A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người làng

Từ hôm thực hiện giãn cách xã hội, người làng tôi chỉ ra khỏi nhà khi có việc không đừng được. Nhà tôi càng cẩn thận hơn, bởi chỉ có bà và tôi từ thành phố xin về làm việc online nên khóa cổng suốt ngày. Vậy mà sáng nay, chưa kịp ăn sáng đã có tiếng gọi cổng ời ời:

Ảnh minh họa

- Bà An ơi! Bà An ơi!

Mải chăm mấy luống rau, bà không nghe thấy tiếng gọi. Tôi vơ vội chiếc chìa chạy ra mở cổng. Một cháu bé chừng 10-11 tuổi, miệng bịt khẩu trang và đeo cả kính chống giọt bắn, tay bê cái rổ che lá chuối bên trên hỏi nhỏ nhẹ:

- Chị ơi! Bà An đâu ạ? Mẹ em bảo mang ít bánh, mẹ em mới làm sang biếu bà ăn sáng.

- Bà đang ngoài vườn. Em đợi chị mở cổng nhé!

- Chị đừng mở cổng. Mẹ em dặn sang gọi cổng đưa cho bà rồi về ngay. Đang có dịch nên em không vào đâu. Mẹ em để sẵn đồ trong túi rồi. Em treo túi ở đây, chị cầm đưa vào cho bà nhé.

- Chị và bà cảm ơn em nhiều. Chị là cháu gái bà An còn em là con mẹ nào?

- Em tên Hiền con mẹ Thảo, bố Công. Gia đình em ở cuối ngõ đằng kia kìa. Mẹ em dặn chiều nay, mẹ ra ruộng hái rau muống, mẹ em sẽ treo ở cổng cho bà mấy bó để ăn vài hôm. Chị để ý hễ thấy rau thì cầm vào nhé!

Treo đồ ở cánh cổng song cô bé chào tôi rồi quay về. Tôi mang túi vào, nội mở ra. Một miếng bánh đúc lạc, mấy cái bánh tẻ, bánh nếp. Nội vừa xếp bánh vào cái mẹt nhỏ vừa nói: “Con mẹ Thảo chịu khó quá. Chắc dịch dã, ít ra đồng, không phải ra chợ bán rau nên lẩn mẩn làm đủ thứ đây. Mỗi lần làm bánh là cả xóm được thưởng thức. Tình làng nghĩa xóm có khác. Tôi hỏi bà: “Cô Thảo làm nhiều bánh thế xóm có phải đóng góp gì không, bà”. Nội cười ha hả, mắng yêu tôi: “Cha bố chị! Góp thì còn nói làm gì? Nguyên liệu đã là quý rồi, nhưng công sức người làm còn quý hơn. Của một đồng, công một nén mà! Mỗi lần làm bánh thế này, cô Thảo phải thức gần hết đêm đấy. Nhà có gì san sẻ cái đó, thế mới là tình làng nghĩa xóm chứ cháu”.

Nói rồi nội rót cốc nước lá vối tươi nhấp giọng:

Bây giờ cuộc sống hiện đại, đôi khi cái mới làm mai một đi nếp cũ. Xóm mình nhiều nhặn gì đâu, có già chục hộ quây quần bao đời nay. Giờ nhà nào nhà nấy khá giả nên kín cổng, cao tường. Chứ trước toàn hàng rào dâm bụt, duối rô nên trẻ con nhà nọ vạch rào sang nhà kia. Thuở bố mày còn để chỏm, nghịch như giặc. Tối nào chả cầm đầu bọn trẻ con chơi trận giả, trốn tìm, hò hét ầm ĩ. Người làng chẳng họ cũng thân mà. Có hôm bố mày ra đồng bắt được giỏ cua, rổ hến mang về bà nấu cả nồi to rồi múc chia mỗi nhà một bát. Nhà nào cũng thế, đến kỳ mổ lợn, thịt bán thương lái nhưng riêng cỗ lòng để lại, chế biến xong bày ra các đĩa mang biếu mỗi nhà một phần. Người quê quý nhau ở cái tình. Bà thấy đám thanh niên lớn lên bây giờ ít quan tâm đến nhau, sống thờ ơ với xóm giềng quá. Đời thuở nhà ai, cùng một xóm, học cùng một trường mà không biết nhau. Thật buồn! Con người ta như cái cây ấy, gốc có chắc, rễ có bám sâu vào lòng đất mới to, mới khỏe, lá mới xanh cháu ạ! Vì công vì việc bố cháu lập nghiệp ở thành phố đã là một nhẽ, nhưng ngày tư ngày tết, bà cứ mong chúng bay về sum họp, cũng là để hiểu xóm hiểu làng, gắn bó với quê hương hơn”.

Nghe nội nói tự dưng mắt tôi cay xè. Giờ tôi mới hiểu, vì sao quê tôi cách Hà Nội hơn trăm cây số mà lần nào về, bố tôi cũng túi lớn túi bé đủ thứ làm quà. Mẹ tôi người “phố xịn” nên mỗi lần thấy bố làm vậy lại có vẻ không bằng lòng: “Bây giờ thiếu thốn gì đâu mà anh cứ tay đùm, tay nắm vậy?”. Bị mẹ tôi “chê” nhưng bố tôi không vặc lại, lặng lẽ sắp xếp các thứ vào túi. Mỗi lần từ quê về lại phố, tinh thần bố tôi phấn chấn hẳn lên, vui hơn ngày thường./.

Kim Cúc (theo baonamdinh.com.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu