A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh

Trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, chiều 12/11, Hội nghị chuyên đề 2 với chủ đề: “Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh” đã diễn ra với sự tham dự của hơn 500 đại biểu kiều bào. Đặc biệt, Hội nghị đã vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” do Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Thủ tướng cho biết: Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã báo cáo với tôi về Hội nghị với rất nhiều hoạt động phong phú, có ý nghĩa. Đặc biệt, tôi đánh giá cao các phát biểu, tham luận của các đại biểu, trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc, kiến nghị mới, sáng tạo thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm và tâm huyết của kiều bào ta đối với vấn đề lớn của thành phố Hồ Chí Minh như quản lý rủi ro ngập lụt, ách tắc giao thông, xây dựng thí điểm thành phố khởi nghiệp, thành phố thông minh…, cũng như các vấn đề chiến lược của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích đầu tư…

Thủ tướng vô cùng xúc động và ấm lòng khi đứng trước bà con kiều bào. Dù ở xa Tổ quốc, nhưng huyết thống dân tộc vẫn không ngừng chảy trong kiều bào, trái tim luôn hướng về quê hương.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết tâm đổi mới chính mình, xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ mọi rào cản, phục vụ người dân và doanh nghiệp… Chính phủ đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài 2016-2020, trong đó các Bộ, ban, ngành, địa phương hợp tác cùng nhau, có các kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, tạo mọi thuận lợi để phát huy hiệu quả nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đề nghị TP Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung cần chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất, địa phương có tiếp thu, có phản hồi; khuyến khích, tạo điều kiện cho trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Thủ tướng kêu gọi đồng bào ở nước ngoài, tùy vào thế mạnh, khả năng, và điều kiện của mình, cùng chung sức đóng góp xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo dẫn đề Hội nghị chuyên đề 2, trong đó đề cập đến những thành tựu trong công tác giáo dục của Thành phố; đề ra mục tiêu, phương hướng hoạt động đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và đưa ra một số đề xuất cần kiều bào hỗ trợ như: Xây dựng ngành công nghiệp giáo dục của TP Hồ Chí Minh; Tham gia xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; Hỗ trợ nâng cao trình độ giáo viên, giảng viên tiếng Anh…

Cần có chiến lược lâu dài trong phát triển nguồn nhân lực

Với tinh thần đổi mới, thiết thực và hiệu quả, các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào nội dung của Hội nghị chuyên đề.

Đánh giá về nguồn nhân lực hiện nay, ông Trần Đức Cảnh, kiều bào tại Mỹ, nguyên Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ) nhận định: "Khối ASEAN bao gồm 10 nước với dân số 620 triệu người, trong đó khoảng 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động lớn nhất là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Theo thỏa thuận thì nguồn lao động sẽ được tự do di chuyển trong thị trường chung, là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước thành viên trong khối ASEAN. Tôi cho đây là sự kiện rất quan trọng, nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức. Bất lợi trước mắt là nguồn nhân lực Việt Nam được xem là thiếu và yếu so với phần lớn các nước ASEAN về cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Theo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật. Về chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Bên cạnh chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam cũng nhiều bất cập. Với điều kiện kinh tế như Việt Nam hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực này hoàn toàn không phù hợp, cần phải nhanh chóng điều chỉnh".

Đại đa số đại biểu đều cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần có chiến lược lâu dài trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, đối với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt lưu ý thành lập một số trường đại học có chất lượng giảng dạy đạt tiêu chuẩn quốc tế; tổ chức đào tạo tại các trường đại học trong nước với các chương trình, giáo trình tiên tiến của nước ngoài; tham khảo và áp dụng mô hình đào tạo chất lượng cao tại các nước phát triển; xây dựng môi trường đào tạo đại học cởi mở, thống nhất về cơ chế giảng dạy và nghiên cứu; phát triển tối đa tư duy sáng tạo, tránh tình trạng thụ động trong học tập…

Theo ông Phạm Nam Kim (chuyên gia kinh tế tại Thụy Sỹ), Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng mô hình đào tạo nghề kép giống như tại Thụy Sỹ. Mô hình đào tạo nghề nghiệp kép này là sự kết hợp liên tục giữa đào tạo tại trường và thực hành tại doanh nghiệp tạo lợi thế giúp giới trẻ tìm được việc làm. Thực vậy, có việc ngay khi ra trường là một điều rất khó vì những gì học ở nhà trường thường không phù hợp với công việc ngoài xã hội, vì học thì có mà thực hành thì không. Mô hình đào tạo nghề nghiệp kép, một mặt phá tan những nghi ngại này và mặt khác học viên có cơ hội ứng tuyển ngay trong doanh nghiệp thực tập và đa số được giữ lại làm nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp.

Thu hút nguồn nhân lực NVNONN đóng góp cho sự phát triển TP

Để TP Hồ Chí Minh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, theo các đại biểu, vai trò của trí thức kiều bào phải được đặc biệt quan tâm. Các đại biểu đều cho rằng tiềm năng trí thức của kiều bào là rất lớn, nhưng hầu như chưa có chính sách khai thác hiệu quả.

Vì vậy, để TP Hồ Chí Minh xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước và Lãnh đạo TP, đặc biệt phải xây dựng được một “cơ chế đặc biệt” mang tính đột phá nhằm thu hút nguồn lực chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào. Cần xác định tiêu chí thu hút người tài để lựa chọn được những cá nhân xuất sắc nhất trong cộng đồng NVNONN cũng như xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho họ. Đặc biệt, cần phải có chính sách ưu tiên cho môi trường nghiên cứu để họ trở về phục vụ cho đất nước.

Các ý kiến phát biểu thẳng thắn và tâm huyết của đại biểu đều cho rằng Lãnh đạo TP cần có biện pháp hữu hiệu và sử dụng nguồn tri thức kiều bào, du học sinh để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám và đóng góp ý kiến vào những chính sách của Lãnh đạo Nhà nước và Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nhằm thu hút hơn nữa và sử dụng hiệu quả nguồn lực chất xám của trí thức kiều bào…

Ông Huỳnh Hữu Tuệ, kiều bào tại Canada, hiện công tác tại ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, việc điều phối ngân sách trong nghiên cứu cần phải được thực hiện sát sao và nghiêm chỉnh. Cụ thể, phân phối ngân sách nghiên cứu cần dựa vào chiến lược phát triển đã đề ra; đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong phân phối ngân sách, nhất là đối với các công ty khởi nghiệp và các đề tài chiến lược; cố gắng nâng cao ngân sách nghiên cứu khoa học và công nghệ; phải đơn giản hóa tối đa vấn đề quản lý ngân sách…

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và Cung ứng lao động Quận 5), TP Hồ Chí Minh cần chú ý phát triển nguồn nhân lực trẻ, trong đó đặc biệt cần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ, khởi nghiệp giúp phát huy tiềm năng con người, phát triển nhanh nguồn nhân lực. Thực tiễn lịch sử trên thế giới chứng minh rằng quốc gia nào, địa phương nào phát huy được sự đóng góp tích cực của quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, thì nền kinh tế - xã hội tại quốc gia đó, địa phương đó, sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ.

Tổng kết lại Hội nghị chuyên đề 2, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội nghị đã tập trung thảo luận về chiến lược phát triển giáo dục đại học; mối liên hệ giữa các Trung tâm nghiên cứu đại học và các công ty; mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị khởi nghiệp. Thông qua mô hình giáo dục, thu hút nhân tài tại các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Úc… các đại biểu đề xuất một số kiến nghị cụ thể đối với TP Hồ Chí Minh như phát huy tính tự chủ của giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của các trường, giải quyết vấn đề thu nhập cho giáo viên; đề xuất lập trường-khoa đào tạo kinh tế thương hiệu Việt; kiến nghị áp dụng mô hình đào tạo nghề “kép” đang được áp dụng hiệu quả tại Thụy Sỹ... Các đại biểu nhất trí cho rằng cần xác định hai mục tiêu của đào tạo là: đào tạo nghề nhằm cung cấp đội ngũ lao động tay nghề cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là các chuyên gia, nhà khoa học để phục vụ nghiên cứu - phát triển; giáo dục cần cởi bỏ tính áp đặt, trói buộc, khuôn mẫu và khuyến khích sáng tạo, khai thác tối đa năng khiếu, sở thích mỗi cá nhân; đồng thời cần khơi dậy, phát huy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, phục vụ mục tiêu xây dựng thành phố khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu đóng góp xung quanh vấn đề về phát triển nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh, đồng thời sẽ tập hợp, nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan chuyên môn, báo cáo Lãnh đạo thành phố để tiếp thu, đề xuất các chương trình phối hợp nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới.

Ngày mai (13/11), Hội nghị sẽ tiếp tục với hai phiên chuyên đề song song với chủ đề: Kiều bào với phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức của TP Hồ Chí Minh và Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh.

Thủy Trần

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm