A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết luận 12 và chủ trương đại đoàn kết dân tộc

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị là “tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc”, từ đó “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao tượng trưng số tiền của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 17/6.
Ảnh: Tuấn Anh

Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước nhằm tạo những bước tiến lớn trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới.

Với khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) thực sự là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, “công tác đối với NVNONN cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc” và là “trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”.

Đây là các quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về NVNONN như Nghị quyết 36-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị và những văn bản chỉ đạo khác, cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác NVNONN” và tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác NVNONN trong tình hình mới.

Các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và thực tiễn công tác đã cho thấy, công tác đối với NVNONN gồm ba nội dung lớn, đó là: xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến kiều bào; vận động kiều bào; hỗ trợ kiều bào. Nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc cần được thể hiện qua cả ba nội dung công tác này.

Xây dựng chính sách, pháp luật

Kế thừa Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45, Kết luận 12 tiếp tục đặt ra mục tiêu “hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ chính sách liên quan đến NVNONN”. Cần nhận thức được vai trò của việc xây dựng chính sách, pháp luật: khung pháp lý cơ bản dành cho kiều bào là nền tảng pháp lý để xây dựng, thực hiện những giải pháp vận động và hỗ trợ kiều bào, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của kiều bào. Đây là cơ sở để củng cố ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Các bộ, ban, ngành, tổ chức ở trung ương cùng với các cơ quan tại địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm nhận định, tham mưu kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách dành cho NVNONN, từ đó đưa ra kiến nghị chính sách, pháp luật phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị tại Tọa đàm trực tuyến 'Kết nối kiều bào trong phòng chống dịch Covid-19' ngày 18/7.

Vấn đề quốc tịch là một ví dụ: Có thể nói, việc có quốc tịch Việt Nam không chỉ là vấn đề pháp lý, mà đối với nhiều người đây còn là vấn đề tình cảm mang ý nghĩa thiêng liêng gắn bó với đất nước, là nguyện vọng chính đáng của đồng bào ta ở nước ngoài. Để giải quyết vấn đề này, Kết luận 12 đã chỉ rõ “Giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36”.

Kết luận cũng đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, phản hồi và phát huy ý kiến đóng góp của doanh nhân, chuyên gia, trí thức NVNONN. Điều này cho thấy mong muốn tiếp thu, lắng nghe ý kiến từ kiều bào để nâng cao hiệu quả xây dựng chính sách, pháp luật, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, đồng hành với đất nước.

Ngày 23/10 vừa qua, lần đầu tiên, Ủy ban nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức Lễ ra mắt Trang thông tin điện tử và Phát động chương trình “Khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định của pháp luật và thủ tục hành chính liên quan”. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, cho thấy quyết tâm triển khai các chủ trương một cách thực chất, hiệu quả, đồng thời ngày càng hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN.

Vận động NVNONN

Việc vận động NVNONN nhằm khơi dậy tinh thần hướng về quê hương, mong muốn góp phần vào sự phát triển của đất nước. Việc này không chỉ bao hàm giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại, cảm hóa những cá nhân còn định kiến mà còn cả việc thu hút nguồn lực kiều bào, tổ chức các hoạt động hướng về quê hương, đất nước; cung cấp thông tin về đất nước cho kiều bào và khen thưởng, đãi ngộ, tôn vinh kiều bào có công, có thành tích. Đây là cơ sở để kiều bào hiểu đúng, hiểu rõ về tình hình đất nước, khơi dậy tình cảm gắn bó, từ đó khuyến khích kiều bào có những hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc.

Có thể thấy, việc vận động, thu hút nguồn lực của NVNONN có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc thực hiện tầm nhìn phát triển của đất nước trong thời gian tới. Để thu hút nguồn lực, khích lệ kiều bào có nhiều đóng góp hơn nữa hướng về quê hương, Kết luận 12 đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ nhằm vận động, tập hợp, cung cấp thông tin và kịp thời tôn vinh, khích lệ kiều bào.

Nhằm thực hiện những nhiệm vụ này, các cơ quan, tổ chức tham gia công tác nhận thức được vai trò của nguồn lực kiều bào đối với sự phát triển đất nước. Cần thấm nhuần quan điểm “mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài nếu mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc”. Đây là cơ sở củng cố ý thức trách nhiệm trong việc vận động kiều bào.

Đồng thời, kiều bào cần nhận thức được tầm quan trọng của chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng như trách nhiệm, vai trò đối với sự phát triển của quê hương, đất nước. Dù có thể có những khác biệt về nhận thức, quan điểm, miễn là không đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc, cùng hành động, phấn đấu vì mục tiêu và những giá trị chung phù hợp với lợi ích của đất nước thì đều có mặt trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Kết luận số 12: Những nội dung chính về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

Hỗ trợ NVNONN

Việc hỗ trợ NVNONN nhằm mục đích giúp kiều bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, sinh sống, hội nhập vào xã hội sở tại, không chỉ bao gồm việc hỗ trợ địa vị pháp lý cho NVNONN và bảo hộ công dân mà còn bảo đảm quyền lợi chính đáng của NVNONN ở trong và ngoài nước; hỗ trợ kiều bào giữ gìn bản sắc văn hóa và duy trì, đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt và hỗ trợ các hội đoàn NVNONN.

Cho tới nay, đại bộ phận NVNONN có địa vị pháp lý ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, ngày càng ý thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì bản sắc văn hóa và ngôn ngữ dân tộc đối với sự tồn tại, phát triển của cộng đồng. Dù vậy, kiều bào ở một số nơi còn gặp khó khăn trong việc cư trú, không có địa vị pháp lý rõ ràng. Việc tổ chức các hoạt động duy trì văn hóa, ngôn ngữ dân tộc còn hạn chế, đứng trước nguy cơ về sự mai một ngôn ngữ, văn hóa dân tộc... trong thế hệ trẻ kiều bào.

Kết luận 12 đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, bao gồm tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ kiều bào, nhất là những địa bàn còn gặp khó khăn; đẩy mạnh ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng tội phạm người Việt trong cộng đồng; chú trọng hợp tác với nước sở tại, thúc đẩy đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại cơ sở giáo dục ở những nơi có đông kiều bào, đồng thời nghiên cứu về việc xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam và lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt để cổ vũ kiều bào, nhất là thế hệ trẻ học tập, giữ gìn văn hóa, ngôn ngữ dân tộc.

Qua đây, có thể thấy chủ trương đại đoàn kết dân tộc được thể hiện xuyên suốt trong các nội dung công tác đối với NVNONN, đồng thời thể hiện tính hỗ tương mà trong đó, Đảng và Nhà nước cùng với cộng đồng kiều bào đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy tinh thần đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng thể góp phần thực hiện thành công khát vọng phát triển của dân tộc.

Việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong mọi mặt của công tác đối với NVNONN có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.

Lương Thanh Nghị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

(Bài viết đăng trên Báo Thế giới & Việt Nam ngày 18/12/2021)

​​


Các tin khác

Tin tiêu điểm