Cánh cò không mỏi
![]() Ảnh minh họa |
Dung khép cổng, bỏ lại phía sau lưng dòng xe cô ồn ào. Thành phố ngày một lớn dần, cao dần, đường xá ngày một rộng nhưng cũng chật chội đầy xe và người. Đôi lúc người ta muốn trốn cái náo nhiệt đi tìm giấc ngủ trưa nhưng khó thực hiện được. Đối với Dung lại khác hơn không trốn tránh ồn ào bằng cách tạo ra một khoảng sân hẹp trước nhà, có chút nắng, chút mưa, chút gió để nhớ về một vùng bình yên trong cuộc đời. Một vùng quê bình yên trong tâm thức. Nói là vùng bình yên nhưng cũng chẳng bình yên chút nào? Vì nơi đó nó luôn biến đổi, chuyển động không ngừng nghỉ. Mặc dù trong trạng thái âm thầm nhưng rất mãnh liệt, xôi nổi từng ngày từng giờ. Dung đã đắm mình bên trong cái thế giới êm ả đó, đã biết có một sức quyến rủ lạ kỳ, ai mà nếm trải qua không bao giờ thoát ra được!
Dung không thể nào quên được hơi hướm quê nhà dù đã hơn mười năm làm dân thành phố. Với đồng lương giảng viên đại học vợ chồng Dung cũng tạm đủ chi xài trong sinh hoạt gia đình, đủ ăn quen với các món ăn mới lạ. Nhưng cứ mỗi lần nghe mùi khen khét Dung nhớ mẻ cá kho khô, nghe mùi quế, ngò nhớ mùi canh chua bốc khói từ tay mẹ. Thấy mắm kho nhớ bông điên điển. Nhớ nắng, nhớ mưa, nhớ mùi mẹ, mùi cha da diết!
Thấy Dung buồn buồn, Thành- chồng của Dung an ủi: “Chủ nhật tới anh chở em và con về thăm quê ngoại”. Dung lại rươm rướm nước mắt: “Về đó lại càng buồn hơn chỉ thấy di ảnh hai người trên bà thờ. Dung không ngờ chỉ mười năm mà mọi thứ đã đổi thay đến bất ngờ, cô sinh viên ngày nào đã thành cô giảng viên đại học. Ba, mẹ đã dắt nhau bước qua nỗi lo lắng về một miền xa khuất. Ông bà đi không thấy được các con mình thành đạt, và những đứa cháu bụ bẫm của người luôn ước ao. Đi, để các con không có dịp trả hiếu. Một sự nuối tiếc cho người còn lại không thể nguôi ngoai.
Dung cứ dằn vặt trong lòng về cuộc đời ba, me.
“Út Dung con của hai Thừa đậu đại học”. Cái tin làm cho bà con lối xóm vừa mừng vừa thắc mắc: “Gia đình chú hai Thừa chỉ có tám công ruộng và một ít công bờ, cuộc sống không mấy dư giả nhưng làm sao nuôi nổi hai đứa đại học? Nay đến đứa thứ ba cũng vừa đậu đại học liệu chú có nuôi nổi không?”
Lối xóm bàn tán:“Chú hai tiện tặn cho con ăn học là điều đáng khâm phục, nhưng chuyện con đậu vào đại học liên tiếp như vậy ở một gia đình nông thôn là chuyện rất hiếm! Học trò trong xóm thi rớt lên rớt xuống, thi mãi mà không đậu! Có đứa luyện thi đôi ba lần, càng luyện càng thi rớt, cuối cùng đành phải học trung cấp ngành nào đó. Còn đàng này con hai Thừa thi là đậu, đứa con gái lớn coi như vận mai, kế đến thằng Tùng cũng đậu, nay con út Dung cũng đậu? Chuyện vào đại học gia đình chú hai Thừa như chuyện lên lớp 10 ở trường xã”.
Trong những buổi trà dư tửu hậu người ta phân tách về việc nhà chú hai: “Tôi không thấy con nhỏ học gì cho lắm? Chỉ thấy nó đem chuối, mít rau quả ra chợ bán, ăn nói dễ thương, vào mùa thu hoạch lúa thì thấy nó đi cắt lúa, con nhỏ cắt lúa giỏi, một mình đứng nửa công mười giờ là rồi, hỏi sao không cắt nữa. Nó trả lời: “Về đi học”. Chưa hết, mùa cá xuống tháng mười, tháng mười một nó cùng các chị em đi kéo lưới dưới kinh như con trai. Nghe đâu việc bếp núc nó lại rất khéo tay, biến chế nhiều món ăn dân dã mà ngon miệng vô cùng. Như món rắn chun dồi hầm lá cách, lươn hấp rau ngổ, các tay nhậu tới nhà chú hai về khen đáo để.”
Bà con không ngớt ngợi khen chú thím hai giáo dục con ngoan, học giỏi. Mỗi lần được lời khen thím hai chỉ cười và nói: “ Nhờ tụi nó sáng dạ, học một biết hai chớ về nhà vợ chồng tui chữ nghĩa có bao nhiêu mà dạy! Những người thân cận thì mới nhận ra gia đình chú hai Thừa là nông dân mẫu mực trong xóm. So với người dư dả ở vùng đất này thì chú hai Thừa thuộc hạng bét. Hạng thứ nhứt có năm, ba héc ta đất ruộng trở lên, thứ nhì có đôi héc ta, còn chú hai vỏn vẹn tám công tính luôn bờ vườn mới được một héc ta. Nhìn lối sống gia đình của chú thím hai rất đơn giản, cần kiệm tiêu xài đúng nơi đúng chỗ. Đôi lúc có người cho rằng keo kiệt. Chú hai nghe lọt lỗ tai nhưng trả lời một cách vui vui: “Liệu cơm gắp mằm mà!” Câu nói dân gian ai cũng nói được, nhưng thực hành câu ấy có mấy ai?
Dân ở miệt kinh có truyền thống: “Ăn đã, xài sang”. Vào thập niên cuối thế kỷ trước, ở vùng quê còn thông lệ làm heo chia lúa, gọi tắt là lúa thịt. Một gịa lúa kí lô hai thịt, hoặc ký lô lẻ ba gì đó, tùy thuộc theo giá cả hàng năm. Vào dịp mùng 5 tháng 5, hoặc tết nhứt người ta vật heo một lần 5, 10 con chia mới đủ vì mỗi nhà ít nhứt là rinh phần tư con heo về ăn. “Ăn tới vụ lúa chín mới trả mà lo gì?” Tới mùa lúa nhà nhà đông lúa thịt trăm gịa là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, việc chia lúa thịt còn ràng buộc với ý nghĩa qua lại, giúp đỡ nhau, tới phiên tôi làm heo anh chia, tới anh tôi chia. Việc này chú hai Thừa thường than với anh em: “ Cảnh nhà tôi đất ít, vả lại mấy đứa nhỏ con tôi không thích ăn thịt heo nên chia vài ký thôi! Lối xóm nghĩ tình của hai Thừa nên không so đo gì, nhưng trong dạ cho là hai Thừa keo kiệt. Dân miệt kinh sau mùa thu hoạch lúa đem ghe đi mua sắm tủ, bàn ghế đầy ghe. Chọn toàn những thứ đắt tiền, quần áo, xe cộ phải là hàng “xịn”, hàng nhập, chớ hàng Trung quốc không chịu đâu! Còn nhà chú thím hai chỉ sắm những thứ cần thiết cho gia đình.
Thấy nhà chú thím Hai ăn xài tiện tặn, có người vui miệng nói: “ Anh có 3 đứa con, ăn xài xả láng đi, đói khát gì mà sợ.
Chú hai cười:
- Người lớn có nhu cầu gì đâu? Chỉ lo cho tụi nhỏ thôi!
Đúng là nhà chú hai dồn tất cả cho con! Từ lúc các con còn học tiểu học, thím hai đã theo sát việc học của con. Bài nào về thấy điểm ít, môn nào kém bị thầy cô phê, thím phải buộc con phải học ôn, học cho hiểu được mới thôi! Theo lối này, đứa lớn chỉ cho đứa nhỏ, kềm cập từng môn, từng bài, nếu như bài nào không hiểu thì nhờ thấy cô giúp cho hiểu. Có cơ bản từ bậc tiểu học nên lên trung học các con của chú hai có cái đà, cộng với sự kiên trì nhắc nhở ngày ngày của ba mẹ nên con của chú thím hai đứa nào học hành cũng tiến bộ, cũng siêng năng.
Chú Hai thường nói:
- Xưa kia nước mình bị đô hộ cũng bởi thiếu học, thiếu học dẫn đến cái nghèo, nghèo truyền kiếp! Nay hòa bình độc lập, phát triển kinh tế lại cần có học hơn. Chỉ có học cái đầu mới mở ra, tiếp nhận được khoa học kỹ thuật, tiếp cận sản phẩm văn minh của nhân loại, từ đó mà mình ứng dụng trong bối cảnh phát triển thời hội nhập.
Việc lao động ở nhà chú thím hai cũng cân phân và luôn ý thức cho các con hiểu bên cạnh cái học còn phải lao động, và ý nghĩa cao quý của sự lao động. Để đủ tiền cho các con ăn học chú thím hai phải chịu vất vả, tiện tặn trong việc chi xài, dành hết cho việc học của các con. Ngoài số ruộng ra, chú hai tận dụng hai công bờ trồng rau màu quanh năm, suốt tháng, hàng ngày gia đình chú tiêu xài vén khéo trong phần tiền thu nhập này. Rảnh rỗi chú thím còn đi làm công cho lối xóm, như: đào đất vét mương, đánh lá mía cho để kiếm thêm tiền mua sắm quần áo cho con.
Lên bữa ăn, chú thím hai thường nhắc nhở các con phải trao dồi nhân cách, ứng xử lễ phép với cô bác láng giềng và ông bà cha mẹ. Lối dạy con nhà thím Hai rất nhỏ nhẹ người kế bên không nghe biết. Lối dạy con không ồn ào to tiếng, không mắn chửi, đánh đập, nhưng các con rất ngoan.
Thím Hai thường tâm sự với hàng xóm:
- Đừng nên đánh con để hả nư giận, càng đánh nó càng lì và không nghe, nên dạy con phải nói nhỏ nhẹ, đúng nơi, đúng chỗ mới có hiệu quả!
Có những năm kinh tế gia đình của chú Thừa gặp khó khăn vì dồn cho con đi học lâu ngày cũng mòn mỏi, gần như kiệt huệ. Đứa con lớn thấy ba mẹ lo lắng chia sẻ:
- Con kiếm được chỗ dạy kèm cũng có chút đỉnh tiền mẹ khỏi cho con, dành tiền cho em Bình.
Bình nghe được phân trần:
- Con cũng đã kiếm được việc làm ngoài giờ học có thêm chút tiền để mẹ nhẹ gánh.
Cảnh khó khăn tạm qua, thì tiếp đến con út, khi con đi thi mà trong dạ thím Hai mâu thuẫn. Nửa muốn cho con rớt, nửa muốn cho con đậu. Chú Hai khuyên thím:
- Bà ơi! Năm tới con gái lớn ra trường sẽ có việc làm, lúc ấy nó nhín ra số tiền cho con út học được mà!
- Biết như vậy, nhưng tôi vẫn luôn lo trong lòng, đắn đo những luống rau màu, thửa ruộng biết có được hiệu quả gì trong những tháng ngày tới?
Lúc thím Hai soạn đồ cho con út Dung đi thi thím xúc động rơi nước mắt: “Con gái xóm này trạng tuổi con mình có hàng chục bộ quần áo, giầy, dép nón, túi xách toàn là hàng “xịn” trong khi con mình chỉ có vài bộ thay đổi, không có bộ cho ra hồn”. Thương con, thím Hai mấy lần đi mua sắm quần áo cho út, út từ chối:
- Mẹ dành tiền cho anh chị đang cần đóng tiền học phí hơn con. Con có mặc áo quần đẹp cũng vậy thôi, miễn ăn mặc sạch sẻ là được rồi!
Thím Hai quay mặt vô vách giấu giọt nước mắt chảy lem xuống gò má. Sợ con Út bắt gặp ảnh hưởng đến việc thi cử nên dặn:
- Út à! Ráng nghen con! Anh chị con vào đại học hết rồi đó!
Út cười:
- Có gì mà ráng má? Cũng như đi cắt lúa thôi, cứ cắm đầu cắt đừng nghỉ là sẽ rồi công.
Người đi qua ngang rẫy của chú hai Thừa thấy bắc mê, trên hai công đất rẫy ngoài những thứ màu như đậu, cà, bắp được thay đổi liên tục, chú còn tận dụng những lối đi trồng nào là bạc hà, nào là rau hún, ngò quế, rau dềnh, muồng tơi, không thiếu thứ nào, còn dưới mương nuôi cá, đủ loại cá cùng chung sống hòa bình dưới ao. Cá, muốn ăn lúc cũng có. Ngày xưa về miệt đồng ruộng buồn buồn nghe câu hát: “… Ù…ơ…Về sông ăn cá, về đồng ăn cua…” Nhưng bây giờ về đồng cũng vẫn có cá ăn như ở sông.Đôi bàn tay và khối ốc của chú hai đã góp phần làm thay đổi môi trường phát triển ở miệt ruộng đồng.
Dưới nắng trưa, chú, thím hai đang say sưa chăm chút mấy luống hoa sao nháy, hoa cúc vàng đang độ trổ bông cập theo bờ ruộng. Có người hỏi: “Ở từng tuổi này mà anh hai chị còn mê bông hoa nữa hả?” Chú hai nhìn ngoái lại thấy người quen. Cười nói: “ Đâu còn thời để lãng mạn, đây là sắc màu quyến rủ thiên địch nó thuộc hệ sinh học để bảo vệ cây lúa đó! Tôi đang thử nghiệm ứng dụng đây! Nếu thành công thì giảm bớt chi phí chăm sóc cây lúa và ít gây ô nhiễm cho môi trường thiên nhiên.”
Chưa dừng lại đó, chú hai nghiên cứu ở đâu không biết về bàn với bà con lối xóm mô hình xấy lúa đúng ẩm độ, mô hình nhân giống lúa mới có sức kháng sâu rầy cao, phù hợp thổ nhưỡng…Nào là cái nhìn mới của nông dân với hướng đi lên phát triển kinh tế gia đình. Bà con nghe cũng khoái trong bụng và đang chờ chú thực hiện.
Đang làm cỏ, thím hai nhắc:
- Ngày mai chủ nhật, mấy con tựu về mừng cho út Dung đậu đại học đó, nghe nói có thầy cô của nó và mời vài ông bạn đời lối xóm của ông. Vậy, ông tính làm món gì đãi khách đây?
- Thì bắt số cá chép hấp gừng, kèm thêm cặp vịt xiêm nấu cháo trộn rau ghém chuối hột. Rau… ghém… chu…ô..i… Giọng chú hai bỗng đứt khoản, loãng trong buổi trưa. Thím hai không để ý, đôi tay lo chăm chú nhổ cỏ dại mọc xen trong đám rau. Chừng lâu thím nhìn lại thấy chú hai nằm ngoẻo cổ trên bờ giồng. Thím hoảng hốt kéo giật chú dậy, nhưng chú không dậy được, chỉ thều thào: “Bà ráng lo cho con Út tốt nghiệp đừng để con bỏ học nửa chừng”. Chiếc xe chở chú đến nhà thương huyện cứu cấp, cũng chiếc xe đó chở chú về lo tang chế.
Chú hai qua đời có người nói: “Chết “tốt” không đày con cháu, không tốn tiền thuốc men”, như đối với thím hai mà một bất hạnh, sự ra đi quá đột ngột. Tình nghĩa vợ chồng chưa chưa trọn vẹn, bao năm vì cơm áo gạo tiền chia phối, hạnh phúc không mấy khi giờ chú vội đi không nói lời chia tay để cho thím cứ quặn lòng thương nhớ. Mới hai năm thôi mà nỗi nhớ thương chú làm cho thím gầy gò và cơn bịnh tiểu đường đã làm cho thím suy sụp. Một hôm ở bệnh viện thím nằng nặc đòi về, các con chiều ý mẹ. Khì về được tới nhà thím hai lần đi đến bàn thờ đốt cây nhang khấn vái gì đó không ai nghe được. Thấy thím chỏi hỏi các con mừng, lối xóm chia vui. Nhưng hai hôm sau thím nằm vùi thi thoảng nói nhảm trong miệng: “Ông ơi đàn cò trắng bay qua miếng ruộng mình đó! Nó bay hàng ngang đẹp quá! Ông ơi, ngày mai thu hoạch lúa rồi! Cắt bằng máy liên hợp nhanh lắm ông ơi! Cắt xong ông bơm nước vô xới ngâm giống xạ liền để kịp thời vụ. Kị…p”. Thím hai bỏ lửng câu nói rồi hai tay buông thõng.” Các con chỉ kịp vuốt mắt mẹ. Đôi mắt đã từng phân vân khi đưa út đi thi “nửa muốn rớt, nửa muốn đậu”.
Sáng, trưa, chiều đi qua vùng quê vùi lấp bao nhiêu chuyện đời, và mở ra bao ước mơ và hy vọng cho người. Dung dẫn chồng con ra cánh đồng vào một buổi chiều lộng gió, đàn cò trắng bay ngang qua đầu, bay về phía đó! Dung dõi theo dàn cò cho đến khi khuất trong tầm mắt. Cánh trắng nhẹ như mây êm ả. Có lẽ linh hồn cha mẹ mình giờ nhẹ như cánh cò bay hoài không mỏi trong muôn chiều, để cho vùng quê có một dáng thơ đẹp mãi trong đời. Cánh trắng chấp chới bay về phía có đôi mắt của mẹ của cha ngày ngày vuốt ve cho cây lúa làm đòng. Phía mà hoàng hôn tím rịm bầu trời sau cơn mưa, có tiếng ễnh ương hòa tấu bản nhạc lạ kỳ trong đêm. Khi mà người nông dân gác tay lên trán ước mơ một mùa bội thu, ít mồ hôi và công sức.
Bóng cò trắng in qua hai ngôi mộ, Dung thấy rất gần gủi chỉ cách vài tất đất mà sao mơ hồ như xa vời vợi. Sự cách xa vô hình của một thế giới mà khi còn hơi thở không ai hình dung ra được. Chỉ biết về một cõi xa vĩnh hằng không gặp lại nhau.
Dung nói buâng quơ với chồng: “Luận án tới đây em sẽ chọn đề tài nông dân và cây lúa, chắc có lẽ sẽ hay hơn các đề tài khác vì nơi đây em đã mang một nỗi niềm không vơi được! Linh hồn cha mẹ ơi, hãy chấp bút cho con!”
Chiều quê cây cỏ im lìm, bóng nắng lui về phía xa bỏ lại cánh đồng ưu tư và những giọt hồ hôi của người nông dân đọng lại.
Nhật Hồng (nhavantphcm.com.vn)