Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thân thương hai tiếng đồng bào

Sau chuyến về nước dự “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất” vào cuối tháng 11 vừa qua, anh Ngô Tiến Điệp - Việt kiều Nga, đã chia sẻ cảm xúc qua bài viết “Thân thương hai tiếng đồng bào”. Quê Hương xin giới thiệu cùng quý vị độc giả.

Là một người con xa xứ, mỗi lần trở lại quê hương đều mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Nhưng lần trở lại này, trong tôi xuất hiện một thứ tình cảm thật đặc biệt. Đó không chỉ là niềm vinh dự khi tôi được nằm trong số 900 đại biểu từ khắp năm châu tề tựu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi diễn ra Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, mà còn là niềm vui được sống trong một không khí đầy tình thân ái, được giao lưu và quen biết với những người bạn mới. Tôi thực sự cảm thấy tự hào vì mình là người con của đất Việt...


Tác giả (thứ nhất, từ trái sang) cùng các đại biểu Việt kiều Nga 
chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình

 

Gần 900 kiều bào chúng tôi, đại diện cho hơn 4 triệu người Việt xa xứ, tuy sống ở các quốc gia khác nhau, với điều kiện vị trí địa lý, lịch sử, thể chế chính trị khác nhau được gặp mặt nơi đây sao mà thấy thật ấm áp, chân tình! Những cái bắt tay thân ái, những cuộc trò chuyện cởi mở… Mặc dù không nói ra lời, nhưng chắc trong lòng ai cũng nghĩ đến hai tiếng “đồng bào”, ai cũng cảm thấy gần gũi như anh em một nhà, như những người con trong cùng một bọc sinh ra. Tôi thật sự thấy xúc động khi nhìn thấy các cụ ông, cụ bà đã gần 80 tuổi vẫn bay hàng vạn km để về dự Hội nghị; các giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân luôn coi thời gian là vàng, là bạc nhưng vẫn bỏ ra cả tuần lễ để tề tựu nơi đây. Nhìn những hình ảnh thân thương này, tôi chợt liên tưởng tới ngày tết quê, khi tất cả những người con xa nhà về thăm và đón tết cùng cha mẹ. 

Trong buổi khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các cán bộ cấp cao của Nhà nước đã dành thời gian đến chào hỏi và trò chuyện rất chân tình, cởi mở. Và cũng trong những ngày ấy, 4 hội thảo chuyên đề được mở ra, để tất cả bà con kiều bào được giãi bày tâm sự, được mang tinh hoa, kinh nghiệm bao năm thu nhặt được trên khắp các nẻo đường mưu sinh cùng thảo luận, sẻ chia và cùng tập hợp trí tuệ, sức mạnh, niềm tin...


Chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

 

Những giờ giải lao, giờ ăn trưa ở Hội trường Mỹ Đình và trong khách sạn là những giờ phút thật quý báu, khi tất cả đại biểu trò chuyện, giao lưu thật thân ái. Những tấm danh thiếp được trao tay nhau, những kinh nghiệm làm ăn được truyền cho nhau, những cuộc hẹn hò được đưa ra... để mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư trong tương lai. 

Sau bao năm xa quê hương, Việt Nam hôm nay trong mắt tôi dường như đã thực sự lột xác. Những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường cao tốc rộng rãi, những khu công nghiệp hiện đại... Nhưng cái lớn lao hơn, ý nghĩa hơn, có lẽ đó chính là sự “mở cửa” của Nhà nước. Tôi cảm nhận được sự nồng hậu, nhiệt tình nơi các vị lãnh đạo đứng đầu đất nước, từ cách tổ chức tiếp đón các Việt kiều đến những lời hứa, sự quyết tâm về một công cuộc thay đổi đất nước với sự chung sức, đồng lòng của tất cả người con Việt trên thế giới – những trí thức, doanh nhân Việt kiều... 

Những ngày diễn ra Hội nghị còn là cơ hội để chúng tôi tìm về cội nguồn, tìm về với nền văn hóa Việt đậm đà bản sắc dân tộc. 

Ấn tượng lớn nhất với tôi là được đi thăm bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đến đây chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi sự phong phú, đa dạng của con người, văn hóa các dân tộc Việt Nam. Anh Bùi Nam, một Việt kiều ở Úc, người bạn mới quen trong mấy ngày qua đã thốt lên: “Đã lâu lắm rồi mình mới được ăn bánh đúc, bánh cuốn, bún riêu cua, uống nước ngô ngon như thế này”. Tôi hiểu là anh đang rất vui và hạnh phúc. Trong cái không gian của những làn điệu Quan họ đằm thắm, mượt mà, những quán “Quà quê” do các nam thanh, nữ tú mặc áo nâu sòng phục vụ ở khoảng sân rộng trước cửa bảo tàng, không chỉ có anh mà ngay cả tôi và hàng trăm Việt kiều khác cũng cảm thấy lâng lâng, khoan khoái.


Hát Quan họ tại Viện bảo tàng Dân tộc học

 

Sau buổi đi thăm bảo tàng Dân tộc học, một nhóm đại biểu kiều bào Nga chúng tôi đã có dịp được xuôi về thăm Kinh Bắc, quê hương vị vua Lý Thái Tổ. Con đường cao tốc 1A mới hiện đại, thông thoáng thực sự khiến tất cả chúng tôi ngạc nhiên. Qua ánh mắt của các bạn trong đoàn, tôi hiểu họ đang nghĩ gì – đó là những cảm nhận về một đất nước đang vươn mình mạnh mẽ với cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, khang trang... Chỉ gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi có mặt tại chùa Phật tích - một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Dừng chân trong không gian trầm mặc, cổ kính, được nghe tiến sĩ phật giáo Thích Đức Thiện trò chuyện về lịch sử phật giáo Việt Nam, lịch sử chùa Phật tích, được nhà chùa tiếp đãi bữa cơm chay ấm áp, chân tình, chúng tôi như đang được thoát ra khỏi cuộc sống đời thường, được sống trong thế giới vô vi cực lạc, tâm hồn thanh thản lạ kỳ. 

Dời không gian trầm mặc của nhà chùa, tôi thực sự bị choáng ngợp trước vẻ đẹp, sự hiện đại của đường xá, kiến trúc của thành phố Bắc Ninh. Qua khu phố hành chính với những cơ quan, ngân hàng, bảo tàng, thư viện lớn nằm cạnh tượng đài vua Lý Công Uẩn là sự nguy nga, hoành tráng của Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, một công trình văn hóa hiện đại nhưng có nét kiến trúc cổ kính trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng.


Tiến sĩ phật giáo Thích Đức Thiện trò chuyện về lịch sử Phật giáo Việt Nam 

 

Đón tiếp chúng tôi một cách nồng hậu tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh là ông Chủ tịch tỉnh Trần Văn Túy, một người lãnh đạo cởi mở, thân thiện và năng động. Trong buổi trò chuyện thân mật với đoàn, ông không quên giới thiệu về văn hóa Kinh Bắc, về quá trình phát triển của tỉnh Bắc Ninh và những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh giúp cho các doanh nhân kiều bào hiểu thêm cơ hội đầu tư về quê hương. 

Chia tay ông Chủ tịch tỉnh, đoàn chúng đến nhà hàng “Hà Phong”, một nhà hàng có khuôn viên đẹp, kiến trúc hiện đại xen lẫn cổ kính, một không gian ẩm thực đậm chất Quan họ. Tại đây, đoàn được Tổng biên tập báo Bắc Ninh Nguyễn Bá Sinh, Thư ký tòa soạn Ngô Thanh Tùng tiếp đón, được thưởng thức những món ăn, những tinh hoa ẩm thực vùng Kinh Bắc do những đầu bếp địa phương trổ tài. Và may mắn hơn, chúng tôi được Phó Đoàn Quan họ Bắc Ninh Phạm Đăng Mùi nói chuyện về dân ca Quan họ. Anh say mê trình bày cái hay, cái đẹp của Quan họ, tại sao Quan họ lại được Unessco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nghe anh vừa nói chuyện, vừa hát phụ họa cùng với các diễn viên của nhà hàng trong không khí tràn ngập những làn điệu Quan họ mượt mà ấm áp, cả đoàn chúng tôi như bị thôi miên, như bị hút hồn và ai cũng cảm thấy hạnh phúc trào dâng.

Chị Kim Hiền, một dịch giả tiếng Nga, cộng tác viên Ban tiếng Việt của Đài tiếng nói nước Nga xúc động tâm sự: “Là người Việt Nam, từ trước tới nay tôi đã được nghe hát Quan họ nhiều lần, nhưng riêng lần này, được anh Mùi phân tích, giảng giải tôi mới thực sự thấy được cái hay, cái đẹp của dân ca Quan họ Bắc Ninh, tôi mới thực sự hiểu rằng tại sao Quan họ lại được Unessco công nhận là di sản thế giới”. 

Cậu sinh viên Hà Trọng Hanh, lần đầu tiên được về Việt Nam sau 20 năm xa quê hương, rất may mắn lại được theo Đoàn về thăm và nghe hát Quan họ trên chính quê hương của vua bà Quan họ, không giấu nổi cảm xúc: “Ở bên Nga, thỉnh thoảng em có nghe hát Quan họ, nhưng nói thật là em không hiểu gì cả và không thấy hay. Hôm nay, được nghe hát trực tiếp, được nghe nói chuyện về Quan họ, em thấy hay quá và em đã yêu Quan họ mất rồi...”


Thăm Trung tâm văn hóa Kinh Bắc

Bao năm bươn chải xứ người, với biết bao thăng trầm, vất vả trong cuộc mưu sinh, không phải riêng tôi, mà chắc rằng rất nhiều người con xa xứ khác, trong một lúc nào đó có cảm giác cô đơn, lạc lõng giữa đất khách, quê người. Buổi họp mặt lần này, tạo cho chúng tôi cảm giác thật thân thương, ấm áp nơi đất Mẹ. Nó xua đi những cảm giác cô đơn đó. Nó như tiếp thêm cho chúng tôi một luồng sinh khí mới, tạo cho chúng tôi một chỗ dựa tinh thần bởi chúng tôi biết rằng, dù sống ở bất cứ nơi đâu, chúng tôi vẫn có một quê hương yêu dấu, nơi đó có gia đình, họ hàng, bè bạn và hơn 80 triệu đồng bào của mình luôn sát cánh cùng chúng tôi trên khắp các nẻo đường. 

Chuyến đi khép lại, mặc dù chẳng ai muốn thế, mỗi người một cảm xúc lâng lâng khó tả. Và tôi cũng vậy. Đó là cảm xúc yêu thương, quí mến chân thành của một người con xa xứ; đó là niềm tự hào về một dân tộc, đất nước đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ. Những mong muốn trong tôi và có lẽ cũng là của tất cả kiều bào là sẽ được đóng góp sức mình, dù chỉ là nhỏ nhất để đất nước ta ngày càng giàu có, tươi đẹp và hưng thịnh hơn.

Theo Ngô Tiến Điệp (LB Nga)
http://hoidoanhnghiep.ru/

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm