình quý giá này gồm hơn 100 tác phẩm kiến trúc, đã thực sự phản ánh được cuộc sống của vua quan nhà Nguyễn. Giữa những quả đồi ở bờ Nam sông Hương là những lăng tẩm rất đẹp của các vua Nguyễn. Trong số đó, nổi tiếng nhất là bốn lăng tẩm mà mỗi lăng được biết đến với tên phù hợp với tích cách của mỗi vua và kiểu kiến trúc của mỗi lăng. Đó là Lăng Gia Long uy nghi, Lăng Minh Mạng oai phong, Lăng Tự Đức thơ mộng và Lăng Khải Định tráng lệ.

Huế đồng thời còn là một trung tâm quan trọng của Đạo Phật. Ngoài ra, Huế còn được xem như là nơi bắt nguồn của nhạc cung đình, là nơi có nhiều món ăn truyền thống nổi tiếng và nghề thủ công tinh xảo

Là thành phố duy nhất trong nước vẫn còn giữ được dáng vẻ của một thành phố thời phong kiến và nguyên vẹn kiến trúc của một nền quân chủ. Huế đã trở thành một bảo tàng lớn và vô giá. Chính vì vậy, Chính phủ đã xếp hạng các di tích ở Cố đô Huế như là một tài sản vô cùng quý giá. Tháng 12/1993, quần thể các di tích văn hoá Cố đô Huế đã được UNESCO xếp hạng là Di sản Văn hóa thế giới.

(Nguồn: Internet)

Một số hình ảnh của Đoàn Trại hè Việt Nam 2012 tại Huế:

Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm