A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trại hè Việt Nam 2016: Đến với Quảng Trị kiên cường

Trong tháng kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7), ngày 17/7, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2016 đã đến với Quảng Trị - miền đất kiên cường với những người con anh hùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tại đây, Đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào đã đến thăm và dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia đường 9.

​Mảnh đất Quảng Trị đã chứa đựng nhiều đau thương và bi tráng bởi biết bao người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Nằm bên dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam với cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt. Thành cổ Quảng Trị được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính đã ngã xuống vì quê hương, vì hòa bình thống nhất đất nước. Cùng với Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia (QG) đường 9 là một trong những nghĩa trang lớn nhất Việt Nam - nơi an nghỉ của hơn một vạn chiến sỹ cách mạng.

Máu thịt các anh, các chị đã hòa vào với non sông đất nước để mang lại độc lập hòa bình, màu xanh cho quê hương. Hôm nay, những người con ở khắp nơi trên thế giới về đây thắp nén hương thơm với mong muốn tri ân, tưởng nhớ tới những thế hệ cha anh đã hi sinh vì Tổ quốc.

Nguyễn Minh Nguyệt (Rumani) là cô bé luôn chăm chú lắng nghe những lời thuyết minh của các anh chị hướng dẫn viên. Có lẽ bởi em đã có 8 năm ở Việt Nam, nên em hiểu về lịch sử của đất nước hơn một số bạn. Vừa rời khỏi Thành cổ Quảng Trị, cô bé đã nói với tôi: “Xúc động quá chị ơi! Nhất là khi em nghe kể về bức thư của một anh liệt sĩ viết về cho mẹ và cho vợ trước khi anh hi sinh. Nghe tâm sự của anh, sự quyết tâm sẵn sàng hi sinh của anh với mong muốn đất nước ta sẽ được hòa bình là em không cầm được nước mắt”.

Tại Nghĩa trang QG đường 9, các bạn trẻ cầm hương lần lượt đến từng ngôi mộ thắp cho các liệt sĩ. Có những bạn đã cố gắng cầm nhiều nhất, đi xa nhất với mong muốn nhỏ bé có thể thắp cho các anh ai cũng có một nén hương thơm, nhận lấy tấm lòng trân trọng, cầu nguyện an bình của các em. Tôi thấy có một cậu bé cầm rất nhiều nén hương để thắp cho các liệt sỹ tại Nghĩa trang QG đường 9. Dưới cái nắng gắt gần 40oC, những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt em, nhưng khi đến thắp hương trước mỗi ngôi mộ em đều đứng rất lâu, kính cẩn cầu nguyện và chăm chú nhìn vào bia mộ và đọc tên và tuổi của các anh. Sau khi đã thắp hương xong, tôi có trò chuyện với em, em tâm sự: “Nơi đây rộng quá chị ạ, có quá nhiều người đã hi sinh. Em buồn lắm. Khi nhìn số tuổi các anh, mới tuổi hai mươi thôi là em nghẹn ngào. Em mới có 17 tuổi, các anh chỉ hơn em có 2, 3 tuổi mà đã luôn sẵn sàng, dũng cảm cầm chắc tay súng vì đất nước rồi!”.

Còn Nguyễn Thùy Linh – cô bé về từ Bungari – cẩn thận cắm lại những bông hoa trong lọ được đặt trên mộ các liệt sỹ. Thùy Linh chia sẻ: “Em tự hào về lịch sử hào hùng của đất nước ta. Em may mắn được sinh ra khi chiến tranh khốc liệt đã kết thúc, được hưởng trọn niềm vui trong hòa bình. Khi về Bungary, em sẽ nói với các bạn người Việt rằng sự độc lập, tự do mà đất nước chúng ta có ngày hôm nay chính là sự hi sinh bằng xương máu của các thế hệ cha anh đi trước. Bới vậy chúng ta tự hào về đất nước mình và phải hướng về quê hương mình”.

 

 

Nghĩa trang Liệt sỹ QG đường 9 nằm trên một vùng đồi, mặt quay ra hướng quốc lộ 9, được nâng cấp từ nghĩa trang liệt sỹ thị xã Đông Hà (có từ năm 1983 - 1984), với tổng diện tích là 13 ha, quy tụ gần 9.500 mộ liệt sỹ. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Đông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ - Ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt, và cũng chính nó là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và Ngụy trong những năm 1965 - 1972.

Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn một vạn anh hùng, liệt sỹ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 được khởi công xây dựng ngày 2/9/1995 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/1997). Nghĩa trang có 16 hạng mục công trình lớn nhỏ được thi công, trong đó có hai hạng mục công trình lớn mang tính nghệ thuật và lịch sử là Tượng đài chiến thắng và Khu hành lễ. 

Thủy Nguyên


Các tin khác

Tin tiêu điểm