A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

LTS: Trong không khí náo nức đón chào một mùa Xuân mới, cả nước chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tạp chí Quê Hương xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Hồng Nam – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) 5 năm qua và phương hướng công tác thời gian tới.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nêu lên sự thay đổi về chất trong chính sách đối ngoại, từ chủ trương “hội nhập kinh tế quốc tế” chuyển sang “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”, hội nhập toàn diện cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác. Đại hội XI của Đảng cũng đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Về công tác đối với NVNONN, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước.”

Tích cực thực hiện đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, 5 năm qua, công tác đối với NVNONN - một trong những trọng tâm công tác của ngành Ngoại giao - đã được triển khai toàn diện, mạnh mẽ cả ở trong và ngoài nước, nhằm phát huy nguồn lực to lớn của NVNONN, tăng cường sức mạnh tổng hợp của mọi người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Công tác về NVNONN đạt được những kết quả quan trọng

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN ra đời và đi vào cuộc sống đã dẫn đến sự chuyển biến mạnh mẽ và thống nhất về mặt nhận thức từ trung ương đến địa phương, đây chính là khâu quyết định dẫn đến những thành tựu quan trọng của công tác về NVNONN.

Trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, được sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước và Chính phủ, với nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, công tác về NVNONN đã đạt được những thành tựu quan trọng với những bước phát triển và đột phá trên cả 3 lĩnh vực: xây dựng chính sách, đổi mới công tác thông tin - văn hóa và vận động cộng đồng.

Kể từ khi Nghị quyết số 36-NQ/TW được ban hành, một hệ thống khung luật pháp và chính sách tương đối bài bản đã được hình thành theo hướng ngày càng thuận lợi cho kiều bào, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với quê hương, thể hiện tinh thần “NVNONN là bộ phận không tách rời” của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thời gian qua chúng ta đã liên tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới những văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến NVNONN như: luật quốc tịch, đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, pháp lệnh về ngoại hối, các quy định về miễn thị thực nhập xuất cảnh cho NVNONN, về cư trú, hồi hương, khuyến khích hoạt động khoa học…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước. Hỗ trợ và bảo hộ công dân đã trở thành một nội dung quan trọng trong công tác của ngành Ngoại giao và trong các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của NVNONN, tạo thuận lợi hơn cho bà con về địa vị pháp lý và việc làm ăn, sinh sống, hội nhập vào đất nước nơi cư trú.

Công tác thông tin đối với NVNONN cũng không ngừng được phát triển, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các cơ quan truyền thông báo chí (với đầy đủ loại hình báo hình, phát thanh, báo viết, báo mạng như: VTV, VTC, Truyền hình TTX, VOV, Tạp chí Quê Hương, các trang mạng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, của các bộ, ngành và địa phương trong nước) đều tích cực vào cuộc, sản xuất nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục dành cho NVNONN, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, khách quan về tình hình mọi mặt của đất nước, nhất là những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tình hình biển đảo, biên giới, lãnh thổ, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền con người, tự do tôn giáo… giúp kiều bào nắm được những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước đối với NVNONN, giải tỏa được nhiều băn khoăn thắc mắc của cộng đồng, giúp kiều bào hiểu đúng, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước và ngày càng hướng về quê hương; bên cạnh đó, cũng khơi dậy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, tương thân tương ái, đoàn kết gắn bó trong cộng đồng… Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan báo chí trong nước, thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động của kiều bào ta ở địa bàn, góp phần làm phong phú hơn công tác thông tin cho cộng đồng và vì cộng đồng. Trong những năm gần đây, ta đã chủ động tạo điều kiện cho nhiều cơ quan truyền thông, báo chí của kiều bào (KBCHN, Phố BolsaTV, Viet Weekly...) về nước tác nghiệp và đưa tin khách quan về tình hình đất nước nói chung, về chính sách và các hoạt động dành cho NVNONN nói riêng, góp phần quan trọng trong công tác vận động cộng đồng.

Công tác hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và duy trì tiếng Việt được tăng cường một bước, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như: hỗ trợ xây dựng trường lớp, cử giáo viên, cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa, hỗ trợ kinh phí tổ chức lớp học và lương cho giáo viên, tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt… Bên cạnh Đề án "Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã triển khai thí điểm Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với NVNONN đến năm 2020” nhằm xây dựng phong trào truyền bá tiếng Việt, đa dạng hóa các hình thức tổ chức, nội dung và loại hình hoạt động liên quan đến dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. Năm 2015, Ủy ban đã trình Thủ tướng Chính phủ hai Đề án lớn “Chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng NVNONN” và “Đề án tổng thể hỗ trợ hoạt động dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào tại Campuchia giai đoạn 2016-2020”. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng được tổ chức thường xuyên, đặc biệt vào dịp gần tết Nguyên đán; việc hỗ trợ các trung tâm văn hóa của cộng đồng nhằm bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, việc đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng cũng được quan tâm thích đáng.

Công tác hỗ trợ và vận động NVNONN 5 năm qua được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước. Các hoạt động như: Xuân Quê hương dành cho bà con kiều bào về quê ăn Tết cổ truyền, Quốc giỗ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam, Đoàn kiều bào về dự Quốc khánh 2/9 được tổ chức hàng năm, đã trở thành “thương hiệu” của Ủy ban Nhà nước về NVNONN. Đặc biệt, từ năm 2012, chương trình Đoàn kiều bào thăm quân dân huyện đảo Trường Sa cũng đã trở thành hoạt động thường niên. Nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề dành cho kiều bào đã được tổ chức như: Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (năm 2009) và lần thứ hai (năm 2012) quy tụ người Việt khắp nơi trên thế giới, Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt”, Hội nghị Lãnh đạo các tổ chức NVNONN, Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài...

Với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, kiều bào được mời tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Quốc tịch năm 2008; Đại biểu kiều bào tiêu biểu được tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các địa phương… Thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, Ủy ban đã chủ động mở rộng tiếp xúc với những người còn định kiến, mặc cảm; tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương; giải quyết một số vấn đề do lịch sử để lại như dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương), giúp tìm kiếm, cải táng hài cốt những người chết trong thời gian cải tạo… Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định chính sách khoan hồng, tinh thần hòa hợp hòa giải, từ đó cô lập các phần tử cực đoan có âm mưu chia rẽ cộng đồng và chống phá đất nước.

Công tác vận động kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh, thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN về làm việc, góp sức cho công cuộc xây dựng đất nước ngày càng được coi trọng và dành ưu tiên cao với nhiều hoạt động nổi bật như: tăng cường liên kết doanh nhân người Việt Nam trong và ngoài nước để mở rộng thị trường và xuất khẩu hàng Việt Nam; tập hợp, liên kết sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới giúp nhau cùng phát triển và đóng góp thiết thực cho đất nước qua các hình thức lập hội, tổ chức hội nghị, hội thảo; triển khai xây dựng lại Đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN xây dựng đất nước” nhằm tạo bước đột phá trong phát huy tiềm năng chuyên gia, trí thức kiều bào trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công tác khen thưởng NVNONN được quan tâm triển khai thường xuyên nhằm ghi nhận những cống hiến của kiều bào trong các cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc, có tác dụng động viên kịp thời tinh thần yêu nước và đoàn kết của các thế hệ kiều bào hướng về đất nước.

NVNONN đồng hành cùng đất nước

Trải qua những thăng trầm của lịch sử với biết bao biến cố, đổi thay của đất nước, cho đến tận ngày hôm nay, NVNONN – như những người con không bao giờ thôi hoài nhớ cha mẹ và nguồn cội tổ tiên - vẫn tiếp tục đồng hành và đóng góp tích cực cho đất nước.

Theo thống kê, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó ước tính có khoảng 400 ngàn chuyên gia, trí thức có trình độ đại học trở lên, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Australia, Nhật… Bà con ngày càng có cuộc sống ổn định, nhiều người có công việc thành đạt, một số đã tham gia công việc của chính quyền nước sở tại, rất nhiều người có học vị cao, một số đã trở thành những nhà khoa học lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho nước sở tại, nâng cao uy tín và vị thế của người Việt Nam trong cộng đồng nhân dân nước sở tại, tăng cường tình hữu nghị giữa nước ta và các nước.  

Với lực lượng và tiềm năng ngày càng lớn mạnh, cộng đồng người Việt Nam, trước hết là lực lượng trí thức và doanh nhân kiều bào đã tích cực tham gia đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực chính trị đối ngoại, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Dễ thấy hơn cả là về mặt kinh tế. Trong những năm gần đây, lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục, trung bình 10%/năm. Hiện có khoảng hơn 3.600 doanh nghiệp NVNONN đầu tư tại 52/63 tỉnh, thành phố với số vốn đăng ký kinh doanh khoảng 8.6 tỷ USD, chủ yếu từ người Việt ở Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Hà Lan, CH Séc. Không chỉ vậy, các doanh nhân VNONN còn là lực lượng tích cực trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước ngoài, góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Doanh nhân người Việt ưu tiên kinh doanh hàng Việt Nam”.

Cùng với đóng góp về kinh tế, những đóng góp về trí tuệ và chất xám của NVNONN là vô cùng quí báu, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Những ý kiến góp ý của kiều bào cho mọi lĩnh vực phát triển của đất nước từ kinh tế, tài chính ngân hàng, giáo dục, môi trường, giao thông, đến việc quảng bá hình ảnh đất nước... là những đóng góp thiết thực cho quá trình đổi mới, phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nhiều NVNONN còn tích cực tham gia chuyển giao tri thức thông qua các hoạt động như trực tiếp giảng dạy, biên soạn sách, làm việc trong các dự án hợp tác, phối hợp với các chuyên gia trí thức trong nước thực hiện các chương trình nghiên cứu, triển khai ứng dụng, hợp tác giáo dục…

Cùng với Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài còn có nhiều hoạt động, dưới nhiều hình thức, bày tỏ thái độ, góp sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc: mít tinh, biểu tình, tuần hành hòa bình, tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm và tri ân các chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền; tổ chức Hội thảo khoa học về tình hình Biển Đông; vận động quyên góp ủng hộ bảo vệ chủ quyền, đóng góp cho bộ đội Trường Sa tàu Chủ quyền CQ 01.

Trong việc quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam ra thế giới, NVNONN cũng là lực lượng tham gia tích cực, hiệu quả và nhanh nhất qua các hoạt động văn hóa cộng đồng và hỗ trợ, tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại, du lịch của Việt Nam tại các nước.

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, bà con còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện trong nước như: ủng hộ đồng bào bị bão lụt, thiên tai, đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa…

Tiếp tục triển khai toàn diện công tác về NVNONN

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng nhấn mạnh: Mục tiêu của công tác đối với NVNONN từ nay đến năm 2020 là xây dựng cộng đồng NVNONN tiếp tục phát triển ổn định, đoàn kết, có địa vị pháp lý rõ ràng, có ảnh hưởng về chính trị, phồn thịnh về kinh tế, phát triển về tri thức, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn bó chặt chẽ với quê hương, là nguồn lực hiệu quả đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, phát huy hiệu quả vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Trên tinh thần đó, công tác đối với NVNONN thời gian tới cần được tiếp tục triển khai toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa theo những trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị về Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới; xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với NVNONN giai đoạn 2015-2020 để cụ thể hóa Chỉ thị 45.

Thứ hai, nêu cao trách nhiệm của Nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp, đặc biệt chú trọng tới công tác tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của kiều bào và phát huy tối đa nguồn lực của NVNONN phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc; chủ động tạo đột phá trong công tác vận động NVNONN, tiếp xúc những người còn có quan điểm khác biệt trên cơ sở ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động cộng đồng NVNONN; đổi mới công tác hội đoàn; thực hiện tốt công tác khen thưởng kiều bào; tăng cường vận động thế hệ trẻ NVNONN hướng về đất nước.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin đối với kiều bào, chú trọng công tác tiếng Việt; kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến nhu cầu văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, thực tiễn nhiều năm qua cho thấy các nguồn lực của cộng đồng NVNONN đã được huy động, bổ sung vào nguồn lực chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Chúng ta tin rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng NVNONN, công tác đối với NVNONN sẽ được phát triển lên tầm cao mới, đóng góp xứng đáng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Vũ Hồng Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Chủ nhiệm Ủy Ban Nhà nước về NVNONN

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm