Tọa đàm “Kiều bào với thành phố mang tên Bác”
Nhân dịp diễn ra Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, sáng 11/11, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Kiều bào với thành phố mang tên Bác”.
Tham dự buổi tọa đàm có ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Lê Thanh Liêm - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh; GS-TS Nguyễn Trí Dũng - kiều bào tại Nhật; GS Nguyễn Kim Đan - kiều bào tại Pháp; GS-TS Nguyễn Quốc Bình - kiều bào tại Canada; ông David Ngo - kiều bào tại Mỹ và ông Nguyễn Đỗ Dũng - kiều bào tại Singapore.
Mục đích của buổi tọa đàm là lắng nghe các ý kiến đóng góp cho TP Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực để thành phố mang tên Bác ngày càng phát triển, đồng thời ghi nhận những kiến nghị của các đại biểu kiều bào để ngày càng huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho công cuộc xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh.
Tham dự Tọa đàm “Kiều bào với thành phố mang tên Bác”, các đại biểu kiều bào tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề chính như: xây dựng TP phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao; thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài; cải tiến sản phẩm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Trên cơ sở xác định những vấn đề còn tồn tại, các đại biểu đã thẳng thắn đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập.
Về vấn đề giải quyết ngập lụt, ông Nguyễn Kim Đan khẳng định rằng cách tiếp cận khôn ngoan nhất là quản lý rủi ro ngập lụt để giảm thiểu tới mức thấp nhất tổn thất do ngập lụt. Khi đề xuất các biện pháp kiểm soát ngập, chúng ta nên sử dụng quan điểm quản lý rủi ro theo “nhiều mức” để phân biệt nơi nào có thể không bị ngập lụt, nơi nào có thể tránh được ngập ở một mức độ an toàn nhất định, và nơi nào không thể tránh được ngập, cần có biện pháp để hồi phục nhanh nhất với thiệt hại thấp nhất sau mưa lũ. Chúng ta cần thông báo rõ với người dân về quy hoạch quản lý rủi ro ngập lụt của Thành phố, để họ hiểu và đồng thuận với chính quyền trong quản lý rủi ro ngập lụt. Công tác dự báo sớm là rất quan trọng, để giảm bớt rủi ro và thiệt hại do lũ, cần được trang bị hệ thống dự báo sớm bao gồm: hệ thống quan trắc mưa và dòng chảy, trung tâm điều khiển được trang bị các phần mềm dự báo ngập lụt, hệ thống thông tin kết nối giữa Trung tâm điều khiển chống ngập và cộng đồng để cập nhật các thông tin về ngập lụt cho toàn Thành phố.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, GS-TS Nguyễn Quốc Bình, kiều bào tại Canada, cho rằng trong các lĩnh vực công nghệ thì Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng có khả năng cạnh tranh với thế giới dễ dàng nhất là công nghệ sinh học. Bởi vì công nghệ sinh học không cần đầu tư nhiều về công nghệ phụ trợ, về cơ khí chính xác, về hạ tầng giao thông hay về các công nghệ tiên tiến về vi mạch, để có thể ngang hàng với thế giới. Ví dụ, để sản xuất ra được một chiếc ô tô, chúng ta cần hàng ngàn linh kiện mà Việt Nam chưa thể tự sản xuất được, để sản xuất ra một chiếc điện thoại thôi cũng đã phải nhập bao nhiêu là linh kiện; trong khi đó để làm ra và sản xuất một loại vắc-xin nào đó chúng ta chỉ cần trí óc, một phòng thí nghiệm vừa phải, một vài con vi khuẩn và một nồi lên men tự chế, là có thể sản xuất ra hàng trăm triệu liều vắc-xin giá trị hàng trăm triệu USD. Có thể nói, đây là lĩnh vực mà người Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới trong hiện tại và tương lai.
Trước những giải pháp và đề xuất của kiều bào đưa ra tại Tọa đàm, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh trân trọng cám ơn những tấm lòng của kiều bào luôn hướng về quê hương và cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Ông đánh giá cao những ý kiến đóng góp của kiều bào và sẽ nghiêm túc xem xét, nghiên cứu và rút ra những đề xuất phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của TP Hồ Chí Minh.
Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đã giới thiệu về chương trình, mục đích và ý nghĩa của Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới: “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”. Thứ trưởng cho biết: TP Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Chính vì vai trò đặc biệt của Thành phố như vậy, nên Hội nghị lần này được tổ chức với mục đích truyền tải đầy đủ thông tin đến các đại biểu kiều bào về tầm nhìn, các chương trình, kế hoạch, nhu cầu hợp tác, phát triển của TP Hồ Chí Minh; lắng nghe những trao đổi, giải pháp và đề xuất của kiều bào đối với sự phát triển của Thành phố. Quy mô của Hội nghị rất lớn, thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu kiều bào là những chuyên gia, tri thức đầu ngành đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hội nghị cũng nhận được sư hưởng ứng, tham gia tích cực của Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành trong việc xây dựng và tổ chức Hội nghị. Trọng tâm thảo luận chính của Hội nghị thông qua 4 phiên chuyên đề là về những vấn đề nóng của TP Hồ Chí Minh như: quy hoạch đô thị, giao thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ, thu hút đầu tư... và đại biểu kiều bào tham dự được lựa chọn là những chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào có những đóng góp cụ thể, tâm huyết với Thành phố.. |
Thủy Trần