A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự thật và chân lý không thể nào đảo ngược

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đã bế mạc nhưng dư âm của nó còn vang vọng mãi không thôi.

Nhất là đối với những kiều bào bất đồng chính kiến, đến giờ này rồi mà họ còn hồ đồ nóng giận, chửi bới đủ điều, kể cả văng tục. Thậm chí đã có người viết lố lăng: “Hội nghị Việt kiều cuối tháng 11 vừa qua chỉ là một trò hề nhạt nhẽo. Nó không phải là một Hội nghị vì chẳng có ý kiến nào được phát biểu cả, những người tham dự đều hiểu rằng họ đến đó không phải để đóng góp ý kiến mà chỉ để nói leo, nói theo và vỗ tay hoan hô những bài diễn văn rỗng nghĩa…”.

Lời văn nghiệt ngã và thêu dệt trên đây sai với sự thật 100%. Một sự bịa đặt trắng trợn xa rời thực tế. Vì những đại biểu kiều bào về dự Hội nghị đều là những người có trí óc, biết nhận xét sai, đúng những sự việc xảy ra ở trên đời nầy. Vả lại, chính tôi là một trong những người không có tên trong nghị trình, nhưng vì Hội nghị người Việt ở nước ngoài là một định chế dân chủ nên tôi đã được đứng trên bục phát biểu ý kiến đột xuất của mình một cách hoàn toàn tự do.

Lời lẽ trên đây của thành phần chống đối hoàn toàn viết sai sự thật. Việt Nam bây giờ đã đổi mới, trong đó bao gồm cả tiến trình Tự do Dân chủ.


Khoảng 1500 đại biểu tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất  

Tuy những người đối kháng thiếu hẳn lập trường quốc gia, dân tộc nên họ chỉ biết ích kỷ đặt lợi ích cá nhân của mình trên lợi ích của quê hương. Mặc dù là vậy, nhưng tôi không xem họ là kẻ thù, mà vẫn xem họ là những anh chị em xa cách. Xa cách đây không phải vì ngăn sông cách núi mà vì lòng dạ của họ có đôi chút hẹp hòi. Và sự việc đó cũng không lấy gì làm khó hiểu vì cảm xúc của con người trong nhất thời.

Tôi xin lặp lại, tôi vẫn xem những người đó đều là anh chị em một nhà. Tuy vẫn bị hiểu nhầm hay có người còn chửi bới tôi thậm tệ, họ cho rằng những đại biểu đi dự hội đều là tay sai Cộng Sản. Tôi cho rằng sự thật và chân lý không thể nào đảo ngược!

Trước khi viết về Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, xin cho tôi được bày tỏ đôi lời cùng các anh chị em xa cách rằng: “Nước nhà bây giờ đã thay da đổi thịt, Việt Nam mình không còn nghèo đói như những năm bị cấm vận nữa. Và doanh nhân Mỹ là những người đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất…”. Tự do, dân chủ được thăng hoa cũng như tự do tôn giáo. Nếu ai nói: “Việt Nam không có tự do tôn giáo” là người đó đã tự lấy tay bịt mắt mình rồi, cẩu thả nói không đúng sự thật. Sự kiện Bát Nhã ở Lâm Đồng của ông Thích Nhất Hạnh không phải là không có tự do tôn giáo. Nếu người tu hành như sư ông Nhất Hạnh không có những ý đồ chính trị đi quá cương vị tu hành của mình?


Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất là điểm đến của niềm tin yêu

Tôi có đôi lời thành thật mạo muội gửi đến anh chị em.

Trước nghị quyết 36, khi còn sống, Bác Hồ đã đề ra “Đề cương công tác Lào-Miên”, trong đó có cả công tác kiều bào, đặc biệt là kiều bào ở Pháp và ở Thái, vấn đề “Đại đoàn kết Dân Tộc” đã được đề ra và được chú ý tới nhiều. Công tác vận động kiều bào do Bác Hồ đề ra trong những ngày khó khăn, gian nan thử lửa có tác dụng to lớn, thu hút được nhiều nhân tài ở Pháp về nước đóng góp công sức như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch… Đặc biệt kiều bào ở Thái đã có những hy sinh công của và mạng sống của mình bằng cách tình nguyện đi bộ đội trong Mặt trận Pathet Lào và Mặt trận Issarak Khmer. Hơn thế nữa, kiều bào ở Thái đã tự võ trang lập những đoàn quân mang vũ khí về giúp Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp với chi đội Trần Phú, Cửu Long I và Cửu Long II. Anh Nguyễn Chánh, một cán bộ kiều bào về giúp Nam Bộ sau nầy đã trở thành Khu trưởng Khu VIII. Người tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu Đoàn 307 oai hùng làm quân Pháp sợ hãi với những trận đánh thắng huy hoàng như trận Tháp Mười, Mộc Hóa và La Bàn… cũng là một Việt Kiều Thái Lan. Bài ca Tiểu Đoàn 307 của những năm tháng hào hùng vẫn còn vang động đâu đây.

Những điều tôi vừa kể trên đây, tôi cam đoan các anh chị em xa mặt cách lòng không hề hay biết. Nó là SỰ THẬT, là CHÂN LÝ không thể phủ nhận và đảo ngược.

Vì vậy mà tôi viết về Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất là điểm đến của niềm tin yêu và Hội nghị đã bế mạc, đạt kết quả và thành công tốt đẹp.

Tôi đã có vinh dự về nước dự hội thảo nhiều lần. Lần có đông người là “Hội thảo Quốc tế Việt Nam trong thế kỷ XX” tại Hà  Nội tháng 09 năm 2000. Nhưng lần nầy, người tham dự đông hơn rất nhiều.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất mang nhiều ấn tượng tốt đẹp. Không phải thành công về tổ chức được nhiều người tham dự; cũng không phải được tiếp đón nồng hậu, có xe cảnh sát hú còi dẹp đường… Thành công ở đây là Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, cởi mở với tinh thần dân chủ, với đề nghị đề xuất vào chủ đề chính: “Vì một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh”. Cuộc họp mặt của gần 900 đại biểu Việt kiều từ 52 nước là biểu hiện hướng về quê hương, dân tộc, về vai trò của trí thức, chuyên gia, doanh nhân góp phần xây dựng đất nước làm mục tiêu nhằm tạo động lực cho công tác của người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới. Điểm nổi bật của Hội nghị là đã có hơn 100 bài tham luận. Không những thế, tinh thần dân chủ còn thể hiện ở chỗ có những đại biểu không ghi danh trước cũng được tự do phát biểu. Điều nầy là bằng cớ hùng hồn và cũng là niềm tự hào là chúng ta đã thực thi dân chủ.

Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính Trị ngày 26/03/2004 về công tác đối với NVNONN tiếp tục khẳng định: “NVNONN là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng Dân tộc Việt Nam”. Muốn phát huy tiềm năng và sức mạnh đại-đoàn-kết dân tộc, chúng ta cần phải hiểu và làm tốt công tác đối với NVNONN. Lịch sử vận động kiều bào đi liền với lịch sử chống xâm lược để bảo vệ Tổ Quốc là một thiên anh hùng ca về người chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn, người lính giải phóng quân miền Nam, anh bộ đội cụ Hồ… Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, công tác đối với NVNONN gắn liền với lịch sử cách mạng luôn giữ một vị trí quan trọng và thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà Nước đối với đồng bào ta ở nước ngoài nhằm phát huy tiềm năng và sức mạnh cho sự nghiệp cao cả của Dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có một Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ Nhì, thứ Ba… Và sau lần nầy, những khiếm khuyết của Hội Nghị lần thứ Nhất sẽ được cải đổi cho được tích cực và thành công hơn.

California, những ngày cuối năm 2009
LÊ TRỌNG VĂN


Các tin khác

Tin tiêu điểm