Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho kiều bào

Sáng 22/10, Hội thảo “Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” do Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao (Ủy ban) chủ trì đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai Ủy ban phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo nhằm phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Việt cho đồng bào ta ở nước ngoài.

 

 



Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo cũng tạo cơ hội để các phóng viên có dịp tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ và hợp tác trong việc đưa tin về tình hình đất nước đến với cộng đồng NVNONN và ngược lại đưa tin về tình hình cộng đồng NVNONN đến bà con trong nước.

Tham dự Hội thảo có TS.Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo; ông Đoàn Công Huynh - Phó Cục trưởng cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin truyền thông; đại diện các cơ quan báo chí truyền thông và đặc biệt là sự có mặt của gần 20 phóng viên kiều bào từ Hoa Kỳ, Nga, Séc, Ba Lan… cùng các giáo viên kiều bào đang tham dự Khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban tổ chức.

 

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng và cấp thiết của bà con kiều bào trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và học tập tiếng Việt. Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức và triển khai nhiều đề án, chương trình và hoạt động thực hiện mục tiêu trên. Như việc Ủy ban hỗ trợ xây dựng các trường tiếng Việt tại các địa bàn có đông con em người Việt học tập đến việc nghiên cứu các giáo trình phù hợp với điều kiện học tiếng Việt ở nước ngoài, mở các lớp bồi dưỡng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào, tổ chức các hội thảo khoa học, lấy ý kiến các nhà chuyên môn, các giáo viên, nhà báo về việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Thứ trưởng bày tỏ hy vọng qua Hội thảo này, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, những người làm công tác giáo dục ngồi lại cùng nhau tìm tiếng nói đồng thuận nhằm mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, cũng như hưởng ứng tích cực trong việc hỗ trợ cộng đồng duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếng Việt nơi xứ người, góp phần xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn.

20 tham luận và ý kiến phát biểu tại 2 phiên làm việc của Hội thảo đã nêu lên tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hoá và tiếng Việt ở nước ngoài, những vấn đề đặt ra cùng những giải pháp cho việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài; Vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông trong việc xây dựng các chương trình truyền thông đa phương tiện hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN; Khả năng và cách thức hợp tác giữa các cơ quan báo chí trong và ngoài nước trong việc khai thác thông tin hai chiều; Vai trò của báo chí kiều bào trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam cũng như quảng bá cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài.

 



Ông Lê Vũ phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Vũ - Tổng Biên tập báo Vietweekly (Mỹ), nêu một số nhận định về tình hình bảo tồn văn hóa và tiếng Việt tại Mỹ, ông cho biết: Do nhu cầu tinh thần và sinh tồn “quần tụ tự nhiên” giúp hình thành nên những cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi trên đất Mỹ. Đây là những thành lũy khá kiên cố trong việc bảo tồn văn hóa và tiếng Việt. Những văn hóa phẩm và sinh hoạt tiếng Việt được ra đời một cách nhộn nhịp và lành mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển này mang tính tự phát, không có những n lực nhận diện nhu cầu, ưu tiên lớn và giải pháp đáp ứng, khắc phục. Những sinh hoạt trong cộng đồng như lễ hội và dạy Việt ngữ cuối tuần chỉ mang lại một số kết quả giới hạn. Ông Vũ cũng bày tỏ sự lo ngại, sau một quãng thời gian hưng thịnh, những cộng đồng quần tụ của người Việt cũng có nguy cơ biến mất, nếu thế hệ kế tiếp không thông hiểu tiếng Việt, không có nhiều quan hệ kinh tế với Việt Nam, không có nhu cầu sống tụ tập như những thế hệ trước đó. Ông Lê Vũ khẳng định: Cộng đồng người Việt tại Mỹ có tồn tại được hay không phụ thuộc vào việc chia sẻ một nền văn hóa chung và ngôn ngữ chung. Nếu những điều này không còn hiện diện nữa, cộng đồng người Việt sẽ bị đồng hóa, mặt dù có tồn tại một số người mang họ Lê, Nguyễn, Lý, Trần... Và đó là một thiệt thòi lớn không những cho từng cá nhân mà cho cả dân tộc Việt Nam.

 



Nhà báo Nguyễn Thanh Hằng, Báo Đại Đoàn kết (Pháp)

Nhà báo Nguyễn Thanh Hằng - báo Đại Đoàn kết, Hội Người Việt Nam tại Pháp - đánh giá cao sợi dây liên kết giữa báo chí với kiều bào, trong đó nêu rõ: Với hiệu quả và tác động xã hội to lớn, truyền thông sở hữu quyền lực rất lớn và quan trọng trong xã hội Châu Âu và được gọi là “quyền lực thứ 4”. Trong thời đại của công nghệ thông tin, với tốc độ cập nhật nhanh chóng, truyền thông càng khẳng định vai trò của mình trong truyền phát thông tin và tạo dư luận xã hội.

Nhà báo Thanh Hằng cho biết: nguyện vọng của cộng đồng Việt Nam tại Pháp đối với truyền thông trong nước là nhận được sớm nhất những thông tin cập nhật về đời sống xã hội, kinh tế, giáo dục, khoa học, đặc biệt là những thông tin liên quan trực tiếp đến người Việt Nam ở nước ngoài. Những thay đổi ở trong nước tác động không những đến gia đình họ ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến những quyết định của kiều bào tại Pháp. Không những mong nhận được thông tin, bà con còn có nguyện vọng được đưa tin về những hoạt động của mình đến đồng bào trong nước và cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Truyền thông làm được như vậy sẽ thực hiện được một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mình: chia sẻ thông tin và lan truyền thông điệp cùng giữ gìn văn hóa, xây dựng cộng đồng chung tay vì đất nước.

 



Nhà báo Nguyễn Diệu Linh (CH Séc)

Đồng quan điểm trên, nhà báo Nguyễn Diệu Linh (CH Séc), cho biết: Cộng đồng người Việt Nam tại Séc có một nền tảng kinh tế khá vững chắc và hầu hết đều hướng về Việt Nam, muốn đầu tư, phát triển cho quê nhà. Nhưng những thông tin được kiểm chứng về những cơ hội đầu tư, công việc… dành cho cộng đồng người Việt Nam ở xa quê hương rất hạn hẹp. Từ trước đến nay những nguồn thông tin công khai trên báo đều phụ thuộc vào một cá nhân làm cầu nối cho các doanh nghiệp Séc về Việt Nam, nhưng chưa có cầu nối nào dành cho cộng đồng người Việt. Các báo giấy cũng như báo mạng ở nước ngoài đều thiếu các nguồn thông tin về khả năng đầu tư, cũng như các cơ hội đầu tư ở Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu này của bà con cộng đồng. Nếu có sự kết hợp giữa các cơ quan báo chí, doanh nghiệp ở Việt Nam với báo cộng đồng có thể sẽ thỏa mãn được nhu cầu này của cộng đồng.

Tại Hội thảo nhiều giải pháp nhằm bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Việt ở nước ngoài cũng được nêu ra như: Hỗ trợ xây dựng các trung tâm, trường, lớp dạy tiếng Việt; Đẩy mạnh giao thương, tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật; Sự tham gia chủ động và tích cực của các cơ quan ngôn luận báo chí, truyền thông trong việc thông tin, định hướng cho cộng đồng NVNONN hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc và ngôn ngữ Việt cho con em mình. Nhiều ý kiến đề nghị tăng cường hơn nữa việc đầu tư khuyến khích để xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình hướng đến cộng đồng NVNONN, đặc biệt là các chương trình dạy tiếng Việt cho NVNONN. Các đại biểu cũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo và mong muốn có nhiều cơ hội được tham gia vào các diễn đàn tương tự để được giao lưu học hỏi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng NVNONN.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Vũ Tuấn Hải - Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước VNVNONN - đánh giá cao các tham luận trình bày tại Hội thảo. Ông Hải cho rằng, Hội thảo lần này thành công tốt đẹp đã thể hiện qua sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các nhà báo trong và ngoài nước. Đặc biệt là các tham luận được trình bày tại Hội thảo đều có chất lượng tốt, đưa ra bức tranh thực tế, sinh động của kiều bào ta tại các nước cùng các kiến nghị thiết thực đối với Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ cộng đồng NVNONN bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và ngôn ngữ Việt. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong Hội thảo sẽ góp phần vào việc tổng kết Nghị quyết 36 của Bộ chính trị và việc triển khai công tác thông tin tuyên truyền, công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN trong thời gian tới.

Minh Đức


Các tin khác

Tin tiêu điểm